Cách nặn mụn đầu đen tại nhà – Lâu năm cũng sạch
Nội dung bài viết
Nặn mụn đầu đen tại nhà có thể loại bỏ các nốt mụn “cứng đầu” ở vùng mũi, má, cằm và trán, đồng thời giúp làn da trở nên mịn màng và rạng rỡ hơn. Tuy nhiên, nặn mụn không cách có thể gây thâm sẹo, tổn thương, kích ứng da và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Có nên nặn mụn đầu đen tại nhà không?
Mụn đầu đen là loại mụn trứng cá phổ biến nhất, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xảy ra ở cả nam lẫn nữ giới. Mụn hình thành khi nang lông bị bít tắc bởi bã nhờn, tế bào chết và bụi bẩn. Khác với mụn mủ, mụn đầu đen có nhân trồi lên bề mặt da nên không tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn P. acnes phát triển và có xu hướng thâm đen do phản ứng oxy hóa.
Tương tự như mụn cám, mụn đầu đen không gây viêm đỏ, sưng nóng, ngứa ngáy hay khó chịu. Tuy nhiên, loại mụn này khiến lỗ chân lông to dần theo thời gian, nốt mụn chai cứng và khiến bề mặt da trở nên kém mịn màng.
Thực tế, các sản phẩm trị mụn đầu đen như sữa rửa mặt, kem dưỡng và serum chỉ giúp loại bỏ các nốt mụn mới hình thành. Các nốt mụn đầu đen ăn sâu trong nang lông có xu hướng chai cứng dần theo thời gian dài và phải tiến hành nặn để loại bỏ. Hơn nữa, mụn đầu đen không gây viêm và sưng đỏ. Do đó, việc loại bỏ nhân mụn thường dễ dàng hơn so với các loại mụn viêm như mụn mủ, mụn bọc và mụn nang.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên tự nặn mụn đầu đen tại nhà trong những trường hợp sau:
- Số lượng mụn đầu đen không đáng kể
- Có kiến thức về cách chăm sóc da
- Da mặt khỏe, không bị mụn viêm nặng hay các vấn đề da liễu khác như viêm da cơ địa, mề đay mẩn ngứa, da nhiễm corticoid hay viêm da tiết bã nhờn
Hướng dẫn nặn mụn đầu đen lâu năm ngay tại nhà
Mụn đầu đen có nhân mụn khu trú trong mỗi nang lông, đầu mụn chai cứng do bị oxy hóa và không gây đau đớn, viêm đỏ. Tuy nhiên nếu nặn mụn không đúng cách, da có thể bị xây xước, chảy máu và tổn thương nặng.
Vì vậy, bạn cần nặn mụn đầu đen tại nhà đúng cách theo trình tự sau:
1. Làm sạch da bằng sữa rửa mặt
Bề mặt da chứa rất nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn, kim loại nặng và tế bào chết. Do đó trước khi nặn mụn, cần làm sạch da bằng sữa rửa mặt. Trong trường hợp có sử dụng kem chống nắng hoặc trang điểm, nên tẩy trang trước khi rửa mặt.
Khi làm sạch da, cần massage kỹ ở những vùng da có nhiều bã nhờn, mụn cám và mụn đầu đen như mũi, má, cằm và trán để làm sạch dầu thừa, bụi bẩn và loại bỏ tế bào chết. Ngoài ra, làm sạch da kỹ còn có thể loại bỏ các nhân mụn có kích thước nhỏ và giúp lỗ chân lông thông thoáng.
2. Xông hơi/ đắp mặt nạ giúp giãn nở lỗ chân lông
Thông thường, nhân mụn đầu đen thường nằm trong nang lông và chỉ hở phần đầu lên bề mặt da. Do đó khi nặn, phải sử dụng lực mạnh để loại bỏ nhân mụn ra bên ngoài. Tuy nhiên, sử dụng lực quá mạnh có thể khiến da bị tổn thương và trầy xước.
Để giúp quá trình nặn mụn diễn ra thuận lợi và hạn chế tình trạng xây xước da, bạn nên xông hơi hoặc đắp mặt nạ đất sét. Xông hơi với các nguyên liệu tự nhiên như gừng, vỏ chanh, sả,… giúp làm sạch sâu lỗ chân lông, giúp nang lông mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi để loại bỏ nhân mụn.
Trong khi đó, mặt nạ đất sét có tác dụng hút sạch bã nhờn, bụi bẩn và đẩy nhân mụn lên bề mặt da. Hơn nữa, các loại mặt nạ đất sét còn giúp loại bỏ nhân mụn đầu đen có kích thước nhỏ, mụn cám và cuốn sạch bụi bẩn trong lỗ chân lông. Từ đó giúp quá trình nặn mụn diễn ra thuận lợi hơn và hạn chế nguy cơ viêm nhiễm do bụi bẩn, bã nhờn trong nang lông vẫn chưa được làm sạch hoàn toàn.
3. Vệ sinh tay và dụng cụ nặn mụn
Ngoài việc làm sạch da mặt, cần chú ý vệ sinh tay và dụng cụ nặn mụn bằng xà phòng diệt khuẩn. Sử dụng dụng cụ chưa được vô trùng hoàn toàn có thể gây viêm nhiễm và kích ứng da. Nếu có thể, bạn nên vệ sinh tay bằng xà phòng và vô trùng dụng cụ nặn mụn bằng cồn y tế.
4. Tiến hành nặn mụn đầu đen ở mũi, má, cằm
Sau khi chuẩn bị, bạn có thể tiến hành nặn các nốt mụn đầu đen ở mũi, má và cằm.
- Trước tiên, cần xác định nốt mụn cần nặn.
- Đưa dụng cụ nặn mụn lên nốt mụn và sử dụng lực ấn vừa phải. Khi lỗ chân lông giãn nở, nhân mụn dễ dàng trồi lên bề mặt da khi có lực đẩy.
- Sau đó, dùng khăn giấy lấy nhân mụn và tiếp tục nặn các nốt mụn khác
Chỉ nặn các nốt mụn có nhân trồi lên bề mặt da. Tuyệt đối không nặn các nốt mụn viêm, mụn mủ hoặc mụn đầu đen nằm sâu bên trong nang lông. Trong trường hợp nhân mụn “cứng đầu”, nên đến phòng khám da liễu để được loại bỏ mụn. Không dùng tay đè mạnh lên nốt mụn khiến mụn tấy đỏ, sưng viêm và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
5. Làm dịu da sau khi nặn mụn
Sau khi nặn mụn đầu đen, da mặt có xu hướng ửng đỏ và nóng rát. Chính vì vậy trong thời gian này, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc da như:
- Có thể dùng toner, kem dưỡng và serum có công thức nhẹ dịu thoa lên da mặt để làm giảm hiện tượng nóng rát và sưng đỏ. Tuy nhiên, không nên dùng sản phẩm chứa các thành phần đặc trị có hoạt tính mạnh.
- Hoặc có thể dùng các loại xịt khoáng chứa nhiều khoáng chất xịt trực tiếp lên bề mặt da. Với lượng nước và khoáng chất dồi dào, các sản phẩm này có khả năng phục hồi và làm dịu da nhanh chóng.
- Không để da tiếp xúc với bụi bẩn và ánh nắng trong ít nhất 30 phút sau khi nặn mụn
- Sau khi da ổn định (khoảng 30 – 60 phút), bạn có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên như sữa chua, mật ong, dầu dừa, dầu ô liu,… để làm mặt nạ phục hồi da.
- Làn da sau khi nặn mụn khá nhạy cảm và mỏng. Vì vậy vào ngày hôm sau, cần dùng kem chống nắng, đeo khẩu trang khi ra ngoài và hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài.
Một lưu ý khi nặn mụn đầu đen tại nhà
Khi nặn mụn đầu đen tại nhà – nhất là các nốt mụn chai cứng, mụn lâu năm, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Cần làm sạch da mặt, tay và dụng cụ nặn mụn trước khi nặn mụn. Đây là yêu cầu bắt buộc cần phải thực hiện để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa tình trạng da kích ứng và viêm nhiễm.
- Không dùng lực quá mạnh khi nặn mụn. Nếu nốt mụn ẩn sâu dưới da, nên đến phòng khám da liễu để được bác sĩ/ kỹ thuật viên loại bỏ mụn đúng cách.
- Nên nặn mụn đầu đen vào buổi tối. Bởi đây là thời điểm bạn không phải ra ngoài và da có ít nhất 7 – 8 giờ đồng hồ để phục hồi.
- Trước khi nặn mụn đầu đen 1 ngày, nên sử dụng các sản phẩm chứa hoạt chất đẩy mụn như LHA, retinoid hoặc BHA có nồng độ vừa phải. Các sản phẩm này giúp làm sạch nang lông, gom cồi và đẩy nhân mụn lên bề mặt da. Nhờ vậy, bạn có thể dễ dàng loại bỏ mụn mà không làm tổn thương hay kích ứng da.
- Chỉ nặn mụn đầu đen tối đa 1 lần/ tuần. Nặn mụn quá thường xuyên có thể khiến da đỏ ửng, xót rát và giảm khả năng đề kháng tự nhiên.
- Mụn đầu đen là loại mụn dễ tái phát và rất khó để điều trị hoàn toàn. Thay vì tập trung vào vấn đề nặn mụn, cần xây dựng chế độ chăm sóc đúng cách nhằm hạn chế tình trạng mụn tái phát và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.
Bài viết đã hướng dẫn cách nặn mụn đầu đen tại nhà an toàn và không gây tổn thương da. Tuy nhiên, cách này chỉ thích hợp với những trường hợp có làn da khỏe và tình trạng mụn không đáng kể. Nếu mụn đầu đen có số lượng nhiều, nhân mụn chai cứng và ẩn sâu trong nang lông, bạn nên đến các bệnh viện/ phòng khám da liễu để được lấy mụn y khoa và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!