Đau bụng đi ngoài khi mang thai – Điều mẹ bầu cần biết
Nội dung bài viết
Đau bụng đi ngoài khi mang thai là tình trạng rất nhiều mẹ bầu gặp phải, nhất là ở 3 tháng đầu thai kỳ. Tình trạng này mặc dù dễ khắc phục nhưng chủ quan có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thai kỳ. Vì vậy các mẹ cần đặc biệt chú ý quan tâm.
Đau bụng đi ngoài khi mang thai – Nguyên nhân do đâu?
Đối với chị em phụ nữ, mang thai là thời kỳ rất nhạy cảm. Cơ thể thường có nhiều sự thay đổi nhất định cả bên trong lẫn bên ngoài. Chính những thay đổi này sẽ tác động và làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe bất thường.
Trong đó, nhiều bà bầu phàn nàn rằng họ thường xuyên bị đau bụng đi ngoài. Đặc biệt là ở thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ. Tình trạng đau bụng đi ngoài còn kèm theo một số triệu chứng khác như ợ hơi, đầy bụng, người mệt mỏi, chán ăn…
Theo nhận định từ các chuyên gia Tiêu hóa, đau bụng đi ngoài khi mang thai có thể là do một số nguyên nhân sau đây:
1. Ăn uống không đảm bảo vệ sinh
Khi bước vào thời kỳ mang thai, sức đề kháng của chị em phụ nữ thường bị giảm sút rõ rệt. Đặc biệt là ở những tháng đầu thai kỳ. Hệ tiêu hóa cũng có phần hoạt động yếu đi nên cần hết sức thận trọng trong ăn uống.
Nếu không may ăn phải thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn, nguồn nước bị ô nhiễm thì vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Nhất là trong thời điểm sức đề kháng không đủ khỏe mạnh sẽ rất dễ gây ra tình trạng đau bụng đi ngoài.
Trong nhiều trường hợp, ăn uống vệ sinh nhưng trong thực phẩm chứa nhiều chất không phù hợp. Hoặc tiêu thụ các loại thực phẩm lạ cũng rất dễ gây rối loạn tiêu hóa. Lúc này bà bầu rất dễ bị đau bụng đi ngoài để tống thức ăn không hấp thụ được ra khỏi cơ thể.
2. Đau bụng đi ngoài khi mang thai do nhiễm trùng
Sự xâm nhập của một số loại vi khuẩn lẫn trong đồ ăn thức uống vào cơ thể cũng rất dễ khiến bà bầu bị đau bụng đi ngoài. Ngoài ra, nhiễm một số loại virus như Rotavirus, Cyptomegalo cũng có thể gây ra tình trạng tiêu chảy.
Bên cạnh đó, một số động vật kí sinh cũng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua ăn uống rồi cư ngụ trong hệ tiêu hóa. Giardia, Cryptosporidium và Entamoeba histolytica là một vài loại thường gặp gây đau bụng đi ngoài khi mang thai.
3. Hormone thay đổi
Ở thời kỳ mang thai, nhiều loại hormone trong cơ thể phụ nữ sẽ có sự thay đổi lớn. Nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu hóa là sự gia tăng của hormone progesterone.
Chính sự gia tăng của loại hormone này sẽ khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại. Cùng với đó nhu động ruột sẽ kéo dài thời gian làm việc và thư giãn quá nhiều. Điều này dẫn đến thức ăn lưu lại trong dạ dày và đại tràng lâu hơn. Không chỉ gây đầy hơi và khó chịu bụng dưới mà đôi khi còn dẫn đến tiêu chảy, táo bón…
4. Ảnh hưởng của việc dùng vitamin bổ sung
Trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu luôn được khuyến nghị sử dụng vitamin bổ sung khi cần thiết. Điều này đảm bảo sự phát triển của bé cùng sức khỏe thai kỳ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số loại vitamin có thể ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa. Chúng khiến cho dạ dày trở nên khó chịu. Đồng thời làm phát sinh một số triệu chứng như chướng bụng, đau bụng đi ngoài…
5. Chứng không dung nạp Lactose
Phụ nữ mang thai thường hay sử dụng sữa cho bà bầu để đảm bảo dưỡng chất cho một thai kỳ khỏe mạnh. Tùy theo cơ địa mà không ít chị em phụ nữ gặp phải tình trạng không dung nạp Lactose.
Thật thiếu may mắn cho những bà bầu không may mắc phải chứng bệnh này. Khi tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống làm từ sữa thì lượng đường Lactose trong đó sẽ không thể phân hủy được. Nó được chuyển trực tiếp xuống ruột già và ở đây các vi khuẩn sẽ phân hủy đường Lactose thành chất lỏng và khí. Từ đó làm phát sinh các triệu chứng tiêu hóa bất thường như đầy hơi, tiêu chảy.
Ngoài các nguyên nhân được đề cập ở trên thì tình trạng đau bụng đi ngoài khi mang thai còn có thể liên quan đến một số vấn đề khác. Bao gồm:
- Cơ thể nhạy cảm với các loại đồ ăn thức uống mới
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng một cách đột ngột
- Tác dụng ngoại ý của các thuốc điều trị
- Uống quá nhiều nước hoặc ăn các loại hoa quả có nước nhiều.
- Mắc bệnh Crohn
- Hội chứng ruột kích thích
- Viêm loét đại tràng
- Bệnh Celiac
- Viêm dạ dày
Bà bầu bị đau bụng đi ngoài có nguy hiểm không?
Tình trạng đau bụng đi ngoài khi mang thai có thể sẽ kéo dài khoảng từ 1 – 10 ngày tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Nếu mẹ bầu chú ý can thiệp sớm thì có thể khắc phục nhanh chóng.
Tuy nhiên nếu bị nặng, đi ngoài khoảng trên 3 lần/ ngày thì mẹ bầu sẽ rất dễ bị mất nước, mệt mỏi và suy kiệt sức lực. Lúc này nếu không được can thiệp có thể dẫn đến sốc mất nước cùng nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Hơn nữa, các cơn đau bụng kích hoạt có thể gây kích thích tử cung co bóp mạnh hơn. Đặc biệt ở những tháng đầu thai kỳ khi thai nhi chưa bám chắc vào thành tử cung thì mẹ bầu rất dễ bị dọa sảy thai hay thậm chí là sảy thai. Còn khi thai đã lớn thì các mẹ còn dễ gặp tình trạng sinh non.
Tình trạng đau bụng đi ngoài kéo dài còn khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn, sa sút tinh thần. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé. Thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển hay nghiêm trọng hơn là có thể chết lưu.
Chính vì vậy, các mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan khi bị đau bụng đi ngoài. Nhất là khi tình trạng này thường xuyên diễn ra hoặc kéo dài cần chú ý thăm khám bác sĩ ngay để có hướng can thiệp kịp thời và đúng đắn.
Cách xử lý nếu bị đau bụng đi ngoài khi mang thai
Nếu biết cách xử lý đúng đắn thì tình trạng đau bụng đi ngoài khi mang thai có thể cải thiện nhanh chóng sau một vài ngày. Từ đó làm giảm những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ cùng sự phát triển của thai nhi.
Khi không may bị đau bụng đi ngoài, các mẹ bầu có thể áp dụng một số giải pháp dưới đây:
1. Bổ sung đủ nước cho cơ thể
Mỗi ngày mẹ bầu cần uống khoảng từ 2 – 2,5 lít nước để duy trì một sức khỏe tốt. Việc uống quá nhiều nước cũng sẽ khiến cho hệ tiêu hóa gặp áp lực. Và như đã đề cập, đây là một trong những nguyên nhân gây đau bụng đi ngoài.
Tuy nhiên, khi đã gặp phải tình trạng đau bụng đi ngoài thì mẹ bầu cần chú ý bổ sung thêm nước cho cơ thể. Nhất là khi bị đi ngoài ra phân quá lỏng hay có dấu hiệu tóe nước. Bởi lúc này, cơ thể của mẹ bầu sẽ rất dễ bị mất nước và mất cân bằng điện giải.
Ngoài dùng nước lọc thì bà bầu cũng có thể sử dụng các loại nước ép trái cây tươi hay nước trà. Trong các trường hợp cần bổ sung oresol theo hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo cân bằng điện giải. Tuyệt đối không sử dụng các loại nước ngọt đóng chai hay thức uống có chứa cồn và chất kích thích.
2. Tận dụng thảo dược tự nhiên
Tận dụng thảo dược tự nhiên để chữa đau bụng đi ngoài là mẹo đơn giản và an toàn. Nó có thể dùng được với các đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai hay đang cho con bú. Bởi các thảo dược tự nhiên được dùng thường lành tính và hiếm khi gây ra các tác dụng ngoại ý.
Có thể tham khảo và áp dụng một số mẹo chữa dưới đây:
– Dùng lá mơ lông trị đau bụng đi ngoài khi mang thai:
Theo ghi nhận từ các tài liệu Đông y thì lá mơ lông là dược liệu có khả năng kháng khuẩn và chống viêm rất tốt. Vì vậy mà từ lâu nó đã được dùng phổ biến trong điều trị chứng tiêu chảy. Hơn nữa, lá mơ lông còn được đánh giá cao bởi sự lành tính, an toàn cho bà bầu.
- Cần chuẩn bị 1 nắm lá mơ lông tươi cùng với 1 quả trứng gà.
- Lá mơ lông đem đi rửa sạch, để ráo nước rồi thái nhỏ.
- Cho vào bát sau đó đập trứng gà vào, thêm chút muối.
- Đánh đều lên rồi đem đi chưng hoặc nướng chín và ăn trực tiếp.
– Mẹ bầu bị đau bụng đi ngoài có thể uống trà gừng:
Đây cũng là giải pháp an toàn được rất nhiều mẹ bầu tin tưởng lựa chọn. Gừng có vị cay, tính ấm với tác dụng chống viêm và kháng khuẩn hiệu quả. Có thể đáp ứng rất tốt với trường hợp bị đau bụng đi ngoài do tiêu thụ các loại thực phẩm không đảm bảo.
- Cần chuẩn bị 1 miếng gừng tươi khoảng 50g.
- Đem rửa sạch vỏ ngoài rồi nướng lên cho thơm.
- Sau đó cạo phần vỏ đi và rửa lại lần nữa.
- Thái nhỏ gừng rồi thả vào ly chứa 150ml nước sôi già
- Hãm trong 10 phút rồi uống trực tiếp khi còn ấm.
– Chữa đau bụng đi ngoài khi mang thai bằng đọt ổi:
Đọt ổi non có vị chát cùng khả năng kháng khuẩn vượt trội. Vì vậy mà từ lâu đã được dùng để cải thiện các vấn đề tiêu hóa có liên quan tới tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra, đọt ổi non còn có tác dụng làm co mạch. Cùng với đó là làm giảm sự kích thích ruột. Dùng đúng cách sẽ giúp khắc phục nhanh tình trạng đau bụng đi ngoài.
- Chuẩn bị khoảng từ 4 – 5 đọt ổi non.
- Đem nguyên liệu đi rửa sạch, để ráo.
- Sai đó nhai trực tiếp với 1 chút muối hạt.
- Chỉ cần nuốt phần nước còn phần bã thì đem bỏ đi.
– Uống trà hoa cúc trị đau bụng đi ngoài:
Trà hoa cúc từ rất lâu đời đã được ghi nhận về khả năng cầm tiêu chảy rất tốt. Loại trà này lại lành tính nên có thể sử dụng để khắc phục chứng đau bụng đi ngoài khi mang thai.
Hơn nữa, dùng trà hoa cúc còn có thể chống co thắt. Nhờ đó mà đặc biệt phù hợp với những người bị hội chứng ruột kích thích. Ngoài ra, sử dụng một tách trà hoa cúc ấm vào buổi tối còn ngăn ngừa tình trạng trào ngược dạ dày. Từ đó có thể chăm sóc tốt hơn cho giấc ngủ của bà bầu.
- Cần chuẩn bị 3 – 5 bông hoa cúc khô cùng với vài lá bạc hà.
- Cho nguyên liệu vào ấm giữ nhiệt.
- Thêm khoảng 150ml nước sôi già vào hãm trong 15 phút.
- Uống trực tiếp khi trà vừa đủ độ ấm.
3. Điều chỉnh lại chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống đóng một vai trò rất quan trọng với sức khỏe thai kỳ nói chung và hoạt động của hệ tiêu hóa nói riêng. Nếu thường xuyên bị đau bụng đi ngoài thì các mẹ bầu nên kiểm tra lại chế độ ăn của mình. Từ đó biết điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo khoa học.
– Nên bổ sung các nhóm thực phẩm sau:
- Thực phẩm chứa nhiều tinh bột: Ngũ cốc nguyên cám, khoai lang, gạo…
- Thực phẩm giàu chất đạm lành mạnh: Thịt trắng, trứng, đậu nành, nấm…
- Sữa chua và các sản phẩm giàu probiotic.
- Thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau củ quả tươi.
– Cần hạn chế tiêu thụ các thực phẩm sau:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, kem, bơ… nếu mẹ bầu không dung nạp Lactose.
- Đường tinh luyện.
- Đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, muối đường.
- Rau sống và thức ăn nấu chưa chín kỹ.
- Thực phẩm có chứa caffeine.
- Các loại rau củ quả dễ gây đầy hơi như súp lơ xanh, đào, lê, bắp cải, trái cây khô…
- Rượu bia và các loại nước ngọt có gas.
– Ngoài ra cần chú ý đến các thói quen trong ăn uống:
- Nên ăn chậm, nhai kỹ để làm giảm áp lực co bóp cho dạ dày cùng cơ quan tiêu hóa.
- Tránh tình trạng vừa ăn vừa nằm.
- Khi vừa ăn xong không nên đi nằm nay cùng như vận động mạnh.
- Tránh ăn khuya, sau 9 giờ tối nên để dạ dày nghỉ ngơi.
- Không nên ăn quá no hay để bụng quá đói.
4. Đau bụng đi ngoài khi mang thai khi nào cần gặp bác sĩ?
Trong nhiều trường hợp, tình trạng đau bụng đi ngoài diễn ra ở mức độ nặng. Lúc này sức khỏe của mẹ nói riêng và sức khỏe thai kỳ nói chung sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Nếu gặp các vấn đề dưới đây, mẹ bầu nên chủ động thăm khám bác sĩ ngay:
- Đi ngoài ra phân lỏng với tần suất quá 5 lần/ ngày.
- Các triệu chứng đau bụng đi ngoài không bớt sau 2 ngày điều trị tại nhà.
- Cơn đau kích hoạt ở mức dữ dội và không thể kiểm soát.
- Đau bụng đi ngoài kèm theo sốt cao và nôn mửa.
- Đi ngoài trong phân thấy dính máu.
- Có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng như môi miệng khô, khát nước liên tục, chóng mặt, đau đầu, nước tiểu sậm màu…
Nên nhớ rằng, mang thai là thời điểm rất nhạy cảm. Mẹ bầu nếu bị đau bụng đi ngoài nặng cũng tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng. Cần thăm khám ngay để bác sĩ xác định nguyên nhân và có giải pháp can thiệp phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
Tin xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!