Bé bị ho sổ mũi uống thuốc gì hết nhanh nhất?

Sử dụng thuốc là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị ho, sổ mũi cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh băn khoăn không biết bé bị ho sổ mũi uống thuốc gì mới nhanh hết bệnh. Hãy cùng đi sâu vào tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

Bé bị ho sổ mũi nguyên nhân do đâu?

Ho, sổ mũi là các phản ứng bình thường của cơ thể trẻ nhằm loại bỏ hết đờm nhầy, dịch tiết hoặc dị vật gây kích ứng cho niêm mạc mũi họng, giúp đường thở của bé được thông thoáng. Trẻ có thể bị ho khan, ho có đờm kết hợp với sổ mũi ở mức độ nhẹ, trung bình đến nặng. Một số trường hợp còn xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau họng, hắt hơi, ngứa mũi, nôn trớ, mệt mỏi, quấy khóc và khó ngủ về đêm.

Bé bị ho sổ mũi uống thuốc gì
Bé bị ho sổ mũi kéo dài sẽ khiến bé mệt mỏi, khó chịu

Các nguyên nhân có thể khiến trẻ bị ho, sổ mũi bao gồm:

  • Dị ứng: Trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện nên dễ bị dị ứng. Lúc này, cơ thể bé giải phóng nhiều histamin khiến niêm mạc đường thở của bé bị sưng viêm, tiết dịch, ngứa ngáy gây ra tình trạng ho, sổ mũi.
  • Môi trường sống bị ô nhiễm: Trẻ thường xuyên ở trong môi trường có không khí ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, khói thuốc lá hay khí thải công nghiệp rất dễ bị ho, sổ mũi và thường xuyên mắc các bệnh lý khác ở đường hô hấp.
  • Thay đổi thời tiết: Trẻ có thể bị ho, sổ mũi khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc do trời lạnh nhưng không được mặc đủ ấm.
  • Cảm lạnh: Chứng cảm lạnh thông thường cũng là nguyên nhân phố biến khiến con bạn bị ho, sổ mũi. Kèm theo đó bé có thể gặp một số triệu chứng khác như nóng sốt nhẹ, họng đau, hắt hơi, chảy nước mắt.
  • Cảm cúm: Bệnh cảm cúm do virus cúm gây ra. Loại virus này có khả năng lây lan từ người bệnh qua trẻ khiến bé bị ho, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, lạnh run, biếng ăn…
  • Viêm đường hô hấp trên: Trẻ mắc bệnh viêm mũi dị ứng hay viêm xoang thường hay bị sổ mũi. Đôi khi dịch nhầy tiết ra nhiều và chảy ngược xuống cổ họng gây kích thích niêm mạc và khiến bé bị ho. Ngoài ra, ho sổ mũi còn là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị viêm họng hoặc viêm amidan.
  • Thời tiết khô hanh: Không khí bị khô khiến cho niêm mạc mũi họng của bé dễ bị kích ứng và tiết ra nhiều dịch, từ đó dẫn đến tình trạng ho, sổ mũi.

Bé bị ho sổ mũi uống thuốc gì nhanh hết?

Tình trạng ho, sổ mũi kéo dài có thể khiến bé mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ. Chính vì vậy việc dùng loại thuốc nào để nhanh chóng chữa khỏi bệnh cho bé là nỗi băn khoăn chung của nhiều cha mẹ. Các loại thuốc đang được lựa chọn để điều trị ho sổ mũi cho trẻ bao gồm:

Viêm phế quản dai dẳng khiến chú Minh "ho nổ cổ" suốt ngày suốt đêm. Căn bệnh này đeo bám gần chục năm cho tới khi chú biết đến bài thuốc Thanh hầu bổ phế thang được phục dựng từ bài thuốc chữa ho của Ngự y Cung đình Huế.

Thuốc tây chữa ho sổ mũi cho bé

Để điều trị ho sổ mũi cho trẻ, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh, đồng thời giảm ho, chống sổ mũi và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Dưới đây là các thuốc thường được chỉ định:

1. Thuốc Chlorpheniramin

Chlorphenamine nằm trong nhóm thuốc đối kháng thụ thể H1. Loại thuốc này có thể giúp giảm ho, chống sổ mũi, nghẹt mũi cho các trường hợp mắc bệnh có liên quan đến dị ứng. Ngoài ra, loại thuốc này còn có thể giúp trẻ giảm ngứa mũi, ngứa họng, hắt hơi – những triệu chứng thường gặp khi bị viêm mũi họng, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng.

Khi sử dụng, thuốc sẽ phát huy tác dụng bằng cách ức chế giải phóng histamine, ngăn chặn phản ứng dị ứng trong cơ thể gây tổn thương cho niêm mạc mũi họng. Chlorphenamine có thể gây buồn ngủ, khô miệng và một số tác dụng phụ khác khi sử dụng. Vì vậy, không nên lạm dụng bừa bãi, đặc biệt là khi phải lái xe, điều khiển máy móc hay làm việc có tính chất tập trung cao. Để giảm thiểu những rủi ro trên, phụ huynh được khuyến cáo nên cho bé dùng thuốc vào buổi tối.

Thuốc Chlorphenamine được bào chế dưới các dạng viên nén (4mg, 12mg), viên nhai (4mg) và viên nang (4mg). Liều lượng được sử dụng tùy theo lứa tuổi của bé.

Bé bị ho sổ mũi uống thuốc gì nhanh khỏi
Thuốc Chlorpheniramin được sử dụng để trị ho sổ mũi ở trẻ bị dị ứng

Cách dùng thuốc Chlorphenamine trị ho sổ mũi cho trẻ:

  • Trẻ 1 – 2 tuổi: Mỗi lần uống 1mg x 2 lần/ngày
  • Trẻ 2-5 tuổi: Mỗi lần uống 1mg, lặp lại sau mỗi 4 – 6 giờ. Liều tối đa không vượt quá 6mg
  • Trẻ 6-12 tuổi: Mỗi lần uống 2mg, liều dùng tiếp theo sau 4 – 6 tiếng. Liều dùng tối đa là 12mg.

2. Thuốc tiêu đờm Acetylcystein giảm ho, sổ mũi cho trẻ

Acetylcystein là thuốc làm tiêu đờm nhầy được chỉ định khi trẻ bị ho nhiều đờm có liên quan đến một số bệnh lý ở đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm mũi. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm độ đặc quánh của chất nhầy bàng cách phá vỡ các liên kết disulfide của mucoprotein – thành phần cấu tạo lên chất nhầy. Qua đó có thể giúp tăng cường dẫn lưu xoang mũi và loại bỏ chất nhầy vướng víu ra khỏi đường hô hấp, giúp trẻ giảm ho đàm.

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng loại thuốc này bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Đỏ bừng mặt
  • Phù
  • Nhịp tim nhanh
  • Buồn ngủ
  • Đau đầu
  • Nổi phát ban, mề đay

Trong những ngày đầu sử dụng, thuốc có thể gây sổ mũi nhiều hơn do tác dụng làm loãng đờm. Thuốc được chỉ định cho trẻ em và cả người lớn với các dạng bào chế gồm viên nén, bột hay dung dịch uống.

Cách sử dụng thuốc:

  • Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Mỗi lần uống 50mg x 2 – 3 lần trong ngày
  • Trẻ 2 – 7 tuổi: Mỗi lần dùng 200mg x 2 lần trong ngày
  • Trẻ > 7 tuổi và người trưởng thành: Mỗi lần uống 200mg x 3 lần/ngày. Liều dùng tối đa mỗi ngày là 600mg.

3. Thuốc Dextromethorphan

Dextromethorphan được chỉ định cho trẻ bị ho sổ mũi nhiều nhưng không có đàm, ho kéo dài dai dẳng do mắc các bệnh lý ở đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng hay khí phế thũng. Thuốc có tác dụng tạm thời xoa dịu cơn ho và giảm cảm giác đau trong cổ họng bằng cách ức chế co thắt cơ.

Thuốc được sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên và người lớn. Chống chỉ định Dextromethorphan cho trẻ bị ho có đàm. Loại thuốc này được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như dung dịch uống, siro, viên phóng thích chậm, viên ngậm hay viên nén.

Thuốc uống trị ho sổ mũi cho bé Dextromethorphan
Thuốc Dextromethorphan được sử dụng để điều trị triệu chứng ho cho trẻ em

Hướng dẫn cách dùng thuốc cho trẻ:

Trẻ 2 – 6 tuổi:

  • Viên nén/siro/thuốc ngậm/dung dịch: Mỗi lần dùng 2,5 – 7,5mg x 3 – 4 lần/ngày
  • Dung dịch 5 mg/5 ml: Uống 5 ml sau mỗi 4 tiếng
  • Thuốc dạng viên phóng thích chậm: Dùng mỗi lần uống 1 viên 15mg x 2 lần/ngày

– Trẻ 7 – 12 tuổi: 

  • Viên nén/siro/thuốc ngậm/dung dịch: Mỗi lần uống 5 – 10mg sau mỗi 4 tiếng hoặc 15mg x 3 – 4 lần/ngày.
  • Miếng ngậm: Mỗi lần ngậm hai miếng, lặp lại sau 6 – 8 tiếng
  • Dung dịch 5 mg/5 ml: Uống 10ml, lặp lại liều tiếp theo sau 4 tiếng.
  • Viên uống phóng thích chậm: Mỗi lần uống 30mg x 2 lần/ngày

– Trẻ > 12 tuổi: 

  • Viên nén/siro/thuốc ngậm/dung dịch: Mỗi lần uống 10 – 30mg, khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc là 4 – 8 tiếng.
  • Miếng ngậm: Dùng 15mg – 30mg, lặp lại sau 6 – 8 tiếng

4. Thuốc Dexchlorpheniramin 

Dexchlorpheniramin chính là câu trả lời tiếp theo cho thắc mắc bé bị ho sổ mũi uống thuốc gì nhanh khỏi. Đây là thuốc kháng histamin được bào chế dưới dạng viên nén hoặc siro. Thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng ho, sổ mũi và các triệu chứng có liên quan đến dị ứng ở trẻ em như hắt hơi, ngứa họng, ngứa mũi, đỏ mắt, nghẹt mũi…

Thuốc Dexchlorpheniramin thích hợp cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Thận trọng tham khảo ý kiến bác sĩ nếu phụ huynh có ý định dùng thuốc để trị ho sổ mũi cho trẻ dưới 6 tuổi hoặc các bé có tiền sử bị hen suyễn, tăng nhãn áp, bệnh đau dạ dày, tim mạch, cường giáp, bí tiểu, táo bón.

Giống như nhiều loại thuốc uống chữa ho sổ mũi cho bé khác, loại thuốc này cũng tiềm ẩn một số tác dụng ngoài ý muốn như: Buồn ngủ, khô miệng, khô niêm mạc mũi họng, chóng mặt, khó đi cầu, nhầm lẫn, ngứa ngoài da, nổi mề đay…

Liều dùng:

  • Trẻ 6 – 11 tuổi: Mỗi lần uống 1mg, dùng liều tiếp theo sau 4 – 6 tiếng
  • Trẻ 12 tuổi trở lên: Mỗi lần uống 2mg, lặp lại sau mỗi 4 – 6 tiếng

5. Thuốc Codein

Một số trẻ có biểu hiện ho nhiều, đau họng có thể được bác sĩ chỉ định thuốc Codein. Khi được hấp thu, các hoạt chất trong thuốc có khả năng ức chế co thắt các cơ ở cổ họng, giảm cảm giác muốn ho.

Thuốc chỉ được sử dụng cho các trường hợp bị ho khan, không có đờm. Các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng Codein bao gồm phát ban, sưng mặt, khó thở, ngứa da, buồn ngủ, buồn nôn, táo bón, đổ nhiều mồ hôi… Không dùng thuốc cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Thuốc trị ho sổ mũi cho bé Codein
Codein là thuốc kê đơn có tác dụng giảm ho khan cho bé

Liều lượng được khuyến cáo:

  • Trẻ 2 – 6 tuổi: Mỗi lần uống 2,5 – 5mg sau mỗi 4 – 6 tiếng. Liều dùng tối đa trong ngày không vượt quá 30mg
  • Trẻ 6 – 12 tuổi: Mỗi lần uống 5 – 10mg sau mỗi 4- 6 tiếng. Liều lượng tối đa là 60mg/ngày.

6. Siro trị ho sổ mũi cho trẻ

Bên cạnh các loại thuốc trên, mẹ có thể dùng một số loại siro để giảm ho và sổ mũi cho bé. Dưới đây là các sản phẩm đang được sử dụng phổ biến:

– Siro Tiffy: 

Siro Tiffy do công ty TNHH Thái Nakorn Patana sản xuất, có thể dùng cho cả trẻ em và người lớn. Thuốc được bào chế từ các thành phần gồm Paracetamol, Chlopheniramine và Phenylephrine có tác dụng chống nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi, giảm ho, hạ sốt, giảm đau đầu, đau họng cho các trường hợp bị cảm thông thường, viêm mũi dị ứng.

Cách sử dụng:

  • Trẻ nhỏ 3 – 6 tuổi: Mỗi lần uống 5ml x 4 lần/ngày
  • Trẻ 6 – 12 tuổi: Mỗi lần uống 5 – 10 ml x 4 lần/ngày
  • Uống sau các bữa ăn, không cần pha loãng với nước.

– Siro ho Prospan:

Prospan là siro hỗ trợ giảm ho nghẹt mũi cho trẻ được nhập khẩu tại Đức. Thuốc chứa cao khô lá thường xuân phối hợp cùng một số thành phần khác như kali sorbat hay acid ccitric khan.

thuốc siro Prospan chữa ho sổ mũi cho bé
Prospan là một trong các loại siro đang được sử dụng phổ biến để trị ho sổ mũi cho trẻ

Siro Prospan có tác dụng long đờm, giảm ho bằng cách chống co thắt cơ trơn trong phế quản, đồng thời giảm kích ứng ở niêm mạc họng. Thuốc được đánh giá cao về tính an toàn, có thể dùng được cho cả trẻ sơ sinh. Với vị ngọt và hương thơm dễ chịu, trẻ sẽ hợp tác tốt với cha mẹ hơn mỗi khi uống thuốc.

Cách sử dụng:

  • Trẻ sơ sinh tới 5 tuổi: Mỗi lần uống 2,5ml x 3 lần/ngày
  • Trẻ từ 6 – 10 tuổi: Mỗi lần uống 5ml x 3 lần/ngày
  • Trẻ trên 10 tuổi: Mỗi lần uống 5 – 7.5 ml x 3 lần/ngày

Ngoài ra, cha mẹ có thể cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng các loại siro khác để trị ho, sổ mũi cho bé như Cottu F, Siro Ho – Cảm Ích Nhi, siro ho Astex…

7. Các loại thuốc tây khác giúp trị ho sổ mũi cho bé 

  • Thuốc kháng sinh cho các trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp
  • Thuốc corticoid
  • Thuốc kháng viêm
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt
  • Thuốc xịt mũi, nhỏ mũi

Các bài thuốc uống trong dân gian chữa ho sỗ mũi cho bé

Một số bài thuốc dân gian có thể giúp hỗ trợ giảm ho, trị sổ mũi cho trẻ. Thuốc được bào chế từ thảo dược thiên nhiên nên khá an toàn cho sức khỏe của bé, không lo gặp tác dụng phụ như thuốc tây nếu được sử dụng đúng cách.

– Quất hấp mật ong:

Cả hai nguyên liệu này đều có tác dụng kháng khuẩn tốt nên giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng ở đường hô hấp. Ngoài ra, dùng quýt hấp mật ong còn có tác dụng làm giảm kích ứng ở cổ họng, giảm ho, tiêu đờm, chống dị ứng, nghẹt mũi và cải thiện sức đề kháng cho bé. Mẹ có thể áp dụng bài thuốc này cho trẻ trên 1 tuổi.

Mỗi ngày, mẹ hãy lấy 4 – 5 quả quất đem cắt làm đôi. Bỏ quýt vào chén chung với mật ong rồi đem hấp cách thủy 20 phút. Cho bé uống mỗi lần 1 – 2 thìa cà phê x 3 lần/ngày. Khuyến khích trẻ ăn được cả cái càng tốt.

– Bài thuốc uống trị ho sổ mũi cho bé từ lá húng chanh

Lá húng chanh giàu hoạt chất cavaron. Chất này đã được khoa học công nhận về khả năng giải độc, tiêu đờm, giảm ho, kháng khuẩn, cải thiện tình trạng sưng viêm ở niêm mạc mũi họng.

bài thuốc chữa ho sổ mũi cho trẻ từ lá húng chanh
Lá húng chanh giúp sát khuẩn đường hô hấp, tiêu đờm, giảm ho sổ mũi ở trẻ em

Khi sử dụng, mẹ lấy 5 lá húng chanh đem rửa sạch, giã nát. Quậy với 10ml nước sôi rồi lọc lấy nước cho bé uống. Sử dụng đều đặn mỗi ngày 2 lần.

Cách khác có thể dùng 10 lá húng chanh đem hấp cách thủy chung với 4 quả quất và một ít đường phèn. Chắt nước cho bé uống liên tục trong vài ngày, mỗi ngày uống 2 lần.

Dùng hoa hồng bạch

Hoa hồng bạch cũng có tác dụng tích cực trong việc giảm ho, chống sổ mũi và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường hô hấp cho trẻ.

Với bài thuốc này, mẹ chỉ cần lấy cánh hoa hồng đã được rửa sạch đem hấp cách thủy chung với lượng đường phèn vừa đủ đến khi đường tan hoàn toàn. Cho trẻ uống nước và ăn cả cái, mỗi lần 1 thìa x 3 – 4 lần/ngày.

– Bài thuốc từ lá húng quế kết hợp với tỏi nướng

Tỏi chứa hoạt chất kháng sinh kết hợp với thành phần kháng viêm, giảm đau trong lá húng quế chính là phương thuốc tự nhiên có tác dụng tốt trong điều trị ho sổ mũi cho trẻ nhỏ.

Lấy 1/2 củ tỏi ta đem nướng cho đến khi tỏi chín vàng thì loại bỏ hết vỏ bên ngoài. Sau đó bỏ tỏi vào cối giã nhuyễn chung với 10 – 15 lá húng quế. Thêm vào 10 nước sôi, quậy đều. Chắt lấy phần nước chia đều làm 2 – 3 lần cho trẻ uống hết trong ngày để nhanh khỏi ho, sổ mũi.

Lá hẹ hấp đường phèn

Lá hẹ giàu hoạt chất kháng sinh tự nhiên, giúp ức chế vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp, giảm viêm nhiễm, cải thiện tình trạng ho, sổ mũi cho bé.

lá hẹ chữa ho sổ mũi cho trẻ
Lá hẹ chưng đường phèn trị ho sổ mũi cho bé hiệu quả

Trong những ngày con bị bệnh, mẹ hãy lấy 10 cái lá hẹ đem rửa sạch, thái nhỏ, trộn chung với đường phèn. Đem hấp cách thủy trong 20 phút rồi gạn nước cho bé uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 – 3 thìa cà phê.

Lưu ý khi dùng thuốc trị ho sổ mũi cho trẻ

Để đảm bảo an toàn và nhanh chóng giúp trẻ hết ho, sổ mũi, cha mẹ nên đưa bé tới các phòng khám nhi khoa hay bệnh viện để chẩn đoán xác định nguyên nhân và được bác sĩ chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp.

Các loại thuốc uống trị ho sổ mũi cho bé trong Tây y thường cho tác dụng nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Do đó, cha mẹ cần cho bé uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ nhi, về liều lượng, số lần sử dụng thuốc trong ngày, thời điểm uống thuốc cũng như thời gian điều trị. Trong quá trình sử dụng, nếu trẻ gặp bất cứ phản ứng phụ ngoài.

Ngược lại với thuốc tây, các bài thuốc thảo dược dân gian lại khá an toàn do có nguồn gốc từ tự nhiên. Tuy nhiên, thuốc dân gian cho hiệu quả chậm, phải hợp cơ địa của bé và kiên trì áp dụng trong dài ngày mới thấy được tác dụng. Một số bài thuốc vẫn chưa được khoa học kiểm chứng về hiệu quả thực sự đối với tình trạng ho sổ mũi ở trẻ. Cần được sự đồng ý của bác sĩ khi dùng thuốc dân gian trị bệnh cho bé.

Thận trọng khi áp dụng thuốc tây với thuốc thảo dược khi chữa ho sổ mũi cho bé bởi các thuốc này có thể tương tác với nhau gây tác dụng phụ có hại với sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh hiệu quả điều trị của thuốc, cha mẹ cũng cần lưu ý:

  • Thường xuyên vệ sinh mũi và hướng dẫn bé súc họng bằng nước muối sinh lý
  • Mặc đủ ấm và giữa ấm cho vùng ngực, cổ họng, mũi và bàn chân của bé trong những ngày có thời tiết lạnh.
  • Không để trẻ tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm hoặc có khói thuốc lá
  • Trẻ có cơ địa dị ứng thì không nên nuôi chó, mèo trong nhà và không để bé đến nơi có phấn hoa, bụi bẩn. Đồng thời không để bé ăn lại các thực phẩm từng khiến bé bị dị ứng trước đây.
  • Đối với trẻ còn bú sữa mẹ nên tăng lượng cữ bú trong ngày và mỗi lần chỉ nên cho bé uống đủ no để tránh hiện tượng non ói sau khi bú. Trẻ lớn hơn thì cho ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt để không gây kích thích niêm mạc họng.
  • Khuyến khích bé uống nhiều nước ấm giúp làm dịu cổ họng và hạn chế tiết dịch nhầy ở mũi, họng.
  • Không để bé ăn đồ lạnh, uống nước ngọt hay sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ và có vị cay trong những ngày bị bệnh. Thay vào đó, tăng cường thêm hoa quả tươi, rau xanh vào thực đơn để bé được bổ sung nguồn vitamin và khoáng chất phong phú giúp nâng cao sức đề kháng, tạo nền tảng cho sức khỏe nhanh hồi phục.

Những thông tin trên vừa giúp cha mẹ giải đáp được thắc mắc bé bị ho sổ mũi uống thuốc gì. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh có liên quan và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng gặp phải mà lựa chọn thuốc điều trị phù hợp cho bé. Việc chăm sóc và dùng thuốc chữa bệnh đúng cách sẽ giúp bé mau lành bệnh.

Bạn có thể tham khảo thêm

Đánh giá bài viết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *