Đốt mụn cóc bằng laser đau không? Bao lâu thì lành?
Nội dung bài viết
Đốt mụn cóc bằng laser là một thủ thuật điều trị tiêu chuẩn, sử dụng các chùm ánh sáng tập trung để loại bỏ mụn cóc. Tuy nhiên trước khi thực hiện thủ thuật, người bệnh nên tìm hiểu các lợi ích và rủi ro liên quan đến có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Đốt mụn cóc bằng laser là gì?
Đốt mụn cóc bằng laser là phương pháp sử dụng các chùm ánh sáng tập trung, chính xác, đủ mạnh để loại bỏ các nốt mụn cóc. Ngoài ra, laser cũng được sử dụng để loại bỏ các nếp nhăn trên da, tàn nhang, lông không mong muốn và các đốm đồi mồi.
Hầu hết các trường hợp, đốt mụn cóc bằng laser được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám chuyên môn để tránh các rủi ro không mong muốn.
Đốt mụn cóc bằng laser khi nào?
Có nhiều phương pháp khác nhau được áp dụng để điều trị mụn cóc. Theo nguyên tắc chung, việc điều trị thường bắt đầu với các phương pháp ít xâm lấn, ít gây đau, ít tốn kém và hạn chế chi phí cần chi trả. Trong các trường hợp mụn cóc nghiêm trọng hoặc khi người bệnh có nhu cầu, bác sĩ có thể chỉ định đốt mụn cóc bằng laser.
Bên cạnh đó, tia laser có thể được chỉ định để điều trị mụn cóc nếu:
- Các loại thuốc đang dùng không mang lại hiệu quả điều trị
- Mụn cóc phát triển ở các vị trí khó tiếp cận
- Mụn cóc quá lớn hoặc lan ra các khu vực xung quanh
- Phụ nữ mang thai và cần điều trị mụn cóc an toàn, hiệu quả cao
- Hệ thống miễn dịch bị tổn thương hoặc nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng
- Lưu thông máu kém khiến mụn cóc không thể lành khi áp dụng các biện pháp phẫu thuật khác
- Người bệnh mụn cóc chân hoặc bệnh nhân tiểu đường xuất hiện các vết loét ở chân
Bên cạnh đó, đốt mụn cóc bằng laser là quy trình liên quan đến nhiệt độ và ánh sáng. Do đó, những người nhạy cảm với ánh sáng không nên thực hiện thủ thuật này. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể trước khi tiến hành phương pháp điều trị mụn cóc bằng phẫu thuật laser.
Đốt mụn cóc bằng laser có đau không?
Đốt mụn cóc bằng laser thông qua cơ chế đốt cháy và năng lượng cao của các chùm tia sáng tập trung. Các tia laser cũng nhắm vào các mạch máu nuôi dưỡng mụn cóc, để tăng hiệu quả điều trị. Điều này có thể dẫn đến đau đớn nhẹ khi thực hiện quy trình điều trị. Đôi khi, bác sĩ có thể tiêm thuốc tê vào khu vực mụn cóc trước khi điều trị để giảm đau.
Phương pháp điều trị này có thể dẫn đến khó chịu nhẹ hoặc đau đớn ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, nếu mụn cóc phát triển ở các khu vực khó tiếp cận như đùi trong, bộ phận sinh dục, cơn đau có thể xuất hiện với tần suất cao hơn. Bên cạnh đó, mức độ của cơn đau khi đốt mụn cóc có thể phụ thuộc vào độ nhạy cảm ở da của người bệnh, da càng nhạy cảm cơn đau càng nghiêm trọng.
Ngoài ra, sau khi đốt mụn cóc bằng laser, người bệnh có thể gặp một số rủi ro như:
- Nổi mề đay hoặc phát ban xung quanh vị trí đốt
- Đỏ da
- Sưng tây
- Phồng rộp
- Tăng sắc tố da hoặc gây sẹo tại vị trí điều trị
- Tăng nguy cơ cháy nắng do nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
Đôi khi bác sĩ sử dụng kem hoặc thuốc gây tê tại chỗ để giảm đau. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo, chỉ nên sử dụng kem gây tê trong trường hợp cần thiết và với liều lượng thấp nhất có thể. Sử dụng quá nhiều kem gây tê có thể dẫn đến các tác dụng phụ đe dọa đến tính mạng. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể trước khi tiến hành đốt mụn cóc bằng laser.
Các phương pháp đốt mụn cóc bằng laser
Đốt mụn cóc bằng laser sử dụng một chùm ánh sáng mạnh, tập trung để loại bỏ các nốt mụn cóc. Có nhiều loại laser khác nhau được sử dụng để điều trị mụn cóc. Cụ thể, các loại bao gồm:
1. Laser màu xung
Laser màu xung (Pulsed-Dye Laser) là loại tia laser chính được sử dụng để loại bỏ mụn cóc. Ánh sáng này có thể làm nóng máu trong các mạch máu nhỏ bên trong mụn cóc và phá hủy các mạch. Nếu không máu, mụn cóc sẽ chết và tự rơi ra bên ngoài cơ thể. Sức nóng của tia laser cũng có thể tấn công và tiêu diệt các loại virus gây mụn cóc.
Các tia laser có thể trông giống như các sợi dây cao su bắt vào da. Điều này khiến người bệnh cảm thấy đau nhiều sau khi thực hiện đốt mụn cóc bằng tia laser. Các vết thương sẽ lành hoàn toàn trong 2 – 4 tuần kể từ ngày thực hiện đốt mụn cóc.
Laser màu xung được sử dụng để đốt mụn cóc khó tiếp cận, chẳng hạn như mụn cóc sinh dục bên trong ống niệu đạo, mụn cóc ở ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Phụ thuộc vào số lượng mụn cóc và vị trí mọc mụn, bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê lên khu vực điều trị. Đôi khi bác sĩ có thể gây mê trước khi thực hiện quá trình đốt laser để điều trị mụn cóc.
Mặc dù được cho là có hiệu quả cao khi điều trị mụn cóc, tuy nhiên laser màu xung có thể dẫn đến một số rủi ro như:
- Để lại sẹo
- Khi tia laser chiếu vào da có thể tạo ra các hạt vụn nhỏ mang virus, vi khuẩn và nấm, điều này có thể tăng nguy cơ lây lan mụn cóc
Một số bác sĩ cho rằng không có bằng chứng cho thấy phương pháp đốt mụn cóc bằng laser có hiệu quả cao hơn các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, các tia laser có thể ngăn ngừa mụn cóc tái phát hiệu quả hơn các phương pháp điều trị và phẫu thuật khác.
2. Các loại laser điều trị cóc khác
Laser màu xung là tia laser đốt mụn cóc phổ biến nhất. Tuy nhiên bên cạnh đó, các tia laser khác có thể được sử dụng để điều trị mụn cóc bao gồm:
- Laser carbon dioxide (Laser CO2): Ánh sáng này có hiệu quả như một con dao sắc bén và thường được sử dụng để loại bỏ mụn cóc ở xung quanh móng tay hoặc móng chân khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Để thực hiện phương pháp, đầu tiên bác sĩ sử dụng tia laser để cắt bỏ phần đầu của mụn cơm, sau đó cho ánh sáng kém tập trung và đốt cháy phần còn lại của mụn cóc. Các mảnh vụn, bao gồm virus gây mụn cóc, có thể được loại bỏ thông qua các tia laser. Tuy nhiên, phương pháp này có thể để lại sẹo nhiều hơn khi so với laser màu xung.
- Erbium: Laser Yttrium / Nhôm / Garnet: Đây là nhóm các tia laser không phổ biến, có tác dụng làm nóng một khu vực nhỏ hơn với độ chính xác cao và hạn chế các nguy cơ hình thành sẹo. Theo các chuyên gia, các mảnh vụn da từ tia laser này là rất nhỏ và không đủ để làm lây lan virus gây mụn cóc. Do đó, các tia laser này có thể đốt mụn cóc chính xác, hạn chế nguy cơ sẹo và ngăn ngừa lây lan hiệu quả.
- Neodymium: Laser Yttrium / Aluminium / Garnet: Các tia laser này đi sâu hơn vào da để nhắm mục tiêu các mạch máu ở nốt mụn cóc. Bác sĩ điều trị sẽ chiếu tia sáng này thông qua một sợi cáp quang để làm vỡ các u nhú, khối u nhỏ, mụn cóc, mụn cơm, đặc biệt là ở các vị trí như miệng hoặc cổ họng.
Sau khi đốt mụn cóc bằng laser, hệ thống miễn dịch xung quanh mụn cóc có thể bị phá hủy. Điều này có thể khiến virus gây mụn cóc có thể lây lan và dẫn đến tái phát. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu lây lan hoặc tái phát mụn cóc, người bệnh nên đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
Đốt mụn cóc bằng laser bao lâu thì lành?
Thời gian phục hồi sau khi đốt mụn cóc bằng laser phụ thuộc vào độ ăn sâu của mụn cóc vào da, số lượng mụn cóc và vùng da điều trị. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc sẽ lành hoàn toàn trong vòng 2 – 6 tuần.
Sau khi đốt mụn cóc bằng laser, vết thương có thể gây đau trong vài ngày. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào vị trí điều trị và số lượng mụn cóc. Tuy nhiên, hãy gọi cho bác sĩ điều trị nếu sau phẫu thuật laser, người bệnh gặp các dấu hiệu như:
- Chảy máu kéo dài hơn 1 tuần
- Sốt
- Đau dữ dội tại vị trí đốt laser
- Tiết dịch có mùi hôi, hơi vàng, điều này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng
Mặc dù sử dụng laser điều trị mụn cóc có thể gây đau nhưng thường an toàn và ít các rủi ro. Tuy nhiên, nếu cảm thấy lo lắng về các triệu chứng sau phẫu thuật, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.
Lưu ý sau khi đốt mụn cóc bằng laser
Sau khi đốt mụn cóc bằng laser, người bệnh cần có kế hoạch chăm sóc da để hạn chế nguy cơ sẹo và ngăn ngừa các loại mụn cóc tái phát. Các vấn đề cần lưu ý bao gồm:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để loại bỏ mụn cóc. Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc một số loại thuốc khác để chữa lành các vết thương sau phẫu thuật. Người bệnh cần uống thuốc đầy đủ để ngăn ngừa các rủi ro sau phẫu thuật.
- Không kéo, chích hoặc tác động lên da sau phẫu thuật loại bỏ mụn cóc. Sau khi đốt laser, vùng da điều trị có thể bắt đầu khô lại kéo dài trong 2 – 5 ngày. Trong thời gian này, người bệnh không được kéo, cạy da trần hoặc gây tổn thương vùng da sau khi điều trị để tránh gây sẹo và các rủi ro khác. Trao đổi với bác sĩ về các loại kem dưỡng ẩm để làm mềm vùng da sau khi đốt laser.
- Tránh ánh nắng trực tiếp tác động lên khu vực điều trị, bởi vì da sau khi đốt laser rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương với ánh nắng mặt trời. Nếu da bị mẫn cảm với ánh nắng mặt trời, người bệnh cần lưu ý tránh ánh nắng, đặc biệt là vùng da xung quanh khu vực đốt mụn cóc.
- Không mặc quần áo bó sát, đi giày quá chật hoặc gây ma sát lên vùng da đốt laser cho đến khi vết thương lành hẳn.
- Tránh thực hiện các biện pháp điều trị da khác hoặc các biện pháp dưỡng da sau khi đốt mụn cóc bằng laser. Các liệu pháp chăm sóc da có thể gây nhiễm trùng hoặc kích ứng khu vực đốt mụn cóc. Trao đổi với bác sĩ về các biện pháp chăm sóc bổ sung sau phẫu thuật.
Đốt mụn cóc bằng laser có thể loại bỏ nốt mụn cóc. Tuy nhiên, laser không thể tiêu diệt hoàn toàn virus gây mụn cóc, do đó mụn cóc có thể tái phát hoặc xuất hiện ở các vị trí mới, đặc biệt là ở các khu vực ẩm ướt.
Nhìn chung, đốt mụn cóc bằng laser là một phương pháp an toàn khi thực hiện bởi một chuyên gia được cấp phép. Thủ thuật này có thể gây đau và dẫn đến một số rủi ro khác, bao gồm sẹo và nhiễm trùng. Do đó, trao đổi với bác sĩ chuyên môn trước khi thực hiện thủ thuật để được hướng dẫn và tư vấn biện pháp chăm sóc phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!