Viêm bao hoạt dịch là gì? Triệu chứng, cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm bao hoạt dịch là tình trạng đau đớn gây ảnh hưởng đến các túi chứa chất lỏng ở các khớp. Đây là một tình trạng phổ biến, nhưng thường được điều trị tại nhà thay vì đến bệnh viện.
Bao hoạt dịch là gì?
Bao hoạt dịch là các túi chứa đầy các chất lỏng, được tìm thấy ở các khớp. Các bao này bao quanh các khu vực các mô, gân, da và cơ xương, hỗ trợ bôi trơn giúp giảm ma sát trong quá trình chuyển động của khớp.
Các bao hoạt dịch phân phối trên khắp cơ thể, nhưng thường phổ biến ở xung quanh các khớp chính như vai, khuỷu tay, hông và đầu gối. Các tế bào hoạt dịch tạo ra chất bôi trơn, lớp đệm, hỗ trợ giảm ma sát và giúp các khớp chuyển động dễ dàng hơn.
Khi bị viêm hoặc kích ứng các bao hoạt dịch, có thể gây khó chịu, đau nhức tại vị trí tổn thương. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng hạn chế các cử động ở khớp.
Viêm bao hoạt dịch là gì?
Viêm bao hoạt dịch phổ biến gây kích ứng, viêm, đau nhức và khó chịu ở các bao hoạt dịch. Viêm bao hoạt dịch thường xảy ra gần các khớp thực hiện chuyển động lặp đi lặp lại thường xuyên.
Có hơn 150 bao hoạt dịch trên cơ thể người, hỗ trợ đêm và bôi trơn xương, gân và cơ gần các khớp. Các vị trí phổ biến thường dễ bị viêm bao hoạt dịch là vai, khuỷu tay, hông và đầu gối. Tuy nhiên đôi khi người bệnh cũng có thể bị viêm ở các khớp nhỏ hơn như gót chân và đầu ngón chân cái.
Bất kỳ bao hoạt dịch nào trên cơ thể đều có thể bị viêm. Những tình trạng này có thể là mãn tính, có nghĩa là xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, đôi khi tình trạng này cũng có thể là cấp tính, có nghĩa là các triệu chứng xuất hiện một cách đột ngột.
Các loại viêm bao hoạt dịch phổ biến bao gồm:
- Viêm bao hoạt dịch sụn chêm là tình trạng viêm quanh xương bánh chè. Tình trạng này có thể là cấp tính hoặc mãn tính.
- Viêm bao hoạt dịch khớp khuỷu tay là tình trạng viêm quanh khuỷu tay, thường gây đau nhức ở đầu khuỷu tay. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sờ thấy các nốt nhỏ ở bên trong các túi hoạt dịch. Tình trạng này thường là mãn tính.
- Viêm bao hoạt dịch quanh mấu chuyển (viêm bao hoạt dịch khớp háng) là tình trạng xảy ra ở vùng hông, háng, thường phát triển chậm và đi kèm các điều kiện y tế khác, chẳng hạn như viêm khớp.
- Viêm bao hoạt dịch gót chân có thể gây sưng và đau ở gót chân. Tình trạng này có thể là cấp tính hoặc mãn tính.
- Viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng, là tình trạng khiến các bao hoạt dịch trở nên đỏ, nóng hoặc sưng. Đôi khi người bệnh cũng có thể bị ớn lạnh, sốt và các triệu chứng nhiễm trùng khác.
Đặc điểm và triệu chứng viêm bao hoạt dịch
Đau đớn là đặc trưng phổ biến nhất của viêm bao hoạt dịch. Cơn đau có thể tích tụ dần dần hoặc xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng, đặc biệt là khi có cặn canxi trong các bao hoạt dịch.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác có thể bao gồm:
- Đau đớn nghiêm trọng khi cử động hoặc có áp lực lên các khu vực bị ảnh hưởng
- Da trở nên nhạy cảm, kể cả khi không cử động
- Sưng tấy
- Hạn chế hoặc không thể cử động khớp
Các loại viêm bao hoạt dịch khác nhau cũng có thể dẫn đến các triệu chứng cụ thể như:
- Đối với viêm bao hoạt dịch xương bánh chè hoặc khớp vai, khuỷu tay, người bệnh có thể khó uốn cong chân hoặc cánh tay.
- Viêm bao hoạt dịch hông có thể gây đau đớn và khó chịu khi di chuyển, đi lại.
- Viêm bao hoạt dịch ở hông cũng có thể gây khó chịu khi nằm nghiêng.
- Nếu viêm bao hoạt dịch liên quan đến nhiễm trùng, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như:
- Sốt
- Đỏ ở khu vực bị ảnh hưởng
- Khu vực bị ảnh hưởng có cảm giác nóng rát khi chạm vào
Nhiều người có thể tự điều trị tình trạng viêm bao hoạt dịch tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau khớp gây cản trở các hoạt động
- Đau kéo dài hơn 2 tuần
- Đau đớn khi cử động, di chuyển
- Sưng nghiêm trọng, gây bầm tím, phát ban, nổi mẩn đỏ ở khu vực bị ảnh hưởng
- Sốt cao
Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch có thể do chấn thương, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Tổn thương này có thể gây đau đớn, sưng tấy ở khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây viêm có thể khác nhau đối với từng loại bao hoạt dịch. Cụ thể các nguyên nhân bao gồm:
1. Viêm bao hoạt dịch xương bánh chè
Viêm bao hoạt dịch xương bánh chè hoặc viêm bao hoạt dịch khớp gối là tình trạng gây sưng, viêm đau ở khớp gối. Các nguyên nhân có thể bao gồm:
- Thực hiện các hoạt thể thao liên tục
- Uốn cong đầu gối liên tục
- Quỳ gối trong một thời gian dài
- Nhiễm trùng
- Chảy máu bên trong khớp gối hoặc bao hoạt dịch
2. Viêm bao hoạt dịch khuỷu tay
Đặt khuỷu tay liên tục lên một bề mặt cứng hoặc bị tác động lực mạnh từ phía sau vào khuỷu tay có thể dẫn đến viêm bao hoạt dịch ở khuỷu tay. Tình trạng này cũng có thể liên quan đến nhiễm trùng hoặc bệnh gout.
Bệnh gout xảy ra khi các tinh thể axit uric tích tụ trong cơ thể. Tình trạng này có thể gây ra các hạt tophi, hoặc các nốt nhỏ, có thể sờ thấy trong các bao hoạt dịch.
3. Viêm bao hoạt dịch hông
Viêm bao hoạt dịch ở hông có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể bao gồm:
- Nằm nghiêng trong một thời gian dài
- Chấn thương
- Tư thế đứng không đúng
- Các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến xương, chẳng hạn như bệnh viêm khớp
4. Viêm bao hoạt dịch gót chân
Chạy, nhảy hoặc thực hiện các hoạt động lặp lại nhiều lần có thể làm phồng gót chân và gây viêm bao hoạt dịch tại vị trí này. Thực hiện các bài tập quá sức mà không khởi động đứng cách có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến loại viêm bao hoạt dịch này.
Bên cạnh đó, giày quá chật ở gót có thể các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, do gót chân cọ xát vào giày.
5. Viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng
Viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng xảy ra khi bao hoạt dịch nhiễm trùng vi khuẩn. Điều này thường xảy ra khi vi khuẩn được đưa trực tiếp vào bao hoạt dịch thông qua vết thương ở vùng da xung quanh.
Nhiễm trùng da, chẳng hạn như bệnh viêm mô tế bào, là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Nhiễm trùng máu hoặc khớp cũng có thể truyền nhiễm đến bao hoạt dịch và gây viêm.
Các triệu chứng tương tự như các loại viêm bao hoạt dịch không do nhiễm trùng. Tuy nhiên, để xác định tình trạng này, bác sĩ có thể lấy một mẫu dịch từ bao hoạt dịch và kiểm tra ở phòng thí nghiệm.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm bao hoạt dịch
Bên cạnh các nguyên nhân chính, một số các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng viêm bao hoạt dịch bao gồm:
- Tuổi tác, viêm bao hoạt dịch thường phổ biến hơn ở người cao tuổi
- Một số điều kiện y tế nhất định chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ viêm bao hoạt dịch. Bên cạnh đó, thừa cân béo phì cũng làm tăng nguy cơ viêm bao hoạt dịch.
- Nghề nghiệp hoặc sở thích, những người có sở thích hoặc tính chất công việc thực hiện các chuyển động lặp lại nhiều lần có thể gây áp lực lên một số bao hoạt dịch cụ thể. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển viêm bao hoạt dịch. Các nghề nghiệp nguy cơ thường bao gồm nghề lát gạch, làm vườn, vẽ tranh hoặc chơi nhạc cụ.
Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch thường được chẩn đoán thông qua cách kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên đôi khi bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm liên quan để xác định tình trạng này. Các xét nghiệm phổ biến:
- Xét nghiệm hình ảnh: Hình ảnh từ phim X – quang thường không thể xác định được tình trạng viêm bao hoạt dịch, tuy nhiên xét nghiệm này có thể loại trừ các nguyên nhân khác gây đau đớn, khó chịu ở đầu gối. Siêu âm và chụp cộng hưởng từ MRI có thể được sử dụng để xác định viêm bao hoạt dịch.
- Xét nghiệm: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh xét nghiệm máu hoặc phân tích chất lỏng từ bao hoạt dịch bị viêm để xác định chính xác nguyên nhân gây viêm.
Biện pháp điều trị viêm bao hoạt dịch
Hầu hết các trường hợp, viêm bao hoạt dịch có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp điều trị như:
1. Tự chăm sóc tại nhà
Nghỉ ngơi, chườm lạnh khớp và sử dụng thuốc giảm đau có thể làm giảm chứng viêm bao hoạt dịch. Hầu hết các biện pháp này đều tập trung vào việc giảm đau, điều trị tình trạng bệnh và ngăn ngừa các đợt bùng phát tái phát.
Cụ thể các biện pháp điều trị viêm bao hoạt dịch tại nhà bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Viêm bao hoạt dịch cấp tính sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần nếu người bệnh nghỉ ngơi hợp lý. Do đó, người bệnh nên tránh hoạt động hoặc gây tác động lên bao hoạt dịch bị tổn thương để hỗ trợ quá trình hồi phục và ngăn ngừa các tổn thương khác.
- Chườm lạnh: Nhiệt độ lạnh có thể hỗ trợ giảm sưng ban đầu, giảm đau và làm tê vùng bị ảnh hưởng. Người bệnh nên chườm lạnh trong vòng 24 – 48 giờ sau khi bị viêm bao hoạt dịch để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Băng khu vực bị ảnh hưởng: Băng khu vực bị ảnh hưởng có thể giúp giảm sưng, ngăn chặn các chất lỏng gây ảnh hưởng đến các mô lân cận, hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các tổn thương liên quan. Người bệnh có thể quấn băng xung quanh khu vực bị ảnh hưởng với áp lực đồng đều, không quấn quá chặt bởi vì điều này có thể gây cắt đứt lưu thông máu và gây đau nghiêm trọng. Tháo băng trước khi đi ngủ.
- Chườm ấm: Sau 48 giờ kể từ lúc viêm bao hoạt dịch, chườm ấm có thể kích thích lưu thông máu, giảm cứng khớp và chống viêm. Người bệnh có thể làm ướt một chiếc khăn mỏng với nước ấm, chườm lên khu vực bị ảnh hưởng trong 15 – 20 phút, lặp lại vài lần trong ngày.
- Xoa bóp: Các hoạt động xoa bóp có thể giảm khó chịu và hạn chế các cơn đau khớp. Xoa bóp cũng có thể cải thiện lưu thông máu, giảm sưng, cứng khớp và giúp người bệnh thư giãn.
- Sử dụng thuốc: Trong trường hợp cơn đau nghiêm trọng, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen sodium để giảm đau và chống viêm.
Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc không được cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà, người bệnh có thể cần đến bệnh viện để được điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm: Tràn dịch khớp là gì? Nguyên nhân và thông tin cần biết
2. Điều trị y tế
Viêm bao hoạt dịch thường có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu các phương pháp chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả điều trị, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp như:
- Steroid: Bác sĩ có thể tiêm Steroid vào khu vực bị ảnh hưởng. Steroid có thể ngăn chặn một chất hóa học trong cơ thể, được gọi là prostaglandin (hoạt chất gây viêm). Steroid cần được sử dụng cẩn thận với liều lượng phù hợp để tránh gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó, không sử dụng thuốc lâu dài để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng để điều trị tình trạng viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng. Kháng sinh thường được sử dụng theo đường uống, chẳng hạn như thuốc viên hoặc đường tiêm tĩnh mạch cho các trường hợp nghiêm trọng hơn.
- Các phương pháp trị liệu: Vật lý trị liệu hoặc các bài tập tăng cường có thể được đề nghị để cải thiện chức năng các cơ bị ảnh hưởng. Điều này có thể hỗ trợ giảm đau và ngăn ngừa viêm bao hoạt dịch tái phát.
- Phẫu thuật: Rất hiếm khi viêm bao hoạt dịch cần phẫu thuật điều trị. Tuy nhiên, nếu cần thiết bác sĩ có thể đề nghị dẫn lưu dịch hoặc phẫu thuật cắt bỏ bao hoạt dịch bị ảnh hưởng.
Phòng ngừa tình trạng viêm bao hoạt dịch
Mặc dù đôi khi không thể phòng ngừa tất cả các loại viêm bao hoạt dịch nhưng người bệnh có thể giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này bằng cách thay đổi một số thói quen. Cụ thể, các lưu ý phòng ngừa viêm bao hoạt dịch bao gồm:
- Có biện pháp bảo vệ các bộ phận bị tổn thương của cơ thể: Những người có thói quen quỳ gối nhiều có thể sử dụng nẹp bó gối. Những người chơi thể thao, như quần vợt hoặc golf có thể sử dụng nẹp khuỷu tay. Vận động viên hoặc người đi bộ đường dài nên khởi động tốt và sử dụng giày đi bộ hoặc chạy bộ phù hợp.
- Nghỉ giải lao khi thực hiện các công việc lặp lại: Bên cạnh việc nghỉ giải lao, người bệnh nên thực hiện nhiều chuyển động khác nhau trên cơ thể để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân hoặc béo phì là nguyên nhân phổ biến gây áp lực lên các khớp và tăng nguy cơ viêm bao hoạt dịch.
- Khởi động trước khi vận động: Trước khi vận động mạnh, tốt nhất người bệnh nên đi bộ khoảng 5 – 10 phút để làm nóng cơ thể. Bên cạnh đó, đi bộ với tốc độ thấp, chạy bộ chậm hoặc đi xe đạp cũng có thể hỗ làm nóng cơ thể.
- Tăng cường cơ bắp khỏe mạnh: Tăng cường cơ bắp bị ảnh hưởng, đặc biệt là xung quanh khớp, có thể giúp ngăn ngừa viêm và chấn thương liên quan.
Viêm bao hoạt dịch có thể được cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, viêm có thể trở nên nghiêm trọng và cần điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể các biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm: Bệnh phong thấp là gì? Triệu chứng và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!