Viêm Khớp Dạng Thấp Thiếu Niên: Điều Trị Và Thông Tin Cần Biết

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là bệnh lý gây sưng khớp, đau đớn, thường xuất hiện ở trẻ vài tuần tuổi đến trẻ dưới 16 tuổi. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến mắt, chức năng gan và tăng nguy cơ tổn thương khớp.

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên
Viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Thông tin cần biết viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là thuật ngữ mô tả các loại bệnh viêm khớp và thấp khớp phát triển ở trẻ em dưới 16 tuổi. Tình trạng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

1. Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là bệnh gì?

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên hay viêm khớp tự phát thiếu niên, là một loại viêm khớp vô căn (không rõ nguyên nhân) gây ảnh hưởng đến trẻ em từ vài tuần tuổi đến trẻ dưới 16 tuổi. Tình trạng này chiếm khoảng 5 – 15% các nhóm bệnh viêm khớp ở thiếu niên.

Đây là bệnh rối loạn tự miễn dịch, xuất hiện khi cơ thể tấn công các mô và tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Các biểu hiện phổ biến thường bao gồm gây đỏ, sưng, nóng rát, đau khớp và cứng khớp mãn tính. Đôi khi, một số trẻ có thể không có bất cứ dấu hiệu nhận biết cụ thể. Một số trẻ có thể gặp các triệu chứng ngắn hạn, kéo dài trong vài tháng và tự khỏi. Tuy nhiên, ở một số trẻ khác, các triệu chứng có thể kéo dài suốt quãng đời còn lại.

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là bệnh lý vô căn, không có biện pháp điều trị và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị cải thiện, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến một số chức năng trong cơ thể, khiến trẻ mất khả năng tập trung và hạn chế quá trình phát triển bình thường của trẻ.

Khi phát triển ở thanh thiếu niên, viêm khớp dạng thấp ít nghiêm trọng hơn ở người trường thành, mặc dù có thể tái phát sau đó. Tuy nhiên, áp dụng các biện pháp cải thiện như vật lý trị liệu, luyện tập thể dục và thay đổi phong cách sống có thể kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng liên quan. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu viêm khớp dạng thấp  người giám hộ nên đưa trẻ đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị phù hợp.

2. Các thể bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp. Các thể bệnh phụ thuộc vào các triệu chứng, số lượng khớp bị ảnh hưởng hoặc các đặc điểm nổi bật khác.

Các loại viêm khớp dạng thấp thiếu niên phổ biến thường bao gồm:

– Thể ít khớp:

Đây là thể viêm khớp dạng thấp phát triển ở một hoặc ít hơn bốn khớp và đây là tình trạng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em phổ biến nhất. Có 50% các trường hợp bệnh chỉ ảnh hưởng đến 1 khớp.

Thể bệnh này thường ảnh hưởng đến các khớp lớn như đầu gối, nhưng khớp cổ chân, khớp nhỏ ở bàn tay cũng có thể bị ảnh hưởng theo tần suất giảm dần. Trong giai đoạn muộn của bệnh, khớp thái dương hàm cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khớp vai hầu như không bị tổn thương.

Các dấu hiệu phổ biến thường bao gồm sưng, cứng khớp và hầu như không gây đau. Bên cạnh đó, có khoảng 20% các trường hợp trẻ bị viêm mống mắt thể mi, tuy nhiên không dẫn đến các triệu chứng như đỏ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng.

Do đó, tất cả trẻ em bị viêm khớp dạng thấp nên thường xuyên kiểm tra mắt và các chức năng mắt.

Viêm khớp thiếu niên bệnh học
Viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp

– Thể đa khớp:

Viêm khớp dạng thấp thể đa khớp gây ảnh hưởng đến khoảng 30% các trường hợp, trong đó có 5 hoặc nhiều hơn 5 khớp bị ảnh hưởng. Thể này thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ như khớp tay và chân nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp lớn hơn.

Các tổn thương do thể đa khớp thường xuất hiện đối xứng ở hai bên cơ thể. Một số trẻ có thể xuất hiện các kháng thể đặc biệt trong máu, khoa học gọi là yếu tố thấp khớp. Những trẻ có yếu tố thấp khớp thường phát triển các dạng bệnh nghiêm trọng hơn, tương tự như viêm khớp dạng thấp ở người trưởng thành.

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể đa khớp thường có diễn tiến phức tạp và khó kiểm soát. Khoảng 50% các trường hợp có thể cải thiện được nhưng tỷ lệ tái phát tương đối cao sau vài năm. Những trẻ bị ảnh hưởng đến khớp vai và háng thường có tiên lượng xấu và nguy cơ tàn phế cao.

Thể toàn thân:

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể toàn thân là tình trạng viêm khớp kèm sốt cao hơn 39 độ mỗi ngày, kéo dài hơn 2 tuần và kèm theo một trong các dấu hiệu như:

  • Nổi mề đay mẩn ngứa hoặc hồng ban toàn thân
  • Sưng các hạch bạch huyết
  • Viêm đa màng
  • Gan và lá lách to bất thường

Đặc trưng của viêm khớp dạng thấp thể toàn thân thường là sốt rất cao 1 – 2 cơn mỗi ngày. Nhưng khi qua cơn sốt, trẻ thường cảm thấy khỏe, thậm chí có thể đùa giỡn, nói chuyện và thực hiện nhiều hoạt động thể chất khác.

Trong trường hợp nhẹ, bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kháng viêm. Tuy nhiên, trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể dẫn đến các biểu hiện của Hội chứng thực bào máu thứ phát. Một tỷ lệ nhỏ, trẻ em bị viêm khớp dạng thấp toàn thân có thể tiếp tục viêm nhiều tầng và dẫn đến viêm khớp nghiêm trọng liên tục đến khi trưởng thành.

Các thể viêm khớp dạng thấp thiếu niên được điều trị kịp thời có thể cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát hiệu quả. Do đó, việc nhận biết các triệu chứng và có biện pháp xử lý kịp thời là cách tốt nhất để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.

3. Dấu hiệu nhận biết viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Các triệu chứng phổ biến viêm khớp dạng thấp thiếu niên thường bao gồm:

  • Đau khớp: Trẻ có thể bị đau khớp hoặc có dấu hiệu đau khớp như đi khập khiễng, không vững vàng hoặc dễ té ngã. Tình trạng này thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng hoặc sau khi ngủ dậy vào buổi trưa.
  • Sưng khớp: Sưng khớp là tình trạng tương đối phổ biến và thường ảnh hưởng đến các khớp lớn như khớp đầu gối.
  • Cứng khớp: Các dấu hiệu nhận biết bao gồm phản xạ chậm, vụng về hơn bình thường. Tình trạng này thường phổ biến vào buổi sáng hoặc khi trẻ mới ngủ dậy.
  • Sưng các hạch bạch huyết, sốt và phát ban: Tình trạng này thường phổ biến và nghiêm trọng hơn vào buổi tối.
triệu chứng nhận biết Viêm khớp thiếu niên
Đau, sưng và cứng khớp là dấu hiệu nhận biết viêm khớp dạng thấp thiếu niên phổ biến nhất

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Chán ăn
  • Giảm cân không rõ lý do
  • Thiếu máu
  • Nổi mề đay hoặc phát ban rất mờ ở tay và chân
  • Ảnh hưởng đến nội tạng bao gồm tim, phổi và các cơ quan liên quan (hiếm khi xảy ra)
  • Viêm mống mắt hoặc viêm màng bồ đào

Thông thường các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em thường tự cải thiện sau một thời gian và trở nên nghiêm trọng hơn khi tái phát. Tuy nhiên, một số trẻ có thể không tái phát các triệu chứng trong khi một số trẻ khác có thể xuất hiện các triệu chứng kéo dài, không được cải thiện.

Viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến một số vấn đề về tăng trưởng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một số trẻ có thể có một chân hoặc một cánh tay dài hơn hẳn bên còn lại trong khi một số trẻ có thể có chiều cao trung bình thấp.

4. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính, vô căn xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô và tế bào của cơ thể. Hiện tại, các bác sĩ không biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Tuy nhiên, gen di truyền và một số yếu tố môi trường có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch được cho là có thể bị kích ứng bởi một số loại virus, vi khuẩn, nấm hoặc các yếu tố nhiễm trùng khác bên ngoài môi trường và dẫn đến viêm khớp.

Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp thiếu niên thường phổ biến hơn ở các bé gái. Nguy cơ này cao hơn nếu được sinh ra từ một người mẹ viêm khớp dạng thấp.

5. Viêm khớp dạng thấp thiếu niên có nguy hiểm không?

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là bệnh lý vô căn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị phù hợp và kịp lúc, các nguy cơ thường bao gồm:

Gây ảnh hưởng đến chức năng mắt: Một số trường hợp viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể dẫn đến các loại viêm ở mắt như viêm mống mắt hoặc viêm màng bồ đào. Nếu tình trạng này không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và mù lòa. Ngoài ra, viêm mắt thường diễn ra ầm thầm mà không có triệu chứng nhận biết đặc hiệu. Vì vậy, người chăm sóc cần có kế hoạch cho trẻ em viêm khớp dạng thấp đến bác sĩ chuyên khoa mắt kiểm tra thường xuyên.

Ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ: Viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương. Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp (thường là Corticosteroid), cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và dẫn đến một số rủi ro liên quan khác.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên có thể gặp nhiều khó khăn và cần chẩn đoán phân biệt với các dạng tương tự, như viêm khớp vẩy nến. Hiện tại không có xét nghiệm riêng biệt cụ thể nhưng bác sĩ có thể chỉ định nhiều xét nghiệm để loại trừ các trường hợp tương tự.

Các xét nghiệm phổ biến thường bao gồm xét nghiệm máu và xét nghiệm thông qua hình ảnh y tế.

Xét nghiệm viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên
Xét nghiệm viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên bao gồm xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh

– Xét nghiệm máu:

  • Tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Tốc độ lắng của hồng cầu thường tỷ lệ thuận với tình trạng viêm trong cơ thể. Xét nghiệm này có thể xác định tình trạng viêm trong cơ thể.
  • Protein phản ứng C: Xét nghiệm này có thể xác định mức độ viêm trong cơ thể nhưng ở tỷ lệ khác với ESR.
  • Xác định kháng thể chống viêm: Các kháng thể chống viêm là protein được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch ở một số bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn, bao gồm viêm khớp dạng thấp. Xét nghiệm này có thể được thực hiện để chẩn đoán tình trạng nguy cơ viêm mống mắt.
  • Yếu tố thấp khớp: Các kháng thể này có thể được tìm thấy trong máu ở các trẻ em bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên.

Trong một số trường hợp, trẻ em bị viêm khớp dạng thấp có thể không có bất cứ biểu hiện hoặc dấu hiệu nhận biết nào cả. Điều này có thể cũng không được phát hiện kể cả khi thực hiện các xét nghiệm máu liên quan.

– Xét nghiệm hình ảnh:

Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ (MRI) để loại trừ các trường hợp bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp hoặc các bệnh lý tương tự bao gồm gãy xương, hình thành khối u, nhiễm trùng và các dạng khuyết tật bẩm sinh.

Xét nghiệm hình ảnh cũng được sử dụng thường xuyên sau quá trình điều điều trị để theo dõi sự phát triển của xương và ngăn ngừa các tổn thương khớp liên quan.

Biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Hiện tại không có biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp, các biện pháp điều trị thường nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng, cải thiện khả năng vận động và thể chất bình thường.

Để việc điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất, người chăm sóc nên đưa trẻ đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa thấp khớp nhi. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các kế hoạch điều trị khác nhau bao gồm:

1. Sử dụng thuốc

Các loại thuốc thường được chỉ định để giảm đau, ngăn ngừa các biến chứng, giảm thiểu tổn thương khớp và cải thiện chức năng vận động ở trẻ. Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm:

cách chữa viêm khớp dạng thấp thiếu niên
Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn
  • Thuốc chống viêm không chứa Steroid (NSAID): Các loại phổ biến thường bao gồm Ibuprofen và Naproxen có thể hỗ trợ giảm đau, sưng và viêm. Tác dụng phụ phổ biến bao gồm gây đau dạ dày và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan.
  • Thuốc chống thấp tác dụng chậm (DMARDs): Thuốc thường được chỉ định khi NSAID không cải thiện các triệu chứng hoặc khi NSAID các nguy cơ tác dụng phụ cao. DMARDs được chỉ định kết hợp với NSAID để làm chậm quá trình ảnh hưởng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên. DMARDs phổ biến ở trẻ em là Methotrexate. Tuy nhiên, thuốc có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để có hiệu quả cải thiện các triệu chứng.
  • Corticosteroid: Thường được chỉ định cho trường hợp viêm khớp dạng thấp thiếu niên nghiêm trọng. Corticosteroid, phổ biến là Prednison, có thể cải thiện các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm viêm quanh niêm mạc tiêm (viêm ngoài màng tim). Bác sĩ có thể kê Corticosteroid dưới dạng thuốc uống, dạng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào khớp ảnh hưởng để cải thiện các triệu chứng. Lạm dùng Corticosteroid có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ và tăng nguy cơ béo phì, xương yếu, gương mặt tròn và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Thuốc sinh học: Là các loại thuốc biến đổi gen, có thể được chỉ định cho trẻ em để điều trị viêm khớp dạng thấp nếu các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả điều trị. Thuốc có tác dụng giảm viêm toàn thân và cải thiện tình trạng viêm khớp hiệu quả. Các loại phổ biến bao gồm abatacept, Tocilizumab, Canakinumab và Adalimumab.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là một phần quan trong khi điều trị bảo tồn viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Các động tác giữ cho cơ bắp khỏe mạnh và các khớp linh hoạt để trẻ có thể di chuyển, vận động bình thường.

bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên có nguy hiểm
Vật lý trị liệu có thể cải thiện các triệu chứng và giúp trẻ hoạt động linh hoạt hơn

Một số bài tập vật lý trị liệu viêm khớp dạng thấp ở trẻ em thường bao gồm:

  • Hướng dẫn trẻ các bài tập tăng cường và chuyển động các khớp linh hoạt
  • Cải thiện sự cân bằng và khả năng phối hợp cơ thể
  • Thực hiện các thao tác trong các cuộc sống hàng ngày

Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn và xây dựng chương trình vật lý trị liệu phù hợp. Trong các trường hợp cần thiết, nhà vật lý trị liệu có thể đề nghị trẻ sử dụng các thiết bị hỗ trợ như đai bảo hộ, kẹp tay hoặc thanh nẹp xương.

3. Phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp viêm khớp dạng thấp thiếu niên không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, trong trường hợp rất nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro liên quan.

Phẫu thuật bao gồm thay thế khớp ở những trẻ bị đau nặng hoặc tổn thương khớp nghiêm trọng. Nhiều thủ thuật có thể được thực hiện ngoại trú.

4. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Xây dựng lối sống lành mạnh và thực hiện các liệu pháp bổ sung có thể kiểm soát cơn đau và các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Lưu ý một số vấn đề bao gồm:

viêm khớp dạng thấp thiếu niên có chữa được không
Thay đổi lối sống và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Thường xuyên bổ sung các loại cá béo, trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô liu nguyên chất để hỗ trợ giảm viêm và cải thiện các triệu chứng. Bên cạnh đó tránh các loại thực phẩm nhiều chất béo, đường và các loại thực phẩm chế biến sẵn.
  • Thường xuyên tập thể dục: Điều này có thể thúc đẩy sức mạnh cơ bắp và tăng cường sự linh hoạt của các khớp. Bơi lội là môn thể thao phù hợp để thư giãn và ngăn ngừa các rối loạn ở khớp hiệu quả.
  • Chườm nóng: Cha mẹ có thể chườm túi nước ấm, các miếng đệm nhiệt lên vị trí đau hoặc tắm nước ấm cho trẻ để làm dịu các cơn đau, cứng khớp và thư giãn các cơ bắp.
  • Chườm lạnh: Có tác dụng giảm đau cấp tính, cải thiện các cơn đau và hỗ trợ giảm viêm.
  • Sử dụng thuốc thoa ngoài da không kê đơn: Một số loại kem bôi, gel, miếng dán có thể được sử dụng để giảm đau khớp và cơ. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây kích thích các dây thần kinh và ngăn ngừa các cơn đau khớp.
  • Liệu pháp giảm căng thẳng: Một số kỹ thuật như thiền định, hít thở sâu, yoga, nghe nhạc hoặc đọc sạch có thể hỗ trợ thư giãn và chuyển sự chú ý khỏi các cơn đau.
  • Xoa bóp và bấm huyệt: Xoa bóp, massage có thể giảm đau và giảm căng thẳng ở các khớp. Ngoài ra, người chăm sóc có thể tham khảo các biện pháp bổ sung như châm cứu, bấm huyệt để cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, chỉ thực hiện các thủ thuật này ở cơ sở y tế chuyên môn.
  • Cải thiện cảm xúc: Trẻ em và thanh niên có các bệnh mãn tính, bao gồm viêm khớp dạng thấp, có nhiều khả năng trầm cảm. Do đó, thường xuyên tâm sự, trao đổi với trẻ để cải thiện các vấn đề tâm lý. Ngoài ra, nếu trẻ gặp khó khăn khi thể hiện cảm xúc, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý.

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là bệnh viêm khớp phổ biến và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Do đó, đưa trẻ đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm chuyên môn và có biện pháp xử lý, điều trị phù hợp.

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *