Mọc mụn thịt ở mông, hậu môn có cần trị không?
Nội dung bài viết
Mụn thịt ở hậu môn là những vết sưng nhỏ xung quanh mông hoặc hậu môn. Tình trạng da này có thể gây khó chịu, ngứa ngáy nhưng ít khi gây đau và có thể được loại bỏ bởi bác sĩ chuyên môn để tránh các rủi ro không mong muốn.
Mụn thịt ở hậu môn là gì? Có cần điều trị không?
Mụn thịt ở hậu môn và mông là một vấn đề ngoài da lành tính. Các nốt mụn thịt có thể cảm nhận giống như những vết sưng nhỏ hoặc các vùng nhô cao trên bề mặt hậu môn và mông. Một người có thể có nhiều mụn thịt xung quanh hậu môn.
Mụn thịt ở hậu môn thường lành tính, không ung thư và không lây nhiễm. Tuy nhiên nếu mụn thịt bị tổn thương, viêm hoặc tổn thương da xung quanh, điều này có thể gây khó chịu. Hầu hết các trường hợp, mụn thịt ở hậu môn có kích thước nhỏ, khoảng vài mm hoặc nhỏ hơn. Các nốt mụn này có thể có màu sẫm hoặc cùng màu với da, thường gây đau đớn và không dẫn đến các rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.
Mặc dù các nốt mụn thịt ở hậu môn thường lành tính, không ung thư, tuy nhiên người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng. Đôi khi các nốt mụn thịt ở hậu môn có thể bị nhầm lẫn với mụn cóc sinh dục, sùi mào gà hoặc bệnh trĩ.
Mặc khác, một số người có thể mún loại bỏ mụn thịt ở hậu môn vì lý do thẩm mỹ. Tuy nhiên, tình trạng da này chỉ nên được xử lý bởi bác sĩ có chuyên môn để tránh các rủi ro không mong muốn.
Nguyên nhân mọc mụn thịt ở hậu môn
Da ở hậu môn thường không được săn chắc như da trên các bộ phận cơ thể khác. Bởi vì da ở mông và hậu môn cần phải giãn ra khi đi đại tiện và để phân di chuyển ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nếu một mạch máu ở hậu môn sưng lên hoặc ro ra, điều này có thể dẫn đến các nốt mụn thịt trên da. Tình trạng này có thể dẫn đến các nốt sưng hoặc thịt dư ngay cả khi da đã hết sưng.
Các mạch máu bị phồng hoặc sưng lên thường liên quan đến một số nguyên nhân bao gồm:
- Táo bón: Táo bón là tình trạng khó đi đại tiện hoặc đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần. Việc cố gắng đi đại tiện có thể gây áp lực lên các mạch máu ở hậu môn, khiến các mạch máu này sưng lên.
- Tiêu chảy: Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc chứa nhiều nước từ 3 lần trở lên trong ngày. Tiêu chảy dẫn đến việc thường xuyên lau da ở hậu môn, điều này có thể gây kích ứng da. Bên cạnh đó, phân lỏng thường có chứa axit, điều này có thể gây kích ứng da xung quanh hậu môn.
- Bệnh trĩ: Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở hậu môn hoặc trực tràng bị viêm. Những người có tiền sử bệnh trĩ có nguy cơ phát triển các nốt mụn thịt ở hậu môn hoặc các vết loét da ở mông, gần hậu môn. Trĩ là tình trạng bệnh phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và người lớn tuổi.
- Bệnh Crohn: Những bị bệnh Crohn thường dễ bị ảnh hưởng đến vùng hậu môn và phát triển các nốt mụn thịt. Trong một số trường hợp, mọc mụn thịt ở hậu môn có thể là dấu hiệu để chẩn đoán bệnh Crohn.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai thường dễ xuất hiện các nốt mụn thịt ở nhiều vị trí trên cơ thể, do thay đổi nội tiết tố. Bên cạnh đó, bệnh trĩ trong thai kỳ cũng là một trong các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến việc mọc mụn thịt ở mông.
- Béo phì: Người béo phì thường có nguy cơ phát triển các nốt mụn thịt cao hơn người có chỉ số cơ thể bình thường. Béo phì khiến các nếp nhăn da ở hậu môn lớn hơn và dễ bị kích thích khi ngồi lâu.
- Di truyền: Đôi khi tình trạng mọc mụn ở hậu môn có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này có nghĩa là những người có tiền sử gia đình mọc mụn ở mông, hậu môn có nguy cơ cao hơn những người khác.
- Ma sát hoặc cọ xát da: Sự cọ xát liên tục có thể là nguyên nhân dẫn đến các vết thương, kích ứng và dẫn đến mọc mụn ở khu vực này.
- Bệnh tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường có nguy cơ phát triển các vết loét, mụn thịt ở nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm các chi dưới và hậu môn.
- Tuổi tác: Người cao tuổi thường có nhiều nguy có phát triển các nốt mụn thịt ở hậu môn cao hơn người trẻ tuổi.
Ngoài các lý do phổ biến nêu trên, tình trạng mọc mụn thịt ở mông, hậu môn có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các bệnh lý nguy hiểm. Do đó, theo các chuyên gia da liễu, người mọc mụn thịt ở hậu môn nên đến bệnh viện để xác định các nguyên nhân. Xác định nguyên nhân là cách tốt nhất để điều trị các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.
Chẩn đoán mụn thịt ở hậu môn như thế nào?
Tình trạng mọc mụn ở mông và hậu môn có thể được chẩn đoán bằng các đặc trưng hoặc dấu hiệu bên ngoài. Bên cạnh đó, mặc dù tình trạng da này thường lành tính nhưng đôi khi bác sĩ có thể đề nghị các kiểm tra chuyên môn để xác định nguyên nhân cơ bản.
Để chẩn đoán, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe. Trong quá trình này người bệnh có thể được yêu cầu cởi bỏ quần, quần lót và nằm nghiêng trên giường. Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra trực quan hậu để xác định các vết thương trên da. Đôi khi bác sĩ cũng có thể kiểm tra trực tràng bằng cách đưa ngón tay vào trực tràng để cảm nhận các khối u hoặc sưng phồng.
Nếu nghi ngờ các nguyên nhân nghiêm trọng hoặc cần kiểm tra chuyên sâu hơn, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm như:
- Nội soi hậu môn: Xét nghiệm này có thể quan sát bên trong ống hậu môn để xác định các bệnh lý liên quan.
- Nội soi đại tràng xích ma: Đây là một xét nghiệm được thực hiện để quan sát trực tràng và phần cuối của đại tràng. Xét nghiệm này có thể không cần thiết khi kiểm tra mụn thịt ở hậu môn, tuy nhiên nếu bác sĩ nghi ngờ các bệnh lý đường tiêu hóa hoặc các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.
Biện pháp điều trị thịt dư ở hậu môn
Hầu hết các trường hợp mụn thịt ở hậu môn không nghiêm trọng và không cần điều trị. Tuy nhiên đôi khi người bệnh có thể cần điều trị mụn thịt để cải thiện vấn đề thẩm mỹ hoặc để ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
Mụn thịt nên được điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn. Tùy theo nhu cầu của người bệnh và mức độ nghiêm trọng của mụn thịt, bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp điều trị như:
1. Áp lạnh mụn thịt
Phương pháp áp lạnh sử dụng nitơ lỏng để làm đông cứng da và phá hủy các nốt mụn thịt. Bác sĩ da liễu có thể áp dụng nito lỏng lên da trên vòng 30 giây để đóng băng các mạch máu và mô da tại vị trí mụn thịt.
Hầu hết các trường hợp, phương pháp này an toàn, không dẫn đến các tác dụng phụ hoặc khó chịu cho người bệnh. Các nốt mụn thịt có thể tự rời ra khỏi hậu môn trong vài ngày.
2. Đốt điện mụn thịt
Đốt điện là một phương pháp điều trị mụn thịt phổ biến nhằm mục đích phá hủy các mô và mạch máu đến các nốt mụn thịt. Điều này có thể làm giảm kích thước của nốt mụn, khiến nốt mụn co lại và rơi ra trong khoảng 2 tuần.
3. Đốt mụn thịt bằng tia laser
Một số tia laser có thể được sử dụng để loại bỏ các nốt mụn thịt ở hậu môn. Phương pháp này được cho là có hiệu quả cao nhưng thường tốn kém nhiều chi phí.
Bên cạnh đó, đốt mụn thịt bằng tia laser có thể gây đau. Do đó, vùng da cần điều trị có thể được gây tê để hỗ trợ giảm cơn đau.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cắt bỏ các nốt mụn thịt dư ở hậu môn được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn.
Để thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ gây tê vùng da xung quanh hậu môn để giảm thiểu các cơn đau. Đôi khi người bệnh cũng có thể được sử dụng thuốc an thần để hỗ trợ thư giãn trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ sử dụng dao phẫu thuật để loại bỏ nốt mụn thịt dư ở hậu môn. Để ngăn ngừa các biến chứng, bác sĩ có thể khâu phần da ở hậu môn lại trong một thời gian. Điều này giúp da có thời gian chữa lành và giảm nguy cơ nhiễm trùng do phân hoặc vi khuẩn.
5. Các phương pháp tại nhà
Mụn thịt ở hậu môn thường không nghiêm trọng và có thể không cần điều trị y tế. Do đó, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục tại nhà để hạn chế sự khó chịu và cải thiện vấn đề thẩm mỹ. Cụ thể, các biện pháp khắc phục mụn thịt tại nhà bao gồm:
- Sử dụng tỏi: Tỏi có thể hỗ trợ kháng viêm, loại bỏ các vết thương, mụn thịt trên da một cách tự nhiên. Để loại bỏ mụn thịt với tỏi, người bệnh đắp tỏi giã nhuyễn lên nốt mụn thịt, băng kín lại bằng băng cá nhân và để qua đêm.
- Sử dụng giấm táo: Giấm táo có tính axit, có thể phá vỡ các mô xung quanh mụn thịt và giúp mụn thịt bong ra tự nhiên. Người bệnh có thể nhúng tăm bông vào giấm táo nguyên chất, sau đó đặt lên da, băng kín trong 15 – 30 phút sau đó rửa sạch.
- Sử dụng vỏ quả chuối: Vỏ quả chuối có thể hỗ trợ làm khô da và loại bỏ các nốt mụn thịt hiệu quả. Người bệnh có thể băng một mảnh vỏ chuối lên các nốt mụn thịt và để qua đêm.
- Tinh dầu tràm trà: Tinh dầu tràm trà có đặc tính kháng virus và kháng nấm, rất an toàn để loại bỏ mụn thịt ở hậu môn. Người bệnh có thể sử dụng tăm bông hoặc bông gòn nhúng vào tinh dầu tràm tà sau đó đặt lên nốt mụn cóc, băng kín để qua đêm.
Các biện pháp điều trị mụn thịt ở hậu môn có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để đạt hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, một số phương pháp có thể gây kích ứng da nhẹ hoặc gây khó chịu. Tuy nhiên nếu các dấu hiệu tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Biện pháp phòng ngừa mụn thịt ở hậu môn
Mặc dù không thể phòng ngừa tất cả các nguyên nhân dẫn đến mụn thịt ở hậu môn, tuy nhiên người bệnh có thể hạn chế sự xuất hiện của tình trạng da này bằng một số lưu ý như:
- Mặc quần áo thoáng khí, vừa vặn. Bên cạnh đó, vải quần lót cũng nên mềm, thấm hút, hạn chế tối đa nguy cơ ma sát và kích ứng da. Quần áo vừa vặn cũng có thể hạn chế tình trạng khó chịu khi di chuyển và ngồi.
- Tránh táo bón, bằng cách thường xuyên bổ sung chất xơ và uống đủ nước. Ngoài ra, hạn chế căng thẳng và rặn khi đi đại tiện.
- Tránh kích ứng da hậu môn bằng cách hạn chế tình trạng ngồi lâu. Ngoài ra, sử dụng khăn mềm hoặc nước để vệ sinh hậu môn sau khi đi đại tiện để tránh gây tổn thương da.
- Điều trị các vấn đề liên quan chẳng hạn như bệnh lý tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón hoặc các bệnh lý tiềm ẩn khác.
- Thường xuyên tập thể dục để giữ cân nặng khỏe mạnh và tránh tình trạng mọc mụn thịt ở mông. Ăn nhiều trái cây, rau xanh và protein nạc cũng hỗ trợ ngăn ngừa béo phì hiệu quả.
Mụn thịt ở hậu môn thường lành tính và hiếm khi liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng. Tuy nhiên để tránh các rủi ro liên quan, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: 10+ cách trị mụn thịt tại nhà hiệu quả nhanh, tận gốc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!