Vi khuẩn Hp ở trẻ em có triệu chứng gì? Khi nào cần trị?
Nội dung bài viết
Vi khuẩn Hp ở trẻ em thường gây buồn nôn, nôn mửa, đau, khó chịu vùng thượng vị và ăn uống kém. Khác với người trưởng thành, trẻ nhỏ có cơ địa nhạy cảm và dễ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh. Do đó bác sĩ chỉ yêu cầu điều trị trong một số trường hợp cần thiết.
Vi khuẩn Hp ở trẻ em có triệu chứng gì?
Vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) còn được gọi là vi trùng bao tử là một loại xoắn khuẩn gram (-) có khả năng sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Nhiễm Hp thường gặp ở người trẻ, người trung niên và là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vấn đề ở đường tiêu hóa như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, trào ngược thực quản và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Theo số liệu thống kê của Bộ y tế vào năm 2001, có khoảng 70% người trưởng thành ở nước ta nhiễm vi khuẩn Hp và có khoảng 0.5 – 1% trẻ bị nhiễm vi khuẩn này, trong đó có cả trẻ dưới 2 tuổi.
Ở người trưởng thành, vi khuẩn Hp có thể không gây ra triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, hầu hết trẻ nhỏ nhiễm vi khuẩn này đều phát sinh thương tổn thực thể và triệu chứng cơ năng do hệ miễn dịch và thể trạng kém. Vì vậy phụ huynh cần chú ý biểu hiện của con trẻ để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ nhỏ nhiễm vi khuẩn Hp, bao gồm:
- Trẻ thường xuyên đau và khó chịu ở vùng bụng trên
- Nóng rát thượng vị
- Bụng đầy trướng, khó tiêu, ăn uống kém
- Trẻ chán ăn, sụt cân hoặc không tăng cân
- Thường ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn mửa sau khi ăn no
- Người xanh xao, mệt mỏi và thiếu sức sống
- Tiêu chảy
Đối với trẻ lớn và có hệ miễn dịch hoàn chỉnh, vi khuẩn Hp có thể gây ra các triệu chứng có mức độ nhẹ, mờ nhạt và khó nhận biết.
Nguyên nhân khiến trẻ nhiễm vi khuẩn Hp
Vi khuẩn Hp không có sẵn trong hệ vi sinh của dạ dày và đường ruột. Vi khuẩn này chủ yếu xâm nhập vào cơ thể thông qua đường miệng – miệng, phân – miệng và một số đường lây khác.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ nhỏ:
- Cha mẹ nhiễm vi khuẩn Hp
- Trẻ thường ăn uống chung với người lớn
- Ba mẹ và người thân trong gia đình thường hôn môi và mớm thức ăn cho trẻ
- Người lớn không có thói quen vệ sinh tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn
- Trẻ tiếp xúc với các thiết bị nội soi và nha khoa nhiễm vi khuẩn
Thống kê cho thấy, có hơn 90% trẻ dương tính với vi khuẩn Hp lây nhiễm từ cha mẹ. Trong đó đường lây phổ biến là đường miệng – miệng.
Các xét nghiệm chẩn đoán Hp ở trẻ nhỏ
Xét nghiệm chẩn đoán Hp chỉ được cân nhắc đối với trẻ nhỏ bị loét đường tiêu hóa đã phát hiện qua X-Quang cản quang và nội soi, trẻ bị đau bụng mãn tính, có cha mẹ bị ung thư dạ dày hoặc có tiền sử nhiễm vi khuẩn Hp.
Các kỹ thuật xét nghiệm được áp dụng để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn ở trẻ nhỏ:
1. Xét nghiệm xâm lấn
Xét nghiệm xâm lấn thường cho kết quả chính xác hơn so với các xét nghiệm không xâm lấn. Ngoài việc xác định xoắn khuẩn Hp, một số xét nghiệm còn giúp bác sĩ quan sát niêm mạc dạ dày, tá tràng và thực quản.
Các xét nghiệm xâm lấn giúp chẩn đoán vi khuẩn Helicobacter pylori:
- Sinh thiết và quan sát mô bệnh học: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách nội soi dạ dày. Bác sĩ sẽ thu thập mô niêm mạc và quan sát mô bệnh học nhằm xác định một số vấn đề bất thường như loạn sản ruột (giai đoạn tiền ung thư).
- Nuôi cấy: Nuôi cấy mô niêm mạc dạ dày được thực hiện nhằm xác định sự hiện diện của vi khuẩn Hp. Thông qua việc nuôi cấy vi khuẩn, bác sĩ có thể xác định chủng vi khuẩn gây bệnh và xây dựng kháng sinh đồ phù hợp.
- PCR: PCR là kỹ thuật sinh học phân tử có khả năng khuếch đại đoạn ADN của vi khuẩn HP nhằm xác định sự hiện diện của vi khuẩn trong dạ dày. Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ phải sinh thiết niêm mạc tiêu hóa của trẻ.
2. Xét nghiệm không xâm lấn
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định các thủ thuật chẩn đoán không xâm lấn sau:
- Xét nghiệm phân: Một lượng nhỏ vi khuẩn ở dạ dày sẽ đi theo thức ăn xuống tá tràng, đại tràng và được đào thải qua đường phân. Xét nghiệm phân được thực hiện nhằm tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Test hơi thở: Test hơi thở là kỹ thuật chẩn đoán vi khuẩn Hp nhanh và chính xác. Để thực hiện, trẻ sẽ thổi hơi vào dụng cụ chuyên dụng nhằm xác định khí carbon dioxide trong hơi thở (carbon dioxide là sản phẩm của vi khuẩn Hp). Test hơi thở không gây đau hay khó chịu nên thường được áp dụng để chẩn đoán và đánh giá hiệu quả điều trị vi khuẩn Hp ở trẻ nhỏ.
- Xét nghiệm nước bọt và nước tiểu: Các xét nghiệm này được thực hiện nhằm giúp bác sĩ xác định kháng thể trong nước bọt và nước tiểu. Tuy nhiên kết quả từ xét nghiệm này không thực sự khách quan nên chỉ được thực hiện bổ sung bên cạnh các kỹ thuật chẩn đoán chính.
Khi nào cần điều trị vi khuẩn Hp cho bé?
Khác với người trưởng thành, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng nhạy cảm và có nguy cơ cao khi sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh.
Vì vậy điều trị vi khuẩn Hp cho trẻ chỉ được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng (+) vi khuẩn Hp
- Tiền sử loét dạ dày tá tràng và hiện nay (+) với vi khuẩn Hp
- Quan sát mô bệnh học nhận thấy viêm teo dạ dày kèm theo tình trạng chuyển sản ruột (dấu hiệu tiền ung thư)
- Trẻ bị viêm dạ dày Hp có cha mẹ bị viêm loét/ ung thư dạ dày
- Đối với trẻ dương tính vi khuẩn Hp nhưng chưa xác định bệnh lý ở dạ dày, tá tràng, cần tiến hành nội soi tiêu hóa trước khi quyết định điều trị.
Các loại thuốc được sử dụng trong phác đồ tiệt trừ vi khuẩn Hp đều gây ra tác dụng phụ và rủi ro khi sử dụng. Hơn nữa, vi khuẩn Hp có khả năng kháng kháng sinh và tái nhiễm cao. Chính vì vậy, việc điều trị cho trẻ cần phải có sự tư vẫn cụ thể từ bác sĩ và sự tuân thủ tuyệt đối của phụ huynh.
Phác đồ điều trị vi khuẩn Hp cho trẻ em
Tương tự các chủng vi khuẩn khác, vi khuẩn Hp được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên hầu hết các loại kháng sinh đều có hoạt tính kém trong môi trường axit.
Vì vậy phác đồ tiệt trừ vi khuẩn Hp thường bao gồm ít nhất 2 loại thuốc kháng sinh kèm theo thuốc ức chế bài tiết axit hoặc (và) thuốc kháng axit/ bảo vệ niêm mạc. Liệu trình kéo dài trong 14 ngày hoặc lâu hơn tùy thuộc vào mức độ đáp ứng của từng trường hợp.
Phác đồ điều trị vi khuẩn Hp ở trẻ em:
Trẻ dưới 8 tuổi:
- Amoxicillin + Clarithromycin + PPI (thuốc ức chế bơm proton)
- Amoxicillin + Metronidazol + PPI
Trẻ trên 8 tuổi:
- Amoxicillin + Clarithromycin + PPI
- Amoxicillin + Metronidazole + PPI
- Metronidazole + Tetracyclin/ Doxycyclin + PPI
Liều lượng cụ thể:
- Amoxcillin: Sử dụng 50mg/ kg/ ngày
- Doxycyclin: 5mg/ kg/ ngày
- Tetracyclin: 50mg/ kg/ ngày
- Metronidazole: 20mg/ kg/ ngày
- PPI (Omeprazole): 1mg/ kg/ ngày
- Clarithromycin: 20mg/ kg/ ngày
Sau khi kết thúc liệu trình, bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả diệt Helicobacter pylori sau khi ngưng kháng sinh 4 tuần và dừng PPI 2 tuần. Bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm phân hoặc test hơi thở để xác định sự hiện diện của vi khuẩn. Điều trị thành công được xác định khi xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Đối với trường hợp điều trị thất bại, bác sĩ sẽ tiến hành nuôi cấy vi khuẩn nhằm đánh giá mức độ nhạy cảm với kháng sinh và xây dựng kháng sinh đồ mới.
Cách chăm sóc và phòng ngừa vi khuẩn Hp ở trẻ
Song song với phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định, phụ huynh nên xây dựng cho trẻ chế độ chăm sóc khoa học nhằm hỗ trợ tiệt trừ vi khuẩn và giảm nguy cơ tái nhiễm.
Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm vi khuẩn Hp:
- Cho trẻ ăn uống điều độ trong thời gian điều trị. Nên tăng cường dùng sữa chua, rau xanh, trái cây và ngũ cốc để hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, giảm lượng dịch vị dư thừa, ức chế sự phát triển của hại khuẩn và hạn chế tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh.
- Lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, ngâm rửa kỹ trước khi nấu và cần chế biến chín hoàn toàn. Không cho trẻ sử dụng thực phẩm tươi sống, tái hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc.
- Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với đất cát hoặc các vật dụng trung gian có nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Phụ huynh không nên sử dụng chung thìa, chén, đũa, ly,… với trẻ. Đồng thời không nên mớm thức ăn và hôn môi trẻ.
- Tránh để trẻ tiếp xúc thân mật với các trẻ khác.
- Lựa chọn bệnh viện uy tín để giảm nguy cơ trẻ nhiễm vi khuẩn do các vật dụng trung gian như thiết bị nội soi, vật dụng nha khoa,…
- Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn.
Vi khuẩn Hp ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường, phụ huynh nên đưa con trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tham khảo thêm: Bị vi khuẩn HP nên và không nên ăn gì? 10 thực phẩm vàng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!