Viêm Da Tiếp Xúc Có Lây Không? Làm Sao Nhanh Hết?
Nội dung bài viết
Theo các bác sĩ Da liễu, bệnh viêm da tiếp xúc không có khả năng lây nhiễm. Bệnh lý này chỉ khởi phát khi da tiếp xúc với các yếu tố kích ứng và dị ứng như mùn cưa, hóa chất, dung môi công nghiệp, xà phòng, côn trùng, mủ thực vật,…
Viêm da tiếp xúc có lây không?
Viêm da tiếp xúc là một dạng viêm da tương đối phổ biến có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Bệnh thường khởi phát sau khi tiếp xúc với các yếu tố dị ứng hoặc kích ứng như kim loại, hóa chất, xà phòng, côn trùng, mỹ phẩm, sơn dầu, dung môi công nghiệp,…
Sau khi tiếp xúc với yếu tố này, da có xu hướng đỏ, sưng nóng và căng rát. Sau đó khoảng vài phút đến vài giờ, bề mặt da có thể nổi mụn nước, mụn mủ kèm ngứa ngáy, châm chích và đau rát nhẹ.
Do căn nguyên của bệnh không có vai trò của tác nhân gây nhiễm trùng (virus, vi khuẩn và nấm) nên viêm da tiếp xúc không có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên bệnh có thể bùng phát thành dịch vào một số thời điểm trong năm như mùa hoa nở, mùa côn trùng sinh sản và phát triển mạnh.
Mặc dù khởi phát do yếu tố kích thích nhưng một số nghiên cứu cho thấy, cơ chế bệnh sinh có liên quan đến yếu tố cơ địa. Vì vậy ở một số trường hợp, bệnh có thể di truyền ở những người thân cận huyết.
Cách kiểm soát viêm da tiếp xúc nhanh chóng
Viêm da tiếp xúc là một trong những vấn đề da liễu thường gặp. Thông thường, bệnh lý này chỉ tiến triển trong vòng 5 – 20 ngày. Tuy nhiên nếu chăm sóc không đúng cách và liên tục tiếp xúc với yếu tố kích thích, bệnh có thể kéo dài và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Để kiểm soát bệnh trong thời gian ngắn, nên chủ động thực hiện các biện pháp xử lý sau:
1. Rửa sạch da kịp thời
Trong trường hợp tiếp xúc với côn trùng, mủ thực vật hoặc mỹ phẩm, nên rửa sạch da với nước mát để làm sạch dị nguyên, hạn chế tổn thương da và ngăn ngừa nổi phỏng nước, mụn mủ lớn.
Đối với những vị trí khó vệ sinh, có thể dùng khăn hoặc bông gòn thấm nước muối sinh lý lau nhẹ nhàng từ 2 – 4 lần để loại bỏ chất kích thích, giảm nóng rát và cải thiện hiện tượng viêm.
Lưu ý: Trong trường hợp viêm da tiếp xúc do hóa chất ăn mòn (bột giặt, nước rửa chén,…), tổn thương da thường khởi phát chậm nên không thể áp dụng biện pháp này.
2. Sử dụng thuốc đúng cách
Sau khi rửa sạch da, nên tìm gặp dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về các loại thuốc bôi và thuốc uống phù hợp. Sử dụng thuốc đúng cách có thể giảm ngứa ngáy, viêm đỏ và phù nề trong một thời gian ngắn, đồng thời giúp ngăn ngừa thâm sẹo và bội nhiễm da.
Một số loại thuốc được chỉ định trong điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm:
- Các dung dịch làm dịu và sát trùng như dung dịch Jarish, hồ nước, kẽm oxide,…
- Thuốc bôi chứa corticoid, kháng sinh giúp giảm viêm, chống ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng
- Thuốc kháng sinh đường uống được sử dụng trong trường hợp viêm da tiếp xúc bội nhiễm
- Thuốc kháng histamine có tác dụng giảm ngứa ngáy
- Thuốc bôi dưỡng ẩm và phục hồi da Panthenol, vitamin E, Glycerin,…
Đối với viêm da tiếp xúc nhẹ, tổn thương da có thể thuyên giảm sau 3 – 5 ngày sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu tổn thương da đã bước sang giai đoạn mãn tính (chủ yếu do hóa chất, dung môi công nghiệp), nên kiên trì sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Kết hợp với biện pháp chăm sóc
Viêm da tiếp xúc có thể tiến triển dai dẳng và tăng nguy cơ bội nhiễm nếu không được chăm sóc đúng cách. Vì vậy bên cạnh sử dụng thuốc, bạn nên áp dụng đồng thời với một số mẹo chăm sóc như:
- Giữ vệ sinh đúng cách, tránh chà xát mạnh và gãi cào lên da. Mặc quần áo có chất liệu mềm, thấm hút và rộng rãi để giảm ma sát lên vùng da kích ứng.
- Khi tổn thương da khô, bong tróc và ngứa ngáy, nên thoa kem dưỡng từ 2 – 4 lần/ ngày để nuôi dưỡng, giảm ngứa và phục hồi màng lipid trên bề mặt da.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất và các yếu tố kích thích trong thời gian điều trị.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm giữ ẩm cho da, hỗ trợ giảm ngứa và tăng tốc độ phục hồi các tế bào hư tổn.
- Hạn chế dùng thịt bò, thịt gà, đậu phộng, hải sản, rượu bia, cà phê,… khi bị viêm da tiếp xúc. Các loại thực phẩm này không chỉ có nguy cơ dị ứng cao mà còn gây kích thích khiến da ngứa ngáy nhiều, dễ thâm sạm và hình thành sẹo lồi.
- Trong trường hợp viêm da tiếp xúc xảy ra ở mặt, nên tránh tiếp xúc với ánh nắng có cường độ mạnh. Tia UV không chỉ gây tổn thương da mà còn làm tăng sắc tố melanin và hình thành vết thâm.
Phòng ngừa bệnh viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc có thể tái phát nhiều lần và dẫn đến các biến chứng như chàm hóa, viêm da thần kinh, nhiễm trùng,… Vì vậy sau khi điều trị, nên chủ động thực hiện các phương pháp phòng ngừa như:
- Trong trường hợp viêm da tiếp xúc tái phát nhiều lần do tính chất nghề nghiệp, nên cân nhắc thay đổi công việc (nếu có thể).
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để hạn chế côn trùng sinh sôi và phát triển, đồng thời loại bỏ nấm mốc, bụi bẩn, mùn cưa, lông chó mèo,…
- Nên mang bao tay khi rửa chén, giặt đồ hoặc khi tiếp xúc với côn trùng, mủ thực vật, xi măng và một số hóa chất có độ pH axit hoặc kiềm.
- Trong thời điểm côn trùng sinh sản mạnh, nên phun xịt thuốc diệt côn trùng đều đặn để hạn chế tái phát viêm da tiếp xúc.
- Kiểm tra khăn tắm, quần áo, mền gối,… trước khi sử dụng để tránh tình trạng dịch tiết côn trùng bám vào bề mặt vải và gây kích ứng da.
- Vào buổi tối, nên đóng kín cửa sổ và kéo rèm nhằm hạn chế kiến ba khoang và các loại bò sát.
- Kiểm tra thành phần có trong mỹ phẩm trước khi chọn mua. Nếu có làn da quá nhạy cảm, bạn có thể tìm gặp bác sĩ Da liễu để được tư vấn sản phẩm phù hợp.
- Chăm sóc da đúng cách và xây dựng lối sống lành mạnh nhằm tăng cường thể trạng, cải thiện hệ miễn dịch và tăng khả năng bảo vệ của da.
Viêm da tiếp xúc không có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên bệnh lý này có nguy cơ tái phát và phát triển thành dịch nếu không chủ động phòng ngừa. Vì vậy sau khi điều trị, nên chăm sóc da đúng cách, thường xuyên vệ sinh không gian sống và tránh tiếp xúc với yếu tố kích thích để hạn chế bệnh tái phát.
Tham khảo thêm: Nhận biết viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và cách trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!