Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp HCPT – Ưu, nhược điểm
Nội dung bài viết
Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp HCPT là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu áp dụng nguyên tắc “nhiệt nội sinh” để thu nhỏ kích thước và cắt bỏ búi trĩ tận gốc. Phương pháp này có mức độ xâm lấn thấp, hầu như không gây đau, chảy máu, thời gian phục hồi nhanh và ít phát sinh các biến chứng hậu phẫu.
Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp HCPT là gì?
Phương pháp HCPT (High-frequency capacitance pile treating) là một trong những kỹ thuật cắt trĩ hiện đại nhất hiện nay.
Phương pháp này áp dụng nguyên tắc “nhiệt nội sinh” bằng cách sử dụng sóng điện từ tần cao ở nhiệt độ từ 70 – 80 độ C nhằm làm đông mạch máu, tạo nút thắt tĩnh mạch gây gián đoạn lưu lượng máu tuần hoàn trong búi trĩ. Búi trĩ thiếu máu nuôi dưỡng có xu hướng giảm hiện tượng sung huyết và thu nhỏ kích thước. Sau đó bác sĩ tiến hành cắt búi trĩ tận gốc bằng dao điện.
So với các phương pháp truyền thống, HCPT có mức độ xâm lấn thấp, chỉ gây đau nhẹ hoặc hầu như không gây đau cả trong quá trình thực hiện và hồi phục. Do kích thước vết mổ nhỏ nên phương pháp này có thời gian phục hồi nhanh, giảm thiểu biến chứng hậu phẫu và hạn chế tối đa nguy cơ trĩ tái phát.
Ngoài điều trị bệnh trĩ, kỹ thuật HCPT còn được ứng dụng để chữa các bệnh lý liên quan đến hậu môn – trực tràng như rò hậu môn, áp xe hậu môn và nứt kẽ hậu môn.
Chỉ định – Chống chỉ định
Cắt trĩ bằng phương pháp HCPT được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Bệnh trĩ nặng (độ 3, độ 4) không có đáp ứng với điều trị bảo tồn và các thủ thuật xâm lấn
- Trường hợp đã xuất hiện biến chứng như trĩ ngoại tắc mạch, mẩu da thừa hậu môn, sa nghẹt búi trĩ, hoại tử búi trĩ hoặc đã hình thành trĩ vòng
- Bệnh trĩ độ 2 nhưng không có cải thiện khi thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và các thủ thuật xâm lấn
Phương pháp HCPT có mức độ xâm lấn thấp, độ an toàn khá cao nên không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên trước khi thực hiện, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng để được cân nhắc về việc áp dụng phương pháp này.
Quy trình phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp HCPT
Hiện nay, phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp HCPT được áp dụng phổ biến và đang dần được thay thế các kỹ thuật mổ trĩ truyền thống. Phương pháp này hầu như không gây đau, mức độ xâm lấn thấp, ít phát sinh biến chứng hậu phẫu và có quy trình thực hiện tương đối đơn giản.
1. Giai đoạn chuẩn bị
Trước khi chỉ định cắt trĩ bằng phương pháp HCPT, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám nhằm đánh giá kích thước búi trĩ, biến chứng và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Trên thực tế, phương pháp HCPT chỉ được thực hiện trong trường hợp trĩ đơn thuần và búi trĩ không có cấu trúc quá phức tạp.
Nếu bệnh nhân có mong muốn cắt trĩ bằng phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn về cơ chế, nguyên lý hoạt động, quy trình thực hiện và chi phí điều trị.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật và dự phòng biến chứng hậu phẫu, bệnh nhân cần tránh sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích và ngưng sử dụng một số loại thuốc như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống viêm không steroid, viên uống Omega 3, thuốc chống đông máu,…
2. Các bước phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp HCPT
Quy trình cắt trĩ bằng phương pháp HCPT chỉ kéo dài khoảng 20 – 30 phút với các bước sau:
- Vô cảm trước khi tiến hành phẫu thuật
- Sau đó, bác sĩ sẽ mở lỗ hậu môn cách ống trực tràng khoảng 4 cm để dễ dàng tiếp cận và cắt bỏ búi trĩ
- Đưa sóng cao tần có nhiệt độ từ 70 – 80 độ C vào búi trĩ nhằm tạo cục máu đông ở tĩnh mạch và cố định vị trí cần cắt
- Sử dụng dòng điện cao tần để tách các mô búi trĩ
- Cuối cùng, bác sĩ sẽ sử dụng dao điện để cắt tận gốc búi trĩ
Sau khi cắt trĩ, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện khoảng 2 tiếng để được kiểm tra tình trạng sức khỏe và vết mổ trước khi trở về nhà.
3. Chăm sóc sau khi cắt trĩ
Tương tự phương pháp cắt trĩ bằng laser, phương pháp HCPT có mức độ xâm lấn, ít gây đau, chảy máu nên có thời gian phục hồi nhanh và chế độ chăm sóc sau phẫu thuật tương đối đơn giản. Nếu chăm sóc đúng cách, vết mổ có thể phục hồi hoàn toàn chỉ sau 1 – 2 tuần.
Cách chăm sóc sau khi phẫu thuật trĩ bằng phương pháp HCPT:
- Cần nằm nghỉ ngơi trong 4 – 6 giờ sau phẫu thuật. Sau khoảng 6 – 8 giờ, có thể dùng các món ăn mềm, lỏng và ít gia vị như canh, cháo và súp để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas, cà phê, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, muối, đường và chất bảo quản.
- Rửa hậu môn với nước ấm, sau đó lau khô bằng khăn sạch và sát trùng bằng dung dịch xanh methylen hoặc betadine. Ngoài ra, xanh methylen còn giúp giảm ngứa ngáy và khó chịu trong thời gian vết mổ hình thành da non.
- Đi lại, vận động nhẹ nhàng trong thời gian sau khi mổ. Tuyệt đối không mang vác nặng, lao động quá mức, ngồi xổm, đi xe máy, xe đạp, nhịn đại tiện và quan hệ tình dục trong ít nhất 1 tháng.
- Dùng thuốc giảm đau và kháng sinh đều đặn để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và đau nhức ở giai đoạn hậu phẫu.
- Thay quần lót thường xuyên và ưu tiên mặc các trang phục rộng rãi, thoáng mát, có chất liệu thấm hút nhằm hạn chế ma sát, kích thích lên vết mổ.
- Không thực hiện các bộ môn luyện tập làm tăng áp lực lên vùng tĩnh mạch trực tràng – hậu môn như chạy bộ, nâng tạ và đạp xe. Đồng thời tránh bơi lội đến khi vết mổ lành hoàn toàn vì bộ môn này có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vết mổ.
- Tìm gặp bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường hoặc tái khám theo lịch hẹn.
Cắt trĩ bằng phương pháp HCPT có nguy hiểm không?
Phương pháp HCPT sử dụng cao tần có nhiệt độ cao nhằm tạo nút thắt ở tĩnh mạch búi trĩ nhằm giảm lưu lượng máu tuần hoàn, hỗ trợ thu nhỏ kích thước và giúp bác sĩ dễ dàng loại bỏ búi trĩ tận gốc. So với mổ mở truyền thống, phương pháp này có mức độ xâm lấn thấp, thời gian phục hồi nhanh, ít gây đau và hạn chế nguy cơ phát sinh các biến chứng hậu phẫu.
Tuy nhiên trên thực tế, phẫu thuật trĩ bằng phương pháp HCPT có thể gây ra một số tác dụng phụ như nhiễm trùng, chảy máu kéo dài, rối loạn cơ thắt hậu môn, hẹp hậu môn và tái phát trĩ,…
Các biến chứng này thường xảy ra ở những trường hợp không chăm sóc đúng cách, tiếp tục duy trì các thói quen xấu hoặc do can thiệp phẫu thuật tại các cơ sở y tế nhỏ lẻ, tay nghề bác sĩ kém và thiết bị y tế chưa được vô trùng hoàn toàn.
Ưu điểm – Hạn chế của phương pháp cắt trĩ bằng HCPT
Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp HCPT được đánh giá là kỹ thuật ngoại khoa hiện đại, có mức độ xâm lấn thấp, ít chảy máu, giảm nguy cơ trĩ tái phát và hạn chế các biến chứng hậu phẫu. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có một số mặt hạn chế nhất định.
Vì vậy trước khi quyết định áp dụng kỹ thuật HCPT trong điều trị bệnh trĩ, bệnh nhân cần cân nhắc giữa ưu điểm và mặt hạn chế của phương pháp này.
Ưu điểm:
- Mức độ xâm lấn thấp, ít gây tổn thương cơ thắt hậu môn, giảm mức độ chảy máu và ít gây đau
- Thời gian thực hiện nhanh chóng, bệnh nhân có thể trở về nhà sau 2 giờ và ít trường hợp phải lưu trú tại bệnh viện
- Ít gây ra biến chứng hậu phẫu như các phương pháp truyền thống
- Tỷ lệ tái phát thấp
Hạn chế:
- Chi phí tương đối cao nên nhiều bệnh nhân không có khả năng chi trả
- Phương pháp HCPT đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao, thiết bị y tế hiện đại và tiên tiến. Vì vậy, hiện nay có khá ít bệnh viện/ phòng khám thực hiện phương pháp này.
- Có thể không phù hợp với những trường hợp trĩ nặng, cấu trúc búi trĩ phức tạp
Cắt trĩ bằng phương pháp HCPT có giá bao nhiêu?
Qua khảo sát, phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp HCPT có giá dao động từ 7 – 10 triệu đồng. Trong khi đó các phương pháp truyền thống chỉ có giá khoảng 2 – 5 triệu đồng.
Tuy nhiên chi phí thực tế có thể thay đổi do những yếu tố sau:
- Cơ sở y tế thực hiện: Phẫu thuật cắt trĩ ở những bệnh viện công có giá thành thấp hơn so với các phòng khám/ bệnh viện tư nhân.
- Tình trạng bệnh lý: Chi phí phẫu thuật trĩ còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Đối với trường hợp bệnh nhẹ, quá trình phẫu thuật thường diễn ra nhanh chóng và có chi phí vừa phải. Tuy nhiên nếu bệnh có mức độ nặng hoặc đã phát sinh biến chứng, thời gian phẫu thuật có thể kéo dài và chi phí có thể cao hơn so với chi phí thông thường.
- Biến chứng phát sinh: Trong trường hợp xảy ra biến chứng, bệnh nhân buộc phải tiến hành điều trị. Điều này ảnh hưởng đến chi phí và thời gian phục hồi. Vì vậy để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh gây lãng phí tài chính, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp chăm sóc sau phẫu thuật theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài chi phí phẫu thuật, bệnh nhân nên chuẩn bị 1 khoản chi phí cho việc tái khám, thuốc men, đi lại,..
Cắt trĩ bằng phương pháp HCPT ở đâu?
Lựa chọn cơ sở y tế để thăm khám và phẫu thuật cắt trĩ là vấn đề được khá nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi phẫu thuật tại các phòng khám không đảm bảo vô trùng thiết bị y tế, tay nghề bác sĩ non kém có thể tăng nguy cơ viêm nhiễm, chảy máu kéo dài và gây hẹp hậu môn.
Dưới đây là một số bệnh viện lớn có thực hiện cắt trĩ bằng phương pháp HCPT:
- Bệnh viện Bạch Mai: Địa chỉ số 78, Đường Giải Phóng, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội. Thời gian làm việc 6:30 – 18:00 từ Thứ 2 đến Thứ 6.
- Bệnh viện Quân Y 103: Địa chỉ số 261 Đường Phùng hưng, Phúc La, Quận Hà Đông, Hà Nội. Thời gian làm việc 8:00 – 12:00 và 13:30 – 17:00 các ngày trong tuần.
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Địa chỉ số 1, đường Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Thời gian làm việc 7:30 – 17:00 Thứ 2 – Thứ 6 và 7:30 – 12:00 Thứ 7.
- Bệnh viện Nhân dân 115: Địa chỉ số 527, đường Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP HCM. Thời gian làm việc 7:00 – 12:00 và 13:00 – 16:00 từ Thứ 2 – Thứ 6; 7:30 – 16:00 Thứ 7 và 7:30 – 11:30 ngày Chủ nhật.
- Bệnh viện Nhân dân Gia Định: Địa chỉ số 1, đường Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP HCM. Thời gian làm việc 7:00 – 16:00 các ngày trong tuần.
Bài viết đã tổng hợp các thông tin cần biết về phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp HCPT. Tuy nhiên trước khi thực hiện biện pháp này, cần tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn về chi phí, quy trình thực hiện và chế độ chăm sóc sau phẫu thuật.
Tham khảo thêm: Bệnh trĩ khi nào cần phẫu thuật? Các phương pháp cắt trĩ 2020
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!