Đau đầu gối khi ngồi xổm là bị gì? Có cần chữa?
Nội dung bài viết
Đau đầu gối khi ngồi xổm là một vấn đề phổ biến có thể liên quan đến các vấn đề ở xương bánh chè hoặc các bộ phận khác của khớp. Tìm hiểu các nguyên nhân là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng liên quan.
Đau đầu gối khi ngồi xổm là bị gì?
Có nhiều nguyên nhân và điều kiện y tế có thể dẫn đến tình trạng đau đầu gối khi ngồi xổm. Vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơn đau phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Một số nguyên nhân và điều kiện y tế cơ bản có thể bao gồm:
1. Ngồi xổm không đúng cách
Ngồi xổm là một tư thế quen thuộc và phổ biến trong đời sống cũng như các bài tập thể dục. Tuy nhiên, ngồi xổm không đúng phương pháp có thể gây áp lực lên đầu gối, cơ đùi, cơ mông và dẫn đến các cơn đau.
Thông thường tình trạng này không nghiêm trọng, các cơn đau sẽ được cải thiện khi thay đổi tư thế và nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, các chấn thương hoặc cơn đau mãn tính có thể cần đến bệnh viện để kiểm tra các vấn đề liên quan.
2. Bong gân đầu gối
Tư thế ngồi xổm có thể khiến đầu gối bị uốn cong không đúng phương pháp, điều này có thể gây tổn thương gân và dẫn đến các cơn đau.
Trong một số trường hợp, bong gân có thể gây sưng và viêm đau ở khớp gối. Các cơn đau cơ xu hướng nghiêm trọng hơn người bệnh ngồi xổm, thực hiện các bài tập liên quan đến uốn cong đầu gối hoặc tác động lực lên khớp gối.
Đôi khi bong gân đầu gối có thể xuất hiện sau một số chấn thương, lực tác động trực tiếp lên đầu gối. Tình trạng này có thể gây khó khăn khi di chuyển hoặc chạy bộ. Trong trường hợp này người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị chuyên môn theo phác đồ của bác sĩ.
3. Viêm gân
Gân đầu gối là bộ phận có nhiệm vụ nối các cơ với xương. Viêm gân ở đầu gối xảy ra khi một người lạm dụng đầu gối thường xuyên khiến các gân quanh đầu gối bị tổn thương, sưng và viêm đau.
Viêm gân đầu gối thương có liên quan đến các hoạt động lặp lại nhiều lần, đặc biệt là khi các hoạt động này tác động lên gân như ngồi xổm, chơi thể thao hoặc thực hiện một số động tác tác động lên đầu gối.
4. Hội chứng đau xương bánh chè
Hội chứng đau xương bánh chè là tình trạng gây đau xung quanh xương bánh chè. Cơn đau thường xuất hiện ở phía trước đầu gối, dẫn đến tình trạng đau đầu gối khi chạy bộ hoặc ngồi xổm.
Hội chứng đau xương bánh chè có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, tuy nhiên những vận động viên chạy bộ, nhảy xa hoặc người luyện tập động tác squat sai phương pháp thường có nguy cơ cao hơn.
Bên cạnh đó, bất cứ tổn thương, tác động lực nào ảnh hưởng đến đầu gối cũng có thể dẫn đến Hội chứng đau xương bánh chè và gây đau khi ngồi xổm.
5. Viêm khớp gối
Viêm khớp là thuật ngữ chung để mô tả các tình trạng đau và viêm ở các khớp. Có khoảng 200 loại viêm khớp khác nhau có thể tác động đến tất cả các khớp trong cơ thể, bao gồm khớp gối.
Cụ thể các loại viêm khớp có thể ảnh hưởng đến đầu gối bao gồm:
- Viêm sụn khớp gối: Sụn là mô mềm, dày, bao quanh các khớp và hỗ trợ khớp di chuyển linh hoạt. Viêm sụn khớp là tình trạng sụn khớp gối bị bào mòn, tổn thương hoặc vỡ.
- Thoái hóa khớp gối: Đây là tình trạng thoái hóa khớp theo thời gian, dẫn đến các cơn đau và viêm ở đầu gối. Các cơn đau thường phổ biến ở đầu gối, xung quanh đầu gối và người bệnh có thể có cảm giác cứng khớp gối. Các cơn đau thường có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh ngồi xổm hoặc chạy bộ.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một dạng viêm khớp liên quan đến tình trạng tự miễn dịch ảnh hưởng đến các khớp trong toàn cơ thể. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh xung quanh khớp, gây đau, sưng và cứng khớp.
Ngoài ra, tình trạng viêm khớp có thể xuất hiện sau các chấn thương ở đầu gối hoặc dây chằng. Đôi khi các chấn thương có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây viêm khớp nhiễm khuẩn. Đây là tình trạng nghiêm trọng, có thể gây mất khớp vĩnh viễn, do đó người bệnh nên đến bệnh viện nếu nhận thấy các dấu hiệu viêm khớp.
6. Rách gân xương bánh chè
Chấn thương nghiêm trọng hoặc bong gân có thể dẫn đến rách sụn hoặc gân ở đầu gối. Nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến tình trạng này thường bao gồm tai nạn trực tiếp tác động lên đầu gối, té ngã, bị tấn công vào đầu gối.
Các triệu chứng rách gân xương bánh chè phổ biến bao gồm:
- Đau đầu gối khi đi bộ, chạy bộ hoặc ngồi xổm
- Đau âm ỉ ở xương bánh chè
- Xuất hiện một vết lõm sâu ở xương bánh chè
Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và kích thước của vết rách. Trong các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể dành thời gian nghỉ ngơi và vật lý trị liệu tại nhà. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng và cần phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.
7. Hội chứng dải chậu chày
Hội chứng dải chậu chày (Iliotibial band syndrome) là một trong các chấn thương phổ biến ở người chạy bộ, đặc biệt là ở người chạy bộ đường dài.
Dải chậu chày (Iliotibial band) là một dải mô sợi, dày, chạy dọc theo bên ngoài chân từ xương chậu đến đầu gối. Dải chậu chày có cấu trúc khác với các mô cơ bắp, ít hoạt động và thường khó kéo dài.
Khi dải chậu chày bị viêm có thể dẫn đến các cơn đau ở đầu gối, đặc biệt là trong các cử động liên quan đến khớp như ngồi xổm, chạy bộ, đi xuống cầu thang.
Đau đầu gối khi ngồi xổm có cần điều trị không?
Ngồi xổm là một tư thế phổ biến trong hoạt động hàng ngày hoặc trong luyện tập thể dục. Trong một số trường hợp, hành động này có thể dẫn đến các cơn đau đớn, khó chịu. Cơn đau thường phổ biến ở dưới xương bánh chè hoặc các khu vực liên quan khác của khớp.
Tùy thuộc vào nguyên nhân tình trạng này có thể tự cải thiện bằng cách nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần đến bệnh viện, thực hiện xét nghiệm và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Điều quan trọng nhất là xác định nguyên nhân dẫn đến cơn đau đầu gối khi ngồi xổm. Do đó, nếu không xác định được nguyên nhân liên quan, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra phù hợp.
Ngoài ra, đến bệnh viện ngay nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, gây đau đầu gối dữ dội kèm hoặc sưng phù ở đầu gối và sốt. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng ở đầu gối.
Biện pháp xử lý tình trạng đau đầu gối khi ngồi xổm
Việc điều trị, xử lý phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản dẫn đến các cơn đau.
Nếu cơn đau nghiêm trọng, xuất hiện sau các chấn thương hoặc đi kèm dấu hiệu bệnh lý khác, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trong trường hợp cơn đau xuất hiện khi ngồi xổm quá lâu, ngồi sai tư thế hoặc áp lực lên đầu gối, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng tại nhà.
Cụ thể các biện pháp xử lý tình trạng trạng đau đầu gối khi ngồi xổm bao gồm:
1. Thay đổi tư thế hoạt động
Thói quen ngồi xổm hoặc thường xuyên luyện tập các động tác tác động đến khớp gối, có thể dẫn đến các cơn đau ở đầu gối khi uốn cong đầu gối hoặc thực hiện các hoạt động liên quan.
Trong trường hợp này, người bệnh có thể hạn chế, tạm dừng hoặc thay đổi các tư thế có thể dẫn đến các cơn đau. Nếu không thể tạm dừng các hoạt động, người bệnh có thể thay đổi lịch trình luyện tập để tránh gây áp lực lên khớp gối.
Các tùy chọn luyện tập phổ biến bao gồm:
- Bơi lội
- Thể dục nhịp điệu dưới nước
- Di chuyển hoặc thực hiện động tác chạy bộ dưới nước
- Đi xe đạp với cường độ vừa phải
2. Phương pháp RICE điều trị chấn thương
RICE là phương pháp kết hợp nghỉ ngơi, chườm đá, băng khớp bị tổn thương và nâng khớp cao hơn tim để cải thiện các cơn đau liên quan đến bong gân. Cụ thể phương pháp như sau:
- Nghỉ ngơi (Rest) bằng cách ngừng các hoạt động liên quan đến khớp gối bị tổn thương. Người bệnh cũng nên tránh các tư thế ngồi xổm hoặc đặt trọng lượng lên đầu gối trong quá trình hồi phục.
- Chườm lạnh (Ice) là phương pháp đặt một túi đá lạnh lên đầu gối bị tổn thương trong 20 phút mỗi lần và 3 – 4 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, người bệnh không nên chườm đá trực tiếp lên da, điều này có thể gây bỏng lạnh và viêm da.
- Băng (Compression) đầu gối bị tổn thương bằng băng thun hoặc vải mỏng có thể tránh nguy cơ bị sưng khớp gối. Tuy nhiên, người bệnh không nên băng quá chặt để tránh căng thẳng và chèn ép các dây thần kinh.
- Nâng cao khớp gối (Elevation) có thể hạn chế máu lưu thông đến khớp gối và cải thiện các cơn đau. Người bệnh có thể nằm và nâng đầu gối lên cao hơn tim để hỗ trợ giảm đau.
3. Chườm nóng
Trong các trường hợp viêm khớp hoặc cứng khớp gối, người bệnh có thể chườm nóng hoặc áp dụng nhiệt lên đầu gối bị tổn thương để giảm đau. Nhiệt độ cao có thể cải thiện lưu lượng máu và oxy lưu thông đến khớp gối và giảm đau. Tuy nhiên, chườm nóng không đúng phương pháp có thể tăng nguy cơ sưng và viêm khớp.
Người bệnh có thể mua miếng dán chườm nóng tại nhà thuốc hoặc ngâm khăn trong nước ấm để chườm lên đầu gối. Chú ý nhiệt độ để tránh tình trạng bỏng da.
4. Sử dụng thuốc giảm đau
Trong các trường hợp cơn đau nghiêm trọng hoặc không được cải thiện bằng các phương pháp không dùng thuốc, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC).
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen là loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để cải thiện các cơn đau, giảm sự khó chịu và chống viêm. Tác dụng phụ thường bao gồm gây rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa.
Các loại thuốc khác có thể bao gồm kem và gel thoa ngoài da, thường có chứa hoạt chất Capsaicin (được tìm thấy trong các loại ớt cay). Đây là loại thuốc được chỉ định cho người không thể dùng NSAID và được áp dụng thường xuyên, khoảng 3 – 4 lần trong ngày.
5. Massage trị liệu
Massage, xoa bóp với một nhà vật lý trị liệu có thể giảm căng thẳng, áp lực lên khớp gối, cải thiện các cơn đau và ngăn ngừa chấn thương trong tương lai.
Massage thường là lựa chọn phù hợp cho các chấn thương liên quan đến thể thao hoặc do lạm dụng khớp. Trao đổi với bác sĩ về các lợi ích cũng như rủi ro trước khi tiến hành massage trị liệu.
6. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu một hình thức điều trị không xâm lấn đối với cơn đau đầu gối khi ngồi xổm hoặc chạy bộ. Các bài tập thường nhằm mục tiêu tăng cường sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ đầu gối và tránh các cơn đau trong tương lai.
Các bài tập thường bao gồm kéo căng cơ tứ đầu, gân kheo và uốn cong hông.
Thông thường các bài tập và tư thế vật lý trị liệu thường đơn giản. Tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
7. Phẫu thuật
Trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc chấn thương, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Phẫu thuật thường được chỉ định để tăng cường sự kết nối giữa các bộ phận của khớp, cơ hoặc gân ở đầu gối.
Các phẫu thuật phổ biến thường bao gồm:
- Nội soi khớp là phẫu thuật được thực hiện thông qua nội soi để tìm kiếm các dấu hiệu tổn thương và điều trị nguyên nhân cơ bản.
- Phẫu thuật mở thường được chỉ định trong trường hợp cần tái định vị xương bánh chè hoặc giảm áp lực tác động lên khớp gối.
Phòng ngừa đau đầu gối khi ngồi xổm
Để ngăn ngừa tình trạng đau khớp gối khi ngồi xổm, người bệnh có thể tham khảo một số lời khuyên như:
- Không lạm dụng hoặc sử dụng đầu gối quá mức để tránh khó chịu và kích ứng đầu gối. Hạn chế tư thế ngồi xổm để tránh gây áp lực lên đầu gối.
- Giảm cân có thể tránh tình trạng trọng lượng cơ thể tác động lên đầu gối.
- Tập thể dục thường xuyên để giữ cho cơ bắp và xương đầu gối khỏe mạnh.
- Khởi động trước khi tiến hành luyện tập thể dục thể thao và thả lỏng sau khi luyện tập.
- Sử dụng giày đi bộ, chạy bộ, tập thể dục phù hợp, có hỗ trợ chân để đảm bảo sự ổn định của cơ thể và tránh các chấn thương không mong muốn.
- Đến bệnh viện kiểm tra các dấu hiệu và điều trị các bệnh lý liên quan.
Ngồi xổm là một thói quen phổ biến nhưng có thể dẫn đến các cơn đau ở đầu gối. Hầu hết các cơn đau có thể được cải thiện tại nhà, tuy nhiên đôi khi người bệnh cần điều trị y tế, thậm chí là phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro liên quan. Điều quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện để xác định nguyên nhân cơ bản và điều trị phù hợp. Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!