Vi khuẩn Hp có gây ung thư dạ dày? Cơ chế & phòng ngừa
Nội dung bài viết
Vi khuẩn Hp là một loại vi khuẩn được tìm thấy trong dạ dày, có thể làm tăng nguy cơ viêm loét và một số bệnh lý liên quan khác, bao gồm ung thư. Người bệnh có thể tham khảo một số thông tin cơ bản trong bài viết bên dưới để tìm hiểu nguy cơ và cơ chế vi khuẩn Hp gây ung thư dạ dày.
Nhiễm trùng vi khuẩn Hp là gì?
Vi khuẩn Hp (hay Helicobacter pylori, H. pylori) là một loại vi khuẩn được tìm thấy trong niêm mạc dạ dày và là nguyên nhân chính có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng. H. pylori là một bệnh nhiễm trùng rất phổ biến, có thể gây ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng thường ảnh hưởng đến trẻ em.
Hiện tại các bác sĩ không rõ nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn Hp. Tuy nhiên, vi khuẩn này có thể lây lan thông qua thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm hoặc từ phân di chuyển đến miệng. Điều này thường xảy ra khi người bệnh sử dụng thực phẩm không được chế biến đúng phương pháp hoặc không rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Nhiễm khuẩn Hp có thể dẫn đến loét, các triệu chứng thường bao gồm đau dạ dày, đặc biệt là khi người bệnh đói. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói và thường được cải thiện khi người bệnh ăn hoặc uống thuốc kháng axit.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Ợ nóng
- Đầy hơi
- Buồn nôn
- Sốt
- Thèm ăn hoặc chán ăn.
- Giảm cân mà không rõ lý do
Vi khuẩn Hp có gây ung thư dạ dày không?
Helicobacter pylori là một loại vi khuẩn phổ biến, có thể gây nhiễm trùng bên trong dạ dày và đôi khi dẫn đến viêm loét dạ dày. Ngoài ra, nhiễm khuẩn Hp cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Nhiễm khuẩn H. pylori có thể làm viêm niêm mạc dạ dày. Điều này dẫn đến các cơn đau dạ dày hoặc buồn nôn. Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến các vết loét lớn, gây đau đớn dữ dội, đôi khi có thể dẫn đến thủng dạ dày và xuất huyết dạ dày nghiêm trọng.
Ung thư dạ dày là loại ung thư thứ tư phổ biến nhất ở nam giới và thứ bảy ở những nữ giới. Một số chủng vi khuẩn Hp có thể tác động đến sự hình thành và phát triển các khối u ở dạ dày, cuối cùng là gây ung thư. Các nghiên cứu còn cho biết, người nhiễm vi khuẩn Hp có khả năng mắc một loại ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày cao gấp 8 lần so với người không nhiễm Hp.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp nhiễm Hp đều có thể gây ung thư dạ dày. Hút thuốc, lối sống không lành mạnh, chế độ ăn uống ít trái cây, rau củ hoặc có tiền sử bệnh dạ dày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bên cạnh ung thư dạ dày, nhiễm khuẩn Hp có thể làm tăng nguy cơ nhiễm một số loại ung thư khác như:
- Ung thư hạch không Hodgkin (một loại ung thư máu)
- Ung thư ruột
- Ung thư thực quản
Vi khuẩn Hp gây ung thư dạ dày như thế nào?
Một số nghiên cứu phân tích các mẫu phân và tế bào dạ dày ở người nhiễm khuẩn Hp cho biết vi khuẩn H. pylori có một biến thể gen A liên quan đến cytokine, cụ thể là EPIYA D.
Các nhà nghiên cứu cho biết, biến thể này có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Chủng vi khuẩn này có thể nhiễm trùng niêm mạc dạ dày và dẫn đến các triệu chứng như đau dạ dày, không dung nạp thực phẩm do viêm mãn tính và đôi khi chảy máu do loét dạ dày. Tuy nhiên, thông thường nhiễm khuẩn Hp không dẫn đến các triệu chứng đặc hiệu, gây khó khăn cho việc điều trị và tăng nguy cơ ung thư.
Do đó, những đối tượng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm và có biện pháp xử lý phù hợp.
Đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn Hp bao gồm:
- Trẻ em do thiếu vệ sinh đúng cách
- Sống ở các quốc gia đang phát triển hoặc các khu vực không đảm bảo vệ sinh
- Sống ở môi trường đông đúc, tập thể
- Không có điều kiện sử dụng nước nóng, điều này có thể khiến vi khuẩn tích tụ và gây bệnh
Biện pháp chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn Hp
Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhiễm khuẩn Hp và điều trị phù hợp là cách tốt nhất để ngăn ngừa nguy cơ ung thư dạ dày.
1. Chẩn đoán
Nếu nghi ngờ nhiễm Hp dạ dày, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm như:
- Nội soi: Cách tốt nhất để kiểm chẩn đoán H. pylori là kiểm tra niêm mạc dạ dày. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc thư giãn, sau đó bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi có camera để kiểm tra dạ dày. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu mô ở lớp lót dạ dày và kiểm tra ở phòng thí nghiệm để xác định dấu hiệu nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu đơn giản có thể kiểm tra dấu hiệu nhiễm khuẩn Hp.
- Xét nghiệm phân: Bác sĩ có thể kiểm tra phân để tìm các protein là dấu hiệu hiệu nhận biết nhiễm khuẩn Hp dạ dày. Xét nghiệm này có thể xác định vi khuẩn Hp có hoạt động hay không và cũng được sử dụng để xác định vi khuẩn đã loại bỏ hoàn toàn sau khi điều trị.
2. Biện pháp điều trị
Trong một số trường hợp nhiễm Hp dạ dày không gây ra bất cứ triệu chứng và dấu hiệu nghiêm trọng nào, người bệnh có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn dẫn đến các vết loét dạ dày, tá tràng bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị để tránh nguy cơ dẫn đến ung thư.
Các biện pháp điều trị nhằm chữa lành và ngăn ngừa các vết loét để làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Nhiễm khuẩn Hp thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng axit và các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định hai loại kháng sinh khác nhau và một loại thuốc làm giảm nồng độ axit dạ dày. Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm clarithromycin, thuốc ức chế bơm proton, metronidazole và amoxicillin.
Khoảng một tháng sau khi kết thúc liệu trình điều trị, bác sĩ có thể kiểm tra H. pylori để chắc chắn rằng vi khuẩn đã biến mất. Nếu vẫn còn dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định một liệu trình điều trị khác.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để phòng ngừa các nguy cơ. Mặc dù, không có bằng chứng cho thấy có thể ngăn ngừa loét dạ dày ở những người bị nhiễm H. pylori, tuy nhiên thực phẩm cay, rượu và thuốc lá có thể khiến tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn Hp
Không có biện pháp phòng ngừa tất cả các nguyên nhân có thể gây nhiễm khuẩn Hp. Tuy nhiên, người bệnh có thể hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn thông qua một số lưu ý như:
- Rửa tay sau khi bạn đi vệ sinh và trước khi bạn chuẩn bị hoặc ăn thức ăn. Hướng dẫn trẻ em thực hiện vệ sinh cá nhân.
- Tránh các loại thực phẩm và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
- Không sử dụng các loại thức ăn không được nấu chín kỹ.
- Tránh sử dụng các loại thức ăn được chế biến bởi những người không rửa tay sạch sẽ.
- Không sử dụng chung thức ăn và đồ uống với người khác.
Mặc dù căng thẳng, thức ăn cay, rượu và khói thuốc lá không gây loét dạ dày, nhưng có thể khiến các vết loét không thể lành hoặc trở nên nghiêm trọng. Do đó, trao đổi với bác sĩ về các biện pháp giảm căng thẳng, cải thiện chế độ ăn uống của bạn và bỏ thuốc lá để ngăn ngừa nguy cơ ung thư.
Trong một số trường hợp, nhiễm vi khuẩn Hp có thể gây ung thư dạ dày. Do đó để ngăn ngừa nguy cơ và tránh các rủi ro không mong muốn, người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm, điều trị phù hợp.
Tin xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!