Ghẻ là gì? Dấu hiệu, hình ảnh các loại và điều trị
Nội dung bài viết
Ghẻ là bệnh lý ngoài da xảy ra do một loại ký sinh trùng mang tên Sarcoptes scabiei hominis xâm nhập. Bệnh lý này xảy ra phổ biến, đặc biệt là ở những vùng dân cư đông đúc, điều kiện sinh hoạt kém, những nước kém phát triển, có nhà ở chật hẹp, thiếu nước sinh hoạt. Tuy không tác động và không gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tổng thể nhưng nếu không sớm phát hiện và điều trị, bệnh ghẻ có thể tạo điều kiện cho nhiều biến chứng nguy hiểm xuất hiện. Điển hình như bệnh viêm cầu thận cấp, chàm hóa, nhiễm trùng.
Ghẻ là gì?
Ghẻ có tên khoa học là scabies, gale. Đây là một bệnh ngoài da xảy ra do sự xâm nhập và phát triển của một loại ký sinh trùng mang tên Sarcoptes scabiei hominis (cái ghẻ). Ở một số khu vực cái ghẻ được gọi là con mạt ngứa (danh pháp khoa học: Itch mite). Loại ký sinh trùng này thường sinh sôi và gây bệnh vào mùa xuân – hè.
Bệnh ghẻ có khả năng lây truyền, xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên bệnh phát triển mạnh hơn ở những vùng dân cư đông đúc, điều kiện sinh hoạt kém, những nước kém phát triển, có nhà ở chật hẹp, thiếu nước sinh hoạt, điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng kém.
Bệnh không khiến sức khỏe tổng thể gặp vấn đề và không gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu người bệnh không sớm phát hiện và điều trị ghẻ, bệnh lý này sẽ làm phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Cụ thể: Bệnh viêm cầu thận cấp, chàm hóa, nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây bệnh ghẻ
Một loại ký sinh trùng ghẻ mang tên Sarcoptes scabiei hominis chính là tác nhân gây bệnh ghẻ. Trong đó ghẻ cái là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu. Do chết đi sau khi giao hợp nên ghẻ đực không gây bệnh. Ghẻ cái được phân thành nhiều loài khác nhau.
Trong đó có loài gây bệnh trên cơ thể người và một số loài gây bệnh ở súc vật như chó, mèo, thỏ, chuột, cừu, dê, lợn, ngựa… Tuy nhiên những con ghẻ cái làm phát sinh bệnh ghẻ ở súc vật có thể lây lan và truyền bệnh cho người.
Nhận dạng cái ghẻ
Để nhận dạng cái ghẻ, bạn có thể dựa vào một số đặc điểm sau:
- Cái ghẻ xuất hiện với hình bầu dục, rất nhỏ, đường kính của nó khoảng 0,25mm, không thể hoặc rất khó để nhìn bằng mắt thường. Nếu có thể nhìn thấy ký sinh trùng, bạn chỉ có thể nhận dạng được một điểm trắng đang di chuyển trên da. Nó có 8 chân. Trong đó hai đôi chân sau có lông tơ, hai đôi chân trước có ống giác, vòi xuất hiện ở đầu dùng để hút thức ăn.
- Cái ghẻ thường ký sinh và phát triển ngay tại lớp sừng của thường bì. Ban ngày chúng đẻ trứng, ban đêm thì đào hang. Chúng đẻ từ 1 – 5 trứng mỗi ngày, trứng nở thành ấu trùng sau 72 – 96 giờ, trở thành cái ghẻ trưởng thành sau 5 – 6 lần lột xác (khoảng 20 – 25 ngày). Vào ban đêm chúng bò ra khỏi hang, tiếp tục giao hợp, đào hầm và đẻ trứng mới.
- 30 ngày là chu kỳ toàn bộ cuộc sống ở lớp sừng của thường bì đối với cái ghẻ. Dựa trên kết quả nghiên cứu, <10% trên tổng số trứng phát triển và trở thành những ký sinh trùng trưởng thành.
Cơ chế bệnh sinh
Ghẻ cái bò ra khỏi hang vào ban đêm để tìm ghẻ đực. Hoạt động này của chúng khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy nghiêm trọng v dễ lây truyền từ vùng da bệnh sang vùng da lành. Nguyên nhân là do hoạt động gãi ngứa khiến ký sinh trùng vương vãi ra giường chiếu, quần áo. Thời gian sống của cái ghẻ sau khi rời khỏi vật chủ là 4 ngày.
Quá trình tác động của ghẻ cái đối với da người
- Lượng enzyme proteases tiết ra từ ghẻ cái có khả năng khiến tầng lớp sừng của người suy giảm. Điều này giúp ký sinh trùng có thể di chuyển dễ dàng qua những lớp trên cùng của da. Ghẻ không ăn máu, chúng ăn các mô bị phân hủy. Thông qua các lớp biểu bì, ký sinh trùng gây ra những tổn thương hang. Chúng thường để lại sau phân.
- Sau khi trưởng thành, ghẻ cái nhanh chóng sinh sôi và nảy nở. Nếu gặp môi trường thuận lợi, loại ký sinh trùng này có thể sản sinh ra cả một dòng họ gồm 150 triệu con chỉ sau 3 tháng. Sau khi đã đẻ hết số trứng, chúng sẽ chết.
Đối tượng nguy cơ của bệnh ghẻ
Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng mắc bệnh ghẻ. Tuy nhiên bệnh xảy ra nhiều hơn ở những người sinh hoạt chung hoặc thường xuyên tiếp xúc với người bệnh. Cụ thể như dùng chung khăn màn, chiếu, giường, gối, khăn, ngủ chung với người bị nhiễm bệnh.
Con đường lây truyền bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ xảy ra trên cơ thể người lây truyền theo tính chất gia đình. Nguyên nhân là do nếu một người trong gia đình bị nhiễm bệnh thì những thành viên khác trong gia đình sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bệnh ghẻ lây truyền từ người sang người hoặc từ động vật sang người thông quan đường tiếp xúc trực tiếp (tiếp xúc giữa da lành với làn da của người bị nhiễm bệnh). Trong một số trường hợp, bệnh lây truyền khi dùng chung quần áo, bộ đồ giường, khăn tắm hoặc khăn lau mặt với người bệnh.
Các loại ghẻ và hình ảnh kèm theo
Dựa vào từng đặc điểm cụ thể, bệnh ghẻ được phân thành nhiều loại khác nhau, bao gồm:
- Ghẻ giản đơn
Ở thể bệnh này, vùng da bị tổn thương chỉ có mụn nước và đường hầm, ít khi xuất hiện tổn thương thứ phát.
- Ghẻ nhiễm khuẩn
Đối với bệnh nhân bị ghẻ nhiễm khuẩn, vùng da bệnh xuất hiện mụn mủ và những tổn thương. Thể bệnh này xảy ra don tụ cầu, liên cầu. Biến chứng viêm cầu thận cấp có thể xuất hiện.
- Ghẻ lở (ghẻ Na Uy)
Ghẻ lở là thể bệnh nghiêm trọng nhất. Bệnh xảy ra chủ yếu ở những người có hệ miễn dịch suy yếu như những bệnh nhân chữa ung thư bằng liệu pháp hóa trị, điều trị bệnh bằng steroid, người bị nhIễm HIV…
Triệu chứng của bệnh ghẻ
Dấu hiệu, triệu chứng thường gặp nhất của bệnh ghẻ ở người là tình trạng ngứa ngáy. Tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm và trong lúc đi ngủ. Nguyên nhân là do trong thời gian này cái ghẻ ra khỏi hang, di chuyển tìm ghẻ đực để giao hợp dẫn đến kích thích, tác động vào các đầu dây thần kinh cảm giác.
Ngoài ra khi di chuyển và đào hang ký sinh trùng sẽ tiết ra độc tố. Chất độc này gây khiến khiến bệnh nhân gãi nhiều dẫn đến nhiễm khuẩn. Đồng thời gây sốt ở một số trường hợp.
Đối với những bệnh nhân lần đầu tiên tiếp xúc với Sarcoptes scabiei hominis, hoàn toàn không có biểu hiện ngứa trong vòng 2 tuần đầu. Điều này xuất hiện có thể là do ký sinh trùng mới xâm nhập vào cơ thể người nên chưa có phản ứng lại.
Đối với những bệnh nhân bị tái nhiễm ghẻ, ngay khi ký sinh trùng xâm nhập vào da, cơn ngứa sẽ xuất hiện một cách dữ dội.
- Sau khi phát sinh cơn ngứa, những tổn thương đặc hiệu sẽ xuất hiện. Bao gồm mụn nước (còn có tên gọi khác là đường hang và mụn trai) và luống ghẻ.
- Đối với những bệnh nhân bị ghẻ, mụn nước thường nhỏ như hạt tấm. Trong trường hợp chưa bị bội nhiễm, mụn nước tương tự như hạt ngọc. Mụn nước mụn rải rác, không bao giờ mọc thành chùm, xuất hiện nhiều hơn ở những vùng da non.
- Luống ghẻ là một đường cong ngoằn ngoèo, dài khoảng 2 – 3 cm, có hình chữ chi, xuất hiện do ký sinh trùng đào ở lớp sừng. Luống ghẻ có gờ cao hơn mặt da, có màu xám hoặc màu trắng đục, thường không khớp với hằn da. Có mụn nước ở đầu đường hang, đường kính từ 1 – 2mm. Đây là nơi cư trú của cái ghẻ.
- Những vị trí tổn thương do bệnh ghẻ thường là ngấn cổ tay, kẽ ngón tay, mu bàn tay, lòng bàn tay, quanh rốn, bờ trước nách, hai chân, mông, có khi có tổn thương ở đầu và mặt, tổn thương ở thân dương vật và quy đầu đối với nam giới, tổn thương ở núm vú đối với phụ nữ, lòng bàn chân và gót chân đối với trẻ em.
- Cơn ngứa phát sinh từ bệnh ghẻ có mức độ nghiêm trọng cao. Tình trạng này khiến bệnh nhân gãi mạnh làm phát sinh nhiều tổn thương. Cụ thể: Sẩn, vết trợt, vết xước gãi, vẩy tiết, mụn mủ, mụn nước, chốc nhọt, sẹo bạc màu, sẹo thâm nhìn tương tự như hình hoa gấm hay khảm xà cừ.
Mức độ nguy hiểm của bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ thường không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và không phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên ở những trường hợp nặng, điều trị không kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Viêm cầu thận cấp
- Bệnh chốc lở
- Chàm hóa.
Biện pháp phòng ngừa bệnh ghẻ
Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, nhà ở, môi trường làm việc và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày là biện pháp phòng ngừa bệnh ghẻ hiệu quả. Ngoài ra để phòng ngừa lây nhiễm, bạn có thể áp dụng thêm một số biện pháp phòng ngừa như sau:
- Tránh tiếp xúc với đồ dùng hoặc tiếp xúc trực tiếp với làn da của người bị nhiễm bệnh.
- Những người có nguy cơ (người thân trong gia đình, tiếp xúc gần gũi) nên tiến hành thăm khám, chăm sóc y tế để phòng ngừa.
Bệnh ghẻ được chẩn đoán như thế nào?
Các biện pháp chẩn đoán đối với những bệnh nhân mắc bệnh ghẻ:
- Chẩn đoán bệnh lý dựa trên những triệu chứng lâm sàng, cụ thể: Ngứa da, cơn ngứa nghiêm trọng hơn vào ban đêm, mụn nước mọc riêng lẻ, không phát sinh thành chùm, mọc nhiều hơn ở những vùng da non.
- Chẩn đoán dựa trên các tổn thương thực thể: Chẩn đoán dựa trên các tổn thương thực thể xuất hiện ở những vị trí đặc hiệu. Cụ thể như kẽ ngón tay, lòng bàn tay, mu bàn tay, ngấn cổ tay, quanh rốn, bờ trước nách, mông…
- Chẩn đoán dựa vào dịch tễ: Đơn vị, gia đình, tập thể nhiều người.
- Soi tươi: Tiến hành nạo luống ghẻ hoặc nạo mụn nước ở đầu luống ghẻ bằng curette, đưa mẫu thí nghiệm lên lam kính, dùng KOH 10% nhỏ một giọt, soi mẫu thí nghiệm bằng kính hiển vi có thể nhìn thấy cái ghẻ hoặc trứng.
- Dùng kính lúp: Việc dùng kính lúp soi cuối đường hầm trong da có thể bắt được ký sinh trùng.
- Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm cho thấy IgE tăng cao.
- Tìm thấy cái ghẻ: Tìm thấy cái ghẻ được đánh giá là tiêu chuẩn vàng để xác định bệnh ghẻ. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp đều tìm thấy ký sinh trùng và những sản phẩm của chúng. Chính vì thế, điều quan trọng trong quá trình chẩn đoán là dựa vào tính chất dịch tễ và các đặc điểm lâm sàng.
Phương pháp điều trị bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ ở người có thể dễ dàng được khắc phục bằng nhiều phương pháp khác nhau. Người bệnh chỉ cần áp dụng các biện pháp diệt hết cái ghẻ và phòng ngừa tái nhiễm. Hiện nay bệnh có đáp ứng tốt với hầu hết các phương pháp chữa trị, bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh nhân cần được điều trị đợt hai, cách đợt điều trị đầu tiên một khoảng thời gian. Đợi thêm 2 đến 7 ngày để chắc chắn rằng bệnh ghẻ đã được điều trị dứt điểm.
1. Nguyên tắc điều trị bệnh ghẻ
- Sớm phát hiện và điều trị bệnh lý khi các biến chứng chưa phát sinh.
- Điều trị phòng ngừa đối với tất cả những thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân bị ghẻ.
- Vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, bệnh nhân nên sử dụng thuốc bôi với một lớp thật mỏng, bôi đều thuốc từ cổ đến chân, bôi liên tục từ 2 – 3 đêm mới tắm.
- Tránh gãi ngứa hay kỳ cọ vào vùng da bị tổn thương. Bởi điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và gây viêm da.
- Không dùng các thuốc bôi hại da như lá cơi, 666, Volphatox, DDT…
- Liên tục bôi thuốc lên vùng da bệnh từ 10 – 15 ngày. Sau đó tiếp tục theo dõi chặt chẽ vì có khả năng có đợt trứng mới nở.
- Kết hợp các phương pháp điều trị cùng với các biện pháp phòng chống lây lan. Vệ sinh đồ dùng, phơi quần áo, chăn màn của người bệnh cách xa quần áo, đồ dùng của người thân và những người xung quanh.
- Không ngủ chung, không dùng chung quần áo, nên cách ly người bệnh.
2. Phương pháp điều trị
Việc lựa chọn và áp dụng các phương pháp điều trị bệnh ghẻ cần dựa vào các thể bệnh và mức độ nghiêm trọng.
Đối với ghẻ đơn giản
Đối với ghẻ đơn giản, bệnh nhân cần bôi một trong các thuốc gồm:
- Lindane: Xịt thuốc Lindane vào toàn bộ vùng da bệnh, xịt từ cổ xuống chân. Tắm rửa và thay quần áo sau 8 – 12 giờ đồng hồ xịt thuốc. Xịt thuốc mỗi tuần 2 lần. Thuốc Lindane không được khuyến cáo dùng cho trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do loại thuốc này có thể gây độc với thần kinh.
- Dung dịch DEP: Bôi dung dịch DEP từ 2 – 3 lần mỗi ngày. Dung dịch DEP không được khuyến cáo bôi vào bộ phận sinh dục và không dùng cho trẻ sơ sinh.
- Benzyl benzoat: Bôi, xịt Benzyl benzoat (zylate, ascabiol, scabitox) mỗi ngày 2 lần.
- Eurax (crotamintan) 10%: Bôi Eurax (crotamintan) 10% cách mỗi 6 đến 10 giờ đồng hồ mỗi ngày. Eurax (crotamintan) 10% tương đối an toàn nên có thể dùng cho trẻ sơ sinh, bôi vào bộ phận sinh dục. Loại thuốc này có tác dụng diệt ký sinh trùng và chống ngứa.
- Permethrin cream 5% (Elimite): Thuốc Permethrin cream 5% (Elimite) ít độc tính nhất, có khả năng điều trị cái ghẻ. Có thể sử dụng loại thuốc này cho phụ nữ mang thai và trẻ em.
Đối với ghẻ vảy
Đối với những trường hợp bị ghẻ vảy, bệnh nhân cần sử dụng phối hợp thuốc Ivermectin (dùng đường uống) với những loại thuốc bôi điều trị tại chỗ. Phương pháp điều trị này có hiệu quả ở hầu hết bệnh nhân bị mắc bệnh ghẻ điển hình. Tuy nhiên cần lưu ý rằng thuốc Ivermectin không được khuyến cáo dùng cho những bệnh nhân có trọng lượng ít hơn 15 kg hoặc trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo Y học cổ truyền, những trường hợp bị ghẻ vảy không dùng Ivermectin nên thường xuyên vệ sinh, tắm với nước của cây cúc tần, xà cừ, xoan, bạc gạc, cây lá đắng.
Đối với ghẻ bội nhiễm
Đối với những bệnh nhân bị ghẻ có bội nhiễm, chàm hóa, viêm da, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn sử dụng phối hợp các loại thuốc, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc kháng histamin
- Thuốc steroid
- Viên uống bổ sung vitamin C, vitamin B1
- Viên uống bổ sung oxit kẽm
- Mỡ kháng sinh
- Tím metyl 1%
- Dung dịch milian.
Bệnh ghẻ không phải là một bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên do thói quen chủ quan trong quá trình điều trị, bệnh có thể lan rộng, làm phát sinh nhiều biến chứng như chàm hóa, viêm cầu thận cấp, nhiễm trùng. Vì thế ngay khi nhận thấy da có dấu hiệu tổn thương và ngứa ngáy bất thường, người bệnh nên thăm khám và tiến hành điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm cho người thân và những người xung quanh.
Bài viết liên quan:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!