Thuốc Trị Đau Họng – Giảm Đau Rát Hiệu Quả, Nên Dùng Ngay
Nội dung bài viết
Đau họng được đặc trưng bởi các cơn đau nhói, khó chịu hoặc cảm giác như bị trầy xước trong cổ họng. Đau tăng hơn khi nuốt hoặc ăn uống. Dùng thuốc trị đau họng có khắc phục được tình trạng này không? Tìm ngay câu trả lời trong bài viết này.
Các loại thuốc trị đau họng phổ biến
Điều trị đau họng thế nào còn phục thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Tìm hiểu các phương pháp điều trị đau họng thường gặp dưới đây:
Trị đau họng theo Tây y
Thuốc kháng sinh
Nếu đau họng là triệu chứng của các bệnh do nhiễm vi khuẩn, như viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phổi hoặc viêm amidan… bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bạn dùng thuốc kháng sinh.
Những loại thuốc kháng sinh trị đau họng do vi khuẩn thường gặp bao gồm:
- Thuốc Penicillin, Amoxicillin, Benzathine Penicillin G
- Thuốc Cephalexin, Cefadroxil, Clindamycin, Azithromycin và Clarithromycin (cho những người bị dị ứng với Penicillin)
Ưu điểm:
- Tác dụng nhanh.
- Điều trị tương đối triệt để.
Nhược điểm:
- Thuốc tiêu diệt cả hại khuẩn lẫn lợi khuẩn.
- Gây ra một số phản ứng bất lợi cho hệ tiêu hóa, như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn…
- Có thể gây dị ứng, như nổi mề đay, khò khè, thậm chí là sốc phản vệ.
- Lạm dụng thuốc có thể gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm.
Lưu ý:
- Chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ chỉ định hoặc kê đơn.
- Không tự ý tăng hay giảm liều. Không tự ý ngưng dùng thuốc, rút ngắn thời gian dùng thuốc ngay cả khi các triệu chứng đau họng thuyên giảm.
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Các loại thuốc giảm đau và hạ sốt không kê đơn có thể giúp giảm đau họng nhanh chóng. Chúng dễ tìm và có giá cả phải chăng.
Thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến bao gồm:
- Acetaminophen (Tylenol)
- Ibuprofen (Advil, Motrin)
- Naproxen (Aleve)
- Aspirin
Motrin, Advil, Aleve và Aspirin được xếp vào nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Chúng giảm đau thông qua cơ chế giảm viêm và sưng. Tylenol hoạt động bằng cách nâng cao ngưỡng chịu đau tổng thể của cơ thể.
Ưu điểm:
- Giảm đau nhanh.
- Tác dụng hạ sốt kéo dài từ 4 – 6 tiếng, tùy vào loại thuốc.
- Không cần kê đơn.
- Bán rộng rãi, dễ tìm mua, giá cả phải chăng.
Nhược điểm:
- Acetaminophen có thể gây tác dụng phụ, bao gồm buồn nôn, đau bụng, nôn, tổn thương gan.
- Ibuprofen có thể gây tác dụng phụ, bao gồm buồn nôn, nôn, thay đổi huyết áp.
- Aspirin có thể gây nên hội chứng Rye ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Bởi vậy, đối tượng này không nên sử dụng Aspirin.
Lưu ý:
- Tham vấn bác sĩ và dược sĩ trước khi sử dụng thuốc nhóm NSAID nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc các vấn đề về thận.
- Tham vấn bác sĩ và dược sĩ trước khi sử dụng Acetaminophen, đặc biệt là nếu bạn có vấn đề về gan.
Thuốc gây tê
Những loại thuốc này thường bán dưới dạng xịt hoặc viên ngậm, giúp gây tê và giảm đau họng. Nó có chứa các thành phần như benzocaine, tinh dầu bạc hà và phenol với tác dụng làm tê liệt thụ thể thần kinh.
Thuốc gây tê phổ biến bao gồm:
- Thuốc xịt Chloraseptic
- Viên ngậm, như Strepsils hay Aliricin
- Thuốc xịt họng Betadine
Ưu điểm:
- Không cần kê đơn.
- Bán rộng rãi ở các nhà thuốc với giá cả phải chăng.
- Tiện lợi, dễ dàng sử dụng.
Nhược điểm:
- Tác dụng ngắn hạn.
- Sử dụng thuốc trong thời gian dài, có thể kéo dài từ 5 – 10 ngày.
- Chỉ trị ho, viêm họng dạng nhẹ.
- Có thể gây lệ thuộc vào thuốc.
Lưu ý:
- Thuốc cũng có thể làm tê liệt các khu vực khác của miệng như lưỡi và má.
- Có thể ảnh hưởng tiêu cực tới người bị hen suyễn.
Thuốc làm dịu
Loại này có nhiều đặc điểm giống thuốc gây tê. Sản phẩm này giúp làm giảm bớt sự khó chịu do đau họng mang lại. Chúng có thể phủ lên cổ họng một lớp màng dịu nhẹ, giúp giảm sưng đỏ và đau. Nhiều sản phẩm cũng chứa một số thành phần có trong thuốc gây tê.
Thuốc làm dịu có thể được bán dưới dạng:
- Thuốc ngậm giảm viêm họng
- Kẹo ngậm giảm ho
- Kẹo mút giảm ho và đau họng
- Thuốc xịt họng
Ưu điểm:
- Không cần kê đơn.
- Tiện lợi, dễ dàng sử dụng.
- Mùi vị phong phú, thích hợp với trẻ nhỏ.
Nhược điểm:
- Tác dụng ngắn hạn.
- Chỉ trị ho, viêm họng dạng nhẹ.
- Có thể gây “nghiện”.
- Tăng nguy cơ sâu răng.
Thuốc kháng histamine
Thuốc này được sử dụng trong trường hợp đau họng do dị ứng. Loại thuốc này ngăn chặn cơ thể giải phóng histamine, từ đó cải thiện các triệu chứng dị ứng.
Phổ biến nhất là:
- Diphenhydramine (Benadryl và Diphenhist)
- Loratadine (Claritin)
- Cetirizine (Zyrtec)
- Fexofenadine (Allegra)
- Levocetirizine (Xyzal)
- Thuốc có chứa chlorpheniramine
- Thuốc có chứa doxylamine
Ưu điểm:
- Giảm nhanh những triệu chứng của dị ứng.
Nhược điểm:
- Có thể gây buồn ngủ.
Thuốc để chống trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Ở những người bị GERD, acid dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, gây ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, nôn, đau tức ngực, đau họng và ho.
Các thuốc chống trào ngược acid thường gặp là:
- Thuốc kháng axit như Tums, Rolaids, Maalox và Mylanta giúp trung hòa axit dạ dày.
- Thuốc chẹn H2 như Cimetidine (Tagamet HB), Famotidine (Pepcid AC) và Ranitidine (Zantac) nhằm giảm sản xuất axit dạ dày.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như Lansoprazole (Prevacid 24) và Omeprazole (Prilosec, Zegerid) để ngăn chặn sản xuất axit.
Ưu điểm:
- Giảm nhanh những khó chịu do trào ngược acid gây nên.
Nhược điểm:
- Có thể gây buồn ngủ.
- Thuốc kháng axit có tác dụng ngắn hạn. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm tiêu chảy (đối với thuốc chứa magie), táo bón và xốp xương (đối với thuốc chứa nhôm)…
- Thuốc chẹn H2 có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy hoặc táo bón, tăng men gan…
- Thuốc ức chế bơm proton có tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, đau đầu…
Thuốc kháng viêm có steroid
Thuốc kháng viêm có steroid thường gặp là Corticosteroid (Corticoid). Corticosteroid liều thấp cũng có thể giúp giảm cơn đau họng.
Ưu điểm:
- Dùng trong các trường hợp bị viêm họng hoặc dị ứng nặng.
- Ít tác dụng phụ.
Nhược điểm:
- Lạm dụng Corticosteroid có thể làm giảm khả năng đề kháng với nhiễm trùng.
Lưu ý:
- Không nên tự ý dùng thuốc mà chưa tham vấn bác sĩ hay dược sĩ.
- Tương tác với nhiều loại thuốc khác, như: Aceclofenac, Acemetacin, Aldesleukin, Ibuprofen…
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thuốc thông mũi giúp giảm dịch nhầy và thuốc ức chế ho. Hai thuốc này có thể hỗ trợ giảm đau họng và ho hiệu quả.
Thuốc giảm đau opioids cũng có thể được kê đơn trong trường bị đau họng sau phẫu thuật (như cắt amidan, phẫu thuật tuyến giáp hoặc đặt nội khí quản). Thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu bạn không sử dụng đúng cách. Bởi vậy, nó hiếm khi được chỉ định sử dụng.
Trị đau họng theo Đông y
Theo Đông y, đau họng có thể là hệ quả của ngoại tà xâm nhập vào cơ thể. Thể trạng yếu, sức đề kháng kém cũng khiến con người dễ bị đau họng, viêm họng khi thời tiết, môi trường biến đổi nhẹ.
Dưới đây là một số bài thuốc có thể giúp giải quyết đau họng:
Bài thuốc Dưỡng âm thanh phế thang gia giảm
- Nguyên liệu: 12gr sinh địa, 12gr huyền sâm, 12gr xích nhược, 6gr cam thảo, 8gr mạch môn, 8gr đơn bì, 4gr bối mẫu, 4gr bạc hà.
- Công dụng: Dưỡng âm thanh phế, lưỡng huyết giải độc.
- Cách dùng: Sắc lấy nước thuốc, uống ngày 1 thang, chia làm 2 lần.
Bài thuốc từ vị thuốc kha tử và cát cánh
- Nguyên liệu: 4 quả kha tử, 10gr cát cánh, 6gr cam thảo
- Công dụng: Khai âm, lợi hầu, chỉ khái và tuyên phế.
- Cách dùng: Sắc lấy nước uống, uống ngày 1 lần, trong 10 ngày.
Bài thuốc từ kha tử và đảng sâm
- Nguyên liệu: 4gr kha tử và 4gr đảng sâm
- Công dụng: Chữa đau họng, viêm họng dai dẳng lâu ngày
- Cách dùng: Sắc lấy nước uống, uống ngày 3 lần.
Ưu điểm:
- Chữa trị bệnh tận gốc.
- Ít độc tính.
- Ít có tác dụng phụ gây hại.
- Góp phần hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
- Ít khi tổn hại tới 2 cơ quan thải độc chính của cơ thể là gan và thận.
- Không chỉ chữa bệnh, mà còn giúp bồi bổ toàn bộ cơ thể.
Nhược điểm:
- Tác động không nhanh và mạnh, cần kiên trì và nhẫn nại.
- Mất thời gian để sắc thuốc.
- Yêu cầu thầy thuốc hay lương y có tay nghề cao.
- Nguồn thảo dược chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
- Thuốc thường có vị đắng, mùi nồng, khó uống.
Nhìn chung, cần kiên trì và nhẫn nại khi điều trị bệnh bằng Đông y. Hơn nữa, không nên tự ý bốc thuốc hay dùng thuốc. Bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa y học cổ truyền hoặc những thầy thuốc có uy tín để được bốc thuốc, gia giảm phù hợp với thể bệnh và thể trạng
Mẹo chữa đau họng từ dân gian
Những mẹo trị đau họng tại nhà dưới đây đều sử dụng những nguyên liệu quen thuộc, rẻ tiền. Chúng có thể hỗ trợ điều trị, giảm nhanh triệu chứng đau họng, rát họng… hiệu quả.
Chữa đau họng bằng lá tía tô
- Nguyên liệu: 5gr lá tía tô, 5gr hoa đu đủ đực, 5gr hoa khế, 15gr đường phèn.
- Công dụng: Tăng cường hệ miễn dịch, kháng viêm, kháng khuẩn, thải độc, bổ phế… Bài thuốc cũng được dùng cho đối tượng là trẻ nhỏ.
- Cách dùng: Rửa sạch lá tía tô và các loại hoa, để rao nước rồi cho vào bát. Thêm đường phèn. Hấp cách thủy từ 15 – 20 phút. Sau khi hấp, chắt lấy nước cốt, chia thành 3 phần và uống hết trong ngày.
Giảm đau họng bằng giấm táo
- Nguyên liệu: 15 – 30ml giấm táo nguyên chất, 1 cốc nước ấm.
- Công dụng: Giảm đau họng và ức chế hoạt động của vi khuẩn, virus gây bệnh.
- Cách dùng: Cho giấm táo vào trong cốc nước, khuấy đều. Dùng nước này để súc miệng, súc họng 2 lần mỗi ngày (có thể thực hiện nhiều hơn).
Chữa đau họng bằng tỏi
- Nguyên liệu: 2 – 3 tép tỏi, 15 – 30ml mật ong.
- Công dụng: Làm ấm cơ thể, thải độc, kháng viêm và diệt khuẩn.
- Cách làm: Bóc vỏ và đập dập tỏi. Cho tỏi vào bát nhỏ rồi rót mật ong lên. Hấp/chưng cách thủy 20 phút. Uống nước và ăn cả bã. Áp dụng 3 lần mỗi ngày. Nên ăn trước bữa ăn 15 phút. Thực hiện từ 10 – 15 ngày.
Chữa đau họng bằng hoa hồng bạch
- Nguyên liệu: 1/2 bát mật ong, cánh của 1 bông hoa hồng bạch, 2 quả quất xanh.
- Công dụng: Giảm ho và viêm họng nhanh chóng.
- Cách dùng: Cho tất cả nguyên liệu vào trong 1 chiếc bát. Hấp/chưng cách thủy khoảng 5 – 10 phút. Ăn hỗn hợp mật ong, hồng bạch và quất xanh nhiều lần trong ngày.
Những mẹo dân gian nêu trên không phải lúc nào cũng có hiệu quả và công hiệu có thể khác nhau tùy người áp dụng. Nếu cảm thấy áp dụng chúng không có hiệu quả, bạn nên tìm hướng điều trị khác. Tốt nhất, nên tham vấn bác sĩ trước khi áp dụng.
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị đau họng
Ngoài những lưu ý trong từng phương pháp điều trị đau họng bằng thuốc nêu trên, bạn nên lưu ý thêm những điều sau:
- Nếu bạn đang mang thai và các triệu chứng đau họng trở nên nặng hơn, hãy đi khám ngay.
- Các biện pháp khắc phục tại nhà như viên ngậm hoặc súc miệng nước mặn nói chung là an toàn.
- Acetaminophen có thể được sử dụng để giảm đau hoặc sốt. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 3 ngày, kèm theo sốt, hãy đi khám.
- Nên tham vấn bác sĩ, chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc trị đau họng nào.
- Nghỉ ngơi hợp lý. Ngủ đủ giấc, nên ngủ đủ 6 – 9 tiếng mỗi đêm để tăng cường hệ miễn dịch.
- Súc miệng và vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý mỗi ngày.
- Uống chất lỏng ấm để làm dịu cổ họng, như nước ấm, trà thảo dược, nước canh, nước chanh ấm, soup…
Đi khám ngay nếu bạn bị đau họng kèm theo các triệu chứng sau:
- Đau họng dữ dội
- Khó nuốt, khó mở miệng
- Khó thở, đau khi thở
- Sốt cao trên 38°C
- Khó cử động cổ, đau tai
- Khạc ra đờm (màu đỏ, hồng hoặc có máu)
- Đau họng kéo dài hơn 1 tuần
- Mất tiếng kéo dài hơn 1 tuần
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên ghi nhớ những điều sau để sử dụng thuốc cho con an toàn:
- Thuốc giảm đau: Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cho dùng Acetaminophen. Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên có thể dùng Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Không bao giờ cho trẻ uống thuốc Aspirin.
- Thuốc ho và cảm lạnh: Không tự ý dùng thuốc này cho trẻ dưới 4 tuổi, vì chúng có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Bạn có thể giúp ngăn ngừa đau họng bằng cách tăng cường hệ miễn dịch cho bản thân, bao gồm các việc làm hết sức đơn giản:
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước sạch trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, xì mũi hoặc hắt hơi. Dùng nước rửa tay khô trong trường hợp bạn không tiện rửa tay với nước.
- Tránh tiếp xúc gần với những người bị viêm họng, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên khác.
- Không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc, kể thuốc lá điện tử.
- Không dùng chung dụng cụ cá nhân (khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước) với người khác.
- Áp dụng chế độ ăn lành mạnh, tích cực ăn rau củ quả, thực phẩm hữu cơ. Tránh xa rượu bia, thuốc lá, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, khoảng 30 phút mỗi ngày.
Trên đây là những chỉ dẫn cụ thể về việc sử dụng thuốc trị đau họng. “Chìa khóa” để điều trị đau họng thành công luôn là xác định được nguyên nhân và thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, thầy thuốc, chuyên gia y tế.
Thông tin bổ ích:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!