Các Loại Lá Tắm Vảy Nến Giảm Ngứa Hiệu Quả, An Toàn

Lá chè xanh, sài đất, lá khế, ngải cứu,… là các loại lá tắm thường được dùng để chữa vảy nến. Nấu nước tắm từ các loại thảo dược này có tác dụng làm sạch da, mềm vảy bong, làm dịu hiện tượng viêm đỏ, giảm ngứa và thúc đẩy tốc độ phục hồi các tế bào hư tổn. 

Bị vảy nến tắm lá gì
Bị vảy nến nên tắm lá gì?

Có nên dùng lá tắm chữa bệnh vảy nến?

Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính, điển hình bởi tổn thương da đỏ, nổi cộm và bề mặt bong nhiều vảy trắng như nến. Bệnh lý này có tính chất dai dẳng, cố thủ và tái phát nhiều lần.

Hầu hết các trường hợp bị vảy nến đều lành tính, chỉ gây thương tổn ngoài da và hiếm khi phát sinh các biến chứng nguy hiểm – trừ một số thể nặng. Tuy nhiên do chưa có biện pháp điều trị hoàn toàn nên thương tổn da do vảy nến có thể tái phát nhiều lần, gây ngứa ngáy, vướng víu và ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, nhân dân thường dùng các loại lá tắm để hỗ trợ loại bỏ vảy bong, làm mềm da, giảm viêm đỏ và cải thiện mức độ ngứa ngáy. Áp dụng biện pháp này thường xuyên giúp giảm nhẹ triệu chứng của bệnh, phục hồi các mô da hư tổn và hạn chế tác dụng phụ do lạm dụng thuốc Tây.

Bị vảy nến tắm lá gì
Chỉ nên áp dụng biện pháp tắm lá chữa vảy nến cho các thể bệnh nhẹ và tổn thương da có phạm vi nhỏ

Tuy nhiên biện pháp chữa vảy nến bằng lá tắm chỉ phù hợp với các trường hợp sau:

  • Vảy nến có mức độ nhẹ như vảy nến thể giọt, vảy nến thể đồng tiền, vảy nến thể mảng,…
  • Tổn thương không quá 50% diện tích da của cơ thể
  • Da ngứa nhẹ, không có hiện tượng lở loét hay viêm nhiễm

Trong trường hợp bị các thể vảy nến nặng hoặc tổn thương da lan rộng, có bội nhiễm, tuyệt đối không sử dụng lá tắm để điều trị. Dùng lá tắm cho những trường hợp này thường không đem lại hiệu quả hoặc thậm chí có thể gây kích ứng da và tăng nguy cơ viêm nhiễm.

5 Loại lá tắm chữa vảy nến giảm ngứa nhanh và an toàn

Hầu hết các loại lá tắm được sử dụng để giảm ngứa ngáy và cải thiện thương tổn da do vảy nến đều có nguồn gốc từ thiên nhiên và khá quen thuộc với người Việt.

Dưới đây là một số loại lá tắm được nhân dân sử dụng phổ biến.

1. Tắm lá chè xanh hỗ trợ điều trị vảy nến

Chè xanh thường được dùng để nấu nước trà giúp giải khát, thanh nhiệt và kích thích tiêu hóa. Bên cạnh đó, thảo dược này còn được sử dụng để cải thiện các bệnh ngoài da thường gặp như rôm sảy, sởi, phát ban, viêm da cơ địa và bệnh vảy nến.

Theo y học cổ truyền, lá chè có vị chát, đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu và giải độc. Tắm nước lá chè giúp làm sạch cơ thể, giảm mụn viêm, ngứa ngáy và làm se vết thương.

Bên cạnh đó nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, các chất chống oxy hóa trong lá chè như catechin, polyphenol, vitamin C, EGCG, flavonoid và carotene có khả năng chống viêm, sát khuẩn, phục hồi tế bào hư hại và thúc đẩy làm lành vết thương. Vì vậy dùng lá chè xanh nấu nước tắm có thể làm mềm da, hỗ trợ loại bỏ vảy bong, giảm viêm đỏ và ngứa ngáy đáng kể.

Tắm lá trị vảy nến
Tắm lá chè xanh trị vảy nến giúp giảm viêm, hỗ trợ làm mềm vảy bong, sát trùng và cải thiện ngứa ngáy

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 nắm chè xanh tươi, bỏ lá già, sâu và rửa sạch
  • Đun sôi 3 lít nước, sau đó cho chè xanh vào và đun thêm khoảng 10 phút
  • Sau đó vớt bã trà và dùng nước pha với nước sạch để tắm
  • Nên pha nước tắm có nhiệt độ ấm vừa phải để làm mềm vảy bong và hỗ trợ giảm viêm đỏ
  • Nếu da ngứa nhiều, có thể dùng lá trà non giã nát và đắp lên vùng da tổn thương 1 – 2 lần/ ngày

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước chè xanh uống hằng ngày để điều hòa quá trình chuyển hóa, tiêu trừ các gốc tự do và cải thiện bệnh vảy nến từ bên trong. Hơn nữa, chè xanh còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ ung thư, làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường trí nhớ và ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch.

2. Chữa vảy nến bằng cách tắm lá khế

Lá khế thường được nhân dân sử dụng để nấu nước tắm hoặc sắc uống. Với vị chua, hơi chát, tính bình, tác dụng tiêu viêm, sát trùng, chống dị ứng và lợi tiểu, thảo dược này được tận dụng để chữa các vấn đề sức khỏe thường gặp như mề đay mẩn ngứa, bí tiểu, rôm sảy, phát ban, mụn nhọt và bệnh vảy nến.

Mặc dù chưa được nghiên cứu trên cơ sở khoa học nhưng mẹo tắm nước lá khế được lưu truyền và áp dụng tương đối rộng rãi. Đối với vảy nến, tắm lá khế giúp sát trùng, giảm ngứa nhẹ và hỗ trợ loại bỏ các vảy bong trên bề mặt.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Dùng khoảng 2 nắm lá khế tươi, đem ngâm rửa với nước muối và để ráo
  • Đun sôi 2 lít nước và cho lá khế vò xát vào
  • Sau khoảng 5 – 10 phút, tắt bếp và đổ nước ra thau
  • Hòa thêm 1 ít nước lạnh và dùng để tắm
  • Có thể sử dụng lá khế chà nhẹ lên da để giảm ngứa và giúp bong vảy trắng

3. Tắm lá sài đất giảm ngứa do vảy nến

Sài đất còn được gọi là Ngổ núi hoặc Húng trám. Thảo dược này thường được nhân dân sử dụng để trị ho, làm mát gan, hạ sốt và điều trị các bệnh ngoài da như sởi, rôm sảy, mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa và bệnh vảy nến.

Nấu lá sài đất tắm có thể làm mát da, dịu kích ứng, tiêu viêm, giảm mụn nhọt và ngứa ngáy. Với người bị vảy nến, dùng thảo dược này nấu nước tắm giúp cải thiện hiện tượng viêm đỏ da, loại bỏ vảy bong, giảm thâm nhiễm và cứng cộm. Ngoài ra, lá sài đất còn có tác dụng thúc đẩy tốc độ tái tạo và làm liền các vết lở loét trên da.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Dùng khoảng 100g sài đất, đem ngâm rửa với nước muối pha loãng và để ráo nước
  • Cắt nhỏ dược liệu, sau đó cho vào nồi và đun sôi với 2 lít nước
  • Khi nước sôi, tắt bếp và đổ vào thau
  • Thêm 1 ít nước lạnh vào và dùng nước tắm
  • Có thể vò xát bã sài đất rồi đắp lên da để giảm viêm đỏ và ngứa ngáy

Trong trường hợp vảy nến gây thương tổn ngoài da kèm sốt cao, có thể dùng 50g sài đất tươi giã nát, pha với nước lọc và dùng uống nhiều lần trong ngày.

4. Rau má – Lá tắm tốt cho người bị vảy nến

Rau má là loại rau ăn quen thuộc với người Việt. Ngoài ra với vị đắng ngọt, tính mát, tác dụng lợi niệu, sinh tân, tán ứ, chỉ thống và thanh nhiệt, loại rau này còn được dùng để trị cảm, thủy đậu, sởi, viêm amidan, vảy nến, mề đay mẩn ngứa, da lở loét và có vết thương chảy máu.

Nghiên cứu dược lý cho thấy, rau má chứa các alkaloid như glycosid asiaticoside, centelloside và hydrocotylin có tác dụng đến các mô liên kết của da, thúc đẩy tốc độ tái tạo tế bào và rút ngắn thời gian phục hồi vết thương. Ngoài ra, hoạt chất asiaticoside trong thảo dược này còn có tác dụng kháng khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm da.

Tắm lá rau má được đánh giá là biện pháp có độ an toàn cao, ít gây kích ứng và phù hợp nhiều đối tượng – kể cả trẻ nhỏ và người có làn da nhạy cảm. Áp dụng biện pháp này cho người bị vảy nến giúp làm dịu da, giảm viêm đỏ và phục hồi các mô da hư tổn, bong vảy,…

lá tắm chữa vẩy nến
Rau má không chỉ được dùng để chế biến món ăn mà còn được sử dụng để nấu nước tắm chữa vảy nến

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa sạch 150g rau má và để ráo nước
  • Đun sôi 2 lít nước, sau đó cho rau má vào và đun thêm khoảng 3 phút
  • Tắt bếp và đổ nước vào thau
  • Hòa thêm 1 ít nước lạnh và dùng nước vệ sinh cơ thể
  • Nếu da viêm đỏ nhiều, có thể giã nát lá rau má, sau đó đắp trực tiếp lên da để giảm viêm và kích thích hình thành da non

Bên cạnh tác dụng đối với làn da, rau má còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Vì vậy ngoài sử dụng để nấu nước tắm, bạn có thể dùng rau má để chế biến món ăn nhằm cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch.

5. Tắm lá ngải cứu giúp điều trị vảy nến

Tương tự rau má, ngải cứu vừa là rau ăn vừa được sử dụng để chữa bệnh. Thảo dược này thường được dùng để an thai, trị chứng thống kinh, điều hòa kinh nguyệt và cầm máu. Ngoài ra, lá ngải cứu còn được dùng nấu nước tắm để giảm viêm đỏ, mụn nhọt và ngứa ngáy.

Trong các thực nghiệm lâm sàng, nước sắc từ thảo dược này được chứng minh có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn, trong đó có tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) – tác nhân thường gây nhiễm trùng da. Vì vậy tắm lá ngải cứu không chỉ giúp giảm ngứa ngáy và viêm đỏ mà còn hỗ trợ ngăn ngừa viêm nhiễm vùng da bị vảy nến.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa sạch 1 nắm lá ngải cứu, sau đó cắt thành khúc và để ráo nước
  • Đun sôi 2 – 3 lít nước và cho ngải cứu vào
  • Tắt bếp sau 5 – 10 phút và đổ ra thau
  • Thêm nước lạnh vào, vớt bỏ bã và dùng nước tắm 1 lần/ ngày

Một số lưu ý khi dùng lá tắm trị vảy nến

Dùng lá tắm trị vảy nến là mẹo chữa từ dân gian. Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số thảo dược đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả trên cơ sở khoa học. Nếu thực hiện đúng cách, biện pháp này có thể giảm nhẹ thương tổn ngoài da, cải thiện ngứa ngáy và hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc Tây.

lá tắm chữa vẩy nến
Nên phối hợp mẹo dùng lá tắm với các phương pháp y tế để đạt hiệu quả điều trị tối ưu

Ngược lại trong trường hợp thực hiện không đúng cách, da có thể bị kích ứng, viêm đỏ hoặc thậm chí là nhiễm trùng. Vì vậy khi dùng lá tắm chữa vảy nến, bạn cần chú ý những thông tin sau đây:

  • Chỉ dùng lá tắm cho các thể vảy nến nhẹ và tổn thương không quá 50% diện tích da toàn thân.
  • Cần ngâm rửa nguyên liệu với nước muối pha loãng trước khi dùng. Sử dụng nguyên liệu chưa được làm sạch có thể gây kích ứng và tăng nguy cơ viêm nhiễm da.
  • Một số loại thảo dược chưa được chứng minh về hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến. Vì vậy để hạn chế rủi ro phát sinh, bạn nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện.
  • Cách chữa vảy nến bằng các loại lá tắm chỉ giúp giảm ngứa và hỗ trợ loại bỏ vảy bong. Do đó nên phối hợp với các phương pháp y tế để kiểm soát tổn thương da và ngăn ngừa biến chứng.
  • Bệnh vảy nến có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và chưa thể điều trị hoàn toàn. Để hạn chế tình trạng bệnh tái phát, bạn nên kết hợp giữa các biện pháp cải thiện với lối sống khoa học và lành mạnh.
  • Nếu có dấu hiệu dị ứng sau khi tắm nước lá, nên ngưng thực hiện và tìm gặp bác sĩ trong trường hợp triệu chứng diễn tiến theo chiều hướng xấu.
  • Trong trường hợp bị các thể vảy nến nặng như vảy nến thể mủ, vảy nến toàn thân và viêm khớp vảy nến, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị nội trú. Các thể bệnh này có mức độ nặng nề, diễn tiến phức tạp và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Dùng lá tắm chữa vảy nến có thể giảm ngứa ngáy, viêm đỏ, loại bỏ vảy bong và tăng tốc độ phục hồi các mô da hư tổn. Tuy nhiên mẹo chữa này chỉ thích hợp với các thể vảy nến nhẹ. Trong trường hợp vảy nến lan tỏa rộng và xuất hiện các triệu chứng nặng nề, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm: Cách chữa vảy nến bằng 10 cây thuốc nam quanh vườn

5/5 - (8 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *