Búi trĩ là gì? Sa búi trĩ ra ngoài và cách làm co lên nhanh
Nội dung bài viết
Bệnh trĩ là tình trạng tĩnh mạch ở hậu môn hoặc trực tràng dưới viêm, sưng lên và hình thành các búi trĩ. Đôi khi búi trĩ có thể sa ra khỏi hậu môn dẫn đến khó chịu, đau đớn và gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người bệnh.
Bệnh trĩ là bệnh lý phổ biến nhưng thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và phong cách sinh hoạt.
Búi trĩ là gì?
Búi trĩ hình thành khi các tĩnh mạch ở hậu môn hoặc trực tràng dưới sưng lên. Khi búi trĩ nhô ra ngoài hậu môn hình thành một túi nhỏ, được gọi là sa trĩ. Tình trạng này thường rất đau đớn và có thể gây chảy máu ở hậu môn.
Phụ thuộc vào vị trí ảnh hưởng, bệnh trĩ được phân thành hai loại là:
- Trĩ nội thường phát triển bên trong ống trực tràng. Búi trĩ nội có thể phát triển với kích thước lớn, phình to và bị đẩy ra khỏi hậu môn.
- Trĩ ngoại là bệnh trĩ hình thành và phát triển bên ngoài hậu môn. Búi trĩ ngoại cũng có thể phình ra khỏi hậu môn nhưng thường không được gọi là sa búi trĩ.
Tình trạng sa trĩ thường không đau đớn nhưng có thể gây khó chịu và chảy máu bên ngoài hậu môn. Bên cạnh đó, sa búi trĩ có thể gây khó khăn cho việc ngồi, đi đại tiện hoặc cản trở việc đi lại của người bệnh.
Trong nhiều trường hợp sa búi trĩ có thể tự thu nhỏ hoặc được cải thiện thông qua các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể cần được điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.
Dấu hiệu sa búi trĩ
Thông thường búi trĩ có thể nhô ra khỏi hậu môn và tự co lại sau đó. Tuy nhiên, trong trường hợp trĩ nội độ 3 hoặc 4, búi trĩ có thể nhô ra bên ngoài và không thể co lại hoặc không thể co lại ngay lập tức.
Các dấu hiệu và triệu chứng sa búi trĩ phổ biến thường bao gồm:
- Xuất hiện cục u ở hậu môn: Người bệnh có thể cảm nhận thấy một vết sưng hoặc khối u nhỏ ở hậu môn khi đi đại tiện, đặc biệt là khi lau hậu môn. Điều này xảy ra khi tĩnh mạch trực tràng bị sưng, khi chạm vào có thể gây đau (một số người có thể không đau).
- Chảy máu: Đôi khi người bệnh có thể đi ngoài ra máu hoặc nhìn thấy máu ở giấy vệ sinh, hậu môn hoặc đồ lót. Máu do sa trĩ thường có màu đỏ tươi và chứa nhiều chất nhầy khác với máu do xuất huyết tiêu hóa hoặc do chảy máu đường ruột (thường có màu đen sẫm hoặc hắc ín).
- Ngứa hậu môn: Sa trĩ có thể gây ngứa ngáy khó chịu vùng da quanh hậu môn.
- Khó chịu: Sa trĩ có thể dẫn đến cảm giác khó chịu ở dạ dày hoặc đi vệ sinh không hết. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu khi đi đại tiện hoặc khi có vật gì đó tác động, kích thích vào búi trĩ. Việc ngồi hoặc tạo áp lực lên búi trĩ có thể gây đau đớn dữ dội.
Nguyên nhân gây sa trĩ
Sa trĩ là tình trạng xảy ra khi các mô nâng đỡ và đệm bên trong ống hậu môn suy yếu. Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng này thường bao gồm:
- Căng thẳng khi đi đại tiện có thể tăng thêm áp lực lên hậu môn, các búi trĩ và dẫn đến sa trĩ. Căng thẳng có thể tăng lên nếu người bệnh bị táo bón hoặc tiêu chảy.
- Mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ và tình trạng sa trĩ. Có khoảng 40% phụ nữ mang thai mắc bệnh trĩ và không được điều trị đúng cách. Điều này có thể gây sa búi trĩ.
- Béo phì, cân nặng quá mức có thể gây căng thẳng cho các tĩnh mạch ở trực tràng, dẫn đến hình thành các búi trĩ và tăng nguy cơ sa trĩ ra khỏi hậu môn.
- Hút thuốc là có thể gây hại cho các mạch máu, bao gồm các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ nội và sa trĩ.
Ngoài ra, đôi khi việc đặt một vật nào đó vào hậu môn cũng có thể dẫn đến bệnh trĩ và sa trĩ. Các nguy cơ phổ biến thường bao gồm hoạt động tình dục, thủ dâm hoặc điều trị y tế thông qua hậu môn có thể tăng áp lực lên khu vực này và dẫn đến sa trĩ.
Sa trĩ có nguy hiểm không?
Một búi trĩ sa ra ngoài có thể gây sưng nghiêm trọng và gây cản trở đến nhu động ruột của người bệnh. Điều này có thể dẫn đến táo bón mãn tính hoặc rối loạn nhu động ruột.
Đôi khi sa trĩ có thể gây chảy máu nhanh và nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Bên cạnh đó, sa trĩ nội thường có thể dẫn đến xuất huyết hoặc hình thành cục máu đông ở bên ngoài hậu môn và dẫn đến bệnh trĩ huyết khối. Trĩ huyết khối là tình trạng đau đớn, nghiêm trọng và cần được điều trị y tế kịp lúc để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người bệnh cần đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy chảy máu dữ dội ở trực tràng, đặc biệt là khi tình trạng này đi kèm các triệu chứng đau dạ dày, tiêu chảy hoặc sốt.
Chẩn đoán sa búi trĩ
Sa trĩ là tình trạng búi trĩ nhô ra khỏi hậu môn. Tình trạng này có thể được xác định thông qua kiểm tra thể chất và quan sát các triệu chứng liên quan.
Sa trĩ được phân thành 4 cấp độ phụ thuộc vào mức độ nhô ra của búi trĩ:
- Độ I: Búi trĩ đã hình thành bên trong ống hậu môn nhưng không nhô ra ngoài. Người bệnh có thể bị chảy máu.
- Độ II: Búi trĩ nhô ra khỏi hậu môn khi người bệnh đi đại tiện và có thể tự co lại vào bên trong ngay sau đó.
- Độ III: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi đại tiện và không thể rút lại tự nhiên vào bên trong hậu môn. Người bệnh phải dùng tay để đẩy búi trĩ vào trong.
- Độ IV: Búi trĩ sa hẳn ra khỏi ống hậu môn và không để đẩy vào bên trong trực tràng, dù người bệnh có sử dụng tay để đẩy. Sa trĩ độ 4 có thể gây tắc nghẽn hậu môn và dẫn đến nhiều rủi ro liên quan.
Cách làm co búi trĩ nhanh chóng
Hầu hết các trường hợp sa trĩ tự phát có thể cải thiện một cách tự nhiên hoặc thông qua các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể cần điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo một số cách xử lý bao gồm:
1. Chăm sóc tại nhà
Trong các trường hợp sa trĩ không nghiêm trọng hoặc không gây đau đớn, người bệnh có thể tự làm co búi trĩ tại nhà. Một số biện pháp có thể hỗ trợ giảm đau, sưng và cải thiện các triệu chứng sa trĩ tại nhà như:
- Ngâm mình trong bồn nước ấm trong 10 hoặc 15 phút. Người bệnh có thể bổ sung muối hoặc baking soda vào nước ấm để chống viêm, giảm sưng và cải thiện các cơn đau cục bộ.
- Thực hiện vệ sinh hậu môn, trực tràng sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi đại tiện. Người bệnh có thể sử dụng khăn ẩm hoặc khăn dành cho trẻ em để lau hậu môn. Tuy nhiên hãy chọn các sản phẩm không có mùi thơm hoặc cồn sát khuẩn để tránh kích thích các búi trĩ.
- Chườm lạnh bằng túi nước đá hoặc khăn lạnh trong 10 – 15 phút có thể hỗ trợ giảm viêm và sưng cấp tính ở các búi trĩ. Khi chườm lạnh, người bệnh không nên đặt trực tiếp viên đá lên da để tránh tình trạng bỏng lạnh hoặc làm hỏng các mô da.
- Thay đổi tư thế khi đi đại tiện có thể thay đổi góc trực tràng và hỗ trợ phân đi qua hậu môn dễ dàng hơn. Người bệnh có thể đặt chân lên một chiếc ghế thấp (khoảng 5 – 7 cm) hoặc nâng đầu gối cao bằng hông khi đi đại tiện để tránh táo bón và giúp búi trĩ co vào bên trong trực tràng.
- Thay đổi thói quen khi đi đại tiện có thể hỗ trợ ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không thể đi đại tiện ngay lập tức, người bệnh có thể đứng dậy và di chuyển xung quanh để kích thích nhu động ruột.
- Thay đổi tư thế ngồi làm việc có thể hỗ trợ làm co búi trĩ và phục hồi các triệu chứng sau bệnh trĩ. Không ngồi trên các bề mặt cứng, điều này có thể tăng áp lực lên cơ mông, khiến cơ mông căng ra và dẫn đến sa trĩ. Người bệnh nên chọn các loại ghế mềm, có đệm khi ngồi để tránh gây kích thích các mô hậu môn, trực tràng.
2. Điều trị y tế
Nếu các phương pháp chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả hoặc bệnh trĩ chảy máu và đau đớn nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo một số lựa chọn điều trị y tế. Biện pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ sa của búi trĩ.
Tương tự như các biện pháp điều trị bệnh trĩ, sa trĩ có thể được điều trị bằng các phương pháp bao gồm:
- Thắt dây cao su: Bác sĩ sẽ tiến hành đặt một hoặc hai dây cao su nhỏ thắt chặt xung quanh búi trĩ để cắt đứt lưu lượng máu lưu thông đến búi trĩ. Búi trĩ có thể tự rơi ra trong vòng 1 tuần hoặc 10 ngày. Đôi khi người bệnh có thể bị chảy máu nhẹ nhưng thường có thể tự cải thiện ngay sau đó.
- Tiêm thuốc vào búi trĩ: Liệu pháp này được sử dụng trong trường hợp sa trĩ độ 1 và 2. Bác sĩ có thể tiêm hóa chất vào búi trĩ để làm co các mạch máu trong mô trĩ và khiến búi trĩ tự rơi ra. Thủ thuật này có thể không mang lại hiệu quả ở số người.
- Đông máu: Bác sĩ có thể sử dụng tia laser, ánh sáng hồng ngoại hoặc nhiệt độ cao để cắt lượng máu đến búi trĩ. Điều này khiến búi trĩ cứng lại và tự rơi ra. Phương pháp này có nguy cơ tái phát trĩ rất cao.
3. Phẫu thuật
Có ít hơn 10% bệnh nhân bệnh trĩ cần phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp búi trĩ xuất hiện cục máu đông hoặc trĩ huyết khối, người bệnh có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa các triệu chứng.
Phẫu thuật thường phổ biến ở bệnh trĩ nội độ 3 hoặc 4. Trong phẫu thuật này, bác sĩ có thể loại bỏ tất cả các mô trĩ sa và ngăn ngừa các triệu chứng bệnh trĩ.
Mặc dù phẫu thuật có thể cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ nhưng thường gây đau đớn kéo dài. Một số rủi ro khác có thể bao gồm đại tiện không tự chủ và nhiễm trùng.
Sa búi trĩ có thể dẫn đến đau đớn nhưng có thể cải thiện bằng nhiều biện pháp. Điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa, chế độ ăn uống và lối sống để ngăn ngừa tình trạng tái phát trong tương lai.
Xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!