Các loại mụn cóc thường gặp, cách nhận biết, xử lý
Nội dung bài viết
Mụn cóc là sự tăng trưởng da không ung thư, do virus HPV gây ra. Tìm hiểu các loại mụn cóc phổ biến để có biện pháp xử lý, điều trị và phòng ngừa phù hợp.
Mụn cóc là gì?
Mụn cóc là một loại nhiễm trùng da do papillomavirus ở người (HPV) gây ra. Thông thường, mụn cóc là những nốt sần sùi lành tính (không ung thư) trên da, có kích thước nhỏ, màu đỏ, hồng hoặc trùng với màu da hình thành trên da. Mụn cóc phổ biến ở bàn tay, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bàn chân, mặt, mũi, mí mắt, bộ phận sinh dục và đầu gối.
Virus HPV gây mụn cóc rất dễ lây lan, có thể xâm nhập vào vết cắt, tổn thương trên da và gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ cơ thể làm tăng nguy cơ hình thành mụn cóc bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp, da kề da với mụn cóc
- Chạm vào vật nhiễm virus HPV, như khăn tắm, tay nắm cửa và sàn nhà tắm, sàn bể bơi.
- Quan hệ tình dục với người bị mụn cóc sinh dục, đặc biệt là đối với quan hệ không an toàn.
- Cắn móng tay.
- Cạo râu hoặc cạo lông trên cơ thể thường xuyên, gây trầy xước da
Mụn cóc được chia thành nhiều loại khác nhau nhưng hầu hết các loại mụn cóc có thể tự cải thiện trong 1 – 5 năm mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, đối với các nốt mụn cóc lớn hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Các loại mụn cóc thường gặp và cách nhận biết
Mụn cóc là các tổn thương da có kích thước nhỏ, thô cứng và có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Có nhiều loại mụn cóc khác nhau về hình thành , vị trí và chủng loại virus HPV khác nhau. Cụ thể, các loại mụn cóc thường gặp bao gồm:
1. Mụn cóc thông thường
Mụn cóc thông thường là sự tăng trưởng da nhỏ, sần sùi thường xảy ra ở ngón tay hoặc bàn tay. Tình trạng này do virus HPV gây ra, thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau 6 tháng hoặc vài năm.
Mụn cóc thông thường có các đặc điểm và dấu hiệu nhận biết cụ thể như:
- Kích thước nhỏ, như một miếng thịt dư trên da, hơi sần sùi
- Có màu trắng, hồng, hơi nâu hoặc cùng màu với da
- Mềm hoặc dễ bị kích ứng
- Có thể hình thành các đốm đen nhỏ xung quanh mụn cóc, thường là do các mạch máu nhỏ xung quanh bị vỡ
Mụn cóc thông thường có thể lây lan nếu tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc. Tuy nhiên, tình trạng này thường không nghiêm trọng và có thể không cần điều trị y tế. Đối với các nốt mụn lớn hoặc gây khó chịu, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị như sử dụng axit salicylic hoặc áp lạnh mụn cóc.
2. Mụn cóc phẳng
Mụn cóc phẳng là những tổn thương da nhẵn, hơi nổi lên bề mặt da thường phổ biến ở trẻ vị thành niên nhưng cũng có thể phát triển ở trẻ em và thanh niên. Tình trạng này thường phổ biến ở mặt, đùi hoặc cánh tay, mu bàn tay hoặc chân và có xu hướng xuất hiện với số lượng lớn.
Tương tự như các loại mụn cóc khác, mụn cóc phẳng được gây ra bởi virus HPV có thể truyền nhiễm nhưng thường lành tính, không gây đau đớn. Tuy nhiên, mụn cóc phẳng có các đặc trưng riêng biệt, cụ thể bao gồm:
- Đây là loại mụn cóc mịn, nổi rất ít lên trên bề mặt da và hầu như không gây sự chú ý
- Thường có hình tròn hoặc hình bầu dục với đường kính từ 1 – 3 mm
- Phát triển với số lượng lớn, thành nhóm từ 20 – 200 mụn cóc
Mụn cóc phẳng thường tự biến mất trong 1 – 2 tháng và không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu cần điều trị bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng một số loại kem bôi điều trị như:
- Kem retinoic 0,05%
- Imiquimod 5%
- Thuốc bôi 5 – fluorouracil 5%
3. Mụn cóc dưới lòng bàn chân
Mụn cóc dưới lòng bàn chân là loại mụn cóc do papillomavirus ở người (HPV) gây ra, đặc biệt là loại HPV 1, 2, 4, 60 và 63.
Các loại virus HPV này phát triển mạnh ở những nơi ấm áp, ẩm ướt, như sàn phòng thay đồ và xung quanh bể bơi. Do đó, những người thường xuyên đi chân đất ở các khu vực công cộng có nguy cơ nhiễm mụn cóc lòng bàn chân tương đối cao. Bên cạnh đó, loại virus này lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp thông qua các vết hở hoặc vết nứt trên da.
Mụn cóc dưới lòng bàn chân thường cực kỳ đau đớn và gây khó chịu cho một số hoạt động của người bệnh. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu nhận biết khác có thể bao gồm:
- Phát triển các nốt mụn thịt nhỏ, sần sùi ở dưới lòng bàn chân, đặc biệt là khu vực dưới các ngón chân hoặc gót chân
- Da trở nên cứng giống như một chết chai, hình thành một hoặc nhiều đốm da phẳng, bị lõm ở vùng trung tâm
- Mụn cóc thường có màu vàng với lớp vảy da bao bọc bên ngoài
- Xuất hiện các đốm đen xung quanh mụn cóc, tình trạng này thường là do các mạch máu xung quanh mụn cóc bị vỡ
- Gây tổn thương đến các tế bào mô da và đường vân ở lòng bàn chân
- Cực kỳ đau đớn, đặc biệt là khi đứng hoặc di chuyển
Hầu hết các trường hợp mụn cóc dưới lòng bàn chân là vô hại, không cần điều trị và có thể tự khỏi trong 1 – 2 năm. Nếu mụn cóc gây đau hoặc gây ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:
- Thuốc lột mụn cóc có nguồn gốc từ axit salicylic để loại bỏ từng lớp mụn cóc.
- Áp lạnh mụn cóc với nitơ lỏng.
- Tiểu phẫu loại bỏ mụn cóc bằng kim điện hoặc dao cạo.
- Đốt mụn cóc bằng laser.
4. Mụn cóc trên mặt
Mụn cóc trên mặt là mụn cóc có hình chiếu dài, hẹp, độ dài khoảng 1 – 2 mm tính từ gốc nốt mụn cóc. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến xung quanh mí mắt, mũi hoặc môi. Bên cạnh đó, đây là loại mụn cóc khác biệt với hầu hết các loại mụn cóc trên cơ thể.
Mụn cóc trên mặt được gây ra bởi papillomavirus ở người (HPV), có thể truyền nhiễm bằng cách tiếp xúc da kề da, đặc biệt là nếu da bị tổn thương. Tuy nhiên, mụn cóc trên mặt thường lành tính, không gây ung thư và có thể tự cải thiện.
Thông thường, mụn cóc trên mặt không gây đau và không gây ra triệu chứng cụ thể. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện nếu mụn cóc phát triển ở các khu vực nhạy cảm như nếp gấp da. Trong trường hợp đó, mụn cóc trên mặt có thể gây ra:
- Ngứa
- Chảy máu
- Đau nhức
- Khó chịu, kích thích, đau rát hoặc sưng tấy
- Có thể có màu vàng, nâu, hồng hoặc cùng màu với màu da
- Thường xuất hiện độc lập, thay vì mọc thành cụm
Mụn cóc trên mặt có thể tự cải thiện theo thời gian mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp xử lý như:
- Kem bôi có chứa fluorouracil, imiquimod hoặc benzoyl peroxide để loại bỏ mụn cóc.
- Tiểu phẫu loại bỏ mụn cóc bằng dao.
- Đốt mụn cóc bằng dao điện hoặc tia laser.
- Áp lạnh mụn cóc bằng nito lỏng.
- Cantharidin là một hóa chất gây phồng bên dưới mụn cóc và loại bỏ mụn cóc sau một tuần.
5. Mụn cóc quanh móng
Mụn cóc quanh móng quanh móng tay hoặc móng chân, thường bắt đầu với kích thước nhỏ, bằng hạt đậu và từ từ phát triển thành những vết sần sùi gây ảnh hưởng đến các tế bào da. Cuối cùng, mụn cóc sẽ lan rộng thành các cụm.
Tình trạng này thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh niên, đặc biệt nếu chúng là những người có thói quen cắn móng tay. Loại mụn cóc này rất khó điều trị, dễ tái phát, có thể gây tổn thương vĩnh viễn và tăng nguy cơ nhiễm nấm móng tay.
Tương tự như các loại mụn cóc khác, mụn cóc quanh quanh móng là do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Các dấu hiệu và đặc trưng cụ thể của mụn cóc quanh móng bao gồm:
- Thường không gây đau khi có kích thước nhỏ nhưng sẽ gây đau đớn khi đạt kích thước lớn hơn.
- Có thể làm gián đoạn sự phát triển móng tay hoặc gây thay đổi tính chất da ở ngón tay
- Mụn cóc cũng có thể chuyển sang màu nâu, xám hoặc đen, cuối cùng kết hợp thành một cụm mụn cóc lớn và đau đớn
- Móng tay và lớp biểu bì có thể bị biến dạng bởi mụn cóc
Mụn cóc quanh móng thường khó điều trị và dễ tái phát. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các nguy cơ như:
- Sử dụng Axit salicylic liên tục trong 3 tháng để loại bỏ mụn cóc.
- Liệu pháp áp lạnh bằng nito lỏng, 3 – 4 lần liên tục trong 2 – 3 tuần để loại bỏ mụn cóc. Tỷ lệ điều trị thành công khoảng 50 – 70%.
- Liệu pháp laser thường được chỉ định khi các liệu pháp khác không mang lại hiệu quả điều trị.
- Tiêm kháng nguyên để loại bỏ virus gây mụn cóc và ngăn ngừa các tăng trưởng da bất thường.
- Phẫu thuật cắt bỏ mụn cóc cho các trường hợp nghiêm trọng.
6. Mụn cóc sinh dục
Mụn cóc sinh dục là một trong những loại bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Gần như tất cả những người hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm ít nhất một loại papillomavirus ở người (HPV), cụ thể là loại virus gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục, tại một số thời điểm trong đời.
Mụn cóc sinh dục ảnh hưởng đến các mô ẩm của vùng sinh dục, có thể trông giống như những vết sưng nhỏ, sần sùi, có màu da, hồng hoặc đỏ. Trong nhiều trường hợp, mụn cóc sinh dục có thể quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Mụn cóc sinh dục lây truyền thông qua hoạt động tình dục, bao gồm quan hệ tình trạng bằng miệng, âm đạo và hậu môn. Các dấu hiệu có thể phát triển trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi nhiễm trùng virus.
Loại mụn cóc này có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới.
Ở nam giới, mụn cóc thường phổ biến ở:
- Dương vật
- Bìu
- Háng
- Đùi
- Bên trong hoặc quanh quanh hậu môn
Ở nữ giới, mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện ở:
- Bên trong hoặc bên ngoài âm đạo Bên trong hoặc bên ngoài hậu môn
- Tử cung, cổ tử cung
- Mép âm hộ hoặc môi lớn và môi bé âm hộ
Mụn cóc sinh dục cũng có thể ảnh hưởng đến môi, miệng lưỡi, vô họng ở người quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm virus.
Các đặc trưng và dấu hiệu nhận biết của mụn cóc sinh dục bao gồm:
- Xuất hiện các vết sưng nhỏ, màu đỏ, nâu hoặc hồng ở khu vực sinh dục
- Mụn cóc sần sùi, phát triển thành các cụm
- Ngứa hoặc khó chịu ở khu vực sinh dục
- Chảy máu khi giao hợp (đối với nữ giới)
Nếu mụn cóc sinh dục không gây khó chịu hoặc không nghiêm trọng, người bệnh có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này có thể lây lan thông qua việc quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc gần với virus gây bệnh. Do đó, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp điều trị như:
- Kem Imiquimod có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch và chống lại mụn cóc sinh dục.
- Kem Podophyllin và podofilox có nguồn gốc từ thực vật, có thể phá hủy các mô mụn cóc sinh dục. Tuy nhiên, không sử dụng sản phẩm này cho phụ nữ có thai để tránh các rủi ro không mong muốn.
- Đốt cháy mụn cóc sinh dục bằng chất hóa học Axit trichloroacetic. Tác dụng phụ có thể bao gồm kích ứng nhẹ, đau và lở loét da.
- Áp lạnh với nitơ lỏng, đốt điện, phẫu thuật cắt bỏ hoặc điều trị laser để làm bong mụn cóc.
7. Mụn cóc mosaic
Mụn cóc mosaic là một loại mụn cóc mọc thành cụm ở lòng bàn chân. Tình trạng này thường rất đau đớn và khó điều trị.
Các dấu hiệu nhận biết phổ biến có thể bao gồm:
- Da ở khu vực mụn cóc trở nên dày hơn, do đó đôi khi tình trạng này có thể bị nhầm lẫn thành một vết chai bên dưới lòng bàn chân.
- Đau đớn, đặc biệt là khi đi và đứng.
- Xuất hiện các chấm đen bên trong mụn cóc, đây thường là các mạch máu nhỏ đã vỡ bên dưới lòng bàn chân
Mụn cóc mosaic phát triển sâu vào da do đó thường rất đau đớn, đặc biệt là khi đi bộ hoặc gây áp lực lên các nốt mụn cóc. Tình trạng này có thể tự khỏi trong vài tháng hoặc vài năm mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, hầu hết mọi người cần điều trị để cải thiện các triệu chứng, giảm đau và tránh các rủi ro không mong muốn.
Các biện pháp điều trị phổ biến thường bao gồm:
- Lột mụn cóc bằng axit salicylic.
- Áp lạnh mụn cóc bằng nito lỏng khiến mụn cóc tự rơi ra.
- Tiêm một số loại thuốc vào mụn cóc như bleomycin sulfate, kháng nguyên Candida hoặc interferon-alpha.
- Liệu pháp laser để phá hủy các mô mụn cóc.
- Phẫu thuật loại bỏ mụn cóc.
Các loại mụn cóc khi nào cần đến bệnh viện?
Hầu hết các loại mụn cóc có thể tự cải thiện trong vài tháng hoặc vài năm mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, một số loại mụn cóc có thể gây đau đớn, khó chịu và có tính lây lan cao và cần điều trị để tránh các rủi ro không mong muốn. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện nếu mụn cóc có kích thước lớn hoặc gây đau đớn.
Bên cạnh đó, người bệnh nên đến bệnh viện nếu:
- Xuất hiện mụn cóc trên mặt hoặc các bộ phận nhạy cảm khác trên cơ thể như bộ phận sinh dục, mũi, miệng
- Mụn cóc bị chảy máu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như bong tróc vảy xung quanh mụn cóc
- Mụn cóc gây đau đớn, khó chịu
- Người bệnh có bệnh tiểu đường, suy giảm hệ thống miễn dịch, như HIV / AIDS
Biện pháp điều trị chung cho các loại mụn cóc
Các loại mụn cóc thường có thể biến mất mà không cần điều trị, tuy nhiên điều này có thể mất vài tháng hoặc vài năm. Do đó, nếu mụn cóc gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp điều trị như:
1. Điều trị tại nhà
Các loại mụn cóc thường có thể điều trị tại nhà bằng nhiều phương pháp khác nhau. Cụ thể, người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp điều trị như:
– Băng keo điều trị các loại mụn cóc:
Băng keo là cách điều trị mụn cóc tương đối hiệu quả và chi phí thấp. Băng keo không thể tiêu diệt virus gây mụn cóc và cũng không thể loại bỏ toàn bộ mụn cóc. Phương pháp này hoạt động bằng cách che mụn cóc bằng băng keo để ngăn ngừa virus lây lan và ngăn mụn cóc tiếp xúc với các bộ phận khác trên da.
Các điều trị mụn cóc bằng băng keo như sau:
- Sử dụng một miếng băng keo nhỏ dán trực tiếp vào khu vực mụn cóc, để yên trong vài ngày.
- Sau mỗi 3 – 6 ngày, người bệnh tháo băng keo và chà xát mụn cóc với đá nhám hoặc đã bọt. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể ngâm mụn cóc trong nước ấm để loại bỏ mụn cóc dễ dàng hơn.
- Thay băng keo mới sau khi mụn cóc tiếp xúc với không khí 10 – 12 giờ.
– Điều trị các loại mụn cóc bằng cây bông tai:
Nhựa cây bông tai có chứa một loại enzyme có thể loại bỏ sự tăng trưởng bất thường trên da. Tuy nhiên, loại thảo dược này có thể chứa một loại độc tố nhẹ như glycoside tim. Do đó, người bệnh cần thận trọng khi sử dụng.
Cụ thể, người bệnh có thể sử dụng đá bọt để chà lên mụn cóc, sau đó thoa 3 giọt nhựa cây bông tai lên mụn cóc. Sử dụng băng cá nhân để che chắn mụn cóc trong 10 phút, sau đó rửa sạch với nước ấm. Nếu có kích thích, ngứa da hoặc các phản ứng không mong muốn khác, người bệnh nên ngừng áp dụng phương pháp.
– Aspirin điều trị các loại mụn cóc:
Hầu hết các loại thuốc giảm đau không kê đơn, đặc biệt là aspirin có thể loại bỏ các loại mụn cóc một cách hiệu quả. Cụ thể, aspirin có chứa Axit salicylic, có tác dụng ức chế các vấn đề về da như mụn trứng cá, mụn nhọt và cả mụn cóc.
Theo các chuyên gia, người bệnh có thể sử dụng 2 – 5% aspirin tại chỗ để loại bỏ mụn cóc. Phương pháp này tương đối hiệu quả đối với mụn cóc phẳng và mụn cóc ở lòng bàn chân.
Cách điều trị các loại mụn cóc với aspirin được thực hiện như sau:
- Nghiền nát một viên aspirin để tạo thành bột mụn, trộn thêm một lượng nước vừa đủ để tạo thành một hỗn hợp sệt.
- Thoa hỗn hợp này lên khu vực mụn cóc và băng lại, để qua đêm.
- Lặp lại biện pháp điều trị trong vài ngày liên tục để loại bỏ mụn cóc.
2. Thuốc điều trị các loại mụn cóc
Nếu các biện pháp điều trị mụn cóc không kê đơn không mang lại hiệu quả điều trị, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị y tế như:
- Axit salicylic nồng độ cao có thể được chỉ định bởi bác sĩ da liễu để loại bỏ các loại mụn cóc. Axit salicylic có sẵn dưới dạng, dung dịch đậm đặc và các loại kem bôi.
- Dinitrochlorobenzene có tác dụng tương tự như axit salicylic và được sử dụng bôi trực tiếp lên mụn cóc. Các nghiên cứu cho thấy phương pháp này có tỷ lệ chữa khỏi là 80%. Tuy nhiên Dinitrochlorobenzene có thể gây đột biến gen, do đó người dùng cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
- Bạc nitrat là một hợp chất vô cơ có công thức hóa học AgNO. Hợp chất này có thể loại bỏ mụn cóc một cách hiệu quả.
3. Tiểu phẫu và phẫu thuật
Một số thủ thuật điều trị có thể được chỉ định cho các loại mụn cóc bao gồm:
- Điều trị mụn cóc bằng keratolysis: Keratolysis là phương pháp sử dụng acid salicylic nồng độ cao để loại bỏ các tế bào da chết ở bên trên mụn cóc và giúp loại bỏ mụn cóc. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp này, người bệnh cần giữ vệ sinh toàn bộ khu vực mụn cóc, loại bỏ da chết bằng đá bọt hoặc bảng đá nhám trước khi áp dụng acid salicylic. Bên cạnh đó, phương pháp này có thể mất đến 12 tuần để mang lại hiệu quả.
- Áp lạnh nitơ lỏng: Phương pháp áp lạnh là thủ thuật đóng băng mụn cóc (thường là bằng nitơ lỏng). Phương pháp này có thể tạo ra một vết phồng rộp giữa mụn cóc và lớp biểu bì, điều này khiến mụn cóc và lớp da chết xung quanh rơi ra.
- Thủ thuật nạo mụn cóc: Nạo mụn cóc là một phương pháp phẫu thuật có thể loại bỏ lớp lót mô mềm của mụn cóc. Phương pháp này có thể gây đau và người bệnh có thể cần gây tê tại chỗ để hạn chế các triệu chứng. Tuy nhiên, phương pháp này thường gây ra sẹo và thường được chỉ định cho các loại mụn cóc không đáp ứng các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là mụn cóc mosaic.
- Điều trị bằng laser: Phẫu thuật laser sử dụng một chùm ánh sáng cực mạnh để đốt cháy và phá hủy các mô mụn cóc. Liệu pháp này có thể gây khó chịu nhẹ và người bệnh có thể được gây tê cục bộ hoặc gây mê để cải thiện các triệu chứng.
Cách phòng ngừa các loại mụn cóc
Không có biện pháp có thể phòng ngừa tất cả các loại mụn cóc. Tuy nhiên, người bệnh có thể làm giảm nguy cơ mọc mụn cóc bằng một số lưu ý như:
- Không cạo, rạch hoặc làm tổn thương mụn cóc
- Không cắn móng tay hoặc các lớp biểu bì ở ngón tay, đặc biệt là đối với người bệnh mụn cóc quanh móng
- Không dùng chung khăn tắm, khăn lau, quần áo, đồ cắt móng tay, dao cạo râu hoặc các vật dụng cá nhân khác, kể cả đối với người thân trong gia đình
- Không chạm vào mụn cóc của người khác
- Tiêm phòng vaccine virus HPV và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm mụn cóc sinh dục
- Giữ cho bàn chân khô ráo, đi dép cá nhân ở hồ bơi công cộng hoặc phòng thay đồ
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là khi đã tiếp xúc với người bị mụn cóc
Mụn cóc là sự tăng trưởng da nhỏ, không ung thư do virus papillomavirus ở người (HPV) gây ra. Hầu hết các loại mụn cóc có thể tự khỏi trong vài tháng hoặc vài năm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, phụ thuộc vào vị trí, kích thước và mức độ nghiêm trọng của mụn cóc, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các biện pháp xử lý phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!