Các thuốc giảm axit uric trong máu tốt nhất và cách dùng
Nội dung bài viết
Thuốc giảm axit uric máu thường được dùng trong điều trị bệnh gout, tăng axit uric thứ phát do hóa xạ trị hoặc đe dọa đến bệnh lý tim mạch. Loại thuốc này không có chỉ định đối với những trường hợp tăng axit uric không có triệu chứng.
Thuốc giảm axit uric được sử dụng khi nào?
Axit uric (acid uric) là thành phần có trong huyết tương với nồng độ dao động từ 6 – 7mg/ dl. Thành phần này sản phẩm của quá trình chuyển hóa các nhóm thực phẩm chứa nhiều purin như thịt bò, thịt heo, thịt cừu, cá biển, tôm, cua, mực, đậu hà lan, nội tạng động vật,…
Sau khi được sản sinh, acid uric sẽ được thải trừ qua thận và chỉ duy trì ở một nồng độ nhất định trong máu. Tuy nhiên nếu tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều purin hoặc khả năng đào thải của thận bị suy giảm, nồng độ acid uric trong máu có thể tăng lên đáng kể.
Tăng acid uric máu là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh gout (chứng thống phong). Tuy nhiên trên thực tế, một số trường hợp có acid uric cao nhưng không có tổn thương ở khớp cũng không phát sinh bất cứ triệu chứng nào bất thường. Trong trường hợp này, bác sĩ thường đề nghị giảm axit uric bằng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh gout, sỏi thận và cao huyết áp.
Thuốc giảm axit uric chỉ được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Chỉ số axit uric ở mức 12 – 13mg/ dl
- Chỉ số axit uric không quá cao nhưng bệnh nhân có dấu hiệu hủy tế bào quá nhiều (thường xảy ra ở người bị ung thư do phải thực hiện xạ trị hoặc hóa trị)
- Các trường hợp tăng axit uric máu không có triệu chứng thường không có chỉ định điều trị – trừ khi tình trạng này đe dọa đến bệnh lý tim mạch
- Người có chỉ số acid uric cao đã khởi phát cơn đau gout cấp
Thực tế, thuốc giảm axit uric cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp không được đề cập trong bài viết. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra nhiều rủi ro và biến chứng nguy hiểm nên bác sĩ thường chỉ yêu cầu sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Các loại thuốc giảm axit uric được dùng phổ biến
Tác dụng của thuốc làm giảm axit uric là giảm/ kiểm soát chỉ số acid uric trong huyết tương thông qua 3 cơ chế chính: Ức chế tổng hợp, tăng thải trừ và phân hủy axit uric. Để tìm hiểu cụ thể hơn về cơ chế hoạt động, loại thuốc và cách dùng, bệnh nhân có thể tham khảo thông tin được tổng hợp trong nội dung sau:
1. Thuốc ức chế tổng hợp axit uric
Thuốc ức chế tổng hợp axit uric (thuốc ức chế men xanthine oxidase/ XO) là nhóm thuốc giảm axit uric được sử dụng phổ biến nhất.
Purin có trong thức ăn sẽ được chuyển thành xanthin và hypoxanthin khi được dung nạp vào cơ thể. Quá trình oxy hóa xúc tác khiến các chất này chuyển đối thành xanthine oxides (XO) và tạo thành acid uric. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế XO nhằm giảm khả năng sinh tổng hợp acid uric, từ đó làm giảm nồng độ acid uric trong máu và nước tiểu.
Ngoài khả năng điều hòa nồng độ axit uric trong máu, thuốc ức chế tổng hợp axit uric còn được sử dụng để ngăn ngừa hình thành sỏi axit uric trong thận. Nhóm thuốc này thường được dùng cho bệnh gout mãn tính, sỏi urat ở thận, tăng acid uric máu thứ phát do sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc chống ung thư,…
Các loại thuốc ức chế men xanthine oxidase phổ biến:
– Allopurinol
Allopurinol là loại thuốc ức chế tổng hợp axit uric được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Thuốc được dùng để giảm axit uric trong các trường hợp tăng axit uric thứ phát hoặc nguyên phát gây bệnh gout và sỏi thận. Ngoài ra, Allopurinol cũng được dùng để điều trị bệnh đa u tủy xương và hội chứng Lesch-Nyhan.
Thuốc được dùng ở liều khởi đầu 100mg/ ngày nhằm đánh giá mức độ đáp ứng và tăng dần liều sau mỗi 14 – 28 ngày đến khi đạt liều lượng tối đa 800mg/ ngày. Thuốc được sử dụng cho đến khi nồng độ axit uric trong máu < 6mg/ dl.
Các tác dụng phụ thường gặp của loại thuốc này bao gồm ban đỏ, kích ứng dạ dày, hội chứng Steven – Johnson và hội chứng tăng nhạy cảm Allopurinol (AHS). Các phản ứng bất lợi thường xảy ra ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận hoặc dùng đồng thời với kháng sinh Amoxicillin/ Ampicillin.
– Febuxostat:
Febuxostat là thuốc ức chế chọn lọc men xanthine oxidase non-purine. Loại thuốc này được FDA chấp thuận và được sử dụng rộng rãi trong điều trị tăng axit uric máu vào năm 2009. Febuxostat chỉ được dùng trong các trường hợp tăng axit uric máu ở người bị gout và không được dùng trong trường hợp tăng axit uric không có triệu chứng.
Allopurinol chủ yếu thải trừ qua thận nhưng Febuxostat thải trừ qua cả gan và thận. Chính vì vậy, bệnh nhân có vấn đề ở 2 cơ quan này nên thông báo với bác sĩ để được hiệu chỉnh liều lượng.
Febuxostat thường được sử dụng với liều lượng 40 – 80mg/ ngày và hầu như không phải điều chỉnh liều như Allopurinol. Trong thời gian dùng thuốc, các cơn đau gout cấp có thể bùng phát mạnh.
Thực tế, Febuxostat chỉ được dùng khi bệnh nhân dị ứng với Allopurinol do có giá thành tương đối cao. Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như đau dạ dày, phát ban, buồn nôn, vàng da, nước tiểu đậm màu, giảm cân và gây bùng phát cơn đau tim.
– Topiroxostat:
Topiroxostat là thuốc ức chế tổng hợp acid uric được phê duyệt tại Nhật Bản vào tháng 6/ 2013. Tuy nhiên loại thuốc này ít được sử dụng ở nước ta mà chủ yếu được dùng tại Nhật Bản và một số quốc gia khác.
2. Thuốc tăng thải trừ axit uric
Axit uric tăng cao có thể bắt nguồn từ tình trạng giảm hoạt động đào thải của thận. Thuốc tăng thải trừ axit uric được sử dụng nhằm thúc đẩy hoạt động thanh thải axit uric qua đường tiểu. Nhóm thuốc này được sử dụng khi thuốc ức chế men xanthine oxidase không đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, thuốc tăng thải axit uric cũng có thể được dùng phối hợp với thuốc ức chế men xanthine oxidase nhằm hạ acid uric máu nhanh chóng và giảm kích thước của các hạt tophi. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chống chỉ định với người bị sỏi thận.
Các loại thuốc tăng thải trừ axit uric thường được sử dụng:
– Probenecid:
Probenecid là loại thuốc tăng thải trừ axit uric được dùng nhiều trên lâm sàng. Loại thuốc này là dẫn chất của sulfonamide có khả năng làm giảm axit uric bằng cách ức chế bài tiết axit hữu cơ yếu ở ống thận. Ngoài ra, Probenecid còn ức chế quá trình tái hấp thu axit uric nhằm làm tăng số lượng axit uric được bài tiết qua đường tiểu.
Thuốc chỉ có tác dụng làm giảm axit uric máu và không có tác dụng giảm đau. Khi cơn đau gout bùng phát, bác sĩ thường chỉ định với Paracetamol. Sử dụng cùng với thuốc chống viêm, giảm đau nhóm salicylat (Aspirin) làm mất hoàn toàn tác dụng của Probenecid.
Probenecid thường được dùng trong trường hợp tăng axit uric máu do bệnh gout mãn tính, tăng axit uric thứ phát do sử dụng thuốc lợi tiểu. Loại thuốc này không dùng cho trường hợp tăng axit uric thứ phát do hóa xạ trị ở bệnh nhân ung thư. Chống chỉ định thuốc với cơn gout cấp, sỏi thận (đặc biệt là sỏi urat), rối loạn chức năng đông máu, suy thận nặng, rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, tăng axit uric máu do các bệnh ác tính.
Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng số lần tiểu tiện, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, nôn mửa,… và một số tác dụng phụ hiếm gặp có mức độ nghiêm trọng như hội chứng Stevens-Johnson, thiếu máu bất sản, hội chứng thận hư, thiếu máu tan huyết và hoại tử gan.
– Lesinurad:
Lesinurad là thuốc tăng đào thải axit uric được FDA công nhận và chính thức được sử dụng vào năm 2015. Loại thuốc này thường được dùng với liều lượng 200mg/ ngày phối hợp với thuốc ức chế tổng hợp axit uric (Allopurinol hoặc Febuxostat) đối với những trường hợp không điều chỉnh được nồng độ axit uric trong huyết tương khi dùng đơn độc thuốc ức chế tổng hợp axit uric.
Lesinurad có khả năng ức chế URAT 1 tương tự Probenecid (URAT 1 là men chịu trách nhiệm hoạt động tái hấp thu axit uric ở ống thận), từ đó giúp tăng thải axit uric qua đường tiểu và giảm nồng độ axit uric trong huyết tương. Thuốc chống chỉ định với người ghép thận, suy thận nặng, bệnh nhân lọc máu, hội chứng Lesh Nyhan và hội chứng ly giải khối u.
– Benzbromarone:
Benzbromarone thường được sử dụng dể làm giảm nồng độ axit uric trong huyết tương ở bệnh nhân gout. Tác dụng của thuốc dựa trên cơ chế ngăn chặn tái hấp thu axit uric tại ống thận và tăng đào thải qua đường ruột.
Tương tự Allpurinol, Benzbromarone thường được dùng liều thấp và tăng dần liều đến 200mg để đạt hiệu quả trong việc giảm nồng độ axit uric trong máu. Loại thuốc này có thể dùng cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh nhân đang can thiệp các biện pháp kiềm hòa nước tiểu hoặc mắc bệnh sỏi thận nên thận trọng khi dùng.
Từ năm 2003, một số nước cho thu hồi các biệt dược chứa Benzbromarone vì các nghiên cứu khoa học cho thấy thuốc có thể gây độc tính lên gan – thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, bệnh nhân sử dụng loại thuốc này cần kiểm tra chức năng gan 1 tháng/ lần trong ít nhất 6 tháng đầu dùng thuốc.
3. Thuốc hủy urat/ phân hủy axit uric
Để đào thải axit uric qua thận, uricase trong cơ thể tác động nhằm biến đổi axit uric thành allatonin – chất này có khả năng tan trong nước và dễ dàng được thải trừ cùng với nước tiểu. Thuốc phân hủy axit uric hoạt động bằng cách truyền men uricase ở dạng tái tổ hợp cho cơ thể nhằm giảm nhanh nồng độ axit uric trong huyết tương.
Với tác dụng hạ axit uric nhanh, thuốc hủy urat thường được dùng cho trường hợp gút kháng trị, ổ khớp hình thành hạt tophi dẫn đến biến dạng và giảm khả năng vận động. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể khiến cơn đau gout tái phát nhanh chóng và có khả năng gây kháng thuốc sau vài tháng sử dụng.
Loại thuốc này gây ra nhều tác dụng phụ (gặp ở 21 – 46% trường hợp). Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm sốc phản vệ, tan máu, bốc hỏa, đau ngực và khó thở. Thuốc phân hủy axit uric được sử dụng hiện nay, gồm có Rasburicase và Pegloticase.
Lưu ý khi dùng thuốc giảm axit uric trong máu
Bên cạnh Colchicin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm axit uric là nhóm thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh gout. Ngoài ra, thuốc còn được dùng để hạ axit uric nguyên phát và thứ phát do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ra nhiều rủi ro và biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy khi dùng thuốc giảm axit uric máu, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Cần xét nghiệm máu và thực hiện một số chẩn đoán cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ dựa vào nồng độ axit uric trong máu và tình trạng sức khỏe để chỉ định loại thuốc và cân chỉnh liều lượng, thời gian sử dụng.
- Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ và cần dùng thuốc đúng liều lượng. Tình trạng dùng ít hoặc quá liều có thể làm giảm hiệu quả điều trị và gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
- Thực tế, các loại thuốc giảm axit uric không có khả năng giảm đau và chống viêm. Các loại thuốc này chỉ có tác dụng ổn định nồng độ axit uric trong máu, từ đó làm giảm hiện tượng lắng đọng muối urat tại khớp và hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng. Nếu cơn đau bùng phát, nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định thuốc chống viêm hoặc Colchicin.
- Đa phần các loại thuốc giảm axit uric trong máu đều có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Trong trường hợp phát sinh tác dụng ngoại ý, nên thông báo ngay với bác sĩ – kể cả những triệu chứng có mức độ nhẹ.
- Để đảm bảo hiệu quả của thuốc, cần tránh dùng rượu bia, thịt đỏ, hải sản và một số loại thực phẩm chứa nhiều đạm. Bên cạnh đó, tuyệt đối không dùng chất kích thích và hút thuốc lá. Các thói quen này có thể làm tăng sự rối loạn trong quá trình tổng hợp và đào thải axit uric.
- Người bị gout nên tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng để hỗ trợ quá trình điều trị.
Bài viết đã tổng hợp các loại thuốc giảm axit uric trong máu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vui lòng liên hệ với dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể về liều lượng và thời gian sử dụng.
Tham khảo thêm: 10+ thuốc trị bệnh gout tốt nhất và lưu ý khi dùng
GỢI Ý XEM THÊM
Rất hay .