Thuốc Omeprazol: Công dụng, cách dùng và tác dụng phụ
Nội dung bài viết
Thuốc Omeprazol có tên gọi khác là Omeprazole, thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa. Nhờ chứa thành phần chính là Omeprazole, thuốc có tác dụng ức chế hoạt động tiết dịch vị do bị tác nhân kích thích. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương. Vì thế Omeprazol thường được dùng trong điều trị viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng, viêm thực quản và hội chứng Zollinger-Ellison.
Thông tin cơ bản về thuốc Omeprazol
- Nhóm thuốc: Thuốc đường tiêu hóa
- Tên biệt dược: Bicasan, Drivo, Abacid
- Tên gọi khác: Omeprazole
1. Dạng bào chế
Thuốc Omeprazol được bào chế thành những dạng sau:
- Viên nang cứng
- Viên nén
- Viên nén bao phim
- Bột pha dung dịch tiêm
- Thuốc bột sống khô pha tiêm.
2. Thành phần
- Omeprazole
- Tá dược.
3. Tác dụng của thuốc Omeprazol
Thuốc Omeprazol tác dụng đối với giai đoạn cuối của quá trình tiết acid. Bệnh nhân sử dụng liều duy nhất Omeprazol 20mg/ lần/ ngày sẽ khiến hoạt động tiết dịch vị bị ức chế. Tác dụng này phát huy ở những trường hợp tiết dịch vị do bị kích thích bởi bất kỳ tác nhân nào.
Theo kết quả nghiên cứu, Omeprazol không phát huy tác dụng đối với histamin hoặc trên những thụ thể acetylcholin và hoàn toàn không có những lợi ích cụ thể hay tác dụng dược động học nào khác ngoại trừ hoạt động tiết acid.
Omeprazol phát huy tác dụng giảm acid dạ dày trong thời gian dài, nhưng có hồi phục. Sau khi ngưng dùng thuốc khoảng 5 ngày, hoạt động tiết dịch vị dạ dày sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên không có dấu hiệu tăng tiết acid.
Kết quả kiểm tra nội soi cho thấy tỉ lệ hình thành các vết sẹo của tình trạng loét tá tràng đạt 65% sau điều trị 2 tuần và 95% sau điều trị 4 tuần.
4. Chỉ định
Thuốc Omeprazol được bác sĩ chuyên khoa chỉ định dùng trong điều trị những bệnh lý sau:
- Viêm loét tá tràng tiến triển
- Viêm loét dạ dày tiến triển
- Hội chứng Zollinger-Ellison
- Viêm thực quản do quá trình hồi lưu dạ dày – thực quản.
5. Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc Omeprazol ở những bệnh nhân bị mẫn cảm với Omeprazole.
6. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Omeprazol
Cách sử dụng và liều dùng thuốc Omeprazol phụ thuộc vào dạng bào chế, dạng bệnh, nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Viên uống
Liều dùng thuốc đối với trường hợp loét tá tràng tiến triển
- Liều khuyến cáo: Uống 1 viên nang 20mg/ lần/ ngày. Sử dụng thuốc kéo dài từ 2 – 4 tuần.
Liều dùng thuốc đối với trường hợp loét dạ dày tiến triển
- Liều khuyến cáo: Uống 1 viên nang 20mg/ lần/ ngày. Sử dụng thuốc kéo dài từ 4 – 8 tuần.
Liều dùng thuốc đối với trường hợp mắc hội chứng Zollinger-Ellison
- Liều ban đầu: Uống 60mg/ lần/ ngày. Thời gian dùng thuốc và liều dùng thuốc điều chỉnh theo khả năng đáp ứng của mỗi bệnh nhân (liều dùng), yêu cầu lâm sàng (thời gian dùng). Trong trường hợp bệnh nhân cần sử dụng liều 80mg/ ngày hoặc hơn, liều dùng thuốc phải được chia ra và sử dụng 2 lần mỗi ngày.
Liều dùng thuốc đối với trường hợp viêm thực quản do quá trình hồi lưu dạ dày – thực quản
- Liều khuyến cáo: Uống 1 viên nang 20mg/ lần/ ngày. Sử dụng thuốc kéo dài trong 4 tuần. Một đợt điều trị thứ 2 có khả năng được bác sĩ chuyên khoa chỉ định trong 4 tuần lễ dựa trên kết quả nội soi, liều dùng thuốc tương tự.
Thuốc tiêm
- Sử dụng thuốc tiêm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
- Trước khi sử dụng thuốc tiêm cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
7. Bảo quản
Thuốc Omeprazol cần được bảo quản với nhiệt độ trong phòng.
8. Giá bán
Thuốc Omeprazol lọ 14 viên 20mg được bán với giá 40.000 VNĐ/ hộp 1 lọ (giá tham khảo)
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Omeprazol
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Omeprazol bao gồm cả tác dụng phụ, xử lý quá liều và thận trọng lúc dùng
1. Thận trọng khi dùng thuốc Omeprazol
Trước khi sử dụng thuốc Omeprazol điều trị những bệnh lý liên quan dến dạ dày, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Tương tự như những loại thuốc kháng tiết dịch vị khác, thành phần trong thuốc Omeprazol có khả năng kích thích hoạt động của vi khuẩn, đồng thời khiến các loại vi khuẩn trong dạ dày sinh sôi một cách dễ dàng do tính acid và sự giảm dung tích của dịch vị.
- Không nên sử dụng Omeprazol điều trị dài ngày đối với những vết loét dạ dày hoặc loét tá tràng, điều trị dự phòng tái phát những vết loét hay điều trị viêm thực quản hồi lưu. Nguyên nhân là do các nghiên cứu vẫn chưa thể xác minh lợi ích từ việc lợi ích từ việc dùng thuốc dài ngày đối với những trường hợp này. Hơn thế, nhiều nghiên cứu liên quan đến độc tính đã được thực hiện trên súc vật. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhưng u bướu dạ dày được xếp vào loại ung thư đã được tìm thấy trong cơ thể của một loại vật khi sử dụng thuốc Omeprazol trong thời gian dài với liều cao.
- Trước khi tiến hành điều trị với Omeprazol, người bệnh cần kiểm tra tình trạng và mức độ nghiêm trọng của vết loét dạ dày.
- Những bệnh nhân đang chữa bệnh với phenytoin (giảm liều lượng nếu cần), diazepam, các kháng vitamin K (phải giảm liều lượng, nếu không sử dụng đồng thời với warfarin), theophyllin cần phải được giám sát đặc biệt.
- Thiểu năng gan: Tuy quá trình bài thải diễn ra chậm hơn nhưng không phát sinh hiện tượng tích lũy các chất chuyển hóa hoặc hoạt chất omeprazole do cách sử dụng thuốc.
- Thiểu năng thận: Kết quả nghiên cứu cho thấy không xảy ra sự thay đổi đáng kể về sinh khả dụng.
- Người cao tuổi: Không cần điều chỉ liều dùng thuốc đối với người cao tuổi.
- Trẻ em: Tinh dung nạp cùng với công hiệu của thuốc chưa được nghiên cứu.
- Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú: Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Omeprazol cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên tốt nhất phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và tất cả những tháng khác trong thời kỳ thai nghén không nên sử dụng thuốc. Thuốc chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết.
2. Tác dụng phụ của thuốc Omeprazol
Nhìn chung thuốc Omeprazol dung nạp tốt, ít khi gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có khả năng mắc phải một số tác dụng phụ trong thời gian sử dụng thuốc. Điển hình như đầy hơi, nhức đầu và táo bón. Thỉnh thoảng người bệnh có thể nổi ban da nhưng thường nhẹ và nhanh chóng hết.
3. Quá liều và cách xử lý
Những liều uống duy nhất Omeprazol đã được dung nạp tốt kể cả khi cao đến 160mg. Trong trường hợp sử dụng thuốc quá liều, bệnh nhân sẽ được yểm trợ và điều trị triệu chứng.
4. Tương tác thuốc
Omeprazol tương tác với các loại thuốc điều trị sau:
- Phenytoin, Diazepam và Warfarin: Thành phần Omeprazole của thuốc Omeprazol có khả năng làm chậm quá trình bài thải của Phenytoin, Diazepam và Warfarin (là những thành phần bị chuyển hóa do quá trình oxy hóa ở gan. Chính vì thế những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị với các thuốc phenytoin, diazepam và warfarin mà sử dụng Omeprazol cần được giám sát chặt chẽ và giảm liều dùng, đặc biệt là phenytoin.
- Các thuốc chẹn bêta: Kết quả nghiên cứu cho thấy không tồn tại tác dụng tương tác giữa Omeprazole và Propranolol.
- Những chất bị chuyển hóa bởi vấn đề liên quan đến trung gian các hệ thống enzym cytochrom P450: Những bệnh nhân đang trong quá trình chữa bệnh với Omeprazol cần được giám sát đặc biệt khi dùng với những chất bị chuyển hóa dưới tác động của enzym cytochrom P450. Nguyên nhân là do phản ứng tương tác thuốc giữa chất bị chuyển hóa với thành phần omeprazole chưa được nghiên cứu.
- Những thành phần tác dụng cục bộ lên dạ dày ruột: Nên chỉ định Aluminium hydroxid, Magnesi hydroxid và những thành phần tác dụng cục bộ lên dạ dày ruột khác xa khoảng 2 giờ đồng hồ đối với hoạt chất Omeprazole.
Bài viết là thông tin cơ bản về thuốc Omeprazol cùng với công dụng, chỉ định, cách dùng, liều lượng và các tác dụng phụ. Loại thuốc này có khả năng kiểm soát tốt hoạt động tiết dịch vị do bị tác nhân kích thích. Tuy nhiên khi dùng liều cao hoặc dùng dài ngày, thuốc có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn. Vì thế người bệnh cần dùng Omeprazol đúng cách và đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!