Bệnh Trĩ Khi Nào Cần Phẫu Thuật? Phương Pháp Cắt Trĩ 2021

Phẫu thuật được cân nhắc khi bệnh trĩ chuyển sang các giai đoạn nặng, đã xuất hiện biến chứng hoặc đi kèm với các bệnh lý trực tràng – hậu môn khác. Tùy thuộc vào phân loại trĩ, giai đoạn phát triển và khả năng tài chính, bác sĩ có thể chỉ định cắt trĩ bằng phương pháp Milligan Morgan, Whitehead, cắt trĩ bằng tia laser, phương pháp Ferguson, Longo,…

bệnh trĩ khi nào cần phẫu thuật
Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại khi nào cần phẫu thuật?

Bệnh trĩ khi nào cần phẫu thuật?

Bệnh trĩ (lòi dom) là một trong những bệnh lý trực tràng – hậu môn phổ biến nhất, ảnh hưởng chủ yếu đến người trong độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Bệnh xảy ra khi tĩnh mạch hậu môn chịu áp lực lớn trong thời gian dài, dẫn đến hiện tượng suy yếu, phình giãn, ứ huyết và tạo thành cấu trúc dạng búi.

Bệnh trĩ là bệnh lý tương đối lành tính, chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiếm khi đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Chính vì vậy, điều trị y tế chỉ được thực hiện đối với những trường hợp phát sinh triệu chứng lâm sàng.

Ở giai đoạn nhẹ, bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn thông qua thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và can thiệp thủ thuật xâm lấn. Tuy nhiên khi bước sang giai đoạn nặng, cần cân nhắc phẫu thuật cắt trĩ nhằm cải thiện triệu chứng, bảo tồn chức năng cơ vòng hậu môn, phòng ngừa biến chứng và điều trị bệnh dứt điểm.

bệnh trĩ nội khi nào cần phẫu thuật
Phẫu thuật thường được cân nhắc đối với bệnh trĩ nặng hoặc các trường hợp đã phát sinh biến chứng

Phẫu thuật điều trị bệnh trĩ được cân nhắc trong những trường hợp sau:

  • Đối với trĩ ngoại, chỉ can thiệp ngoại khoa khi xuất hiện các biến chứng như mẫu da thừa và hình thành huyết khối (trĩ ngoại tắc mạch).
  • Đối với trĩ nội, phẫu thuật được chỉ định trong giai đoạn 4 và một số trường hợp giai đoạn 3 có kích thước búi trĩ lớn, sa búi trĩ lâu ngày và đã xuất hiện biến chứng
  • Xuất hiện trĩ vòng (các búi trĩ thứ phát kết hợp với búi trĩ tiên phát tạo thành búi trĩ lớn, sa ra bên ngoài kết hợp với sa mô lót trực tràng)
  • Các triệu chứng của bệnh trĩ nội độ 2, 3 và độ 4 (sưng nóng, ngứa ngáy, khó chịu,…) có mức độ nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống
  • Bệnh trĩ đi kèm với các bệnh lý trực tràng – hậu môn khác như rò hậu môn, nứt kẽ hậu môn, viêm quanh hậu môn, polyp trực tràng,…
  • Chảy máu khi đi tiêu kéo dài gây thiếu máu cấp tính hoặc mãn tính
  • Búi trĩ sa bị nhiễm trùng, hoại tử
  • Cơ thắt hậu môn suy yếu hoặc rối loạn do sa búi trĩ kéo dài

Ngoài ra, phẫu thuật cắt trĩ cũng được áp dụng trong một số trường hợp khác không được đề cập trong bài viết.

Các phương pháp cắt trĩ phổ biến nhất hiện nay

Hiện nay, phẫu thuật cắt trĩ có khá nhiều phương pháp. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về các phương pháp cắt trĩ phổ biến:

1. Phương pháp Milligan Morgan

Milligan Morgan là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phổ biến trong điều trị bệnh trĩ. Phẫu thuật này được thực hiện nhằm cắt đơn lẻ từng búi trĩ tiên phát, sau đó khâu nối các lớp niêm mạc ở giữa các búi trĩ lại với nhau nhằm giảm mức độ tổn thương bề mặt ống hậu môn và cải thiện tính thẩm mỹ.

Bệnh nhân sẽ được đặt ở tư thế sản khoa, sau đó bác sĩ bắt đầu bóc tách các búi trĩ ở vị trí 3h, 8h và 11h bắt đầu từ mép hậu môn đến các trục động mạch. Trước khi cắt, bác sĩ sẽ tiến hành khâu chỉ ở gốc trĩ và thắt gốc nhằm giảm lưu lượng máu và tiến hành cắt bỏ búi trĩ dưới nút thắt. Sau đó cố định nút thắt ở gốc búi trĩ vào cơ thắt hậu môn nhằm hạn chế tình trạng hẹp hậu môn.

Phương pháp Milligan Morgan được áp dụng phổ biến ở nước ta với tỷ lệ tái phát tương đối thấp (khoảng 1 – 5%). Tuy nhiên do để ngỏ vết mổ nên nếu không chăm sóc tốt, vết mổ có thể bị nhiễm trùng, hình thành sẹo và chảy máu kéo dài.

2. Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo

Cắt trĩ bằng phương pháp Longo được ứng dụng vào năm 1993 và hiện nay được áp dụng khá rộng rãi trong điều trị bệnh trĩ (trĩ nội độ 2, 3, 4 và trĩ hỗn hợp). Phương pháp này được ưa chuộng với ưu điểm ít gây đau, thời gian phẫu thuật nhanh, tính thẩm mỹ cao và tỷ lệ tái phát tương đối thấp (khoảng 2.5%).

bệnh trĩ có cần phẫu thuật không
Phương pháp Longo có thời gian thực hiện khá nhanh, ít gây đau và tỷ lệ tái phát tương đối thấp

Phương pháp Longo được thực hiện bằng cách sử dụng máy khâu tạo thành những đường khâu vòng trên đường lược có chiều dài dao động từ 3 – 4cm với mục đích là giảm lưu lượng máu tuần hoàn vào búi trĩ. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ 1 phần búi trĩ cùng với khoanh niêm mạc trực tràng sa ra bên ngoài (khoảng 4 – 4.5cm) và tiếp tục khâu nối với niêm mạc nằm trên đường lược 2 – 3cm nhằm đưa niêm mạc trở về vị trí ban đầu.

Phương pháp Longo không làm tổn thương niêm mạc vùng lược nên có thể giảm tỷ lệ hẹp hậu môn sau khi phẫu thuật. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, phương pháp này vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như hẹp hậu môn vẫn xảy ra ở một số ít trường hợp và chảy máu kéo dài.

3. Phẫu thuật Whitehead

Cắt trĩ bằng phẫu thuật Whitehead được công bố vào năm 1882 và được ứng dụng tương đối phổ biến. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách rạch đường dọc theo trục hậu môn nhằm chia trĩ vòng thành 4 phần. Sau đó sử dụng kìm kẹp giữ từng phần. Tiến hành dùng kéo phẫu tích tạo thành 4 vạt hình chữ nhật hoặc hình vuông bắt đầu từ mép hậu môn đến đỉnh của các búi trĩ. Sau đó tiến hành cắt niêm mặc phía trên để lấy cả mô lót da và búi trĩ, cuối cùng kéo phần niêm mạc ở trên xuống mép hậu môn và khâu lại.

Mặc dù giúp loại bỏ búi trĩ hoàn toàn nhưng phương pháp này gây đau đớn trong thời gian phẫu thuật và giai đoạn hậu phẫu. Đồng thời có thể gây ra một số biến chứng như hẹp lỗ hậu môn, rò hậu môn, đại tiện mất tự chủ và có nguy cơ tái phát bệnh.

4. Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Ferguson

Ferguson là phương pháp cải thiện từ kỹ thuật Milligan Morgan. Phương pháp này được thực hiện bằng cách thắt gốc, sau đó cắt búi trĩ và khâu kín lại các vết mổ. Vì không để ngỏ như phương pháp Milligan Morgan nên kỹ thuật Ferguson có thể làm giảm nguy cơ hình thành sẹo và viêm nhiễm.

Có nên cắt trĩ không
Ferguson là phương pháp cải thiện từ kỹ thuật Milligan Morgan

Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Ferguson được chỉ định đối với trĩ độ 3, độ 4 và sa trĩ tắc mạch. Ngoài ra, phương pháp này cũng được cân nhắc khi điều trị bằng các phương pháp khác thất bại hoặc bệnh đi kèm với các bệnh lý hậu môn khác (rò hậu môn, nứt kẽ hậu môn,…).

5. Phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ

Phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler-THD. Dựa vào kỹ thuật siêu âm, bác sĩ có thể xác định động mạch trĩ, sau đó tiến hành thắt gốc trên đường lược và cố định mũi khâu ở đầu cao trên ống hậu môn. Thủ thuật này giúp giảm lưu lượng máu khiến búi trĩ teo nhỏ và rụng do thiếu nguồn máu nuôi dưỡng.

Phương pháp khâu triệt mạch trĩ là kỹ thuật ít xâm lấn, hầu như không gây đau trong quá trình thực hiện và có thể xuất viện trong ngày. Vì có mức độ xâm lấn thấp nên phương pháp này có thời gian hồi phục nhanh và ít phát sinh biến chứng.

Phương pháp khâu triệt mạch trĩ thường được chỉ định đối với sa niêm mạc trực tràng độ 2 và độ 3. Với các nhiều ưu điểm vượt trội, phương pháp này hiện nay đang dần được thay thế các kỹ thuật cắt bỏ búi trĩ trực tiếp.

6. Phương pháp cắt trĩ bằng laser

Phương pháp cắt trĩ bằng laser sử dụng nhiều loại tia laser như laser ND, laser CO2, laser diod 980nm… nhằm cắt bỏ búi trĩ. So với việc cắt trĩ bằng dao, phương pháp này tận dụng tia laser nên ít gây chảy máu, mức độ xâm lấn thấp, giảm đau đớn và rút ngắn thời gian phục hồi.

Hiện nay, phương pháp cắt trĩ bằng tia laser được chỉ định điều trị bệnh ở cấp độ 2, 3 và 4. Qua thực nghiệm lâm sàng cho thấy, tỷ lệ thành công của phương pháp này lên đến 97.6%, nguy cơ phát sinh biến chứng và tái phát thấp.

Có nên cắt trĩ không
Phương pháp cắt trĩ bằng tia laser được chỉ định điều trị ở cấp độ 2, 3 và 4

Đối với các búi trĩ nội lớn, bác sĩ sẽ dùng tia laser có cường độ lớn để cắt bỏ. Trong khi đó với những búi trĩ nhỏ, bác sĩ thường sử dụng chế độ laser bốc hơi để giảm các can thiệp không cần thiết. Đối với trĩ ngoại nằm dưới da vùng hậu môn, cần sử dụng chùm tia cắt laser để cắt toàn bộ búi trĩ. Vết cắt bằng tia laser có kích thước nhỏ, thời gian phục hồi nhanh, ít gây đau và chỉ hình thành vết sẹo nhỏ

7. Phẫu thuật cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT

Phẫu thuật cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT là một trong những kỹ thuật cắt trĩ hiện đại nhất hiện nay. Phương pháp này sử dụng điện từ tần cao ở nhiệt độ 70 – 80 độ C nhằm làm đông mạch máu trong búi trĩ khiến búi trĩ bị thắt nút và không có máu nuôi dưỡng. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành cắt búi trĩ tận gốc.

Phẫu thuật cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT ít gây đau trong quá trình thực hiện, thời gian phục hồi nhanh và có tỷ lệ tái phát khá thấp. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí tương đối cao nên một số bệnh nhân không có khả năng chi phí.

8. Cắt trĩ bằng phương pháp PPH

Cắt trĩ bằng phương pháp PPH là một trong những kỹ thuật ngoại khoa hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay. Phương pháp này sử dụng máy khâu nối tự động HYG-34 nhằm cắt tận gốc mạch của búi trĩ nằm phía trên đường lược. Đồng thời tạo hình hậu môn ở phía ngoài để cải thiện yếu tố thẩm mỹ và hạn chế biến chứng hẹp hậu môn.

Bệnh trĩ khi nào cần phẫu thuật
Cắt trĩ bằng phương pháp PPH là một trong những kỹ thuật ngoại khoa hiện đại nhất hiện nay

Tương tự phẫu thuật cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT, phương pháp PPH có thời gian phục hồi, ít gây đau đớn trong quá trình thực hiện, tính thẩm mỹ cao, tỷ lệ tái phát thấp, ít gây tổn hại đến cơ vòng hậu môn nhưng có chi phí khá cao.

Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật cắt trĩ còn có một số kỹ thuật khác như phẫu thuật cắt trĩ dưới niêm mạc, phẫu thuật cắt toàn bộ trĩ vòng bằng dụng cụ tự tạo,…

Phẫu thuật điều trị bệnh trĩ có nguy hiểm không?

Phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn búi trĩ ở ống trực tràng – hậu môn, kiểm soát các triệu chứng khó chịu, điều trị bệnh dứt điểm và phòng ngừa các di chứng nghiêm trọng.

Hiện nay, các kỹ thuật ngoại khoa đã được cải tiến với sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại nhằm giảm mức độ xâm lấn, rút ngắn thời gian hồi phục, hạn chế tỷ lệ tái phát và ngăn ngừa biến chứng hậu phẫu. Tuy nhiên trên thực tế, điều trị ngoại khoa luôn đi kèm với các rủi ro và biến chứng tiềm ẩn.

Bệnh trĩ khi nào cần phẫu thuật
Phẫu thuật bệnh trĩ có thể gây rối loạn tiểu tiện, nhiễm trùng, hẹp ống hậu môn và són phân

Một số biến chứng sau khi phẫu thuật cắt trĩ, bao gồm:

  • Chảy máu (thường xảy ra sau khi mổ hoặc xuất hiện thứ phát vào ngày thứ 5 – 10)
  • Nhiễm khuẩn (quanh hậu môn bị sưng nề, ngưng mủ)
  • Rối loạn tiểu tiện kiểu bí tiểu
  • Hẹp hậu môn
  • Hậu môn ướt do niêm mạc trực tràng lộn ra bên ngoài
  • Đau nhức hậu môn
  • Són phân
  • Nứt kẽ hậu môn
  • Hình thành mẫu da thừa
  • Nghẽn mạch phổi, áp xe gan
  • Tái phát trĩ

Để phòng ngừa các biến chứng sau khi mổ trĩ, nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thăm khám và thực hiện. Bên cạnh đó, nên sử dụng thuốc giảm đau, thuốc nhuận tràng và kháng sinh đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời cần giữ sạch vết mổ để hạn chế tình trạng viêm nhiễm.

Điều trị bệnh trĩ bằng phẫu thuật chỉ được cân nhắc khi các biện pháp khác không đem lại hiệu quả như mong đợi. Mặc dù loại bỏ hoàn toàn búi trĩ nhưng can thiệp ngoại khoa luôn đi kèm với rủi ro và biến chứng tiềm ẩn. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ trước khi can thiệp biện pháp này.

Tham khảo thêm: Bệnh trĩ nội độ 3 khi nào cần phẫu thuật? Cách điều trị

5/5 - (7 bình chọn)

Điều trị bệnh trĩ bằng Thăng trĩ Dưỡng huyết thang
Bài thuốc Đông y Thăng trĩ Dưỡng huyết thang tại Trung tâm Thuốc dân tộc có cơ chế tích hợp "4 trong 1" và "tác động kép" đặc biệt. Nhờ vậy giúp loại bỏ triệt để các chứng đau, làm co teo búi trĩ hoàn toàn mà người bệnh không cần phẫu thuật.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *