Viêm Họng Ở Trẻ Em Và Những Thông Tin Cần Biết
Nội dung bài viết
Viêm họng ở trẻ em là căn bệnh đường hô hấp phổ biến, thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết. Bệnh nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai, viêm phổi, viêm thận,… Bố mẹ cần theo dõi các biểu hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bố mẹ một số thông tin cần biết về bệnh viêm họng ở trẻ em.
1. Viêm họng ở trẻ em là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Viêm họng là căn bệnh về đường hô hấp phổ biến nhất ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh này thường gặp ở các đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu như người già, người suy nhược cơ thể, phụ nữ có thai và đặc biệt là trẻ em.
Viêm họng ở trẻ em là tình trạng sưng, đỏ, đau xảy ra tại niêm mạc hầu họng do tác động của yếu tố gây viêm nhiễm. Bệnh có thể khởi phát riêng biệt hoặc là triệu chứng kèm theo của một số bệnh lý khác như ho gà, viêm amidan,…
Bệnh viêm đau họng ở trẻ nhỏ chia làm hai loại chính: viêm họng cấp và viêm họng mạn. Tùy thuộc từng giai đoạn phát triển, bệnh còn được chia thành nhiều thể khác nhau như viêm họng cấp, viêm họng hạt, viêm họng mủ.
- Biến chứng tại họng: Áp xe thành sau họng, viêm tấy tại họng, viêm tấy quanh amidan.
- Biến chứng tại các cơ quan lân cận: Viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi và biến chứng hay gặp nhất là viêm tai giữa. Tình trạng viêm tai giữa là do vi khuẩn lây lan theo đường thông từ họng lên tai giữa. Đặc biệt trẻ nhỏ ở lứa tuổi sơ sinh và dưới 3 tuổi rất dễ gặp các biến chứng này do hệ miễn dịch còn non yếu và sụn vòi nhĩ mềm. Trẻ bị viêm tai giữa thường bỏ ăn, quấy khóc, luôn có hành động sờ ngoáy vào lỗ tai.
- Biến chứng ở tim, thận, khớp: Sau 2 tuần bị viêm họng, ở trẻ xuất hiện tình trạng đau nhức, viêm các khớp, khuỷu tay, cổ chân. Nếu bệnh không được điều trị dứt điểm, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến van tim gây các bệnh lý về tim.
2. Nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ em
Viêm họng ở trẻ em là tình trạng xảy ra do sự tác động của nhiều nguyên nhân gây viêm nhiễm và các yếu tố thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của chúng. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm họng:
- Do virus: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất trong các tình trạng viêm họng ở trẻ nhỏ. Do tác nhân virus gây tình trạng nhiễm trùng ở hầu họng nên viêm họng do nguyên nhân này thường đi kèm với sốt cao. Một số loại virus gây bệnh viêm họng như: virus APC, virus cúm, sởi,…
- Do bệnh tay chân miệng: Viêm họng là một triệu chứng điển hình khi trẻ mắc tay chân miệng. Bệnh này gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau và thường tự khỏi nếu trẻ được chăm sóc cẩn thận. Ngoài viêm họng, bệnh này còn đi kèm với các triệu chứng sốt cao, loét miệng, phát ban ở tay, chân.
- Do cảm cúm: Các bệnh cảm cúm thông thường cũng có thể dẫn đến viêm họng nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng viêm họng có thể đi kèm với sốt và ho
- Do dị ứng: Dị ứng có thể không gây đau họng nhưng kích ứng niêm mạc họng gây ho. Tình trạng này có thể xảy ra do dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, dị ứng phấn hoa hoặc kèm theo các bệnh lý khác như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng,…
- Do liên cầu khuẩn: Viêm họng ở trẻ em có thể do liên cầu khuẩn Streptococcus gây ra. Trẻ sẽ cảm thấy đau rát cổ họng hơn tình trạng viêm họng do nhiễm trùng gây ra bởi virus
- Do chất kích thích trong không khí: Một số tác động từ môi trường như lông chó mèo, phấn hoa, khói thuốc,…cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm họng ở trẻ. Ngoài ra, không khí khô khiến bé cảm thấy khó nuốt, khô miệng, khi ngủ thường mở miệng, lâu ngày dẫn đến viêm họng.
3. Triệu chứng viêm họng ở trẻ em
Viêm họng ở trẻ em có thể xảy ra theo hai loại chính là viêm họng cấp và viêm họng mạn. Trong đó, viêm mãn tính được chia thành một số dạng như: Viêm họng có mủ, viêm họng hạt,… Tùy từng giai đoạn của bệnh mà có những triệu chứng lâm sàng đặc trưng như sau:
Viêm họng cấp ở trẻ em
Khi trẻ bị viêm họng cấp, các triệu chứng thường thuyên giảm sau 3 – 4 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu để lâu, không điều trị đúng cách có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Bố mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ và đưa đến bác sĩ nếu thấy các biểu hiện sau đây:
- Sốt cao (39 – 40 độ C); ớn lạnh; trẻ bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc và đau nhức mình mẩy
- Khô họng, nóng rát cổ họng, khàn tiếng, ban đầu ho khan, lâu ngày chuyển sang ho có đờm
- Hắt hơi, chảy nước mũi nhiều
- Khi soi có thể nhìn thấy niêm mạc họng sưng đau, mạch máu nổi rõ. Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, có thể nhìn thấy bựa trắng trong cổ họng.
Viêm họng hạt ở trẻ em
Viêm họng hạt xảy ra do tình trạng viêm họng kéo dài khiến các tế bào lympho với nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn bị quá tải dẫn đến sưng phồng các mô lympho ở thành sau họng. Từ đó hình thành nên các hạt với kích thước khác nhau.
Một số biểu hiện đặc trưng của thể viêm họng này như sau:
- Ngứa họng, họng khô rát, đặc biệt sau khi ngủ dậy
- Khạc ra nhiều đờm
- Khi soi thấy họng sưng đỏ, hạch trắng nổi nhiều ở cổ họng
Bệnh viêm họng thể này tuy không nguy hiểm nhưng điều trị tương đối khó, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em vì bệnh đã phát triển thành mãn tính. Do vậy, ngay khi thấy con xuất hiện những triệu chứng bất thường của bệnh, cha mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Viêm họng mủ ở trẻ em
Viêm họng mủ là tình trạng tiến triển nặng và nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác như tai – mũi – họng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Một số triệu chứng của thể viêm họng mủ ở trẻ em như sau:
- Ho khan, ho có đờm, nặng hơn vào ban đêm
- Ngứa họng, đau rát họng, trẻ bỏ ăn, quấy khóc
- Hơi thở có mùi hôi do dịch mủ gây ra
- Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao tới 39 – 40 độ C
- Thăm khám cổ họng có thể thấy họng sưng đỏ, có chấm mủ
- Khàn tiếng, khi ngủ thở khò khè
- Trong tình trạng nặng hơn, bố mẹ có thể thấy trẻ xuất hiện hạch ở góc hàm, ấn vào gây đau
Với tình trạng viêm họng mủ, bố mẹ không được tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ tại nhà mà cần đưa ngay đến cơ sở y tế để có biện pháp điều trị kịp thời.
4. Cách chữa viêm họng ở trẻ em
Viêm họng ở trẻ nhỏ có thể được chữa trị hiệu quả nếu tìm được giải pháp phù hợp. Vì vậy, ngay khi nhận thấy con có biểu hiện bệnh, cha mẹ nên chủ động đưa con đi thăm khám ngay. Căn cứ vào mức độ viêm gặp phải, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Chẩn đoán viêm họng ở trẻ em
Để chẩn đoán tình trạng bệnh viêm họng ở trẻ em, đầu tiên các bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp thăm khám lâm sàng như: Soi họng, soi các bộ phận liên quan như tai, mũi để xác định mức độ viêm nhiễm. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ nhận định tình trạng của trẻ thông qua hỏi đáp với bố mẹ những câu hỏi về biểu hiện của trẻ trước khi đến bệnh viện.
Với những trường hợp bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành các xét nghiệm như: như: xét nghiệm công thức máu, phét dịch họng nuôi cấy vi khuẩn,… để xác định nguyên nhân gây viêm nhiễm và mức độ của bệnh.
Dựa trên kết quả kiểm tra, thăm khám bác sĩ sẽ chỉ định và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Một số phương pháp chữa viêm họng ở trẻ em thường dùng gồm:
Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì?
Hầu hết các tình trạng viêm họng ở trẻ đều được điều trị bằng phương pháp Tây Y. Ưu điểm của phương pháp này là dứt bệnh nhanh, khỏi triệu chứng nên thích hợp với tình trạng viêm nhiễm cấp tính, nguy hiểm. Tuy nhiên, y học khuyến cáo không nên sử dụng quá nhiều kháng sinh trong điều trị cho trẻ em. Kháng sinh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn và nếu sử dụng kéo dài có thể gây ra tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị nếu trẻ bị tái phát về sau.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn phát triển của bệnh mà lên phác đồ điều trị cho phù hợp. Bên cạnh các loại thuốc giảm triệu chứng như thuốc giảm đau, hạ sốt,…bác sĩ có thể chỉ định thêm kháng sinh trong trường hợp cần thiết và nước muối sinh lý để điều trị hỗ trợ.
Mẹo chữa viêm họng ở trẻ em tại nhà bằng phương pháp dân gian
Nhiều gia đình áp dụng các mẹo dân gian trong điều trị viêm họng ở trẻ em do sự đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm chi phí. Một số mẹo mà các bà, các mẹ thường sử dụng để điều trị cho trẻ tại nhà như:
- Sử dụng mật ong: Trong mật ong có chứa nhiều thành phần hoạt chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống nấm, điều trị viêm họng hiệu quả. Để điều trị với mật ong, sử dụng mật ong nguyên chất, hòa vào một ít nước nóng, ngậm trực tiếp trong cổ họng.
- Sử dụng tỏi: Để giảm triệu chứng viêm đau họng ở trẻ, cha mẹ có thể cho bé dùng tỏi ngâm mật ong hoặc kết hợp tỏi, mật ong chưng cách thủy,…
- Sử dụng lá tía tô: Với trẻ em sử dụng bài thuốc kết hợp gồm tía tô, hoa khế, hoa đu đủ đực mỗi loại 5g cùng với đường phèn. Mang hỗn hợp chưng cách thủy 15 phút rồi chắt lấy nước uống
Phương pháp này có hiệu quả khá chậm và tùy thuộc vào cơ địa của từng bệnh nhân. Vì thế, nó chỉ phù hợp cho tình trạng viêm họng thể cấp tính, mức độ bệnh chưa quá nặng và nghiêm trọng. Còn những trường hợp khác, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị hiệu quả.
Điều trị bằng phương pháp Đông Y
Trong Đông y, viêm họng ở trẻ em thuộc phạm vi chứng hầu tý. Nguyên nhân gây ra là do đàm nhiệt tích tụ lâu ngày, dẫn đến phế (phổi) bị tổn thương gây đau họng, sinh đờm. Đông y còn cho rằng, yết hầu là cửa ngõ đi vào phế, ngăn chặn tà khí đi vào trong gây suy yếu phế. Tuy nhiên, khi chính khí suy yếu, yết hầu bị ảnh hưởng gây nóng đỏ và sưng đau.
Dựa vào nguyên nhân như vậy, Đông Y sử dụng những phương thuốc giúp cân bằng âm dương, tác động đến căn nguyên gây bệnh. Khi đó, khả năng đề kháng của cơ thể cũng được nâng cao, bệnh sẽ tự khỏi.
Phương pháp Đông y đều sử dụng các thảo dược thiên nhiên lành tính nên không gây tác dụng phụ nếu dùng trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này cũng tương tự như cách dùng mẹo dân gian. Hiệu quả của phương pháp còn phụ thuộc vào cơ địa từng người và người bệnh phải kiên nhẫn sử dụng lâu dài.
5. Lời khuyên về chế độ sinh hoạt cho trẻ khi mắc bệnh viêm họng
Để bệnh viêm họng ở trẻ em nhanh khỏi, chế độ sinh hoạt là điều bố mẹ cần lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ. Trẻ bị đau họng thường khó nhai, khó nuốt nên chế độ ăn cần được chú ý để trẻ không sụt cân, mệt mỏi.
Trẻ bị viêm họng nên ăn gì? Kiêng gì?
Một số loại thực phẩm nên được bổ sung vào thực đơn của trẻ như:
- Thực phẩm mềm như cháo, phomai, chuối,…giúp trẻ dễ nuốt và cung cấp đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, các sản phẩm từ sữa nên hạn chế khi trẻ ho nhiều vì nó cũng có khả năng gây trầy xước niêm mạc
- Thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, nước chanh, nước bưởi
- Thực phẩm giàu kẽm như nấm, ngũ cốc, củ cải, chuối,…
- Sử dụng món ăn có thêm gia vị chữa ho như tỏi, tía tô, hạt tiêu,…
- Uống trà mật ong hàng ngày, uống nhiều nước, ngậm kẹo ho
Bên cạnh đó, trong chế độ ăn của trẻ cần hạn chế những đồ ăn sau để bệnh viêm họng ở trẻ nhanh được chữa khỏi:
- Thực phẩm chiên, xào nhiều dầu mỡ vì chúng có thể gây kích ứng cổ họng, khiến trẻ nôn, trớ gây ho
- Thực phẩm cay, nóng gây kích ứng cổ họng, tăng nhanh hiện tượng nóng đỏ, sưng đau
- Đồ ăn đặc: thực phẩm đặc có thể bị tắc nghẽn một phần trong cổ họng dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn
- Các loại cá trên da có phần như cá nục, cá hố
- Tránh các loại hạt gây ngứa họng như hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương
Chế độ sinh hoạt của trẻ
Ngoài chế độ ăn, bố mẹ cần lưu ý thay đổi một vài thói quen trong chế độ sinh hoạt để nhanh chóng điều trị dứt điểm bệnh viêm họng ở trẻ em. Bố mẹ nên lưu ý một vài điều như sau:
- Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, lau khô người và mặc ngay quần áo
- Cho trẻ uống nhiều nước, hạn chế nước đá, nước lạnh
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy
- Súc miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0.9% hàng ngày
Khi nhận thấy các biểu hiện viêm họng ở trẻ em, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám cẩn thận và có phác đồ điều trị hợp lý. Kết hợp với việc thay đổi chế độ sinh hoạt hỗ trợ việc điều trị hiệu quả, phòng ngừa biến chứng khó lường.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!