Tràn dịch khớp gối có nên hút dịch không? Điều cần biết
Nội dung bài viết
Chọc hút dịch khớp gối là thủ tục lâm sàng, sử dụng một ống tiêm để thu thập chất lỏng hoạt dịch từ khớp gối bị tổn thương. Vậy tràn dịch khớp gối có nên hút dịch không, khi nào nên hút, có rủi ro hoặc tác dụng phụ nào không? Người bệnh quan tâm có thể tham khảo một số thông tin cơ bản trong bài viết và có kế hoặc điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Hút dịch khớp gối là gì?
Tất cả các khớp đều có một lượng chất dịch nhỏ để hỗ trợ bôi trơn, giảm ma sát và thúc đẩy hoạt động linh hoạt của các khớp. Tràn dịch khớp xảy ra khi có quá nhiều chất lỏng tích tụ ở xung quanh khớp. Khi tràn dịch khớp ảnh hưởng đến đầu gối có thể gây sưng đầu gối và đau đớn. Tình trạng này thường liên quan đến chấn thương, nhiễm trùng hoặc một tình trạng sức khỏe khác.
Khi khớp gối bị đau, sưng, đỏ hoặc hạn chế cử động, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh hút dịch khớp bằng kim tiêm để loại bỏ các chất lỏng khỏi khớp. Thủ tục này được gọi là hút dịch khớp hoặc chọc hút khớp. Chọc hút khớp thường được thực hiện để lấy chất lỏng xét nghiệm chẩn đoán ở phòng thí nghiệm, giảm bớt áp lực và giảm đau khớp.
Các khớp thường được chọc hút là đầu gối. Tuy nhiên, chọc hút khớp có thể được thực hiện ở tất cả các khớp khác, chẳng hạn như khớp háng, khuỷu tay, cổ tay, mắt cá chân, vai và khớp ngón chân cái (khớp ngón chân đầu tiên).
Tràn dịch khớp gối có nên hút dịch không?
Chọc hút dịch khớp được thực hiện để hút chất lỏng từ đầu gối để giảm sưng và hạn chế lượng dịch chảy liên quan đến các chấn thương, nhiễm trùng hoặc các tình trạng sức khỏe khác.
Đối với bệnh nhân tràn dịch khớp gối, chọc hút dịch khớp có thể loại bỏ các chất lỏng tích tụ bên trong khớp, giúp giảm đau, giải tỏa căng thẳng và giúp người bệnh di chuyển thuận lợi hơn. Đôi khi bác sĩ có thể tiêm thuốc, thường là corticosteroid, sau khi hút dịch để chống viêm và hỗ trợ ngăn ngừa các rủi ro.
Do đó, người bệnh không cần thắc mắc tràn dịch khớp gối có nên hút dịch không, bởi vì hút dịch được thực hiện để ngăn ngừa các rủi ro và biến chứng ở người bệnh. Tuy nhiên thủ tục này được thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ có chuyên môn, do đó người bệnh không nên tự ý thực hiện để tránh các rủi ro không mong muốn.
Ngoài ra, chọc hút dịch khớp đôi khi cũng được thực hiện để chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các rối loạn hoặc các vấn đề về khớp gối. Bằng cách phân tích các chất lỏng, chọc hút dịch có thể hỗ trợ chẩn đoán một số vấn đề như:
- Bệnh Gout
- Các loại viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp
- Nhiễm trùng khớp
- Viêm bao hoạt dịch
- Chấn thương gây chảy máu vào khoang khớp
- Chất lỏng dư thừa gây áp lực và đau khớp
Nếu người bệnh cần biết thêm thông tin về việc tràn dịch khớp gối có nên hút dịch không, có thể trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Chống chỉ định thực hiện chọc hút dịch khớp
Mặc dù hút dịch khớp là một thủ tục phổ biến, được thực hiện để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng tràn dịch khớp gối, tuy nhiên thủ tục này có thể không phù hợp với một số bệnh nhân. Bác sĩ có thể quyết định không thực hiện chọc hút dịch khớp đối với người bệnh:
- Nhiễm trùng da hoặc vết thương tại vị trí tiêm hút dịch
- Có vấn đề rối loạn chảy máu
- Có các bệnh truyền nhiễm
Thủ tục chọc hút dịch khớp gối và thông tin cần biết
Hút dịch khớp là một thủ tục đơn giản, nhanh chóng, được thực hiện ngoại trú tại bệnh viện hoặc phòng khám đạt tiêu chuẩn. Cụ thể các bước chọc hút dịch khớp gối như sau:
1. Chuẩn bị trước khi chọc hút dịch
Trước khi chọc hút dịch, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ nếu:
- Đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào, kể cả thuốc theo toa, không theo toa, thực phẩm chức năng, thảo dược bổ sung và bất cứ sản phẩm tăng cường sức khỏe nào khác.
- Có dị ứng với thuốc, hoạt chất, chất gây mê hoặc cao su.
- Có các loại nhiễm trùng, rối loạn chảy máu hoặc chảy máu.
- Đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
Một số bệnh nhân đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc thuốc chống đông máu có thể được yêu cầu ngừng dùng các thuốc này trong những ngày trước khi thực hiện chọc hút dịch khớp.
Những bệnh nhân thuộc nhóm bệnh nghiêm trọng, có thể tiếp tục sử dụng thuốc và cần thực hiện chăm sóc thêm sau khi chọc hút dịch khớp, chẳng hạn như dành thời gian nghỉ ngơi lâu hơn bình thường.
Những bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân và những bệnh nhân được xét nghiệm dịch khớp để kiểm tra nồng độ glucose có thể cần nhịn ăn trước khi chọc dò khớp. Ngoài ra hầu hết người bệnh có thể không cần nhịn ăn trước khi chọc hút dịch khớp.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên trao đổi với bác sĩ về các ảnh hưởng của thủ tục đối với khả năng lái xe, vận hành máy móc hoặc các rủi ro khác sau khi chọc hút dịch khớp để có sự chuẩn bị phù hợp.
2. Các bước chọc hút dịch khớp
Chọc hút dịch khớp là một thủ tục đơn giản, thường chỉ mất khoảng 5 – 10 phút để thực hiện. Các bước thực hiện như sau:
- Người bệnh được yêu cầu ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái nhất và để bác sĩ dễ dàng tiếp cận khớp gối bị tổn thương. Thông thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngả người với chân thả lỏng, duỗi thẳng hoặc gấp ở một góc nhỏ.
- Bác sĩ sử dụng bút để đánh dấu vị trí cần chọc kim tiêm để chọc hút dịch khớp.
- Làm sạch da xung quanh chỗ đâm kim với dung dịch sát khuẩn y tế.
- Đôi khi bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để hỗ trợ quá trình chọc hút dịch. Bác sĩ sẽ thoa một lớp gel nhỏ lên vùng da nhỏ ở gần vị trí đâm kim và ấn nhẹ đầu siêu âm cầm tay vào vùng da được phủ gel. Hình ảnh bên trong khớp sẽ được hiển thị trên màn hình máy vi tính.
- Thuốc gây tê như lidocain có thể được tiêm hoặc chất gây tê gọi là ethyl clorua có thể được phun lên da để hỗ trợ quá trình chọc hút. Đôi khi cả thuốc gây mê dạng tiêm và thuốc bôi sẽ được sử dụng. Trong các trường hợp cần thiết, người bệnh có thể được gây mê toàn thân, đặc biệt là chọc hút dịch ở trẻ em.
- Sau khi được gây tế, bác sĩ sẽ chọc một cây kim mỏng vào khớp gối và hút chất dịch ra khỏi khớp.
- Sau khi hút dịch khớp, bác sĩ có thể tiêm corticosteroid để giảm viêm, sưng và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
- Kim tiêm được rút ra khỏi vị trí tiêm và vết thương được băng lại để chống nhiễm trùng.
Quy trình chọc hút dịch khớp gối chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, nhưng có thể gây khó chịu nhẹ. Sau khi hút dịch, chất dịch có thể được kiểm tra, phân tích ở phòng thí nghiệm để xác định các nguyên nhân và rủi ro liên quan.
Phục hồi và các rủi ro tiềm ẩn sau chọc hút dịch khớp gối
Chọc hút dịch khớp là một thủ tục phổ biến, ít rủi ro và người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng. Một số bệnh nhân có thể hoạt động ngay lập tức, trong khi một số bệnh nhân khác có thể được yêu cầu để khớp nghiep ngởi trong 4 – 24 giờ sau thủ tục.
Người bệnh nên tìm hiểu các rủi ro sau khi chọc hút dịch khớp, các tác dụng phụ và khi nào cần đến bệnh viện để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
1. Thời gian phục hồi sau thủ thuật
Một số người bệnh có thể bị gây tê toàn thân hoặc gây mê trong khi thực hiện thủ thuật chọc hút dịch. Thuốc gây tê cục bộ như Lidocain thường hết tác dụng sau 2 – 4 giờ, do đó bệnh nhân có thể bị đau sau khi về nhà.
Thông thường cơn đau sẽ kéo dài trong 24 giờ sau khi thực hiện chọc hút dịch khớp.
Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn về các loại thuốc chống viêm (NSAID) hoặc thuốc giảm đau không kê đơn để cải thiện các triệu chứng sau thủ thuật.
Tùy thuộc vào mức độ của cơn đau sau thủ thuật, người bệnh có thể chườm lạnh, quấn băng để ngăn ngừa tái sưng và tràn dịch khớp.
2. Các biến chứng tiềm ẩn
Các biến chứng tiềm ẩn phổ biến nhất là khó chịu tạm thời ở các khớp. Bên cạnh đó các biến chứng khác có thể bao gồm:
- Kim tiêm có thể làm xước hoặc đâm vào gân, mạch máu hoặc các dây thần kinh của khớp.
- Bệnh nhân có thể dị ứng với thuốc tê.
- Trong các trường hợp hiếm khi xảy ra, việc đâm kim có thể đưa máu vào khoang khớp hoặc gây nhiễm trùng, viêm bao hoạt dịch. Có khoảng 0.01% người bệnh bị nhiễm trùng sau khi chọc hút dịch khớp gối.
3. Khi nào cần đến bệnh viện?
Liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu:
- Đau vừa hoặc nghiêm trọng sau khi chọc hút dịch khớp
- Cơn đau không được cải thiện khi sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc chườm đá
- Sưng vừa phải đến nghiêm trọng
- Đôi màu da hoặc phát ban xung quanh vị trí kim tiêm
- Sốt
- Chảy máu hoặc rò rỉ máu từ vị trí tiêm
Đối với hầu hết người bệnh, chọc hút dịch khớp là một thủ thuật an toàn, đơn giản và không dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng.
Chọc hút dịch khớp là một thủ thuật được thực hiện để hút chất lỏng từ đầu gối, hỗ trợ giảm đau và viêm. Bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật này để điều trị bệnh viêm khớp, chẳng hạn như bệnh gout, viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý tràn dịch khớp. Để xác định thông tin, tràn dịch khớp gối có nên hút dịch không, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Có thể bạn quan tâm: Tràn dịch khớp gối nên uống thuốc gì? Điều cần biết
GỢI Ý XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!