Bị Vảy Nến Toàn Thân – Tìm Cách Sống Chung Với Bệnh
Nội dung bài viết
Vảy nến toàn thân là thể bệnh có mức độ nặng và hiếm gặp (chiếm khoảng 1%). Thể bệnh này gây đỏ da toàn thân kèm đau rát, rỉ dịch, chảy mủ, ngứa ngáy dữ dội, rối loạn tiêu hóa và sốt cao. Hiện nay, chưa có phương pháp tối ưu trong điều trị và phòng ngừa bệnh. Do đó người bị vảy nến toàn thân cần tích cực điều trị và xây dựng chế độ chăm sóc khoa học để sống chung với bệnh.
Vảy nến toàn thân là gì?
Vảy nến toàn thân (vảy nến đỏ da toàn thân) là thể lâm sàng hiếm gặp của bệnh vảy nến. Thể bệnh này có mức độ nặng và tỷ lệ chỉ chiếm khoảng 1%.
Thể đỏ da toàn thân thường là biến chứng do dị ứng DDS (thuốc Diaminodiphenyl sulfone) không được điều trị đúng cách hoặc tiến triển từ bệnh vảy nến thể giọt. Khác với thể thông thường, thể bệnh này không chỉ gây thương tổn ngoài da mà còn đi kèm với các triệu chứng toàn thân.
Vảy nến thể đỏ da toàn thân có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, dẫn đến suy kiệt và tử vong nếu không kịp thời kiểm soát và điều trị.
Biểu hiện lâm sàng của vảy nến toàn thân
Vảy nến toàn thân thường gây tổn thương da trên toàn bộ cơ thể. Ngoài thương tổn thực thể, thể bệnh này còn gây đau rát và ngứa ngáy dữ dội.
Dấu hiệu nhận biết vảy nến toàn thân:
- Da toàn thân đỏ tươi, căng bóng, rớm dịch, phù nề, nhiễm cộm và bề mặt phủ vảy mỡ ẩm ướt
- Người bị thể đỏ da toàn thân hầu như không có vùng da lành
- Ở các nếp kẽ thường có hiện tượng nứt nẻ, rớm dịch mủ, trợt loét và đau rát
- Thương tổn da gây ngứa ngáy dữ dội
- Đi kèm với các triệu chứng toàn thân như rối loạn tiêu hóa, rét run và sốt cao
Khác với các thể lâm sàng thông thường, vảy nến thể đỏ da toàn thân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại hình, chất lượng cuộc sống và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Nguyên nhân gây vảy nến toàn thân
Vảy nến toàn thân là bệnh da liễu có cơ chế miễn dịch. Quá trình khởi phát bệnh có sự tham gia của tế bào lympho T, các chất trung gian hóa học như plasminogen, prostaglandin, eicosanoides, các cytokines, tăng lymphokines và kháng nguyên trong huyết tương,…
Mặc dù chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể nhưng các nhà khoa học nhận thấy, vảy nến nói chung và vẩy nến toàn thân đều có bất thường về gen nằm ở nhiễm sắc thể số 6. Khi có các yếu tố khởi động, gen gây bệnh bị kích thích, hoạt hóa tế bào gây viêm, dẫn đến tăng sinh tế bào sừng và gây thương tổn ngoài da.
Các yếu tố có thể kích thích vảy nến toàn thân khởi phát:
- Nhiễm trùng: Nghiên cứu cho thấy, nhiễm trùng do liên cầu khuẩn và virus ARN có thể tạo phức hợp miễn dịch bất thường, kích thích các chất tiền viêm, làm tăng kháng nguyên trong huyết tương và gây ra tổn thương da.
- Nghiện rượu: Sử dụng rượu quá mức có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, gây suy giảm chức năng miễn dịch và tạo điều kiện cho vảy nến thể đỏ da toàn thân bùng phát.
- Rối loạn nội tiết tố: Nội tiết tố bất ổn là nguyên nhân khởi phát và làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh vảy nến. Thống kê cho thấy, bệnh lý này có xu hướng tái phát và phát triển nặng trong thời kỳ mang thai, cho con bú.
- Các yếu tố khác: Tương tự các thể lâm sàng khác, vảy nến thể đỏ da toàn thân cũng có thể khởi phát do các yếu tố như căng thẳng thần kinh, chấn thương cơ học, vật lý, rối loạn chuyển hóa đường đạm, suy nhược cơ thể và rối loạn chuyển hóa da.
Hiện nay, cơ chế bệnh sinh và các yếu tố/ nguyên nhân khởi phát bệnh vảy nến còn nhiều điểm chưa sáng tỏ. Vì vậy ở một số trường hợp, bệnh có thể bùng phát do các yếu tố không được đề cập trong bài viết.
Vảy nến toàn thân có nguy hiểm không?
Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính, điển hình bởi tình trạng da dày sừng, bong vảy, cứng cộm và thâm nhiễm. Mặc dù có tính chất dai dẳng và cố thủ nhưng hầu hết các thể vảy nến đều lành tính và không gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Tuy nhiên vảy nến toàn thân, vảy nến mụn mủ và vảy nến thể khớp là các thể ít gặp nhưng có mức độ nặng nề. Đối với thể toàn thân, tổn thương da xảy ra trên phạm vi rộng có thể tạo điều kiện do vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng, dẫn đến suy kiệt và tử vong.
Điều trị và chăm sóc đúng cách có thể bảo toàn tính mạng và ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên tổn thương xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và tâm lý. Hơn nữa, vảy nến thể đỏ da toàn thân còn gây ngứa ngáy và đau rát dữ dội.
Một số biến chứng thường gặp của vảy nến thể đỏ da toàn thân:
- Nhiễm trùng
- Mất nước
- Suy tim
- Phù chi dưới
- Thiếu protein và suy dinh dưỡng
- Tử vong
Hiện nay, không có loại thuốc đặc hiệu và tối ưu trong điều trị vảy nến. Các loại thuốc được sử dụng chỉ giúp ngăn ngừa biến chứng và cải thiện thương tổn lâm sàng. Vì vậy để sống chung với bệnh, cần phối hợp điều trị y tế với chăm sóc khoa học và xây dựng lối sống lành mạnh.
Các phương pháp điều trị vảy nến toàn thân
Vảy nến toàn thân là thể bệnh có mức độ nặng và diễn tiến phức tạp. Vì vậy điều trị thể bệnh này có nhiều điểm khác biệt so với các thể thông thường.
Các phương pháp điều trị vảy nến toàn thân được áp dụng phổ biến.
1. Cấp cứu kịp thời
Khác với các thể lâm sàng khác, người bị vảy nến thể đỏ da toàn thân cần cấp cứu ngay khi phát sinh thương tổn da. Nếu chậm trễ, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như suy tim, nhiễm trùng và tử vong.
Các biện pháp xử lý tạm thời đối với bệnh vảy nến thể đỏ da toàn thân, bao gồm:
- Truyền dịch để bù nước và điều hòa thân nhiệt
- Nghỉ ngơi tại giường
- Sử dụng băng ướt và kem làm mềm da để giảm tình trạng da khô căng, sưng nóng, ngứa ngáy và đau rát
2. Sử dụng thuốc
Các biện pháp tạm thời chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng toàn thân và cải thiện một số triệu chứng cơ năng đi kèm. Vì vậy sau khi thân nhiệt ổn định, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp kiểm soát tổn thương da và ngăn ngừa biến chứng như:
- Thuốc Methotrexate: Methotrexate là thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng trong điều trị các bệnh lý tự miễn. Đối với vảy nến thể đỏ da toàn thân, thuốc được sử dụng với liều thấp trong vòng khoảng 2 – 3 tuần. Thuốc có tác dụng ức chế tổng hợp axit nucleic, từ đó hạn chế quá trình tăng sản tế bào thượng bì và giảm viêm bằng cách ức chế hoạt động của bạch cầu đa nhân. Mặc dù có hiệu quả lâm sàng cao nhưng Methotrexate có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, vì vậy bác sĩ chỉ yêu cầu sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết.
- Ciclosporin: Ciclosporin có khả năng ức chế miễn dịch và được sử dụng khi vảy nến toàn thân không đáp ứng với các loại thuốc thông thường. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế chọn lọc calcineurin, từ đó làm giảm hoạt tính của tế bào lympho T, các tế bào gây viêm và ức chế hoạt động tăng sản tế bào sừng. Tuy nhiên, Ciclosporin không được sử dụng cho người đang có bệnh ác tính, cao huyết áp và chức năng thận suy giảm.
- Retinoid đường uống: Retinoid đường uống được chỉ định trong hầu hết các trường hợp bị vảy nến đỏ da toàn thân. Thuốc có tác dụng điều hòa tăng trưởng, làm chậm quá trình tăng sản tế bào sừng, điều biến miễn dịch và hạn chế thâm nhiễm biểu bì do vảy nến gây ra. Loại thuốc này thường được sử dụng trong điều trị dài hạn (từ vài tháng – 1 năm).
- Thuốc sinh học: Hiện nay ngoài điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, vảy nến thể đỏ da toàn thân còn được điều trị bằng các loại thuốc sinh học như thuốc ức chế TNF-alpha adalimumab, Infliximab, Etanercept,…
Điều trị vảy nến thể đỏ da toàn thân phải được thực hiện một cách thận trọng. Sử dụng các loại thuốc thông thường như corticoid đường uống và liệu pháp ánh sáng có thể khiến tổn thương da diễn tiến phức tạp, tăng nguy cơ phát sinh biến chứng và có thể khiến bệnh chuyển sang thể vảy nến mụn mủ toàn thân.
Trong trường hợp đã phát sinh biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc sau:
- Thuốc lợi tiểu: Người bị vảy nến toàn thân thường có hiện tượng ứ nước và phù chi dưới. Trong trường hợp này, thuốc lợi tiểu được sử dụng để tăng đào thải nước qua thận.
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng để dự phòng và điều trị biến chứng nhiễm khuẩn. Dựa vào mức độ viêm nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm.
Biện pháp chăm sóc giúp sống chung với bệnh
Vảy nến nói chung và vẩy nến thể đỏ da toàn thân đều có tính chất dai dẳng, mãn tính và dễ tái phát. Hầu hết các biện pháp điều trị đều chỉ có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và kéo dài thời gian tái phát.
Chính vì vậy bên cạnh điều trị y tế, bạn nên xây dựng chế độ chăm sóc khoa học để sống chung với bệnh và giảm tình trạng lạm dụng thuốc.
Các biện pháp chăm sóc giúp sống chung với bệnh vẩy nến toàn thân:
- Người bị vảy nến toàn thân có thể trạng yếu nên cần hạn chế lao động nặng nhọc và tránh các hoạt động gây đổ nhiều mồ hôi.
- Kiểm soát căng thẳng bằng cách nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, đọc sách, nghe nhạc,…
- Hạn chế hút thuốc lá, sử dụng cà phê và rượu bia.
- Tránh tâm lý bi quan và lo âu quá mức. Tâm lý căng thẳng có thể khiến bệnh bùng phát mạnh và diễn tiến phức tạp hơn.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và thăm khám định kỳ để kiểm soát tổn thương da và ngăn ngừa biến chứng.
- Tắm nước ấm và thoa kem dưỡng thường xuyên để hỗ trợ loại bỏ vảy bong, làm mềm da, giảm viêm, đau rát và ngứa ngáy.
- Phơi nắng 5 phút/ ngày trong khung giờ từ 6:00 – 8:00 có thể điều hòa hoạt động tăng sinh tế bào sừng, cải thiện hệ miễn dịch và cung cấp vitamin D cho cơ thể.
- Mặc trang phục có chất liệu mềm, thoáng và kích cỡ phù hợp để giảm ma sát và kích ứng lên da.
- Dành 15 – 30 phút/ ngày để tập thể dục. Tuy nhiên cần hạn chế các bộ môn gây đổ nhiều mồ hôi, thay vào đó nên ngồi thiền, tập yoga hoặc thái cực quyền để hạn chế da tiết mồ hôi và tăng thân nhiệt.
Vảy nến toàn thân là thể bệnh hiếm gặp và có mức độ nặng. Vì vậy ngay khi phát sinh các biểu hiện bất thường, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Ở các trường hợp chủ quan, bệnh lý này có thể dẫn đến nhiễm trùng, suy tim, thể trạng suy kiệt và tử vong.
Tham khảo thêm: Vảy nến thể mảng – Cách điều trị và thông tin cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!