Tràn dịch khớp gối nên uống thuốc gì? Điều cần biết
Nội dung bài viết
Có nhiều loại thuốc có sẵn để hỗ trợ giảm đau và cải thiện các triệu chứng tràn dịch khớp gối hiệu quả. Tuy nhiên, tràn dịch khớp gối nên uống thuốc gì để mang lại hiệu quả tốt nhất và ít tác dụng phụ? Người bệnh và bạn đọc quan tâm có thể tham khảo một số thông tin cơ bản trong bài viết để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tràn dịch khớp gối khi nào cần sử dụng thuốc?
Hầu hết các trường hợp tràn dịch khớp gối không nghiêm trọng và được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu đầu gối sưng liên tục kèm đau đớn dữ dội hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng khác, người bệnh nên đến bệnh viện để được chăm sóc y tế chuyên môn.
Đến bệnh viện và sử dụng thuốc để điều trị tình trạng tràn dịch khớp nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Đầu gối bị sưng nghiêm trọng hoặc có các dấu hiệu bất thường khác
- Đầu gối không thể duỗi thẳng hoàn toàn hoặc không thể uốn cong hoàn toàn
- Đầu gối đau nghiêm trọng
- Không thể chịu được trọng lượng cơ thể hoặc cảm thấy đầu gối sắp gãy
- Da đầu gối trở nên sưng, đỏ hoặc nóng rát
- Sốt từ 38 độ C
- Sưng đầu gối kéo dài hơn 3 ngày liên tục
Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu tràn dịch khớp ở đầu gối và để nghị các biện pháp điều trị phù hợp. Nếu cần thêm thông tin để phục vụ công tác chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm y tế, chẳng hạn như chụp X – quang hoặc chọc hút dịch khớp để kiểm tra tại phòng thí nghiệm.
Tràn dịch khớp gối nên uống thuốc gì?
Tràn dịch khớp gối xảy ra khi chất lỏng dư thừa tích tụ trong hoặc xung quanh khớp gối. Có nhiều nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này, bao gồm viêm khớp và chấn thương dây chằng hoặc sụn chêm (sụn ở đầu gối).
Thông thường, có một lượng nhỏ chất dịch ở các khớp để hỗ trợ quá trình di chuyển, hoạt động và ngăn ngừa ma sát gây tổn thương. Khi khớp gối bị ảnh hưởng bởi viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, một chất lỏng bất thường sẽ tràn khỏi khớp gối, dẫn đến tràn dịch khớp gối và sưng khớp gối.
Hầu hết các phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối đều dựa trên nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh nên việc điều trị cũng khác nhau ở mỗi cá nhân. Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc để cải thiện các triệu chứng. Vậy tràn dịch khớp gối nên uống thuốc gì, người bệnh có thể tham khảo một số loại thuốc phổ biến như:
1. Thuốc giảm đau
Có nhiều loại thuốc giảm đau có sẵn để cải thiện các cơn đau do tràn dịch khớp. Thuốc giảm đau không kê đơn thường bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và acetaminophen.
+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAID):
NSAID được sử dụng để giảm viêm và giảm đau từ nhẹ đến trung bình. NSAID có sẵn không cần kê đơn hoặc theo toa như ibuprofen và naproxen hoặc thuốc được phân phối dưới dạng theo toa của bác sĩ chuyên môn. Hầu hết các loại thuốc chống viêm không kê đơn hoạt động để ngăn ngặn các enzym COX-1 và COX-2.
- Enzyme COX-1 ảnh hưởng đến quá trình đông máu và sức khỏe của niêm mạc dạ dày
- Enzyme COX-2 ảnh hưởng đến chứng viêm có thể dẫn đến đau
Thuốc giảm đau được sử dụng ngắn hạn để hạn chế các cơn đau và cải thiện các triệu chứng cấp tính. Không sử dụng NSAID trong thời gian dài để tránh các rủi ro không mong muốn. Tác dụng phụ phổ biến có thể bao gồm khó chịu ở dạ dày, ợ chua, tiêu chảy hoặc táo bón.
+ Acetaminophen:
Một loại thuốc giảm đau khác thường được sử dụng để điều trị tràn dịch khớp gối là acetaminophen. Acetaminophen không thể điều trị được tình trạng viêm nhưng thuốc hoạt động bằng cách can thiệp vào khả năng xử lý tín hiệu đau của não.
Acetaminophen có tương đối ít tác dụng phụ, tuy nhiên thuốc này được xử lý bởi gan. Do đó khi sử dụng người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Không sử dụng quá liều lượng khuyến cáo mỗi ngày để tránh gây tổn thương gan.
- Một số loại thuốc điều trị khác có chứa acetaminophen. Do đó, người bệnh đang sử dụng các loại thuốc khác nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng acetaminophen.
- Dùng acetaminophen và uống rượu có thể gây tổn thương gan. Do đó không sử dụng kết hợp rượu và Acetaminophen.
2. Thuốc giảm đau Opioid
Thuốc giảm đau Opioid là thuốc có nguồn gốc từ opiate tự nhiên (ví dụ như codeine và morphine) cũng như opioid nhân tạo. Nhóm thuốc này được sử dụng để giảm đau nhanh và hiệu quả và thường được dành để điều trị các cơn đau dữ dội.
Mặc dù những loại thuốc này có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng tràn dịch khớp, tuy nhiên thuốc có thể dẫn đến một số tác dụng phụ và rủi ro, chẳng hạn như:
- Khiến người bệnh cảm thấy mơ hồ và buồn ngủ
- Gây buồn nôn, nôn và táo
- Ngứa da
- Tăng khả năng dung nạp thuốc theo thời gian, điều này có nghĩa là người bệnh sử dụng thuốc trong thời gian dài cần sử dụng liều cao hơn để đạt hiệu quả giảm đau trung bình
- Có thể gây nghiện, đặc biệt là những người có quá khứ nghiện thuốc hoặc ma túy
Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc giảm đau Opioid và các rủi ro không mong muốn trước khi sử dụng thuốc. Ngoài ra, không sử dụng thuốc liên tục hơn 1 hoặc 2 tuần mà không có sự theo dõi của bác sĩ.
3. Thuốc kháng sinh
Trong trường hợp nghi ngờ tràn dịch khớp gối nhiễm trùng, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức để được chăm sóc y tế phù hợp. Ngoài ra dịch nhiễm trùng có thể cần được rút khỏi khớp gối bằng kim tiêm hoặc phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.
Hầu hết các trường hợp tràn dịch khớp gối nhiễm trùng được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Các khuyến cáo về loại kháng sinh, liều lượng và nồng độ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Thông thường thuốc được sử dụng thông qua đường uống, tuy nhiên nếu nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh thông qua đường tĩnh mạch để tránh các biến chứng.
Các loại kháng sinh phổ biến thường được sử dụng điều trị nhiễm trùng tràn dịch khớp gối bao gồm:
- Ciprofloxacin: Đây là một loại thuốc kháng sinh bán tổng hợp, kháng phổ rộng được sử dụng để điều trị nhiễm trùng xương khớp, bao gồm tràn dịch khớp gối. Thuốc có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như ù tai, chóng mặt, đau dạ dày hoặc đau khớp đột ngột.
- Daptomycin: Thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn gram dương dưới dạng tiêm vào tĩnh mạch với liều lượng 6 mg / ngày, liên tục trong 2 – 6 tuần. Các tác dụng phụ bao gồm tiêu chảy, táo bón, chóng mặt, đau dạ dày,…
4. Tiêm Corticosteroid
Thuốc tiêm corticosteroid mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị các cơn đau, sưng viêm khớp do tích tụ chất lỏng ở bệnh nhân tràn dịch khớp. Thuốc corticosteroid có thể cải thiện các triệu chứng bằng cách giảm viêm trong khớp, tuy nhiên loại thuốc này có thể không phù hợp cho tất cả mọi người.
Tiêm corticosteroid điều trị tràn dịch khớp gối có thể giảm đau kéo dài từ 6 – 12 tuần. Thông thường thời gian này đủ lâu dài để khớp gối phục hồi và các triệu chứng thuyên giảm.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm đau tạm thời tại chỗ tiêm, sưng, nóng, đỏ da, phát ban, ngứa, bầm tím quanh khớp và tích tụ chất lỏng ở đầu gối được tiêm thuốc. Các tác dụng phụ này thường nhẹ và không kéo dài.
Biện pháp hỗ trợ điều trị tràn dịch khớp gối tại nhà
Bên cạnh các loại thuốc điều trị, người bệnh có thể áp dụng một số cách cải thiện tình trạng tràn dịch khớp gối tại nhà. Cụ thể các biện pháp bao gồm:
- Để đầu gối nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động khi bị đau và sưng và tránh các hoạt động chịu sức nặng.
- Tìm hiểu tràn dịch khớp gối nên uống thuốc gì và sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau khi cần thiết.
- Chườm đá trong 15 – 20 phút mỗi lần sau mỗi 4 giờ để cải thiện các triệu chứng.
- Đặt đầu gối bị đau cao hơn tim để hạn chế lưu lượng máu và hạn chế các cơn đau.
- Duy trì trọng lượng hợp lý để tránh các tổn thương không cần thiết ở đầu gối.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp để xây dựng các cơ xung quanh đầu gối và hạn chế chấn thương.
Tràn dịch khớp gối có thể là tạm thời do chấn thương nhẹ hoặc nhiễm trùng. Các biện pháp điều trị có thể mất khoảng vài tuần. Tuy nhiên nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ để biết tràn dịch khớp gối nên uống thuốc gì và có biện pháp điều trị phù hợp. Sau khi đánh giá các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị phù hợp đối với mỗi bệnh nhân.
Tham khảo thêm: Cách chữa tràn dịch khớp gối tại nhà – Mẹo hay dân gian
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!