Mụn Mủ Là Gì? Cách Xử Lý, Điều Trị Bọc Mủ An Toàn
Nội dung bài viết
Mụn mủ là những nốt sưng nhỏ trên bề mặt da, có chứa mủ và kích thước lớn hơn mụn trứng cá thông thường. Đôi khi mụn mủ có thể viêm sưng nghiêm trọng và có thể để lại vết thâm hoặc sẹo nếu không được điều trị phù hợp.
Mụn mủ là gì?
Mụn mủ là những nốt sẩn sưng đỏ có chứa chất lỏng hoặc dịch mủ bên trong. Mụn mủ thường xuất hiện dưới dạng các vết sưng trắng nhỏ, trông giống như mụn trứng cá nhưng có kích thước lớn và gây đau đớn.
Mụn mủ có thể là một dạng của mụn trứng cá và thường là dấu hiệu của sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, thường phổ biến ở thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng thường phổ biến ở các khu vực đổ nhiều mồ hôi và dầu nhờn như:
- Mặt
- Cổ
- Ngực
- Nạch
- Lưng
- Chân tóc
- Lưng
- Vai
- Khu vực sinh dục
Tương tự như các loại mụn trứng cá, mụn mủ được hình thành từ dầu thừa, vi khuẩn và tế bào chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Sau khi da bị tổn thương do mụn viêm (như mụn mủ, mụn sẩn, nốt sần và u nang), hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt khu vực này và dẫn đến viêm, sưng.
Thông thường, mụn mủ là cơ chế chống lại vi khuẩn hoặc bụi bẩn đã xâm nhập vào lỗ chân lông. Mủ thường là sản phẩm tự nhiên của hệ thống miễn dịch, bao gồm chủ yếu là các tế bào bạch cầu đã chết. Mụn mủ có thể điều trị bằng các phương pháp tại nhà, thuốc hoặc dẫn lưu mủ (nếu cần thiết). Ngoài ra, nếu điều trị không phù hợp, mụn có thể gây ra vết thâm hoặc sẹo. Do đó, nếu xuất hiện các dấu hiệu mụn mủ, bạn nên trao đổi với người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Các loại mụn mủ phổ biến
Mụn mủ có thể xuất hiện như một phản ứng của hệ thống miễn dịch với các chất gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Các loại mụn đầu đen và mụn đầu trắng cũng là tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông nhưng nhân mụn thường cứng và không dẫn đến hình thành mủ.
Tuy nhiên đôi khi mụn trứng cá có thể bị kích thích dẫn đến viêm và chứa đầy mủ. Mụn trứng cá viêm mủ có thể bao gồm một số loại như:
- U nang: Là những khối viêm lớn, hình thành mủ, đau đớn phát triển sâu bên dưới lỗ chân lông.
- Hạch: Tương tự như u nang, những các nốt mụn này thường chứa đầy mủ và xảy ra bên dưới bề mặt da.
- Mụn sẩn: Là các nốt mụn màu đỏ, có kích thước nhỏ, có chứa nhân mủ và thường phát triển trên bề mặt da.
- Mụn bọc: Là những nốt mụn có hình thành tương tự như mụn sẩn những có kích thước lớn hơn và đau đớn hơn rất nhiều.
Nguyên nhân gây mụn mủ
Mụn trứng cá, bao gồm mụn mủ, là tình trạng da phổ biến có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro như:
1. Yếu tố sinh lý
Mụn mủ là sự kết hợp của các yếu tố sinh lý trong cơ thể và các điều kiện gây kích ứng bên ngoài cơ thể. Cụ thể các nguyên nhân liên quan đến yếu tố sinh lý bao gồm:
- Các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức: Da có các tuyến bã nhờn, tạo ra dầu nhờn để giữ ẩm và bôi trơn. Thông thường bã nhờn là dấu hiệu sinh lý bình thường của cơ thể, tuy nhiên khi bã nhờn hoạt động quá mức có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn.
- Sự tăng sinh vi khuẩn gây mụn: Tình trạng mụn viêm, mụn mủ thường có liên quan đến các loại vi khuẩn gây mụn như Propionibacteria acnes ở các lỗ chân lông. Vi khuẩn này là một phần bình thường của da, tuy nhiên khi vi khuẩn phát triển quá mức sẽ dẫn đến viêm sưng, mụn mủ và các kích ứng da khác như mụn nhọt.
- Sự bong tróc bất thường của các tế bào da chết: Da sẽ liên tục được làm mới liên tục trong suốt cuộc đời, các tế bào da cũ sẽ bong ra và nhường chỗ cho các tế bào da mới. Tuy nhiên đôi khi chu kỳ bong da này có thể bất thường, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông. Khi kết hợp với dầu thừa và vi khuẩn sẽ dẫn đến mụn trứng cá, bao gồm mụn mủ. Bên cạnh đó, sự tăng sản xuất các tế bào da có thể dẫn đến bệnh vẩy nến, một tình trạng da gây bong tróc vảy và nứt nẻ da.
2. Thay đổi hormone
Hormone đóng vai trò tương đối quan trọng trong việc hình thành mụn trứng cá, đặc biệt là ở tuổi dậy thì. Các loại hormone có thể dẫn đến mụn trứng cá thường là nội tiết tố androgen: estrogen và testosterone.
Hormone androgen, cụ thể là testosterone có thể kích thích các tuyến bã nhờn mở rộng và sản xuất nhiều dầu nhờn. Bên cạnh đó, đôi khi sự biến động của androgen có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và hình thành mụn mủ.
3. Các nguyên nhân ít gặp
Trong một số trường hợp, mụn mủ có thể được kích hoạt hoặc trở nên nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với một số yếu tố nguy cơ như:
- Mỹ phẩm bôi ngoài da, bao gồm sản phẩm trang điểm, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng và các sản phẩm tương tự có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông
- Đổ nhiều mồ hôi
- Ma sát và nhiệt độ cao, điều này có thể dẫn đến một loại mụn gọi là mụn cơ học và có thể hình thành mủ
- Một số loại thuốc như thuốc chống co giật, steroid, lithium hoặc thuốc tránh thai
Hầu hết các trường hợp mụn mủ là do phản ứng viêm của hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể. Các tế bào bạch cầu sẽ di chuyển đến vị trí bị tổn thương để chống nhiễm trùng. Khi các tế bào bạch cầu chết, vi khuẩn và các tế bào khác sẽ hình thành các túi mủ.
Mụn mủ có thể điều trị được bằng các biện pháp tại nhà, sản phẩm không kê đơn, kê đơn hoặc các liệu pháp y tế khác. Điều quan trọng là bạn cần xác định tình trạng mụn và điều trị đúng phương pháp.
Cách điều trị mụn bọc mủ an toàn
Khi được điều trị, xử lý đúng phương pháp, mụn bọc mủ có thể tự tan. Thông thường mủ sẽ tự vỡ và thoát ra bên ngoài, sau đó các vết tổn thương da và mụn trứng cá sẽ được cải thiện dần theo thời gian.
Tuy nhiên, điều quan trọng khi điều trị mụn mủ là không được nặn hoặc bóp mụn. Điều này có thể khiến vi khuẩn lây lan, viêm trở nên nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến vết thâm và sẹo.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của mụn mủ, bạn có thể tham khảo một số biện pháp điều trị như:
1. Biện pháp khắc phục tại nhà
Trong trường hợp mụn mủ không nghiêm trọng, bạn có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, trước khi áp dụng các cách trị mụn tại nhà, bạn nên tìm hiểu rõ phương pháp, hiệu quả cũng như các rủi ro có thể xảy ra.
Các phương pháp điều trị mụn bọc mủ tại nhà thường bao gồm:
– Mặt nạ đất sét:
Mặt nạ đất sét tự nhiên có thể hút dầu thừa và bụi bẩn từ da và giảm khả năng hình thành mụn. Người thường xuyên bị mụn có thể đắp mặt nạ đất sét 2 lần mỗi tuần để cải thiện các triệu chứng.
– Nha đam:
Nha đam hay lô hội là sản phẩm được sử dụng phổ biến để kháng khuẩn, chống viêm và điều trị mụn trứng cá cũng như mụn mủ.
Để điều trị mụn bằng nha đam, bạn có thể sử dụng nha đam tươi, nguyên chất thoa trực tiếp lên da để loại bỏ vi khuẩn và hỗ trợ làm lành da. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp nha đam với chanh, quế, mật ong hoặc tinh dầu tràm trà để tăng hiệu quả điều trị.
– Tinh dầu hoa oải hương:
Tinh dầu hoa oải hương có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa mụn và hỗ trợ chữa lành các tổn thương da do mụn. Bên cạnh đó, tinh dầu cũng làm thoáng các lỗ chân lông, hỗ trợ giảm viêm khi thoa trực tiếp lên da.
Để điều trị mụn, bạn có thể trộn 1 – 2 giọt tinh dầu hoa oải hương với một muỗng cà phê dầu vận chuyển như dầu ô liu và thoa đều lên da 1 – 2 lần mỗi ngày.
Ngoài tác dụng điều trị mụn trứng cá, mụn bọc mủ, tinh dầu hoa oải hương có thể hỗ trợ làm sáng da và giảm nếp nhăn.
– Tinh dầu tràm trà:
Tinh dầu tràm trà có thể mang lại nhiều lợi ích cho làn da, hỗ trợ giảm sản xuất dầu nhờn, chống viêm, giảm đau và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng mụn mủ. Bên cạnh đó, tinh dầu tràm trà cũng có đặc tính kháng khuẩn, hỗ trợ chữa lành vết thương một cách hiệu quả.
Để điều trị mụn bằng tinh dầu tràm trà, bạn có thể pha loãng 3 giọt dầu vào khoảng 50 ml nước cây Phỉ và thoa lên da. Bên cạnh đó, các sản phẩm sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm và kem trị mụn chứa tinh dầu tràm trà cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự.
– Bổ sung kẽm:
Kẽm là chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe, hệ thống miễn dịch và da. Kẽm có thể chống lại vi khuẩn gây mụn, chống viêm, giảm kích ứng liên quan đến mụn trứng cá trung bình đến nặng.
Trong hầu hết các trường hợp, kẽm có thể được hấp thụ thông qua chế độ ăn uống. Các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm thường bao gồm các loại đậu, sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, các loại quả hạch, hàu, gia cầm, thịt đỏ. Tuy nhiên, nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị các sản phẩm bổ sung kẽm phù hợp với tình trạng của từng người bệnh.
2. Sử dụng thuốc không kê đơn
Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị mụn mủ không kê đơn để cải thiện các triệu chứng. Cụ thể các loại thuốc và kem trị mụn thường được chỉ định bao gồm:
– Benzoyl peroxide:
Benzoyl peroxide có thể tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trong các lỗ chân lông và ngăn ngừa hình thành mủ. Sản phẩm thường được sử dụng dưới dạng gel thoa ngoài da, dạng rửa mặt hoặc sữa tắm toàn thân.
Tuy nhiên, Benzoyl peroxide cũng có thể gây kích ứng và ngứa da. Do đó, nếu bị kích ứng bạn có thể thay đổi tần suất sử dụng và giảm thời gian lưu lại thuốc trên da. Ngoài ra, Benzoyl peroxide có thể hạn chế hoạt động của một số retinoids theo toa khi được sử dụng kết hợp.
Lưu ý khi sử dụng: Benzoyl peroxide có thể tẩy các loại vải, bao gồm quần áo và khăn tắm. Do đó, hạn chế tiếp xúc với các loại vải hoặc mặc quần áo cũ khi sử dụng thuốc.
– Axit salicylic:
Axit salicylic là hoạt chất được sử dụng phổ biến để điều trị mụn trứng cá, mụn bọc và cả mụn mủ. Hoạt chất hoạt động bằng cách loại bỏ các tế bào da chết, hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông và kích ứng da.
Sản phẩm có sẵn dưới dạng kem trị mụn tại chỗ, sữa rửa mặt và sữa tắm toàn thân.
– Retinoids:
Retinoids là thuốc được sử dụng để điều trị tất cả các dạng mụn, bao gồm mụn bọc mủ, đặc biệt là mụn trên mặt. Tuy nhiên sản phẩm có thể cần ít nhất 3 tháng để đạt hiệu quả điều trị.
Để điều trị mụn, bạn có thể thoa một lượng Retinoids nhỏ như hạt đậu lên khu vực mụn và vùng da xung quanh. Điều này có thể ngăn ngừa mụn mới hình thành.
Tuy nhiên, khi sử dụng Retinoids người dùng cần chú ý tránh ánh nắng mặt trời và dưỡng ẩm để tránh khô da.
3. Thuốc theo toa
Trong các trường hợp nghiêm trọng, mụn mủ có thể được điều trị bằng thuốc theo toa. Thuốc có thể được sử dụng tại chỗ hoặc thông qua đường uống, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mụn. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
– Thuốc kháng sinh:
Vi khuẩn P. acnes có thể dẫn đến mụn trứng cá đầy mủ. Do đó, trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh nếu nghi ngờ nhiễm vi khuẩn.
Kháng sinh có thể được sử dụng ở dạng thoa tại chỗ hoặc đường uống. Tuy nhiên thông thường kháng sinh sẽ được chỉ định kết hợp với benzoyl peroxide để ngăn ngừa P. acnes kháng kháng sinh.
Bên cạnh đó, kháng sinh không được sử dụng lâu dài và thường là một biện pháp ngắn hạn cho đến khi các loại thuốc trị mụn khác mang lại hiệu quả điều trị. Sử dụng kháng sinh kéo dài có thể dẫn đến nhiều rủi ro và tác dụng phụ không mong muốn.
– Thuốc tránh thai:
Thuốc tránh thai có thể được sử dụng để điều trị mụn trứng cá mủ nghiêm trọng ở một số phụ nữ, đặc biệt là mụn có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc nội tiết tố nữ.
Tuy nhiên sử dụng thuốc tránh thai lâu dài có thể dẫn đến một số rủi ro không mong muốn. Do đó, người dùng nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
– Isotretinoin:
Tương tự như retinoids, Isotretinoin là dẫn xuất của vitamin A và thường được chỉ định để điều trị mụn.
Tuy nhiên, Isotretinoin có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, thuốc chỉ được chỉ định cho các trường hợp như:
- Mụn không đáp ứng các phương pháp điều trị khác
- Mụn nghiêm trọng có thể dẫn đến sẹo
- Mụn nang nghiêm trọng
– Spironolactone:
Spironolactone là thuốc huyết áp và thuốc suy tim. Tuy nhiên loại thuốc kháng androgen này cũng có thể được sử dụng để điều trị mụn mủ ở phụ nữ. Thuốc không điều trị mụn ở nam giới.
Biện pháp phòng ngừa mụn mủ
Không thể phòng ngừa tất cả các nguyên nhân và yếu tố gây mụn, đặc biệt là khi mụn liên quan đến hormone. Tuy nhiên chăm sóc da thường xuyên và đúng phương pháp có thể hỗ trợ ngăn ngừa mụn. Cụ thể một số biện pháp có thể ngăn ngừa mụn mủ bao gồm:
- Rửa mặt mỗi ngày và sử dụng các sản phẩm không chứa dầu hoặc dị ứng trên da
- Dưỡng ẩm da với các sản phẩm dành cho da mụn hoặc da nhạy cảm, nếu bạn đang sử dụng thuốc trị mụn, hãy thoa kem dưỡng ẩm sau khi thoa thuốc điều trị
- Sử dụng kem chống nắng hàng ngày, đặc biệt là khi sử dụng retinoids
- Chọn các sản phẩm trang điểm không chứa dầu và không gây dị ứng da
- Không sử dụng các sản phẩm hỗ trợ vệ sinh hoặc chà xát da mặt, điều này có thể gây tổn thương da
- Giữ tay sạch và hạn chế sờ lên mặt hoặc các nốt mụn
- Mặc quần áo vừa vặn, thoáng khí để hạn chế ma sát và gây tổn thương da
- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập ra nhiều mồ hôi để hỗ trợ da thải độc
- Ngủ đủ giấc
- Ăn chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng
- Giảm căng thẳng bằng cách thiền định, tập yoga, nghe nhạc hoặc bất cứ hoạt động y thích nào khác
Mụn mủ là một tình trạng tự nhiên của mụn trứng cá và có thể điều trị bằng cách chăm sóc da kết hợp với thuốc trị mụn khi cần thiết. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng mụn trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để được tư vấn phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!