Cấy Ghép Implant Là Gì? Quy Trình và Thông Tin Cần Biết

Cấy ghép Implant là kỹ thuật phục hồi răng đã mất bao gồm cả phần thân và chân răng. Đây được xem là bước tiến vượt bậc về công nghệ nha khoa hiện đại, giúp những người mất răng lâu năm, tiêu xương hàm lấy lại hàm răng giống hoàn toàn với răng thật. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp cấy ghép Implant này trong bài viết dưới đây.

Cấy ghép Implant
Cấy ghép Implant là kỹ thuật phục hình răng đã mất bao gồm cả phần thân và chân răng

Cấy ghép Implant là gì? Các loại Implant phổ biến

Cấy ghép Implant (phẫu thuật Implant) là giải pháp phục hồi răng đã mất bằng răng giả với trụ Implant thay thế cho chân răng. Phương pháp này được nghiên cứu và phát triển bởi vị bác sĩ phẫu thuật chỉnh nha nổi tiếng người Thụy Điển Per – Ingvar Branemark vào năm 1952.

Implant hay còn được gọi là chân răng nhân tạo, thực chất là một loại vít nhỏ làm bằng chất liệu titan có tính tương thích sinh học cao, có kích cỡ bằng với chân răng thật và được đặt vào trong cấu trúc xương hàm thông qua phẫu thuật. Cấu tạo răng Implant gồm 3 phần chính:

  • Trụ Implant titan: Đây là trụ nhỏ được làm từ chất liệu titanium và được cấy ghép vào trong xương hàm.
  • Khớp nối (Anutment): Đây là phần nối giữa trụ Implant và lớp mão sứ ở trên.
  • Mão răng (Crown): Mão răng sứ được chụp lên trụ Implant một cách cố định thông qua khớp kết nối. Thời điểm lắp mão răng sứ là khi trụ Implant đã hoàn toàn tích hợp đồng nhất vào xương.

Implant được dùng để làm trụ đỡ mão sứ phục hồi hình dạng và đảm bảo thực hiện các chức năng của răng nhờ tính ổn định, bền vững cao. Đồng thời không làm ảnh hưởng đến vị trí các răng xung quanh như các kỹ thuật phục hình răng truyền thống khác. Có rất nhiều phương pháp sử dụng Implant như bọc răng sứ, làm cầu răng sứ hay các dạng phục hình tháo lắp.

Cấy ghép Implant
Implant là một vít nhỏ được làm từ titanium, được đặt vào xương hàm thông qua phẫu thuật, bền chắc và tính tương thích sinh học cao

Trên thị trường có rất đa dạng các loại vật liệu Implant với đặc tính vật lý và hóa học tốt, có tính tương thích sinh học cao, độ bền chắc, độ cứng, độ dẻo dai và khả năng chống ăn mòn tốt. Thông thường, trụ Implant nên được làm từ chất liệu titanium hoặc hợp chất titan, zirconia… Một số thương hiệu sản xuất trụ Implant nổi tiếng trên thị trường như:

  • Trụ Implant Dentium (Hàn Quốc): Thiết kế 10 vòng xoắn giữa trụ Implant và khớp nối và ứng dụng công nghệ xử lý bề mặt nhám phun cát tăng độ cứng chắc. Vật liệu này có tính thẩm mỹ cao, chi phí rẻ, phục hình chân răng với độ sâu 3mm, có độ bám dính vào xương tốt.
  • Trụ Implant Straumann (Thụy Sĩ): Loại trụ này được sản xuất từ 100% chất liệu Titanium cao cấp, độ tinh khiết cao, tính tương thích cao và an toàn với cơ thể nhờ phủ một lớp màng sinh học đặc biệt. Thiết kế nhỏ gọn hơn các loại trụ khác nhưng có độ cứng chắc cao hơn, dễ dàng ghép trụ vào xương hàm, đảm bảo khả năng chịu lực tốt.

Ưu và nhược điểm của cấy ghép Implant

Trồng răng Implant là phương pháp thay thế răng đã mất sở hữu những ưu điểm vượt trội nhất trong lĩnh vực nha khoa tính đến thời điểm hiện tại. Cụ thể như sau:

Ưu điểm của cấy Implant

Có thể kể đến một số ưu điểm tuyệt vời sau:

Phục hình răng toàn diện

Trồng răng Implant giúp phục hình răng toàn diện cả về chức năng ăn nhai lẫn tính thẩm mỹ chung của răng với mức độ hiệu quả từ 95 – 100%. Đó là nhờ khả năng phục hình cả phần chân răng chắc chắn, có cấu tạo và chức năng giống với chân răng thật. Điều này giúp ngăn chặn quá trình làm tiêu xương hàm sinh lý. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể thực hiện được điều này như kỹ thuật cắm ghép Implant.

Ngăn cản quá trình tụt lợi, tiêu xương hàm

Hầu như những người bị mất răng lâu năm, vị trí chân răng bị trống trong thời gian dài sẽ kéo theo tình trạng tiêu xương hàm sinh lý. Điều này kéo theo rất nhiều hệ lụy về sức khỏe răng miệng như tụt lợi, viêm lợi, viêm nha chu, hở kẽ răng, hôi miệng… Vì vậy, cấy ghép Implant được xem là giải pháp vượt trội nhất giúp phục hình chân răng đã mất bằng trụ titan có tính tương thích sinh học cao.

Cấy ghép Implant
Cấy ghép Implant là kỹ thuật phục hình răng, lấy lại chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ răng hiệu quả

An toàn, không ảnh hưởng đến các răng kề cận

Bản chất của cấy ghép Implant mất răng ở vị trí nào sẽ phục hình ngay tại vị trí đó và hoàn toàn không ảnh hưởng đến các răng xung quanh. Mọi thao tác sẽ được thực hiện ngay tại vị trí chiếc răng đã mất này, khác với phương pháp làm cầu răng sứ bắt buộc phải mài nhỏ 2 răng kề cận vị trí răng đã mất để làm trụ đỡ cầu sứ.

Tính tương thích cao, tuổi thọ dài lâu

Trụ Implant titan có tính tương thích sinh học cao và chỉ trong thời gian ngắn sẽ đồng nhất với cấu trúc xương hàm thật. Nhờ đó duy trì trụ Implant bền đẹp dài lâu, tuổi thọ cao, thậm chí sử dụng vĩnh viễn nếu được chăm sóc đúng cách. Không những vậy, cấy ghép Implant có độ chịu lực tốt, thực hiện chức năng ăn nhai như bình thường mà không gây ra bất kỳ cảm giác khó chịu nào.

Nhược điểm của cấy ghép Implant

Bên cạnh các ưu điểm vượt trội, cấy ghép Implant cũng tồn tại một số mặt hạn chế như:

  • Chi phí đắt đỏ: So với nhiều phương pháp trồng răng truyền thống khác, trồng răng Implant thường có chi phí cao, dao động từ 18.000.000 – 30.000.000đ, thậm chí cao hơn tùy theo vật liệu được sử dụng là loại bình dân hay cao cấp.
  • Không phải ai cũng có thể áp dụng được: Cấy ghép Implant đòi hỏi khách hàng phải có nền răng và cấu trúc xương hàm khỏe mạnh, thường cần có thêm một số điều trị bổ sung như nâng xoang hoặc ghép xương.
  • Thời gian điều trị kéo dài: Nếu như những giải pháp phục hình răng khác chỉ mất vài ngày đã hoàn thành, thì thời gian cấy ghép Implant thường kéo dài từ 1 – 3 tháng, thậm chí có những trường hợp lên đến 6 tháng. Vì quy trình cấy Implant khá phức tạp và đòi hỏi cần có thời gian để cơ thể tương thích với trụ Implant nhân tạo.
  • Đòi hỏi cao về trang thiết bị, đội ngũ thực hiện: Cấy ghép Implant là một dạng phẫu nha khoa, đòi hỏi phải có phòng mổ vô trùng, trang thiết bị máy móc hiện đại và bác sĩ thực hiện có tay nghề chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.

Chỉ định và chống chỉ định cấy ghép Implant

Cấy ghép Implant là giải pháp phục hình răng tối ưu, phù hợp thực hiện cho bất kỳ vị trí răng nào trên cung hàm, nhằm cải thiện chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ chung. Tuy nhiên, mặc dù đem lại hiệu quả cao nhưng không phải ai cũng phù hợp để áp dụng phương pháp này.

Cấy ghép Implant
Cấy ghép Implant được chỉ định trong những trường hợp mất 1 hoặc nhiều răng trên cung hàm

Chỉ định cấy ghép Implant

  • Mất 1 răng hoặc nhiều răng cùng lúc;
  • Mất răng toàn hàm nhưng không muốn sử dụng hàm tháo lắp;
  • Bệnh nhân có nhu cầu tăng độ bền vững cho hàm tháo lắp;
  • Người có nền răng yếu không đủ để làm trụ cầu răng sứ;
  • Người bị rối loạn chức năng hoặc thoái hóa hàm do sử dụng hàm tháo lắp trong một thời gian dài;

Chống chỉ định tuyệt đối cấy ghép Implant

  • Trẻ em dưới 16 tuổi: Cấu trúc xương hàm của trẻ trong độ tuổi này thường chưa phát triển ổn định. Việc can thiệp cấy ghép Implant lúc này có thể là nguyên nhân của các rối loạn, ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe răng miệng khi trưởng thành;
  • Phụ nữ mang thai: Tuyệt đối không được thực hiện bất kỳ can thiệp nha khoa nào, bao gồm cả cấy ghép Implant. Vì phương pháp này có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi thông qua thao tác phẫu thuật hoặc tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, chống viêm..;
  • Người mắc các bệnh mãn tính: Một số bệnh mãn tính như tim mạch, chứng máu khó đông, xuất huyết giảm tiểu cầu… đều  không phù hợp để thực hiện cấy ghép Implant vì sẽ rất khó cầm máu sau khi thực hiện. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng tương thích giữa trụ Implant và xương hàm.
  • Một số trường hợp khác: Người bị rối loạn tâm thần không có khả năng kiểm soát được hành vi, người nghiện rượu nặng, người đang tiếp nhận hóa – xạ trị ung thư… đều không nên thực hiện cấy ghép Implant vì chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Chống chỉ định tương đối cấy ghép Implant

  • Mắc các bệnh lý răng miệng: như sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi, viêm quanh chân răng hay tồn tại các ổ nhiễm trùng trong khoang khoang miệng… Trước khi muốn cấy ghép Implant, bệnh nhân cần điều trị dứt điểm các bệnh lý này để tránh lây lan viêm nhiễm sang trụ Implant gây nhiễm trùng.
  • Người có chất lượng xương kém: Thiếu thể tích xương, chất lượng kém là trường hợp không đủ điều kiện để cấy ghép Implant. Tình trạng này thường xảy ra ở những người mất răng lâu dẫn đến tiêu xương hàm, đặc biệt là hàm trên. Để khắc phục, bác sĩ sẽ chỉ định nâng xoang hoặc ghép xương nhằm tăng thể tích xương trước khi cấy ghép Implant.
  • Các bệnh mãn tính thông thường: Thường gặp nhất là tiểu đường hoặc cao huyết áp đơn thuần. Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc, kết hợp ăn uống khoa học để điều chỉnh cân bằng chỉ số huyết áp, tiểu đường, sau đó thực hiện cấy ghép Implant bình thường.
  • Người có các thói quen xấu: Người hút thuốc lá hoặc mắc các tật nghiến răng khi ngủ… cần phải được loại bỏ dứt điểm trước khi thực hiện cấy ghép Implant.

Quy trình cấy ghép Implant chuyên nghiệp tại nha khoa

Quy trình cấy ghép Implant được Bộ Y tế quy định rõ ràng với các nguyên tắc, thao tác thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo kết quả tối ưu. Cụ thể bao gồm các bước sau:

Cấy ghép Implant
Quy trình cấy ghép Implant khá phức tạp, đòi hỏi phòng phẫu thuật vô trùng, bác sĩ có kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại

Bước 1: Thăm khám và tư vấn

  • Bác sĩ tiến hành thăm khám, đánh giá và chẩn đoán tình trạng sức khỏe răng miệng. Ở bước này nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách khắc phục vấn đề răng miệng hiện tại như hàn trám hay chữa tủy.
  • Kết hợp chụp CT để phân tích cấu trúc răng, hàm, từ đó đưa ra phác đồ điều trị cụ thể, xác định vị trí cắm Implant, có cần nâng xoang hay ghép xương hay không?
  • Ở bước này bác sĩ cũng tư vấn chi tiết cho khách hàng về kế hoạch điều trị, thời gian và chi phí thực hiện cụ thể.

Bước 2: Tiến hành cấy ghép Implant

  • Khâu chuẩn bị: Chuẩn bị sẵn sàng về phòng mổ, dụng cụ, trang thiết bị vô trùng tuyệt đối. Còn về phía bệnh nhân cần chuẩn bị một tâm lý ổn định, thoải mái để quá trình cấy ghép Implant diễn ra suôn sẻ, đạt kết quả tối ưu.
  • Gây tê: Phẫu thuật Implant là những thao tác can thiệp sâu vào trong cấu trúc răng, hàm. Vì vậy, bệnh nhân sẽ được gây tê trước tại vùng răng cần điều trị để tránh gây đau nhức, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.
  • Tiến hành phẫu thuật: Các bước cấy ghép Implant được thực hiện thông qua các thao tác sau:
    • Lật vạt và bóc tách lớp niêm mạc để lộ xương hàm;
    • Dựng khoan xương với thông số kích thước đo sẵn;
    • Cắm Implant vào đúng vị trí đã định sẵn;
    • Đóng vạt lại hoặc có nhiều trường hợp bỏ qua bước này vì trước đó không tạo vạt;

Bước 3: Tái khám hậu phẫu

Sau khi cấy ghép Implant, nhiều người thường nôn nóng mong muốn lắp mão sứ ngay để phục hình răng. Tuy nhiên, bạn cần phải đợi một thời gian để trụ Implant tích hợp vào xương hàm. Sau đó, bạn quay trở lại nha khoa để tái khám, cắt chỉ và chụp CT để kiểm tra, đánh giá tình trạng trụ Implant và cấu trúc xương hàm. Thời gian tái khám định kỳ thường là 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng… tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Bước 4: Lắp phục hình mão răng sứ

Thời điểm trụ Implant tích hợp đồng nhất hoàn toàn vào xương hàm, nha sĩ sẽ tiến hành lắp mão sứ lên trụ Implant để phục hình răng. Đây là bước cuối cùng trong quy trình này nhằm phục hồi hình dạng, chức năng của răng. Một số loại sứ phục hình được sử dụng phổ biến như răng sứ kim loại Titan, răng sứ Zirconia, răng sứ Cercon HT, răng sứ hợp kim Crom – Coban, răng sứ kim loại quý (vàng, bạc, kim cương…).

Những biểu hiện bình thường và bất thường sau khi cấy ghép Implant

Sự xuất hiện một số biểu hiện triệu chứng là điều bình thường sau khi cấy ghép Implant. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp bất thường cần được xử lý ngay lập tức. Có thể kể đến như:

1. Triệu chứng bình thường

Sau cấy ghép Implant, bạn cần quan sát theo dõi kỹ các triệu chứng của cơ thể. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp nhất và không đáng lo ngại:

Cấy ghép Implant
Chảy máu và sưng đau nhức nhẹ là những triệu chứng bình thường sau khi cấy ghép Implant
  • Chảy máu sau khi phẫu thuật: Đây là điều hoàn toàn bình thường do các thao tác trong quá trình điều trị của bác sĩ tác động sâu đến phần mô nướu, xương hàm bằng cách khoan đục, tạo lỗ hổng để đặt trụ Implant. Tình trạng chảy máu thường chỉ kéo dài sau 30 phút và ngưng chảy ngay sau đó.
  • Đau nhức và sưng phù: 2 triệu chứng này là hoàn toàn bình thường, chỉ gây sưng đau nhẹ và thuyên giảm nhanh chóng bằng thuốc giảm đau hoặc chườm lạnh. Tuy nhiên, nếu sau 5 – 7 ngày kể từ khi cấy ghép Implant mà cơn đau sưng không thuyên giảm, tốt nhất nên quay trở lại phòng khám nha khoa để được xử lý kịp thời.
  • Sốt kèm theo viêm nhiễm: Sau cấy ghép Implant, thân nhiệt của bệnh nhân có thể tăng nhẹ khoảng 38 độ C hoặc sốt bất thường. Đây thực chất là phản ứng của cơ thể với trụ Implant nhân tạo trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu sốt cao kéo dài kèm theo viêm nhiễm tại vị trí cắm Implant có thể là dấu hiệu trụ Implant có nguy cơ bị đào thải khỏi xương hàm. Lúc này hãy nhanh chóng đến nha khoa để được lấy Impant ra nhanh chóng.

2. Triệu chứng bất thường

Ngược lại với các triệu chứng mức độ nhẹ, những biểu hiện nghiêm trọng dưới đây được xem là bất thường và cần tái khám xử lý ngay:

  • Chảy máu kéo dài: Tình trạng này xảy ra khi máu chảy liên tục không ngừng và kéo dài. Biến chứng này cực kỳ nguy hiểm và cần được xử lý ngay để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng nếu mất máu quá nhiều.
  • Nhiễm trùng Implant: Nhiễm trùng là một trong những biến chứng thường gặp do vệ sinh chăm sóc không đúng cách sau khi cắm Implant. Tình trạng này kéo khiến xung quanh trụ Implant nhiễm trùng, tiêu xương và làm lung lay trụ Implant.
  • Tổn thương các mô lân cận: Kỹ thuật cấy ghép Implant có sai sót có thể làm lộ các dây thần kinh dưới xương ổ răng gây đau ngứa, tê môi, lưỡi, lợi… hoặc tổn thương xương hàm, phạm vào dây thần kinh.
  • Sai vị trí trụ Implant: Cấy Implant sai vị trí là một trong những nguyên nhân gây ra cơn đau nhức khi ăn uống hoặc làm lộ trụ dẫn đến dễ gãy, vỡ do lực nhai không được phân bố đều, ảnh hưởng đến phát âm…
  • Phát sinh dị ứng: Mặc dù khá hiếm gặp nhưng vẫn có một số hiếm trường hợp dị ứng với vật liệu titanium hoặc kim loại. Một vài biểu hiện dị ứng thường gặp như sưng đau, nổi mẩn ngứa, mất vị giác… Bạn cần thông báo ngay cho nha sĩ để được xử lý triệu chứng và thay đổi loại vật liệu Implant khác phù hợp hơn.

Lưu ý về cách chăm sóc sau khi cấy ghép Implant

Chăm sóc sau khi cấy ghép Implant là bước cực kỳ quan trọng nhằm kích thích quá trình hợp nhất và độ bền chắc, ổn định của trụ Implant trong xương hàm. Dưới đây là hướng dẫn một số cách chăm sóc đơn giản và hiệu quả bạn nên tuân thủ thực hiện:

Ngậm bông gòn

Trong vòng 24 tiếng đầu sau khi phẫu thuật cắm trụ Implant thường sẽ có tình trạng chảy máu. Lúc này, hãy ngậm chặt miếng bông gòn vào ngay vị trí vừa phẫu thuật xong trong vòng 30 phút hoặc cho đến khi thấy máu ngưng chảy. Tình trạng này có thể kéo dài từ 1 – 2 ngày do vết mổ chưa lành lại, vẫn còn rỉ máu, bạn chỉ cần tiếp tục ngậm bông gòn để máu đông lại và ngưng chảy là được.

Chườm đá lạnh/ chườm nóng

Sau khi hết thuốc tê, bạn sẽ cảm thấy hơi ê đau kèm theo sưng phù và thâm tím má. Đây là triệu chứng rất bình thường nên không cần quá lo ngại. Hãy dùng một túi đá lạnh chườm trực tiếp vào vùng ngoài má ngay tại vị trí sưng đau. Thực hiện 3 lần/ ngày liên tục trong vòng 3 ngày đầu để giảm sưng đau, sau đó đổi sang chườm nóng để làm tan máu bầm.

Cấy ghép Implant
Dùng thuốc và chườm lạnh là 2 giải pháp giảm sưng đau hiệu nghiệm sau khi cấy ghép Implant

Dùng thuốc giảm đau

Nếu đau nhức nhiều hãy nhờ bác sĩ kê toa thuốc giảm đau và sử dụng theo chỉ dẫn. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc ở ngoài để dùng vì rất dễ phát sinh tác dụng phụ, thậm chí thúc đẩy quá trình đào thải trụ Implant ra khỏi xương hàm.

Chú ý trong quá trình dùng thuốc, nếu xảy ra bất kỳ điều gì khác thường như nổi mẩn ngứa, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu… hãy ngưng lại và báo cho bác sĩ để được đổi loại thuốc khác an toàn hơn.

Chế độ ăn uống khoa học

Sau khi cấy ghép Implant nên ăn gì là thắc mắc của rất nhiều người. Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn uống là một trong những yếu tố góp phần quyết định chất lượng trụ Implant. Hãy chú ý thực hiện theo các nguyên tắc sau:

  • Trong vài ngày đầu vừa gắn Implant nên ưu tiên những món ăn lỏng, mềm, dễ nuốt như cháo, súp, sữa, yến mạch… Đồng thời, uống nhiều nước và tăng cường bổ sung các loại nước ép trái cây, sinh tố;
  • Trong 2 tuần tiếp theo, vết mổ bắt đầu đã lành lại có thể ăn uống trở lại bình thường với đa dạng các loại thực phẩm hơn. Tuy nhiên vẫn cần hạn chế những món thô cứng, cần dùng răng để cắn xé, nghiền nát quá nhiều;
  • Trong giai đoạn này, tránh sử dụng các loại thực phẩm quá cay, nóng, cứng hoặc chứa tính axit… vì sẽ gây kích thích vết mổ, tăng cơ viêm nhiễm và kéo dài thời gian hồi phục;
  • Tránh dùng thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt có gas, cà phê, kem… vì có thể làm rối loạn quá trình đông máu, ảnh hưởng đến thời gian lành lại của vết mổ;
  • Tuyệt đối không được hút thuốc lá trong và sau khi trồng Implant xong, ít nhất từ 4 – 6 tuần. Vì hơi nóng và các chất trong khói thuốc lá gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến vết thương, thậm chí đào thải Implant. Theo các nghiên cứu, những người hút thuốc lá có tỷ lệ thất bại cấy ghép Implant lên đến 20%.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Giữ gìn vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng sau phẫu thuật Implant giúp loại bỏ các tác nhân gây viêm nhiễm và ngăn các yếu tố làm tổn hại đến độ bền vững của trụ Implant. Cụ thể như sau:

  • Chải răng ít nhất 2 lần/ ngày, bằng bàn chải có đầu lông mềm hoặc các loại bàn chải được thiết kế riêng cho các trường hợp có các tổn thương trong khoang miệng;
  • Chú ý lực chải nhẹ nhàng, tránh mạnh bạo tại vị trí cắm trụ Implant, nhất là trong vài ngày đầu sau phẫu thuật;
  • Sau khi ăn nên sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước kết hợp súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng để tăng hiệu quả làm sạch;
  • Tránh khạc nhổ mạnh liên tục khi súc miệng để không tác động đến vết thương gây chảy máu;
  • Tuyệt đối không dùng tay không hoặc bất kỳ vật cứng nhọn nào để chạm vào vết thương;

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Bên cạnh đó, điều chỉnh thời gian biểu sinh hoạt điều độ cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm tăng kết quả sau cấy ghép Implant.

  • Hạn chế vận động mạnh, tự lái xe hay vận hành máy móc hạng nặng ít nhất trong 1 – 2 tuần sau phẫu thuật;
  • Đặc biệt đối với những người có thực hiện nâng xoang hoặc ghép xương, không nên uống nước bằng ống hút, không xì mũi, hắt hơi phải há miệng, tránh đi máy bay…;
  • Người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên) cần có người thân chăm sóc, hướng dẫn dùng thuốc và vệ sinh, theo dõi kỹ lưỡng;

Thăm khám định kỳ

Người bệnh sau cấy ghép Implant cần tuân thủ lịch tái khám với bác sĩ sau 7- 10 ngày để kiểm tra vết mổ và cắt chỉ (nếu cần). Bên cạnh đó, định kỳ 6 – 12 tháng thăm khám lại để kiểm tra tình trạng răng Implant cùng các vấn đề sức khỏe răng miệng khác.

Một số câu hỏi thắc mắc về phương pháp cấy ghép Implant

Bên cạnh những thông tin trên, nhiều người còn thắc mắc một số vấn đề khác xoay quanh cấy ghép Implant sau đây:

1. Cấy ghép Implant có đau không?

Cấy ghép Implant là kỹ thuật can thiệp sâu vào xương hàm để mở rộng diện tích cắm trụ Implant vào. Quá trình này sẽ gây ra đau nhức, khó chịu cho người bệnh. Đây cũng chính là lý do trước khi cấy trụ Implant bạn sẽ được gây tê. Quá trình đặt trụ Implant tương đối nhẹ nhàng và nhanh chóng, chỉ mất khoảng 20 – 30 phút nên sẽ không kéo dài sự khó chịu.

Cơn đau sau khi cắm Implant thường xuất hiện sau khi hết thuốc tê. Lúc này bạn có thể áp dụng các biện pháp giảm đau vừa kể trên như chườm lạnh, uống thuốc chống viêm… Bên cạnh đó, việc thực hiện cấy ghép Implant ở những nha khoa uy tín, chất lượng, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, thực hiện nhẹ nhàng và máy móc thiết bị hiện đại sẽ giúp vết thương nhanh lành và ít đau đớn hơn.

2. Cấy ghép Implant giá bao nhiêu?

So với các phương pháp trồng răng khác, trồng răng bằng cấy ghép Implant có chi phí cao hơn gấp nhiều lần, nhất là đối với những người thực hiện cấy ghép Implant toàn hàm.

Cấy ghép Implant
Phương pháp cấy ghép Implant có mức giá cao hơn gấp nhiều lần so với các kỹ thuật trồng răng truyền thống khác

Theo khảo sát, mức giá này dao động trong khoảng 14.000.000 – 33.000.000đ/ răng. Mức giá này thường bao gồm chi phí của 3 vật liệu gồm:

Giá trụ Implant

  • Implant Mỹ: ~ 11.700.000 – 21.500.000đ/ răng;
  • Implant Hàn Quốc: ~ 9.500.000đ/ răng;
  • Implant Thụy Sĩ: ~ 11.700.000 – 21.500.000đ/ răng;
  • Implant Đức: ~ 15.200.000đ/ răng;

Giá khớp nối Abutment

  • Abutment Mỹ: ~ 9.500.000 – 13.000.000đ/ răng;
  • Abutment Thụy Sĩ: ~ 9.500.000 – 11.700.000đ/ răng;
  • Abutment Hàn Quốc: ~ 8.500.000đ/ răng;
  • Abutment Đức: ~ 7.000.000đ/ răng

Giá răng sứ trên Implant

  • Răng sứ Titanium: ~ 3.000.000đ/ răng;
  • Răng sứ Zirconia: ~ 5.500.000đ/ răng;
  • Răng sứ Cercon: ~ 6.000.000đ/ răng;

Lưu ý đây là mức chi phí tham khảo khi cấy ghép Implant tính theo đơn vị 1 răng. Nếu số lượng răng cần phục hình bằng Implant càng nhiều thì chi phí sẽ càng cao. Bên cạnh đó, một số chi phí phát sinh về chụp chiếu trong chẩn đoán, ghép xương, nâng xoang hay xử lý lỗ sâu, chữa tủy… cũng là những yếu tố nâng tổng chi phí bạn phải chi trả lên gấp nhiều lần.

Để biết chính xác mức giá cấy ghép Implant, tốt nhất hãy trao đổi với cơ sở nha khoa thông qua tư vấn online hoặc đến trực tiếp nha khoa để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra con số chính xác. Việc nắm rõ chi phí điều trị Implant sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc chuẩn bị tài chính cũng như đảm bảo quá trình thực hiện không bị gián đoạn.

3. Địa chỉ cấy ghép Implant uy tín

Cấy ghép Implant là kỹ thuật nha khoa phức tạp, đòi hỏi cần phải được thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối, bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm và trang bị hệ thống máy móc tối tân, hiện đại. Chỉ khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố này mới giúp quá trình thực hiện suôn sẻ và đem lại sự thành công cho ca phẫu thuật.

Vì vậy, bạn cần hết sức cân nhắc và kỹ lưỡng trong việc chọn lựa địa chỉ uy tín để thực hiện. Các chuyên gia khuyến nghị bạn nên chọn những bệnh viện, cơ sở nha khoa lớn như:

  • Tại TPHCM: BV Răng Hàm Mặt TP HCM, BV Răng Hàm Mặt Sài Gòn, Trung tâm Nha khoa Minh Khai, Nha khoa Đăng Lưu, Nha Khoa Việt Smile, Nha khoa Kim…;
  • Tại Hà Nội: BV Răng Hàm Mặt TW Hà Nội, Nha khoa Paris, Nha khoa Vidental, Nha khoa Quốc tế Tâm An, Nha khoa Lạc Việt Intech, Nha khoa Việt Úc…;

Tránh thực hiện cấy ghép Implant ở những cơ sở nhỏ lẻ, quảng cáo rầm rộ với mức giá rẻ chỉ vài triệu đồng. Việc ham rẻ và thực hiện tại những cơ sở này sẽ là nguyên nhân của mọi rủi ro và hiểm họa đe dọa đến sức khỏe cũng như lãng phí tiền bạc.

Trên đây là những thông tin cơ bản về phương pháp cấy ghép Implant tân tiến. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về kỹ thuật này và dễ dàng hơn trong việc nhận định tình trạng răng của bản thân có phù hợp để thực hiện hay không. Hoặc tốt nhất khi bị mất răng nên nhanh chóng đến gặp chuyên gia bác sĩ để được tư vấn phương pháp khắc phục phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

5/5 - (2 bình chọn)

BẢNG GIÁ - DỊCH VỤ NHA KHOA