Bệnh trĩ nội độ 3 khi nào cần phẫu thuật? Cách điều trị
Nội dung bài viết
Bệnh trĩ nội độ 3 là giai đoạn có mức độ nặng, tiến triển phức tạp và dễ phát sinh biến chứng. Thông thường, điều trị ưu tiên đối với giai đoạn này là thay đổi lối sống, dùng thuốc và can thiệp thủ thuật xâm lấn. Tuy nhiên trong trường hợp búi trĩ có kích thước lớn hoặc đã xuất hiện biến chứng, có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật.
Nhận biết bệnh trĩ nội độ 3 bằng cách nào?
Bệnh trĩ nội độ 3 được xác định khi búi trĩ có kích thước tương đối lớn, thường xuyên sa ra ngoài ống hậu môn và không thể thụt vào bên trong mà bắt buộc phải sử dụng tay. Ở giai đoạn này, bệnh không chỉ gây đau rát, ngứa ngáy, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, tình dục, chất lượng giấc ngủ và hiệu suất lao động.
Thông thường ở giai đoạn 1 và 2, bệnh trĩ nội có thể điều trị hoàn toàn bằng thuốc, thay đổi lối sống và thủ thuật xâm lấn. Tuy nhiên khi bước sang giai đoạn 3, khả năng đáp ứng đối với các biện pháp này chỉ ở mức tương đối. Vì vậy trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt trĩ nhằm cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Mặc dù bệnh trĩ nói chung và trĩ nội nói riêng hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên nếu không chủ động điều trị, bệnh có thể để lại nhiều di chứng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Để nhận biết bệnh trĩ nội độ 3, bạn có thể dựa vào các dấu hiệu sau:
1. Qua biểu hiện lâm sàng
Ở giai đoạn mới phát, bệnh trĩ nội hầu như không gây đau, ngứa ngáy, nóng rát và búi trĩ nằm sâu bên trong ống trực tràng nên không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tuy nhiên khi bước sang cấp độ 3, bạn có thể nhận biết bệnh qua một số biểu hiện lâm sàng sau:
- Sờ vào ống hậu môn cảm nhận búi trĩ sa ra ngoài, bề mặt thô, dày và có màu đỏ sẫm
- Khi đứng dậy, búi trĩ không thể thụt vào bên trong mà buộc phải sử dụng tay để đẩy vào
- Khác với trĩ nội độ 1 và độ 2, búi trĩ độ 3 không chỉ sa ra bên ngoài khi đại tiện mà còn lòi ra khỏi ống hậu môn khi đi lại, vận động – đặc biệt là mang vác nặng
- Vùng hậu môn xuất huyết thường xuyên (ngay cả khi không đi tiêu) và mức độ chảy máu nặng, mất nhiều thời gian để cầm máu.
- Thường xuyên bị đau rát, vướng víu, khó chịu, sưng nóng, ngứa ngáy,…
- Ở một số ít trường hợp, trĩ nội độ 3 có thể gây ra một số triệu chứng thứ phát do sa búi trĩ trong thời gian dài như trung tiện mất tự chủ và ướt đũng quần.
2. Qua các kỹ thuật chẩn đoán
Trên thực tế, các biểu hiện lâm sàng của bệnh trĩ nội độ 3 có thể không quá khác biệt so với giai đoạn 2. Vì vậy để được xác định chính xác mức độ phát triển của búi trĩ, bạn nên tìm gặp bác sĩ để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cần thiết.
Các kỹ thuật được áp dụng để chẩn đoán bệnh trĩ nội độ 3 bao gồm:
- Khám trực tràng – hậu môn là biện pháp chẩn đoán đầu tiên được thực hiện.
- Sau đó bác sĩ có thể yêu cầu nội soi đường tiêu hóa dưới để loại trừ nguy cơ mắc polyp đại tràng hoặc ung thư trực tràng
- Đối với những trường hợp bệnh trĩ chưa tiến hành chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết mô và thăm khám tổng quát để loại trừ các bệnh lý hệ thống mà trong đó trĩ chỉ là một triệu chứng.
Bệnh trĩ nội độ 3 có nguy hiểm không?
Trĩ nội độ 3 là giai đoạn bệnh nặng và có tiến triển phức tạp hơn so với cấp độ 1 và 2. Nếu không can thiệp điều trị, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn 4 với kích thước búi trĩ lớn, vùng niêm mạc trực tràng – hậu môn phù nề, sưng đau dữ dội, ngứa ngáy và khó chịu.
Bên cạnh đó ở giai đoạn 3, bệnh còn có thể gây ra các biến chứng sau:
- Thiếu máu mãn tính: Đây là biến chứng thường gặp nhất ở bệnh trĩ độ 3 và độ 4. Thiếu máu mãn tính là hệ quả do tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài khiến lượng hồng cầu sụt giảm gây suy nhược cơ thể, người xanh xao, yếu sức, giảm khả năng tập trung, hiệu suất làm việc,… Đối với nữ giới, biến chứng này còn gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, vô kinh và thống kinh.
- Sa nghẹt búi trĩ: Sa nghẹt búi trĩ thường xảy ra khi búi trĩ sa ra ngoài ống hậu môn trong thời gian dài. Tình trạng nghẹt búi trĩ xảy ra khi cơ vòng hậu môn co thắt kéo mức khiến các mạch máu trong búi trĩ bị nghẹt, làm gián đoạn quá trình tuần hoàn, gây phù nề và sưng đau búi trĩ.
- Rối loạn chức năng cơ thắt hậu môn: Biến chứng này xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài trong thời gian dài. Nghiên cứu cho thấy, sa búi trĩ kích thích cơ thắt hậu môn co thắt quá mức, dẫn đến hiện tượng rối loạn chức năng hoặc thậm chí gây mất tự chủ khi đại tiểu tiện.
- Hình thành trĩ vòng: Trĩ vòng là tình trạng các búi trĩ trên và dưới đường lược kết hợp tạo thành búi trĩ lớn, làm tăng áp lực lên niêm mạc trực tràng khiến toàn bộ búi trĩ và mô lót trực tràng sa ra bên ngoài. Khác với trĩ đơn thuần, điều trị trĩ vòng bắt buộc phải phẫu thuật để kịp thời loại bỏ búi trĩ và dự phòng biến chứng.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở hậu môn: Búi trĩ sa ra ngoài ống hậu môn là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm và virus xâm nhập. Vì vậy ở giai đoạn này, bạn có thể gặp phải một số biến chứng như rò hậu môn, viêm nhiễm hậu môn, nứt kẽ hậu môn và áp xe.
Ngoài những biến chứng kể trên, bệnh trĩ nội cấp độ 3 còn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng giấc ngủ, hiệu suất lao động và yếu tố tâm lý. Vì vậy cần can thiệp điều trị sớm để giảm đau nhức, cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa bệnh chuyển sang giai đoạn nặng.
Cách điều trị bệnh trĩ nội độ 3
Ở giai đoạn 3, điều trị bằng thuốc cho kết quả khá hạn chế. Vì vậy để kiểm soát triệu chứng và thu nhỏ kích thước búi trĩ, bác sĩ thường chỉ định phối hợp giữa các biện pháp tại nhà, dùng thuốc và can thiệp một số thủ thuật xâm lấn.
1. Chữa bệnh trĩ nội độ 3 tại nhà
Các phương pháp điều trị tại nhà đem lại cải thiện rõ rệt ở giai đoạn bệnh mới phát. Tuy nhiên khi chuyển sang giai đoạn 3, các mẹo chữa này chỉ giúp cải thiện cơn đau, giảm mức độ xuất huyết và hỗ trợ hiệu quả của các biện pháp y tế.
Một số biện pháp chữa bệnh trĩ nội độ 3 tại nhà:
- Ngâm rửa búi trĩ với nước ấm trước và sau khi đại tiện nhằm làm mềm ống hậu môn, giúp phân dễ dàng đào thải và giảm áp lực lên búi trĩ. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp cầm máu và ngăn ngừa viêm nhiễm trực tràng – hậu môn.
- Loại trừ các yếu tố khiến bệnh tiến triển nặng như mang vác vật nặng, lao động quá mức, ngồi xổm, nâng tạ, ngồi nhiều, thừa cân – béo phì,… Thay vào đó nên kiểm soát cân nặng và thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để tăng tuần hoàn máu, giảm hiện tượng ứ huyết ở tĩnh mạch trực tràng và điều hòa nhu động ruột (ngừa táo bón).
- Tăng cường chất xơ vào chế độ ăn và uống nhiều nước giúp hạn chế táo bón. Bên cạnh đó, nên ăn chín uống sôi và rửa sạch tay trước khi ăn để tránh tiêu chảy. Táo bón và tiêu chảy đều làm tăng áp lực lên ống trực tràng và kích thích bệnh trĩ chuyển sang giai đoạn nặng.
- Có thể tận dụng dầu dừa, lá trầu không, diếp cá, nghệ vàng,… để xông hơi, ngâm rửa hậu môn nhằm giảm ngứa ngáy, viêm đỏ, sát trùng và hỗ trợ thu nhỏ kích thước búi trĩ.
Thực hiện các mẹo chữa tại nhà đều đặn có thể tăng tốc độ phục hồi, rút ngắn thời gian điều trị và hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp y tế. Tuy nhiên các mẹo chữa này đem lại hiệu quả khá chậm nên cần kiên trì thực hiện trong một thời gian dài.
2. Sử dụng thuốc chữa bệnh trĩ nội cấp độ 3
Trên thực tế, các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh trĩ nội độ 3 cho kết quả khá hạn chế. Dùng thuốc chỉ giúp giảm đau rát, sưng viêm, phù nề, phòng ngừa viêm nhiễm hậu môn và cải thiện tình trạng đi ngoài ra máu.
Chính vì vậy đối với bệnh trĩ nội cấp độ 3, bác sĩ thường chỉ định thuốc nhằm cải thiện triệu chứng và hỗ trợ làm co búi trĩ trước khi can thiệp thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật.
Các loại thuốc chữa bệnh trĩ nội cấp độ 3 thường được sử dụng:
- Thuốc điều hòa nhu động ruột: Loại thuốc này được sử dụng nhằm ngừa tiêu chảy và táo bón, từ đó làm giảm áp lực và ngăn chặn tiến triển của búi trĩ. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng thuốc theo liều lượng được bác sĩ chỉ định. Lạm dụng thuốc quá mức có thể gây mất nước, làm mất cân bằng điện giải và ảnh hưởng nhu động tự nhiên của ống tiêu hóa.
- Thuốc làm bền thành mạch: Thuốc làm bền thành mạch (Herpedine) thường chứa flavonoid (chất chống oxy hóa từ các loại thực vật). Thuốc có tác dụng làm bền mao mạch, giảm tính thấm tĩnh mạch nhằm hỗ trợ làm co búi trĩ, hạn chế mức độ xuất huyết khi đi tiêu và một số biến chứng khác.
- Thuốc co mạch: Thuốc co mạch được sử dụng ở dạng uống với tác dụng chính là làm co mạch nhằm giảm lưu lượng máu tuần hoàn ở vùng trực tràng – hậu môn. Loại thuốc này đem lại hiệu quả rõ rệt ở giai đoạn 1 và 2. Đối với trĩ nội cấp độ 3, thuốc chỉ được sử dụng nhằm thu nhỏ kích thước búi trĩ, giảm mức độ chảy máu và ngăn ngừa tái phát sau phẫu thuật.
- Thuốc đặt, bôi: Các loại thuốc đặt và thuốc bôi trĩ có tác dụng giảm ngứa, phù nề, bảo vệ niêm mạc hậu môn và giảm ma sát giữa phân với búi trĩ khi đại tiện. Nhóm thuốc này có thể cải thiện triệu chứng rõ rệt nhưng hiệu quả làm co búi trĩ tương đối hạn chế.
Ngoài những loại thuốc này, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại khác tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của từng cá thể.
3. Áp dụng các thủ thuật xâm lấn
Thống kê cho thấy, có khoảng 70 – 90% trường hợp bệnh nhân trĩ có hiệu quả khi can thiệp các thủ thuật xâm lấn. Tuy nhiên khi bước sang giai đoạn 3, các biện pháp này chỉ đem lại cải thiện rõ rệt ở một số ít trường hợp.
Các thủ thuật xâm lấn được chỉ định trong điều trị bệnh trĩ nội độ 3:
- Thắt vòng cao su: Đối với trường hợp trĩ nội độ 3 có chân búi trĩ nhỏ, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp thắt vòng cao su. Biện pháp này được thực hiện bằng cách đưa vòng cao su vào chân búi trĩ, sau đó thắt chặt nhằm ngăn cản lưu lượng máu tuần hoàn. Sau một thời gian, búi trĩ bị hoại tử, teo dần và rụng do thiếu nguồn máu nuôi dưỡng.
- Tiêm xơ hóa búi trĩ: Tiêm xơ hóa búi trĩ sử dụng dung dịch quinine-ure 5%, cồn 70% hoặc dung dịch phenol tan trong dầu hạnh nhân 5% nhằm tạo ra phản ứng xơ hóa trong búi trĩ. Phản ứng này giúp ép chặt mạch máu, từ đó làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn và giảm mức độ xuất huyết khi đi tiêu.
- Áp lạnh: Phương pháp này thường được thực hiện đồng thời với biện pháp thắt búi trĩ bằng vòng cao su nhằm tăng hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát. Áp lạnh sử dụng nhiệt độ thấp (thường là dùng nito lỏng ở nhiệt độ -196 độ C) làm hóa băng búi trĩ, gây hoại tử lạnh và cuối cùng tổ chức búi trĩ teo dần trong 6 – 8 tuần. Ngoài ra, biện pháp này còn làm giảm khả năng thụ cảm tín hiệu đau của dây thần kinh xung quanh ống hậu môn.
- Thắt búi trĩ bằng chỉ không cắt: Sử dụng chỉ kẹp tận gốc búi trĩ nhằm gián đoạn quá trình tuần hoàn máu. Sau 5 – 7 ngày, búi trĩ bị hoại tử và rụng.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số thủ thuật xâm lấn khác như điện hướng cực, đốt điện trực tiếp, chiếu tia hồng ngoại hoặc tia nước intrejet. Tuy nhiên cần lưu ý, các thủ thuật xâm lấn không được áp dụng cho bệnh trĩ cấp độ 3 có búi trĩ kích thước lớn và sa búi trĩ trong thời gian dài.
Bệnh trĩ nội độ 3 có cần phẫu thuật không?
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ có một số ít trường hợp trĩ nội cấp độ 3 đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc và can thiệp thủ thuật xâm lấn. Phần lớn các trường hợp trong giai đoạn này đều phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ để dự phòng biến chứng và điều trị bệnh dứt điểm.
Phẫu thuật cắt trĩ nội cấp độ 3 được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Sa búi trĩ lâu ngày khiến vùng hậu môn ngứa ngáy dai dẳng, phù nề, đau rát và khó chịu
- Đã xuất hiện biến chứng như hình thành huyết khối, hoại tử, sa nghẹt búi trĩ, viêm quanh hậu môn, thiếu máu mãn tính, suy yếu cơ hậu môn, rò hậu môn hoặc nứt kẽ hậu môn.
- Hình thành trĩ vòng (búi trĩ sa kết hợp với sa niêm mạc trực tràng)
Tùy vào kích thước, vị trí búi trĩ, tình trạng sức khỏe và khả năng tài chính của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp phẫu thuật cắt trĩ như:
- Phẫu thuật cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT
- Phương pháp PPH
- Phương pháp Longo
- Phương pháp Milligan Morgan
- Cắt trĩ với phương pháp siêu âm Doppler-THD
Can thiệp ngoại khoa có thể loại bỏ hoàn toàn búi trĩ, giảm triệu chứng và chữa trị bệnh dứt điểm. Mặc dù hiện nay các kỹ thuật ngoại khoa đã có nhiều bước tiến vượt trội nhưng trên thực tế, phương pháp này vẫn có thể gây ra một số biến chứng hậu phẫu. Vì vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định phẫu thuật điều trị bệnh trĩ nội cấp độ 3.
Bệnh trĩ nội độ 3 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy khi nhận thấy các triệu chứng có mức độ nặng, nên tiến hành thăm khám để bác sĩ đánh giá giai đoạn phát triển của bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm: Biểu hiện bệnh trĩ nặng và cách chữa trị được khuyên dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!