Mụn ẩn (dưới da) là gì? Nguyên nhân và cách loại bỏ
Nội dung bài viết
Mụn ẩn là mụn phát triển bên dưới bề mặt da, thường khó phát hiện bằng mắt thường nhưng có thể cảm được khi sờ lên da. So với các loại mụn khác, mụn ẩn thường không đau, không hình thành mủ nhưng rất khó điều trị dứt điểm.
Mụn ẩn (dưới da) là gì?
Mụn ẩn là mụn phát triển bên dưới da và sâu bên trong các nang lông. Không giống như các loại mụn trứng cá khác, mụn ẩn thường không gây đau, viêm viêm, không sưng nhưng có thể khiến da sần sùi, thiếu mịn màng.
Mụn ẩn không thể nhìn thấy bằng mắt thường từ xa, đặc trưng bởi các chấm nhỏ li ti và có thể cảm nhận khi sờ lên vùng da mụn. Thông thường mụn ẩn mọc theo từng cụm và có thể lan rộng ra các vùng da xung quanh, khiến da mặt không được mịn màng.
Trong một số trường hợp mụn ẩn có thể nổi lên qua da tương tự như mụn đầu trắng và có thể tự biến mất. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, mụn ẩn không thể tự khỏi, khó điều trị dứt điểm và có thể tái phát nhiều lần.
So với các loại mụn khác như mụn bọc hoặc mụn mủ, mụn ẩn không nghiêm trọng, không gây đau và có thể xử lý bằng cách thay đổi môi trường sống, hạn chế stress và áp dụng các phương pháp điều trị mụn theo hướng dẫn của người có chuyên môn.
Nguyên nhân gây mụn ẩn
Mụn ẩn dưới da là mụn trứng cá phát triển dưới về mặt da. Do đó, tương tự như các loại mụn trứng cá, mụn ẩn là sự phát triển của bã nhờn (dầu thừa), vi khuẩn, bụi bẩn kẹt ở lỗ chân lông. Điều này hình thành các cục u, nốt sần bên dưới da mà không có nhân mụn bên trên lỗ chân lông như các loại mụn khác.
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mụn ẩn dưới da bao gồm:
1. Vệ sinh da không đúng cách
Giữ vệ sinh da là bước cơ bản và quan trọng nhất khi vệ sinh da. Nếu vệ sinh không sạch hoặc không đúng các phương pháp có thể khiến bụi bẩn, các tế bào da chết, dầu thừa có cơ hội xâm nhập sâu vào các lỗ chân lông và dẫn đến mụn ẩn.
Đối với người trang điểm, nếu không tẩy trang da sạch sẽ có thể khiến các nang lông bị tắc nghẽn và dẫn đến hình thành mụn dưới da. Ngoài ra, không khí ô nhiễm, khói bụi và các tạp chất khác ngoài môi trường có thể gây ảnh hưởng đến da và dẫn đến mụn.
Thông thường mụn ẩn phát triển thành cụm và có thể lây lan đến các khu vực khác trên da. Điều này khiến da thiếu mịn màng và tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh da liễu khác.
2. Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh
Các tuyến bã nhờn là các tuyến nhỏ dưới da, có nhiệm vụ tiết ra một chất sáp hoặc chất nhờn để làm mát và bôi trơn da. Trong trường hợp tuyến bã nhờn hoạt động mạnh sẽ dẫn đến tắc nghẽn các lỗ chân lông và hình thành mụn trứng cá hoặc mụn dưới da.
Bên cạnh đó, khi các tuyến bã nhờn hoạt động các tế bào da mới sẽ phát triển bên dưới da và lớp da cũ sẽ bong ra. Tuy nhiên, đôi khi các tế bào da cũ không bị bong ra. Điều này gây ra tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi tế bào da chết, bã nhờn, tế bào da mới và dẫn đến mụn dưới da.
3. Thay đổi nội tiết tố
Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể dẫn đến tình trạng mụn dưới da, đặc biệt là ở tuổi dậy thì và phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Trong các giai đoạn này, nội tiết tố có sự dao động mạnh dẫn đến tăng hoạt động của các tuyến bã nhờn. Khi kết hợp với các tế bào da chết, bụi bẩn hoặc vi khuẩn sẽ dẫn đến mụn dưới da.
4. Lạm dụng mỹ phẩm
Một số người có thói quen sử dụng mỹ phẩm mỗi ngày mà không tẩy trang phù hợp, điều này có thể tắt các lỗ chân lông và dẫn đến mụn. Bên cạnh đó, đôi khi một số loại mỹ phẩm có thể có chất lượng không đảm bảo hoặc chứa các thành phần gây kích ứng da, dẫn đến mụn và khó điều trị dứt điểm.
Bên cạnh đó các dụng dục trang điểm như cọ trang điểm, bông phấn,… không được vệ sinh thường xuyên có thể chứa nhiều vi khuẩn. Khi tiếp xúc với da sẽ dẫn đến kích ứng và mụn ẩn.
5. Chế độ ăn uống không phù hợp
Chế độ ăn uống thiếu cân bằng có thể tăng cường hoặc thay đổi hoạt động của các tuyến bã nhờn và dẫn đến mụn. Theo các chuyên gia, việc tiêu thụ nhiều sữa có thể kích hoạt mụn trứng cá và mụn ẩn dưới da.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống nhiều đường, thực phẩm ngọt, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng,… có thể tăng nguy cơ gây mụn dưới da. Các thói quen ăn đêm hoặc ăn ngay trước khi đi ngủ có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, tác động đến da và dẫn đến mụn.
Các biện pháp loại bỏ mụn ẩn hiệu quả
Mụn ẩn thường không dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng và có thể khắc phục tại nhà. Một số biện pháp có thể loại bỏ và ngăn ngừa mụn ẩn lan rộng bao gồm:
1. Không nặn mụn
Không được nặn hoặc cố gắng ép mụn ẩn ra khỏi da. Điều này có thể khiến da bị tổn thương, đặc biệt là đối với mụn ẩn, khi mụn nằm sâu dưới các lỗ chân lông. Ngoài ra, nặn mụn ẩn có thể dẫn đến viêm da, khiến khu vực mụn ẩn trở nên nhạy cảm, dễ bị viêm, hình thành mụn mủ hoặc mụn bọc.
Cách tốt nhất để điều trị mụn dưới da là cố gắng đẩy nhân mụn lên trên bề mặt da và loại bỏ mụn bằng các phương pháp an toàn khác.
2. Tẩy tế bào da chết
Tẩy tế bào chết là phương pháp loại bỏ các tế bào da cũ và hỗ trợ trẻ hóa làn da. Sử dụng dụng các chất tẩy da nhẹ nhàng, phù hợp có thể loại bỏ các tế bào bám vào lớp biểu bì da và giúp lỗ chân lông thông thoáng, ngăn ngừa tắc nghẽn và mụn dưới da.
Nếu bạn có làn da thường hoặc da dầu, hãy cân nhắc tẩy tế bào chết 1 – 2 lần mỗi tuần. Nếu có làn da nhạy cảm, dễ bị kích ứng, bạn có thể tẩy tế bào chết 1 lần mỗi tuần. Hiện tại có hai biện pháp tẩy tế bào da chết phổ biến bao gồm:
- Tẩy tế bào chết cơ học, như sử dụng các loại bọt biển dành riêng cho da mặt khi rửa mặt
- Tẩy tế bào chết hóa học, bao gồm sử dụng các loại hóa chất như hydroxy để lại bỏ các tế bào da chết
Có rất nhiều sản phẩm tẩy tế bào da chết, tuy nhiên một số sản phẩm có thể làm tổn thương da, đặc biệt là da nhạy cảm. Do đó, trước khi sử dụng các sản phẩm tẩy da chết, bạn nên trao đổi với bác sĩ da liễu hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn phù hợp.
3. Chườm nóng
Chườm nóng có thể hỗ trợ giảm đau, đặc biệt là khi mụn đầu trắng được hình thành. Hơi nóng có thể làm mở các lỗ chân lông, kéo các lỗ chân lông đến gần bề mặt da và khiến nhân mụn ẩn lộ ra bên ngoài.
Để chườm nóng bạn có thể thực hiện như sau:
- Ngâm một chiếc khăn sạch trong nước nóng vừa phải trong 10 – 15 phút
- Chườm khăn lên vị trí mụn dưới da trong 10 – 15 phút
- Lặp lại 3 – 4 lần mỗi ngày cho đến khi nhân mụn ẩn trồi lên bề mặt da
Bên cạnh đó, giữ vệ sinh khu vực mụn ẩn sạch sẽ và tránh chạm vào mụn bằng tay. Điều này có thể ngăn ngừa nhiễm trùng, viêm và tránh gây mụn bọc, mụn mủ.
4. Sử dụng miếng dán mụn
Miếng dán mụn là sản phẩm mà bạn áp dụng trực tiếp lên da để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng mụn. Về cơ bản, miếng dán mụn có thể loại bỏ vi khuẩn, bã nhờn, bụi bẩn khỏi bề mặt da và hấp thụ dầu thừa để ngăn ngừa hình thành mụn.
Miếng dán mụn có thể có nhiều thành phần khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại trên thị trường hầu hết các miếng dán mụn đều có chứa axit salicylic, một hoạt chất trị mụn phổ biến.
Miếng dán mụn là sản phẩm trị mụn ẩn phổ biến, có thể tìm thấy tại các nhà thuốc địa phương. Tùy thuộc vào chất lượng miếng dán, bạn có thể đeo miếng dán suốt cả ngày, tuy nhiên cần phải thay mới trong vòng 24 giờ.
5. Áp dụng mặt nạ mật ong và táo
Táo và mật ong được cho là có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng mụn trứng cá, bao gồm mụn mủ và mụn dưới da. Táo chứa axit malic, có thể giúp da săn chắc và khỏe hơn. Trong khi mật ong có tính kháng khuẩn và có thể loại bỏ vi khuẩn sâu bên dưới lỗ chân lông (nguyên nhân chính dẫn đến mụn ẩn).
Để trị mụn dưới da với táo và mật ong, bạn có thể thực hiện như sau:
- Nghiền nát phần thịt táo (đã bỏ vỏ) sau đó cho thêm mật ong tự nhiên để tạo thành hỗn hợp sệt.
- Thoa hỗn hợp lên vùng da mụn và để yên trong ít nhất 10 phút và tối đa là 20 phút.
- Rửa mặt sạch với nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ.
- Áp dụng 2 – 3 lần mỗi tuần để đặt hiệu quả điều trị tốt nhất.
6. Sử dụng tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà có tính kháng khuẩn và tiêu diệt vi khuẩn gây ra mụn, do đó thường được sử dụng trong các sản phẩm điều trị mụn. Trong một số thử nghiệm cho biết, một sản phẩm chứa 5% tinh dầu tràm trà có thể điều trị mụn dưới da từ nhẹ đến trung bình hiệu quả.
Thông thường, các sản phẩm tinh dầu tràm trà được sử dụng trên da 1 – 2 lần mỗi ngày có thể cải thiện tình trạng mụn trứng cá trong vòng 12 tuần.
Tinh dầu tràm trà nguyên chất không được áp dụng trực tiếp lên da. Điều này có thể gây kích ứng da và khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó, để sử dụng tinh dầu tràm trà điều trị mụn ẩn, bạn có thể dùng 1 – 2 giọt tinh dầu kết hợp với 1 muỗng cà phê dầu vận chuyển, như dầu dừa, dầu jojoba, sau đó thoa lên da. Sau khi pha loãng, hỗn hợp có thể lưu lại trên da qua đêm và được làm sạch vào sáng hôm sau.
Tinh dầu tràm trà được cho là an toàn để sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với bác sĩ da liễu để được hướng dẫn cụ thể.
7. Sử dụng nha đam
Nha đam được sử dụng để hỗ trợ điều trị và cải thiện nhiều bệnh lý về da, bao gồm mụn dưới da. Bên cạnh đó, sử dụng nha đam trực tiếp lên da có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa viêm, tăng sản xuất sợi collagen, elastin. Điều này có thể cải thiện các triệu chứng mụn và ngăn ngừa hình thành sẹo mụn.
Nếu sử dụng các sản phẩm chiết xuất nha đam, bạn có thể bôi sản phẩm trực tiếp lên khu vực bị ảnh hưởng. Nếu sử dụng nha đam tươi, bạn có thể tách phần thịt nha đam, rửa sạch và thoa trực tiếp lên da. Để yên trong ít nhất 20 phút và rửa sạch bằng nước ấm để làm sạch da.
8. Sử dụng thuốc trị mụn không kê đơn
Có rất nhiều sản phẩm không kê đơn có thể hỗ trợ điều trị mụn ẩn, mụn viêm và cả mụn bọc, mụn mủ. Các sản phẩm phổ biến có thể bao gồm:
- Benzoyl peroxide: Có thể tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ dầu thừa, các tế bào da chết và giúp làm thông thoáng các lỗ chân lông. Tuy nhiên, sản phẩm có thể gây khô da, kết vảy và nhạy cảm với ánh sáng. Bên cạnh đó, benzoyl peroxide có thể tẩy màu tóc hoặc quần áo, do đó bạn nên cân nhắc che chắn khi sử dụng.
- Axit salicylic: Có thể ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và hạn chế hình thành mụn ẩn. Tuy nhiên, sản phẩm có thể gây châm chích da hoặc kích ứng da nhẹ.
- Axit alpha hydroxy: Có hai loại axit alpha hydroxy được sử dụng để điều trị mụn ẩn là axit glycolic và axit lactic. Cả hai loại axit này đều có thể loại bỏ tế bào da chết, giảm viêm, kích thích phát triển da mới và ngăn ngừa sẹo.
- Lưu huỳnh (sulfur): Có tác dụng loại bỏ các tế bào chết, dầu thừa, ngăn chặn tắc nghẽn các lỗ chân lông và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trên da. Tuy nhiên, lưu huỳnh có thể gây khô da và có mùi khó chịu.
Khi sử dụng các sản phẩm không kê đơn, điều quan trọng là vệ sinh da cẩn thận bằng sữa rửa mặt hai lần mỗi ngày, hoặc một lần mỗi ngày đối với da nhạy cảm. Bên cạnh đó, sử dụng sản phẩm với liều lượng vừa phải để tránh gây kích ứng da. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào có liên quan.
9. Sử dụng thuốc thoa toa
Nếu các biện pháp tại nhà và sản phẩm không kê đơn không mang lại hiệu quả điều trị mụn ẩn, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các sản phẩm theo toa. Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm các thành phần như:
- Retinoids: Có thể ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn dưới da. Bên cạnh đó, retinoids cũng có thể hỗ trợ làm giảm viêm và cải thiện các triệu chứng mụn trứng cá, mụn bọc. Áp dụng retinoids tại chỗ vào buổi tối, 3 lần mỗi tuần hoặc mỗi ngày sau khi đã quen với thuốc.
- Kháng sinh tại chỗ: Có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn dư thừa trên da, hạn chế tình trạng viêm, sưng và ngăn ngừa mụn dưới da lây lan. Kháng sinh thường được sử dụng kết hợp với benzoyl peroxide hoặc các hoạt chất trị mụn khác để ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh. Sự kết hợp phổ biến thường là clindamycin – benzoyl peroxide và erythromycin – benzoyl peroxide.
- Dapsone: Có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa lỗ chân lông bị tắc nghẽn và hạn chế các triệu chứng mụn. Tác dụng phụ bao gồm gây khô da và đỏ da.
Biện pháp phòng ngừa mụn ẩn
Để giảm nguy cơ mụn ẩn, bạn có thể tham khảo một số biện pháp phổ biến như:
- Vệ sinh da phù hợp: Giữ cho khuôn mặt luôn sạch sẽ có thể ngăn ngừa vi khuẩn, dầu thừa, bụi bẩn tích tụ dưới da và ngăn ngừa mụn ẩn. Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dành cho da mụn, không chứa cồn hoặc các chất gây mòn da và nước ấm. Ngoài ra, rửa tay sạch sẽ trước khi rửa mặt để tránh nhiễm vi khuẩn từ tay.
- Tránh chà xát trên mặt: Da mặt rất dễ bị tổn thương, do đó các tác động chà xát mạnh lên da có thể dẫn đến trầy xước và khiến các triệu chứng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Giữ nước: Giữ nước có thể ngăn ngừa tình trạng khô da và cải thiện độ đàn hồi của da. Lượng nước cần thiết cho mỗi người là không giống nhau, tuy nhiên nếu bị mụn dưới da, bạn nên uống 8 ly nước mỗi ngày để giữ ẩm. Ngoài ra tránh tiêu thụ các loại nước chứa đường, rượu, caffeine để hạn chế mất nước.
- Chế độ ăn uống phù hợp: Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh và tránh tiêu thụ các chất béo hoặc sản phẩm chế biến sẵn có thể ngăn ngừa mụn dưới da.
- Hạn chế căng thẳng: Mặc dù căng thẳng không trực tiếp gây ra mụn nhưng có thể khiến mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn có thể giảm căng thẳng hàng ngày bằng cách nghe nhạc, đọc sách hoặc thực hiện các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền định.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc dành cho da mụn: Các sản phẩm không gây da mụn thường không chứa acnegenic hoặc dầu.
- Vệ sinh phòng ngủ: Thường xuyên giặt vỏ gối, chăn màn và các vật dụng phòng ngủ khác. Điều này có thể ngăn ngừa các tế bào da chết, dầu thừa và bụi bẩn tích tụ gây chặn lỗ chân lông.
Khi nào cần đến bệnh viện?
Mụn ẩn là tình trạng mụn tương đối khó điều trị dứt điểm và mất nhiều thời gian. Trong một số trường hợp, mụn ẩn có thể dẫn đến viêm da và gây tổn thương làn da.
Do đó, nếu các biện pháp điều trị không mang lại hiệu quả, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp chẩn đoán xác định mụn dưới da và các tình trạng liên quan để có biện pháp xử lý.
Trong các trường hợp mụn ẩn nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị sử tiêm cortisone hoặc peel da bằng hóa chất để cải thiện các triệu chứng và thúc đẩy quá trình chữa lành da bị tổn thương.
Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ da liễu nếu mụn kéo dài hoặc tái phát nhiều lần.
Mụn ẩn là một tình trạng da khó điều trị dứt điểm và có thể tăng nguy cơ hình thành các loại mụn viêm, gây tổn thương da. Mặc dù chườm nóng và các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể cải thiện các triệu chứng, tuy nhiên người bệnh nên đến bệnh viện nếu mụn tái phát, gây viêm đau hoặc dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng.
Trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn và tư vấn các phương pháp phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!