Đau Rát Họng Có Đờm: Nguyên Nhân, Mức Độ Nguy Hiểm & Điều Trị

Đau rát họng có đờm là tình trạng sức khỏe mà bất cứ ai cũng từng mắc phải ít nhất một lần trong đời. Nó có thể chỉ là triệu chứng của bệnh viêm họng đơn giản, nhưng trong nhiều trường hợp, nó còn cảnh báo sức khỏe đang gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân đau rát họng có đờm

Đờm là chất tiết của đường hô hấp, chứa chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ… Nó được tống ra khỏi cơ thể từ đường hô hấp dưới. Khi khỏe mạnh, cơ thể chỉ tiết ra một lượng đờm vừa phải, không đáng chú ý. Tuy nhiên, khi bạn bị cảm lạnh hoặc mắc phải một số vấn đề y tế tiềm ẩn khác, đờm có thể tiết ra nhiều hơn, đặc biệt là khi đờm kết hợp với đau rát họng.

Có thể đoán bệnh từ màu sắc của đờm
Có thể đoán bệnh từ màu sắc của đờm

Đau rát cổ họng kèm đờm trong

Như đã nó, mỗi ngày, cơ thể sản xuất chất nhầy và đờm vừa đủ. Nó chủ yếu chứa nước, protein, kháng thể và một số muối hòa tan để giúp bôi trơn, giữ ẩm cho hệ hô hấp của bạn. Tăng tiết đờm trong suốt cản báo rằng cơ thể bạn đang cố gắng loại bỏ chất gây dị ứng (như phấn hoa) hoặc một số loại virus.

Đau rát họng kèm đờm trong suốt thường là do:

  • Viêm mũi dị ứng: Tình trạng này được kích hoạt khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng, làm cho cơ thể sản xuất nhiều dịch nhầy hơn. Dịch nhầy từ mũi có thể nhỏ xuống họng, khiến bạn cảm thấy khó chịu ở họng và ho ra đờm.
  • Viêm họng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau họng và ứ đờm. Đờm có thể có màu trong suốt, xanh nhạt hoặc vàng.
  • Viêm phế quản do virus: Đây là tình trạng viêm trong các phế quản phổi. Thường bắt đầu bằng ho khan với đờm trong suốt hoặc trắng. Dần dần, người bệnh có thể bắt đầu ho ra đờm màu vàng và màu xanh lá cây. Đây là một dấu hiệu cho thấy bệnh có thể đang tiến triển từ nhiễm virus sang nhiễm vi khuẩn.
  • Viêm phổi do virus: Dạng viêm phổi này có các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, ho khan, đau cơ và các triệu chứng giống cúm. Bạn cũng có thể thấy đờm trong suốt tăng lên rõ rệt.
  • Viêm thanh quản: Đây là tình trạng dây thanh quản bị viêm, sưng, gây ra rát họng, khàn tiếng, có đờm hoặc mất giọng.

Đau rát cổ họng kèm đờm xanh hoặc vàng

Đây thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp các vấn đề liên quan tới nhiễm trùng. Màu sắc của đờm đến từ các bạch cầu. Ban đầu, đờm có màu vàng sau đó tiến triển thành đờm xanh. Sự thay đổi màu sắc tùy theo mức độ nghiêm trọng và thời gian của các bệnh tiềm ẩn, bao gồm:

  • Cảm cúm: Đau họng kèm ho có đờm xanh chủ yếu là do virus cúm A, virus cúm B,  rhinovirus hoặc denovirus.
  • Viêm phế quản: Đờm có thể chuyển từ trong suốt sang màu vàng và màu xanh lá cây.
  • Viêm amidan: Bệnh do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào amidan khiến cơ quan này sưng tấy, đỏ. Điều này khiến cổ họng nóng rát, ứ đờm, khó nuốt, mệt mỏi, sốt… Trong trường hợp bị viêm amidan hốc mủ, người bệnh có thể ho hoặc hắt hơi ra những hạt nhỏ màu xanh nhạt, có mùi hôi.
  • Viêm phổi: Đây thường là biến chứng của bệnh đường hô hấp khác. Khi bị viêm phổi, người bệnh có thể ho ra đờm có màu vàng, xanh hoặc đôi khi có máu. Các triệu chứng sẽ thay đổi dựa trên loại viêm phổi bạn mắc phải. Triệu chứng phổ biến nhất là đau rát họng thường kèm theo ho, sốt, ớn lạnh và khó thở.
  • Viêm xoang: Virus, dị ứng hoặc thậm chí là vi khuẩn có thể gây ra viêm xoang. Đừng nghĩ rằng viêm xoang chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu ở mũi và xoang, nó cũng có thể khiến bạn bị đau họng, vướng cổ và khạc ra đờm. Khi bị viêm xoang do vi khuẩn, đờm có màu vàng hoặc xanh lá cây.

Đau rát họng kèm đờm màu nâu

Ban đầu, người bệnh có thể khạc ra đờm màu đỏ hoặc hồng, rồi dần dần chuyển sang màu nâu.

Đờm màu nâu thường có thể là dấu hiệu của:

  • Viêm phổi do vi khuẩn: Dạng viêm phổi này có thể tạo ra đờm màu xanh lá cây hoặc màu nâu.
  • Viêm phế quản do vi khuẩn: Tình trạng này có thể tạo ra đờm màu nâu. Viêm phế quản mãn tính cũng có thể gây ra đờm màu này.

Ngoài ra, ho ra đờm màu nâu cũng là một triệu chứng thường gặp của chứng xơ nang, bệnh bụi phổi và áp xe phổi.

Đau rát họng kèm đờm màu trắng

Một số vấn đề sức khỏe gây đau rát họng kèm đờm trắng:

  • Cảm lạnh: Cảm lạnh thông thường có thể khiến bạn cảm thấy rát họng, hắt hơi, ho, khạc ra đờm trong suốt hoặc trắng đục.
  • Viêm phế quản do virus: Đờm trắng có thể chuyền dần thành màu vàng và xanh lá cây nếu bệnh tiến triển nặng.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD): Xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, khiến bạn cảm thấy đau họng, ợ nóng, ho hoặc khạc ra đờm trắng, đặc.

Đau rát họng kèm đờm màu đỏ hoặc hồng

Đau rát họng đờm có máu, đờm màu đỏ hoặc hồng có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:

  • Viêm phổi: Ho ra đờm có màu đỏ hay hồng, kèm theo ớn lạnh, sốt và tức ngực.
  • Bệnh lao họng: Vi khuẩn gây bệnh lao có thể lây từ người này sang người khác trong khoảng cách gần. Các triệu chứng chính bao gồm sốt, ho hơn 3 tuần, ho ra máu và đờm màu đỏ…
  • Ung thư phổi: Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng hô hấp, bao gồm ho ra đờm màu đỏ hoặc thậm chí có lẫn máu.
  • Ung thư vòm họng: Bệnh này thường khó phát hiện do các triệu chứng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý mũi họng thông thường. Khạc đờm có máu xuất phát từ khối u vòm họng phát triển.

Đau rát họng kèm đờm màu đen

Ho ra đờm màu đen thường hiếm gặp. Thường là do bạn đã hít một lượng lớn bụi màu đen, như bụi than hoặc do nhiễm nấm.

Đau rát họng có đờm nguy hiểm không?

Tùy vào mức độ triệu chứng và những nguyên nhân nêu trên, có thể đánh giá được sự nguy hiểm của đau rát cổ họng có đờm.

Đối với các nguyên nhân thông thường, như bệnh viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi dị ứng… các triệu chứng khó chịu sẽ thuyên giảm và dần biến mất nếu điều trị, chăm sóc đúng cách. Ngược lại, căn nguyên do viêm phổi hay ung thư và các vấn đề sức khỏe khác cần phải thực sự lưu ý.

XEM NGAY: 9 cách trị đau họng tại nhà – Giảm đau, hết rát cổ cực hiệu quả 

Đau rát họng có đờm rất thường gặp trong cuộc sống
Đau rát họng có đờm rất thường gặp trong cuộc sống

Nếu đờm của bạn trong suốt, có màu vàng hoặc màu xanh lá cây, bạn không cần quá lo lắng. Bạn có thể điều trị tại nhà hoặc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn cũng nên theo dõi các triệu chứng khác để xem bệnh tiến triển như thế nào.

Nếu bạn thấy đau họng, ho ra đờm có màu đỏ, nâu hoặc đen, nên đi khám ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ thực hiện những xét nghiệm cần thiết để xác định mức độ nguy hiểm của triệu chứng đau rát cổ họng có đờm.

Nên lưu tâm tới tình trạng đau rát cổ họng có đờm khi mang thai. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu thường mắc phải tình trạng này do sức đề kháng của cơ thể giảm và những thay đổi đột ngột trong cơ thể. Việc tăng tiết màng nhầy khiến bà bầu bị nghẹt mũi, gây ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm, sốt và đau đầu. Lúc này, bà bầu nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị đúng đắn.

Cách chữa đau rát họng có đờm

Tùy vào nguyên nhân mà bệnh nhân sẽ có được phương pháp điều trị thích hợp.

Mẹo chữa đau rát họng có đờm tại nhà

Đau rát họng và có đờm không hiếm gặp trong cuộc sống. Không phải lúc nào bạn cũng cần phải dùng thuốc hay điều trị y tế. Các phương pháp khắc phục tại nhà cũng có thể mang lại nhiều lợi ích khả quan.

Một số mẹo chữa đau rát họng có đờm dễ dàng thực hiện tại nhà:

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Giữ không khí ẩm có thể giúp làm loãng đờm và loại bỏ đờm dễ dàng hơn.
  • Súc miệng bằng nước muối: Hòa tan 1/2 thìa cà phê muối với 1 cốc nước lọc để súc miệng. Có thể pha thêm 1/4 thìa cà phê baking soda để tăng thêm công hiệu. Phương pháp đơn giản này nên thực hiện 2 lần mỗi ngày.
  • Sử dụng tinh dầu khuynh diệp: Loại tinh dầu này giúp nới lỏng chất nhầy trong ngực, thông mũi và diệt khuẩn mạnh mẽ. Bạn có thể khuếch tán vài giọt tinh dầu này vào không khí hoặc hít trực tiếp từ lọ đựng.
  • Giữ nước cho cơ thể: Ngoài nước lọc, bạn nên uống thêm trà thảo dược, nước canh, nước soup… để làm loãng đờm.
  • Chanh đào mật ong: Đây là bài thuốc dân gian cực kỳ thông dụng. Nó giúp trị ho và giảm đau họng hiệu quả.
  • Thảo dược: Một số bằng chứng khoa học tin cậy đã chứng minh rằng dùng thực phẩm hoặc đồ uống có chứa chanh, gừng, tỏi, cam thảo, ớt cay… có thể giúp trị cảm lạnh, ho và chất nhầy dư thừa.
  • Giấm táo: Pha loãng 15 – 30ml giấm táo với nước lọc để súc miệng, 2 lần mỗi ngày có thể giúp giảm đau họng nhanh chóng.

ĐỌC NGAY: Cẩn trọng với viêm họng khạc đờm ra máu – Dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm

Các bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian có hiệu quả điều trị đau rát họng có đờm hiệu quả
Các bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian có hiệu quả điều trị đau rát họng có đờm hiệu quả

Đau rát họng có đờm uống thuốc gì?

Các loại thuốc kê đơn

Nếu đau rát họng và có đờm là do nhiễm trùng, bạn có thể cần phải dùng thuốc để điều trị. Có những loại thuốc đặc hiệu có thể làm loãng chất nhầy hiệu quả.

  • Khí dung dung dịch muối ưu trương: Giúp loãng đờm, kích ho để khạc đờm ra ngoài. Tuy nhiên, có thể gây ra một số tác dụng phụ, như tức ngực, ho tăng.
  • Thuốc kháng sinh: Bác sĩ thường chỉ định thuốc Amoxicillin, Cephalexin, Clarithromycin… để điều trị đau rát họng. Cần tuân theo đúng hướng dẫn sử dụng của bác sĩ để tránh tác dụng phụ và tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Nên nhớ rằng thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các bệnh gây ra bởi virus.

Các loại thuốc không kê đơn

Các thuốc không kê đơn cũng mang lại nhiều hiệu quả trong giảm triệu chứng đau họng và có đờm.

  • Thuốc thông mũi: Giúp giảm dịch nhầy trong mũi. Tuy dịch nhầy từ mũi không được coi là đờm, nhưng nó có thể dẫn đến tác nghẽn, tạo đờm. Bạn có thể tìm mua thuốc thông mũi ở dạng viên nén, viên nang, siro, dung dịch, dạng xịt hoặc bột…
  • Thuốc long đờm: Thuốc Ambroxol, Acetylcystein hoặc Bromhexin … có thể giúp làm đờm loãng ra, khiến khạc đờm dễ hơn.
  • Thuốc giảm ho: Phổ biến nhất là thuốc chứa Codein, giúp ức chế trung tâm gây ho, từ đó giảm ho.
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen (Paracetamol) thường được dùng để hạ sốt và giảm đau mức độ nhẹ.
  • Dầu bôi ấm ngực: Một số loại dầu chứa các thành phần như tinh dầu khuynh diệp, giúp giảm ho và loại bỏ dịch nhầy. Bạn có thể bôi dầu ấm ngực lên cổ hoặc ngực. Nên thận trọng khi dùng dầu bôi cho trẻ nhỏ.

ĐỪNG BỎ LỠ: [ĐIỂM DANH] Các loại thuốc trị viêm họng tốt nhất 

Các điều trị y tế khác

Đối với viêm amidan nặng, không đáp ứng với thuốc, bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên thực hiện cắt bỏ amidan.

Đối với ung thư vòm họng, bệnh nhân cần được phẫu thuật loại bỏ khối u ác tính ở vòm họng hoặc xạ trị.

Điều trị đau rát họng có đờm theo Đông y

Đông y điều trị đau rát họng có đờm dựa trên nguyên lý cân bằng âm dương, tác động vào căn nguyên gây bệnh. Một khi âm dương cân bằng, sức đề kháng của người bệnh cũng sẽ cải thiện, đẩy lui bệnh tật và hạn chế tái phát.

Một số bài thuốc Đông y trị đau họng, viêm họng, ho có đờm… có thể kể tới như:

  • Bài thuốc Dưỡng âm thanh phế thang gia giảm: Bao gồm các vị thuốc mạch môn, sinh địa, huyền sâm, bạch thược, đan bì, cam thảo, sinh thạch cao, tang diệp, tượng bối… Ngày dùng 1 thang sắc nước chia 2 lần uống để dưỡng âm thanh phế, lương huyết giải độc, thanh yết.
  • Bài thuốc Sinh mạch ẩm gia vị: Bao gồm các vị thuốc thái tử sâm, mạch môn, ngũ vị tử, thạch hộc, ngọc trúc, trúc nhự, thuyền thoái, cương tàm… Ngày dùng 1 thang sắc nước chia 2 lần uống để giảm đau họng, loại bỏ cảm giác vướng họng.
  • Kha tử: Đây là vị thuốc hàng đầu trong trị viêm họng, đau họng, khản tiếng, giúp tiêu đờm. Bạn chỉ đập dập kha tử, ngậm, nuốt nước từ từ và nhai bã kha tử. Hoặc, dùng 4 quả kha tử, 10gr cát cánh, 6gr cam thảo để sắc lấy nước uống. Uống 1 lần mỗi ngày, trong 10 ngày. Bài thuốc có tác dụng khai âm, lợi hầu, chỉ khái và tuyên phế.

Tuy ít khi gây ra tác dụng phụ không mong muốn, nhưng điều trị bệnh Đông y đòi hỏi sự kiên trì và cẩn trọng. Bởi vậy, nên thăm khám tại các cơ sở, phòng khám Đông y uy tín để được tư vấn, điều trị tốt nhất.

Phòng tránh đau rát họng có đờm

Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh đau rát họng có đờm bằng những thay đổi nhỏ trong lối sống sau đây:

  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.
  • Thực phẩm lành mạnh: Tăng cường ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin C, kẽm, omega-3…
  • Tránh thực phẩm kém lành mạnh: Đồ uống có cồn, caffeien, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…
  • Thực phẩm chức năng: Nên bổ sung thêm kẽm, các chất chống oxy hóa, chế phẩm probitotic hoặc ImmuneGamma để tăng cường miễn dịch.
  • Tránh các chất gây dị ứng: Phấn hoa, bụi bẩn, khói thuốc lá, lông vật nuôi… Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài trời.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ: Điều này giúp loại bỏ những chất có thể gây dị ứng và những mầm bệnh gây nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Giữ gìn cổ giọng: Hạn chế la hét, nói nhiều, uống nước lạnh. Nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ và ngực mỗi khi thời tiết chuyển lạnh.
  • Tập thể dục đều đặn: Bạn chỉ cần đi bộ hoặc chạy bộ 20 – 30 phút mỗi ngày, tập yoga, đạp xe, bơi lội… để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Vệ sinh mũi họng sạch sẽ: Súc miệng và rửa mũi bằng nước muối là giải pháp phòng tránh bệnh đường hô hấp đơn giản và rẻ tiền nhất.
Nên vệ sinh mũi và miệng mỗi ngày để phòng tránh các bệnh đường hô hấp
Nên vệ sinh mũi và miệng mỗi ngày để phòng tránh các bệnh đường hô hấp

Khi bị đau rát cổ họng có đờm, đặc biệt nếu triệu chứng kéo dài và liên tục tái phát, bạn nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và tư vấn điều trị đúng hướng. Với những trường hợp bị ung thư vòm họng hoặc ung thư phổi, việc phát hiện và chẩn đoán ung thư sớm sẽ giúp quá trình điều trị đạt được kết quả khả quan hơn.

5/5 - (4 bình chọn)

Vậy đâu là cách chữa viêm họng, viêm amidan hiệu quả nhất hiện nay giúp mọi người thoát khỏi căn bệnh khó chịu này? Câu trả lời được tiết lộ trong chương trình “Khỏe thật đơn giản: Bệnh viêm họng hạt” – VTV2

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *