Lên thực đơn cho người bệnh gout để mau khỏi bệnh
Nội dung bài viết
Bên cạnh việc điều trị y tế, thay đổi chế độ ăn uống phù hợp là một biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh gout hiệu quả. Do đó, người bệnh có thể tham khảo một số thực đơn cho người bệnh gout trong bài viết bên dưới để cải thiện các triệu chứng bệnh.
Thực phẩm ảnh hưởng như thế nào đến bệnh gout?
Bệnh gout là bệnh viêm khớp phổ biến dẫn đến các cơn đau đớn đột ngột, sưng và viêm khớp. Gần một nửa các trường hợp, bệnh Gout ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái, trong khi một số trường hợp có thể gây ảnh hưởng đến ngón tay, cổ tay, đầu gối và cả gót chân.
Bệnh xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu cao. Hầu hết các trường hợp, người bệnh gout thường có cơ chế loại bỏ axit uric kém hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng tích tụ các tinh thể axit uric trong các khớp, gây mất ổn định và đau đớn nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh gout thường là do di truyền hoặc chế độ ăn uống thiếu khoa học. Một số thực phẩm có thể kích hoạt và làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể.
Thực phẩm kích hoạt bệnh gout thường chứa nhiều purin, một chất được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Khi cơ thể tiêu hóa purin sẽ tạo ra axit uric như một chất thải. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh không thể đào thải lượng axit uric dư thừa. Do đó, chế độ ăn uống nhiều purin là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tích tụ axit uric trong cơ thể và gây nên những cơn đau gout.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho biết hạn chế một số loại thực phẩm có hàm lượng purin cao và sử dụng thuốc theo phác đồ có thể điều trị bệnh gout.
Các loại thực phẩm có thể kích hoạt bệnh gout thường bao gồm nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản, rượu và bia. Các loại thực phẩm này chứa một lượng purin từ trung bình đến cao. Tuy nhiên, các loại rau có hàm lượng purin cao không gây tăng nguy cơ bệnh gout.
Mặc dù áp dụng các thực đơn cho người bệnh gout không thể điều trị bệnh nhưng có thể cải thiện các triệu chứng và giảm tối thiểu các cơn đau. Theo thời gian, chế độ ăn uống phù hợp có thể cân bằng hoặc làm giảm nồng độ axit uric và kiểm soát bệnh gout hiệu quả hơn.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bệnh gout
Nguyên tắc cơ bản nhất khi lên thực đơn cho người bệnh gout là giảm lượng purin tiêu thụ, phải dưới 500 mg / ngày. Người bệnh cần loại bỏ các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao, tuy nhiên các loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp vẫn có thể sử dụng một cách có kiểm soát.
Một số loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp an toàn cho người bệnh gout bao gồm:
- Trái cây, hầu hết các loại trái cây tốt cho bệnh nhân gout. Quả anh đào thậm chí có thể ngăn ngừa các triệu chứng bệnh bằng cách giảm nồng độ axit uric, giảm viêm và ngăn ngừa bệnh viêm khớp.
- Rau, tất cả các loại rau đều tốt cho bệnh nhân gout, bao gồm khoai tây, nấm, cà tím và các loại rau có lá màu xanh đậm.
- Các loại hạt và các loại đậu, bao gồm đậu lăng, đậu xanh, đậu nành và các loại đầu phụ.
- Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm yến mạch, gạo nâu và lúa mạch.
- Các sản phẩm từ sữa, hầu như các loại sữa đều an toàn cho người bệnh gout, tuy nhiên các loại sữa ít béo hoặc tách béo thường được ưu tiên.
- Trứng
- Các loại đồ uống như cà phê, trà và trà xanh.
- Các loại thảo mộc và gia vị.
- Dầu thực vật bao gồm dầu dừa, dầu ô liu và dầu hạt lanh.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm như thịt nội tạng, thịt chế biến sẵn và hầu hết các loại thịt đều cần tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Người bệnh cần hạn chế ở mức 115 – 170 gram mỗi ngày và vài lần mỗi tuần.
Các loại thịt thường chứa nhiều purin và cần tiêu thụ trong mức độ cho phép để tránh dẫn đến các cơn đau gout. Cụ thể như sau:
- Thịt như thịt gà, thịt bò, thịt lợn và thịt cừu.
- Các loại cá đặc biệt là cá đóng hộp, tuy nhiên các hồi có lượng purin thấp hơn hầu hết các loại cá khác.
Lên thực đơn cho người bệnh gout để mau khỏi bệnh
Ăn một chế độ ăn kiêng, lành mạnh có thể hỗ trợ giảm đau, sưng và ngăn ngừa các cơn đau gout trong tương lai. Tham khảo thực đơn cho người bệnh gout trong một tuần như sau:
1. Thứ Hai
Bữa sáng:
- Yến mạch, sữa chua Hy Lạp và khoảng 31 g quả mọng như dâu tây, quả anh đào hoặc bưởi
- 1 tách cà phê hoặc trà
Bữa trưa:
- 1 hoặc 2 chén cơm nhỏ
- Salad trộn trứng luộc và hẹ
- Rau sống
- Tránh miệng với chuối hoặc 1 chén quả anh đào tươi
Bữa tối:
- 1 – 2 chén cơm nhỏ
- Gà nướng hoặc chiên với dầu thực vật như dầu ô liu, dầu dừa
- Rau bina hoặc salad ớt chuông
2. Thứ Ba
Bữa sáng:
- Cháo trắng hoặc cháo đậu xanh thịt bằm
- Sữa ít béo
- Quả mâm xôi, táo cắt nhỏ, hạt lanh trộn sữa chua
Bữa trưa:
- Bánh mì với trứng luộc và salad
- 300 – 500 ml sữa tươi ít béo
- Bánh khoai tây nướng hoặc khoai tây nghiền
Bữa tối:
- Cơm gạo lứt
- Ức gà nướng ăn kèm khoai tây, cà rốt và rau thơm
- Tráng miệng với trà gừng ấm
3. Thứ Tư
Bữa sáng:
- Bánh mì trứng
- Nước cam
Bữa trưa:
- Cơm gạo lứt
- Gà xào rau
- Nước ép hoặc sinh tố trái cây
Bữa tối:
- 2 chén cơm trắng
- Cá nướng ớt chuông và hành tây
- Salad với trứng luộc
- Trà thảo mộc
4. Thứ Năm
Bữa sáng:
- Ngũ cốc nguyên hạt, không đường dùng kèm sữa ít béo
- 1 tách cà phê hoặc trà xanh
Bữa trưa:
- Bún bò với số lượng thịt bò phù hợp
- Tráng miệng bằng dâu tây hoặc các loại quả mọng khác
Bữa tối:
- 2 chén cơm nhỏ
- Súp cà chua, thịt bằm và rau thơm
- 1 hũ sữa chua không đường
Bữa tối:
- Cá hồi nướng khoai tây, bông cải xanh và cà rốt
- Ăn kèm bánh yến mạch
- Tráng miệng với táo hoặc 1 thìa giấm táo pha nước ấm
5. Thứ Sáu
Bữa sáng:
- Phở hoặc bún bò
- 200 – 400 ml sữa tách béo
Bữa trưa:
- Cơm gạo lứt
- Thịt gà hoặc thịt nạc heo
- Rau xào với dầu ô liu hoặc luộc
- Tráng miệng với nước ép anh đào
Bữa tối:
- Salad cà rốt, khoai tây và súp lơ
- 1 ly sữa ít béo
- Bánh mỳ kẹp thịt gà
6. Thứ Bảy
Bữa sáng:
- Cháo thịt nạc đậu xanh hoặc cháo trắng
- 1 ly sữa không đường, ít béo hoặc nước cam
Bữa trưa:
- Cơm gạo lứt
- Thịt gà hoặc thịt bò hầm cà rốt
- Canh cải hoặc bí đỏ hầm xương
- Tráng miệng với nước ép dứa
Bữa tối:
- Bánh mỳ kèm dầu olive kẹp thịt nạc, cà chua, xà lách và các loại rau cải khác
- 1 chén khoai tây nghiền
- Tráng miệng với trà chanh, mật ong
7. Chủ nhật
Bữa sáng:
- Bánh mì nướng nguyên hạt với mật ong
- 1 quả chuối
Bữa trưa:
- 2 chén cơm trắng
- Ức gà nướng, rau luộc hoặc canh rau
- Tráng miệng với một ly nước cam hoặc sữa tách béo pha hạt chia
Bữa tối:
- Cơm gạo lứt
- Đậu phụ chiên hoặc cà hồi nướng khoai tây, bông cải xanh và cà rốt
- Tráng miệng với sữa chua hoặc phô mai ít béo
Áp dụng thực đơn cho người bệnh gout có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng liên quan. Tuy nhiên, trước khi thay đổi chế độ ăn uống, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Thay đổi lối sống phòng ngừa bệnh gout
Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh có thể thay đổi lối sống nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Một số lưu ý phổ biến bao gồm:
- Giảm cân: Cân nặng dư thừa có thể khiến cơ thể kháng insulin nhiều hơn và dẫn đến tình trạng không loại bỏ đường đúng cách. Tình trạng này có thể thúc đẩy nồng độ axit uric trong máu cao tăng dẫn đến bệnh gout.
- Thường xuyên luyện tập thể dục: Vận động và tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh gout.
- Giữ nước: Uống đủ nước có thể giúp cơ thể loại bỏ lượng axit uric dư thừa trong máu và thải qua nước tiểu. Nếu người bệnh tập thể dục nhiều, việc giữ nước càng quan trọng hơn bởi để bù vào lượng nước cơ thể thoát qua mồ hôi.
- Hạn chế tiêu thụ rượu bia: Cơ thể thường ưu tiên loại bỏ rượu, bia hơn axit uric, do đó dẫn đến tích tụ axit uric và tạo thành các tinh thể. Theo một số nghiên cứu, người uống nhiều hơn 2 ly rượu hoặc bia mỗi ngày có thể tăng nguy cơ bệnh gout lên đến 36%.
- Bổ sung vitamin C: Nhiều nghiên cứu cho biết bổ sung vitamin C có thể hỗ trợ cơ thể loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa bệnh gout.
Gout là bệnh lý viêm khớp mãn tính dẫn đến các cơn đau đột ngột, sưng và viêm khớp. Tuy nhiên thay đổi chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu, sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!