Trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày thì khỏi? Nên làm gì?

Trong suốt thời thơ ấu, trẻ có thể liên tục bị đau, viêm họng và cha mẹ không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nên lưu tâm hơn nếu trẻ đau họng kèm sốt. Vậy, trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày thì khỏi, khi nào nên đi khám và chăm sóc trẻ tại nhà như thế nào?

Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt viêm họng

Viêm họng là một dạng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp. Bệnh có thể ảnh hưởng tới bất cứ ai, nhưng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ.

Trẻ bị viêm họng cấp sốt cao có thể cảnh báo nhiều nguy hiểm
Trẻ bị viêm họng cấp sốt cao có thể cảnh báo nhiều nguy hiểm

Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ, bao gồm:

  • Virus
  • Vi khuẩn
  • Các chất kích thích và chất gây dị ứng
  • Thay đổi thời tiết

Theo thống kê tại khoa Hô hấp và khoa Nhi của nhiều bệnh viện, có tới hơn 80% trường hợp bị viêm họng ở trẻ là do virus gây ra. Các virus thường gặp là: Rhinovirus, coronavirus, virus parainfluenza, virus cúm A/B, adenovirus, virus Epstein-Barr (EBV), herpes simplex (HPV)…

Trong khi đó, viêm họng cũng có thể do các loại vi khuẩn gây nên. Thường gặp nhất là liên cầu khuẩn.

Bên cạnh đau họng, sốt là triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị viêm họng.

Thân nhiệt bình thường của trẻ thường dao động trong khoảng 36,5°C – 37,2°C (đo nhiệt độ ở nách). Nếu thân nhiệt cao hơn mức này, có nghĩa là trẻ đang bị sốt.

Sốt là một phần của phản ứng miễn dịch tự nhiên trong cơ thể, giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh, như virus và vi khuẩn.

Trẻ bị sốt nhẹ khi viêm họng không cần quá lo lắng. Các triệu có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc.

Trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày thì khỏi?

Trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày và bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, cũng như quá trình điều trị và thể trạng của bệnh nhi.

Viêm họng do virus

  • Trẻ bị viêm họng do virus thường có triệu chứng:
  • Đột ngột sốt cao
  • Sổ mũi, chảy nước mũi trong
  • Đau họng
  • Ho
  • Đau người
  • Mệt mỏi

Sốt và các triệu chứng sẽ thuyên giảm trong 3 – 5 ngày mà không cần uống thuốc hay điều trị y tế. Phần lớn trẻ bị sốt vẫn có thể chơi và học tập bình thường. Sau khoảng 1 tuần, trẻ có thể khỏi hoàn toàn, không để lại biến chứng.

Thực tế, thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với viêm họng sốt do virus. Nếu muốn giảm sốt nhanh, cha mẹ có thể cho trẻ dùng thêm thuốc hạ sốt không kê đơn. Đồng thời, nên cân nhắc áp dụng các mẹo hạ sốt được đề cập ở cuối bài viết.

Viêm họng do vi khuẩn

Ở những trẻ bị viêm họng do vi khuẩn, đặc biệt là liên cầu khuẩn, ngoài các triệu chứng giống như viêm họng do virus, trẻ còn có thể gặp các vấn đề, bao gồm:

  • Nôn trớ
  • Đau tai
  • Tức ngực
  • Sốt và các triệu chứng sau 5 ngày không giảm, có thể còn tăng thêm
  • Sốt tới 39°C – 40°C
Trẻ bị viêm họng mấy ngày không khỏi có thể do liên cầu khuẩn
Trẻ bị viêm họng mấy ngày không khỏi có thể do liên cầu khuẩn

Khi bị viêm họng liên cầu khuẩn, sốt sẽ không hạ nếu không được điều trị bằng thuốc.

Đối với trường hợp này, bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh dùng trong 10 ngày. Trong khoảng 24 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh, trẻ có thể cắt sốt và hạn chế khả năng lây bệnh. Đến ngày thứ 2 hoặc thứ 3, các triệu chứng khác của viêm họng sẽ dần biến mất.

Ngay cả khi trẻ cảm thấy khá hơn, bạn vẫn nên cho trẻ tiếp tục dùng thuốc kháng sinh đúng theo chỉ định của bác sĩ. Đây là cách tốt nhất để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Nếu không, vi khuẩn có thể vẫn sống sót trong cổ họng và khiến các triệu chứng tái phát.

Uống kháng sinh đủ liều cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng gây ra các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh ban đỏ, sốt thấp khớp, nhiễm trùng máu hoặc bệnh thận.

Viêm họng sốt khi nào thì nguy hiểm?

Cha mẹ nên quan sát con kỹ lưỡng con bị viêm họng và sốt. Khi trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày không thuyên giảm, kèm theo một số triệu chứng sau, hãy cho con đi khám ngay:

  • Sốt cao liên tục, không hạ sốt ngay cả khi đã uống thuốc hạ sốt hoặc điều trị bằng thuốc kháng sinh
  • Các triệu chứng không giảm sau 24 – 48 tiếng điều trị bằng thuốc
  • Khó thở, thở gấp
  • Trẻ ho nhiều
  • Biếng ăn, bỏ ăn
  • Tai có dịch chảy ra
  • Trẻ nôn trớ
  • Co giật
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước

Sốt cao có thể khiến cơ thể bị mất nước nghiêm trọng, gây rối loạn chất điện giải, khiến trẻ bị co giật. Ở nhiều trẻ trong độ tuổi 3 tháng đến 6 tuổi, chỉ cần sốt từ 38°C cũng có thể khiến trẻ bị co giật. Để ngăn ngừa các biến chứng không may có thể xảy ra, cha mẹ nên nhanh chóng giúp trẻ hạ sốt và đưa trẻ tới cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Đối với những trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng, như trẻ bị rối loạn miễn dịch hoặc rối loạn máu, trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ…  cha mẹ nên lưu ý hơn khi trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày không khỏi.

Nên làm gì khi trẻ bị sốt viêm họng?

Cha mẹ có thể sờ vào trán hoặc cổ của con để biết chúng có sốt hay không. Tuy nhiên, để biết được thân nhiệt chính xác của trẻ, nên sử dụng nhiệt kế.

Nhiệt kế là thiết bị y tế không thể thiếu trong tủ thuốc của mỗi gia đình, đặc biệt nếu nhà bạn có trẻ nhỏ
Nhiệt kế là thiết bị y tế không thể thiếu trong tủ thuốc của mỗi gia đình, đặc biệt nếu nhà bạn có trẻ nhỏ

Khi xác định được thân nhiệt của trẻ, cha mẹ có thể thực hiện một số phương pháp cần thiết và phù hợp để hạ sốt cho con.

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Cách hạ sốt hiệu quả nhất cho trẻ là sử dụng một một số loại thuốc, như Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Chúng có thể giảm đau và giảm nhiệt độ của trẻ xuống 1°C – 1,5°C. Aspirin không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 18 tuổi, vì nó có thể gây ra hội chứng Reye nguy hiểm.

Bạn nên lưu ý một số điều sau khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ:

  • Acetaminophen có công dụng trong 4 – 6 tiếng và không nên dùng quá 5 lần trong khoảng thời gian 24 giờ. Không dùng Acetaminophen cho trẻ dưới 3 tháng tuổi mà không có chỉ định của bác sĩ. Liều Acetaminophen được tính dựa trên cân nặng của trẻ.
  • Ibuprofen có công dụng kéo dài khoảng 6 tiếng. Thuốc này không được sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi. Liều Ibuprofen cũng được tính dựa trên cân nặng của trẻ.
  • Không nên dùng kết hợp Acetaminophen và Ibuprofen hoặc xen kẽ 2 thuốc này. Vì điều này có thể làm tăng nguy cơ dùng sai liều.
  • Thuốc hạ sốt chỉ nên được dùng khi cần thiết và ngưng sử dụng khi các triệu chứng viêm họng sốt đã được giải quyết.

Nếu trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày không khỏi, ngay cả khi dùng thuốc hạ sốt, rất có thể trẻ đã bị nhiễm trùng. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh cho trẻ.

Các loại thuốc kháng sinh chữa viêm họng do vi khuẩn được sử dụng bao gồm: Cephalexin, Clarithromycin, Roxithromycin, Amoxicillin…

Thuốc kháng sinh có thể giảm nhanh các triệu chứng viêm họng sốt mấy ngày không khỏi. Nhưng nó có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là làm tăng nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Để giảm thiểu những rủi ro không đáng có cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên lưu ý những điều sau:

  • Không tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh. Chỉ sử dụng khi được bác sĩ chỉ định.
  • Không sử dụng các đơn thuốc cũ hoặc chia sẻ đơn thuốc cho người khác.
  • Không tự ý tăng hay giảm liều.
  • Không ngưng dùng thuốc trước thời điểm bác sĩ chỉ định, ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm.

Bị viêm họng nên ăn gì, kiêng ăn gì?

Bị sốt có thể làm tăng nguy cơ mất nước ở trẻ với các dấu hiệu bao gồm:

  • Tiểu ít hoặc không tiểu
  • Khóc nhưng không có nước mắt
  • Miệng hoặc niêm mạc bị khô

Trẻ bị sốt có thể biếng ăn, cha mẹ không nhất thiết phải ép trẻ ăn. Tuy nhiên, cha mẹ nên khuyến khích con uống nhiều nước lọc, sữa, nước canh, nước căm vắt hoặc trà thảo dược.

Điều này giúp giảm nguy cơ mất nước và hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng viêm họng. Với trẻ sơ sinh, hãy tăng cữ bú trong ngày hoặc cho con uống nhiều sữa công thức hơn.

Ngoài ra, một số thay đổi trong chế độ ăn uống như sau có thể giúp ích nhiều cho trẻ:

  • Cho trẻ ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, loãng, mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa, như cháo, trứng, trái cây giàu vitamin C…
  • Ăn nhiều bữa trong ngày. Cho trẻ ăn những món trẻ yêu thích, miễn rằng những món này lành mạnh.
  • Không nên cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, món ăn khô cứng, đồ ăn cay nóng, đồ ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ…

Mẹo hạ sốt khi bị viêm họng

Cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc tại nhà như sau để giúp con hạ sốt nhanh hơn:

  • Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Lau mát cho trẻ bằng nước ấm cứ mỗi 30 – 45 phút. Nên chú ý lau ấm ở trán, 2 nách và 2 bẹn.
  • Chườm khăn ấm vào trán trẻ. Có thể ngấm khăn trong dung dịch giấm táo và nước (tỷ lệ 1:2) rồi chườm lên trán, bụng và lòng bàn chân của trẻ.
  • Có thể tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm.
  • Nhúng 2 chiếc khăn bông vào nước ấm, vắt ráo nước và quấn quanh 2 bắp chân của trẻ. Sau 20 phút, tháo khăn và lau khô chân cho bé. Cách làm này giúp hạ nhiệt cơ thể hiệu quả.
Buộc khăn vào bắp chân là phương pháp hạ sốt được những bà mẹ Đức tin tưởng
Buộc khăn vào bắp chân là phương pháp hạ sốt được những bà mẹ Đức tin tưởng

Bên cạnh đó, trong dân gian cũng lưu truyền nhiều mẹo có thể giúp giảm sốt, bao gồm:

  • Hạ sốt bằng lá nhọ nồi: Rửa sạch 1 nắm lá nhọ nồi (cỏ mực) rồi xay cùng nước ấm và chút muối. Cho trẻ uống khoảng vài thìa. Đắp bã nhọ nồi vào trán, nách, bẹn và lòng bàn chân.
  • Hạ sốt bằng lá diếp cá: Xay nhuyễn lá diếp cá với nước ấm, bỏ thêm chút muối, lọc lấy nước. Cho trẻ uống vài thìa, nhiều lần trong ngày.
  • Hạ sốt bằng chanh: Cắt vài lát chanh mỏng, đắp lên lòng bàn chân và cổ tay của trẻ. Dùng vải mềm để quấn lại, giúp chanh không bị rơi ra.

Nên hết sức thận trọng với những bài thuốc dân gian hoặc những mẹo hạ sốt chưa được khoa học kiểm chứng. Chúng có thể hiệu quả với nhiều người, nhưng vẫn có khả năng gây ra tác dụng phụ trong một số trường hợp.

Tốt nhất, nếu thấy trẻ viêm họng sốt mấy ngày không khỏi, các triệu chứng viêm họng tăng lên hoặc có những biểu hiện bất thường khác, hãy đưa trẻ đi khám ngay.

Cha mẹ cần biết:

4.4/5 - (5 bình chọn)

Mang lại hiệu quả vượt trội trong điều trị viêm amidan, viêm họng và được hơn 40.000 người bệnh tin dùng, Thanh hầu bổ phế thang đã được nhiều đơn vị báo chí uy tín như Người Đưa Tin, Đời sống pháp luật,... đưa tin giới thiệu. ĐỌC NGAY!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *