Nấm Tóc Là Gì? Nguyên Nhân Gây Bệnh, Dấu Hiệu, Điều Trị

Nấm tóc là bệnh lý nhiễm trùng nấm ngoài da, có thể gây bong tróc da, rụng tóc thành mảng, gây viêm và ngứa. Đặc trưng của tình trạng này thường bao gồm dẫn đến các mảng da ngứa, có vảy và hói trên đầu.

Nấm tóc
Nấm tóc là bệnh lý nhiễm trùng có thể gây ngứa ngáy và tăng nguy cơ hói đầu

Nấm tóc là gì?

Nấm tóc là tình trạng nhiễm nấm ở da đầu và các sợi tóc. Đây là một bệnh lý rất dễ lây lan, thường xuất hiện ở tuổi dậy thì và phổ biến ở nam hơn nữ.

Thông thường, nấm tóc xảy ra khi Trichophyton và Microsporum xâm nhập vào da đầu và tóc. Điều này có thể gây rụng tóc thành mảng, kèm theo viêm nhiễm, nổi mụn đỏ, hình thành mủ và gây ngứa da đầu. Nếu không được điều trị phù hợp, nhiễm nấm có thể để lại sẹo tại vị trí nhiễm trùng và gây rụng tóc vĩnh viễn.

Nấm thường xảy ra khi các tế bào da chết, dầu thừa kết hợp với các chất gây ô nhiễm. Do đó, nấm thường xảy ra ở những người vệ sinh da đầu kém hoặc không gội đầu thường xuyên. Ngoài ra, sử dụng các sản phẩm tạo mẫu tóc hoặc các hóa chất khắc nghiệt khác cũng có thể tạo điều kiện cho nấm hoặc khiến các triệu chứng nhiễm nấm trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị lây nhiễm bệnh từ người khác, động vật hoặc môi trường ẩm ướt, chẳng hạn như hồ bơi công cộng. Để giảm nguy cơ nấm tóc, một người nên rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với vật nuôi và vật nuôi khác. Ngoài ra, không sử dụng chung khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân khác. Nếu nghi ngờ nhiễm nấm, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết nấm tóc

Các đặc điểm lâm sàng và triệu chứng nấm phụ thuộc vào loại nấm và tình trạng nghiêm trọng của bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện một số dấu hiệu đặc trưng, chẳng hạn như:

Nấm tóc không gây viêm:

  • Xuất hiện các mảng da đầu tổn thương, có màu xám, đỏ và rụng tóc.
  • Xuất hiện các mảnh vảy do nhỏ có màu đen hoặc giống như vảy da bị bong tróc.
  • Tóc giòn, dễ gãy và dễ kéo ra khỏi da đầu.
  • Ngứa da đầu, xuất hiện gàu và các mảng da hói tại vị trí nhiễm nấm.
nấm tóc là gì
Ngứa da đầu là biểu hiện phổ biến khi nhiễm nấm

Triệu chứng nhiễm nấm bị viêm:

  • Hình thành mụn mủ thành từng mảng hoặc viêm nang lông da đầu. Đây là dấu hiệu nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn kết hợp với các loại nấm gây ra.
  • Hình thành mủ trên da đầu do phản ứng viêm nghiêm trọng khi hệ thống miễn dịch phản ứng với nấm. Tình trạng này có thể dẫn đến các mảng da sẩn phù, nổi ban đỏ, đau đớn kèm theo tình trạng rụng tóc và mụn mủ rải rác. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và có thể gây rụng tóc vĩnh viễn.
  • Nhiễm nấm Favus, là tình trạng hiếm gặp có thể dẫn đến tổn thương xung quanh các nang lông  và tạo thành một mảng da tổn thương lớn.

Bên cạnh đó, nhiễm nấm tóc có thể được biểu hiện lâm sàng thông qua loại nấm gây bệnh, chẳng hạn như:

Nấm da đầu (Tinea capitis):

  • Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, gây viêm nhiễm, hình thành mụn mủ và rụng tóc.
  • Hình thành các mảng da mủ, ướt và ổ áp xe nhỏ và gây rụng tóc. Một số người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện toàn thân, mệt mỏi và sưng hạch. Ngoài ra, tổn thương da đầu có thể dẫn đến sẹo và gây rụng tóc vĩnh viễn.

Nhiễm nấm dermatophytes:

Nấm dermatophytes xâm nhập và tấn công vào tóc với dạng nội sợi, ngoại sợi và favus.

  • Dạng ngoại sợi: Tình trạng này khiến lớp ngoài cùng của sợi tóc bị phá hủy dẫn đến các biểu hiện lâm sàng như bong tróc da, xuất hiện các mảng tóc rụng và viêm da từ nhẹ đến nghiêm trọng.
  • Dạng Favus là dạng nhiễm nấm tóc nghiêm trọng, dẫn đến các mảng da tiết vảy màu vàng và các mảng da chết trên đầu. Nếu không được điều trị, tổn thương có thể trở thành mạn tính, gây sẹo và mất tóc vĩnh viễn.

Nấm tóc Piedra:

Nấm tóc Piedra có hai dạng là nấm Piedra trắng và nấm Piedra đen.

  • Nấm Piedra trắng gây ảnh hưởng đến lớp biểu bì, gây suy yếu thân tóc và dẫn đến gãy tóc. Tình trạng này cũng dẫn đến các nốt mềm, ít dính, có màu trắng hoặc đỏ.
  • Nấm Piedra đen thường được biểu hiện thông qua các nốt màu nâu hoặc đen dọc theo thân tóc. Khi các nốt này phát triển lớn, các nốt này có thể bao bọc quanh tóc như một lớp màn mỏng.

Các triệu chứng nấm tóc có thể phụ thuộc vào loại nấm gây nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể xuất hiện các khối phồng có vảy, mủ. Điều này có thể dẫn đến các sẹo da đầu vĩnh viễn và gây hói đầu.

Nguyên nhân gây bệnh nấm tóc

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây nhiễm nấm, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, nấm tóc xảy ra do sự tác động của các loại nấm như:

nấm tóc có lây không
Nhiễm nấm Dermatophytes là nguyên nhân phổ biến dẫn đến nấm tóc
  • Dermatophytes: Nấm dermatophytes là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nấm tóc. Đây là loại nấm thích những nơi ấm áp và độ ẩm cao, do đó thường phát triển mạnh trên da đồ nhiều mồ hôi. Những người vệ sinh kém và đổ nhiều mồ hôi trên đầu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm hoặc lây lan nấm dermatophytes.
  • Nấm Piedra trắng: Nấm Piedra trắng là loại nấm tương đối hiếm gặp ở thân tóc. Nhiễm nấm Piedra trắng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi ở cả hai giới, tuy nhiên nam giới trẻ tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Nấm tóc là bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là ở trẻ em. Người bệnh có thể bị lây nấm từ việc tiếp xúc tóc với người bệnh hoặc sử dụng các vật dụng nhiễm nấm, chẳng hạn như lược, băng đô.

Vật nuôi trong nhà, chẳng hạn như chó và mèo cũng có thể lây truyền nấm. Bên cạnh đó, các loại động vật như dê, bò, ngựa cũng có thể mang mầm bệnh. Tuy nhiên nhiễm nấm ở động vật thường không có bất cứ dấu hiệu nhận biết cụ thể.

Nấm tóc có nguy hiểm không?

Trong một số trường hợp, nấm tóc có thể dẫn đến một số ảnh hưởng đến da đầu, gây đau đớn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các biến chứng phổ biến thường bao gồm hình thành các nốt phồng mềm trên da, chảy mủ, đóng vảy, gây đau đớn dữ dội. Tình trạng này có thể dẫn đến hình thành sẹo và gây rụng tóc vĩnh viễn.

Do đó, nếu có dấu hiệu nhiễm nấm, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ngoài ra, người bệnh nên đến bệnh viện nếu xuất hiện các triệu chứng như rụng tóc, đóng vảy trên da, ngứa da đầu hoặc các biểu hiện khác.

Chẩn đoán nấm tóc như thế nào?

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nấm tóc thông qua các biểu hiện lâm sàng và các tình trạng khác ảnh hưởng đến da đầu. Bác sĩ cũng có thể sử dụng một loại đèn đặc biệt, được gọi là đèn Wood để chiếu sáng da đầu và xác định các dấu hiệu nhiễm trùng.

Đôi khi bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu tóc hoặc da đầu để kiểm tra ở phòng thí nghiệm. Xét nghiệm nấm tóc có thể cần 1 – 3 tuần để có kết quả chính xác nhất.

Điều trị nấm tóc như thế nào?

Nấm tóc có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm không kê đơn hoặc dầu gội chống nấm. Cụ thể, phụ thuộc vào các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:

1. Thuốc trị nấm

Thuốc điều trị nấm tóc có thể được sử dụng thông qua đường uống để tiêu diệt nấm và ngăn ngừa lây lan. Cụ thể, các loại thường được sử dụng để điều trị nấm bao gồm Griseofulvin, Terbinafine và các loại thuốc theo toa khác.

Griseofulvin là thuốc điều trị nấm tóc phổ biến nhưng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, chẳng hạn như:

  • Khiến da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
  • Buồn nôn và nôn
  • Mệt mỏi
  • Rối loạn tầm nhìn
  • Chóng mặt
  • Phản ứng dị ứng, đặc biệt là ở người dị ứng với penicillin
  • Đau đầu
  • Nổi mề đay
  • Phát ban trên da
nấm tóc và cách điều trị
Bác sĩ có thể kê các loại thuốc chống nấm đường uống để tiêu diệt nấm gây bệnh

Bên cạnh đó, thuốc chống nấm terbinafine cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ như:

  • Đau bụng
  • Ngứa da
  • Phát ban
  • Nổi mề đay
  • Mất vị giác hoặc thay đổi khẩu vị tạm thời
  • Dị ứng da
  • Đau đầu
  • Sốt
  • Có các vấn đề về gan, tuy nhiên tình trạng này thường không phổ biến

2. Dầu gội chống nấm

Bác sĩ có thể đề nghị một số loại dầu gội thuốc để loại bỏ nấm da và ngăn ngừa nhiễm trùng nấm tóc lan rộng. Các loại dầu gội chống nấm thường có chứa thành phần ketoconazole hoặc selen sulfide.

dầu gội trị nấm tóc
Các loại dầu gội chống nấm có thể được chỉ định để ngăn ngừa nấm lan rộng

Dầu gội thuốc có thể ngăn ngừa nấm lây lan nhưng không lây tiêu diệt được nấm gây nấm. Do đó, người bệnh cần kết hợp dầu gội điều trị với các loại thuốc uống trị nấm.

Dầu gội chống nấm có thể cần sử dụng một vài lần trong mỗi tuần trong tháng. Người bệnh có thể cần để dầu gội lên da trong 5 phút trước khi rửa sạch với nước.

Tham khảo thêm: 9 loại dầu gội trị nấm da đầu tốt nhất – Gội là khỏi

Bệnh nấm tóc kéo dài bao lâu?

Thông thường bệnh nấm tóc phục hồi rất chậm. Có thể mất hơn một tháng để nhận thấy hiệu quả của các phương pháp điều trị. Do đó, người bệnh nên kiên nhẫn điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra các triệu chứng sau 4 – 6 tuần để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng đã khỏi hoàn toàn.

Nấm tóc có thể rất khó loại bỏ hoàn toàn, đặc biệt là tình trạng nhiễm trùng lập lại nhiều lần. Bên cạnh đó, nấm tóc rất dễ tái phát và có thể dẫn đến sẹo da đầu hoặc các mảng tóc hói. Do đó, tuân thủ theo hướng dẫn điều trị là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng liên quan.

Trong quá trình điều trị nhiễm nấm, người bệnh có thể cần đưa các thành viên khác trong gia đình và vật nuôi đi khám và điều trị. Điều này có thể ngăn ngừa tái nhiễm nấm tóc trong tương lai. Bên cạnh đó, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân chẳng hạn như khăn tắm, lược, mũ hoặc các vật dụng cá nhân khác trong gia đình.

Các vật dụng cá nhân của người nhiễm nấm tóc cần được làm sạch trong nước ấm hoặc chất khử trùng để tiêu diệt nấm và ngăn ngừa tái nhiễm.

Phòng ngừa bệnh nấm tóc

Các loại nấm ngoài da gây bệnh nấm tóc rất phổ biến và dễ lây lan. Điều này có thể gây khó khăn cho việc phòng ngừa. Tuy nhiên, người bệnh có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh với một số lưu ý, chẳng hạn như:

phòng ngừa nấm tóc
Tắm và đưa thú nuôi đến gặp bác sĩ thú y để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nấm từ động vật
  • Thường xuyên gội đầu để làm sạch da đầu, đặc biệt là sau khi đổ nhiều mồ hôi
  • Rửa tay thường xuyên để tránh nguy cơ lây lan nhiễm trùng
  • Giữ các khu vực sinh hoạt chung sạch sẽ
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp tóc – tóc với người nhiễm nấm tóc hoặc nấm da đầu
  • Tránh tiếp xúc với vật nuôi nhiễm bệnh, tuy nhiên đôi khi vật nuôi có thể không có dấu hiệu và triệu chứng cụ thể nào, do đó đưa thú nuôi đến phòng khám thú y kiểm tra định kỳ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như lược, khăn, quần áo và các đồ dùng bằng vải

Nấm tóc là một bệnh lý phổ biến, thường không nghiêm trọng nhưng khó điều trị dứt điểm. Do đó, người có dấu hiệu nấm tóc hoặc đã tiếp xúc với người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể các biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm: 10+ cách trị nấm da đầu tại nhà hiệu quả – Mẹo dân gian

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *