Nấm Da Đầu Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị

Nấm da đầu là bệnh lý chỉ tình trạng da đầu bị nhiễm nấm dẫn đến nhiều dấu hiệu bất thường như viêm ngứa, nổi gàu, rụng tóc… Bệnh thường xảy ra ở những người có thói quen để đầu ướt đi ngủ hoặc do tuyến bã nhờn trên da đầu hoạt động mạnh. Sử dụng thuốc kháng nấm là phương pháp đang được áp dụng để điều trị nấm da đầu cho hầu hết các ca bệnh.

Nấm da đầu là gì?

Nấm da đầu là tình trạng nhiễm trùng, tổn thương trên da đầu do các loại vi nấm gây ra. Bệnh ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, giới tính và thường khiến da đầu bị ngứa ngáy, nổi gàu. Nghiêm trọng hơn, nấm còn gây suy yếu các nang tóc, khiến cho tóc bị rụng nhiều tạo thành một mảng hói trên đầu.

Nấm da đầu là gì
Nấm da đầu là một dạng nhiễm trùng ngoài da do nấm gây ra

Bệnh nấm da đầu có thể được điều trị khỏi bằng các thuốc kháng nấm. Bệnh nhân nên tiến hành điều trị sớm để ngăn chặn không cho nấm lan rộng và giảm nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm như bội nhiễm, nhiễm trùng máu.

Nguyên nhân gây nấm da đầu

Tình trạng nhiễm trùng nấm trên da đầu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những lý do phổ biến:

1. Lây từ người nhiễm bệnh

Vi nấm gây bệnh có khả năng lây lan rất dễ dàng từ đối tượng bị nhiễm nấm da đầu qua người khỏe mạnh thông qua các con đường như:

  • Sử dụng chung giường, gối, lược chải đầu, mũ hay khăn tắm
  • Tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị bệnh
  • Dùng chung bồn tắm

2. Thói quen gội đầu không đúng cách

Một số người có thói quen gội đầu đêm khuya nhưng không sấy khô trước khi đi ngủ. Trong khi đó, môi trường ẩm ướt lại chính là điều kiện lý tưởng nhất cho nấm sinh sôi mạnh. Chúng phát triển nhanh chóng về số lượng và tấn công vào da đầu dẫn đến kích ứng, viêm nhiễm.

Tương tự, thói quen để tóc ướt khi ra ngoài đường cũng có thể thúc đẩy bệnh nấm da đầu phát triển. Lúc này, tóc và da đầu bạn dễ dạng bám dính nhiều bụi bẩn nên rất dễ phát sinh nấm.

Đặc biệt, bạn cũng có thể bị nấm da đầu vì lý do không ngờ tới chính là gội đầu quá nhiều. Mặc dù việc gội đầu hàng ngày có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhưng nếu tiếp xúc quá nhiều với các thành phần hóa học có trong dầu gội, da đầu có thể bị suy yếu và dễ bị nấm tấn công. Thói quen gội đầu thường xuyên cũng khiến tóc luôn trong tình trạng ẩm ướt và tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh.

3. Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm

Nguồn nước sử dụng tắm gội hàng ngày không đảm bảo vệ sinh có thể mang theo nhiều nấm và vi khuẩn tấn công vào da đầu bạn. Vò vậy nếu bị nhiễm nấm da đầu mà không rõ nguyên nhân, hãy xem xét lại nguồn nước gia đình bạn đang sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

4. Không gian sống ẩm thấp

Những khu vực ẩm thấp trong không gian sống của bạn thường là môi trường sinh trưởng mạnh của nấm và vi khuẩn. Chúng có thể gây nhiễm trùng cho da đầu hoặc nặng hơn là nhiễm nấm toàn thân.

5. Da đầu nhờn, đổ nhiều mồ hôi

Tuyến mồ hôi và bã nhờn trên da đầu hoạt động mạnh khiến cho da đầu luôn trong tình trạng ẩm ướt, nhờn rít, khó chịu. Đây chính là thời cơ tốt cho nấm cùng các tác nhân gây bệnh phát triển khiến bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề như nấm da đầu, nấm tóc hay bệnh á sừng da đầu…

6. Mũ bảo hiểm không sạch sẽ

Hàng ngày mỗi khi ra đường chúng ta đều phải đội mũ bảo hiểm. Chính vì vậy mà phần vải lót bên trong có thể dính nhiều mồ hôi, chất bã nhờn, bụi bẩn. Nếu không được giặt thường xuyên, đây có thể là nơi ẩn chứa nhiều chủng vi khuẩn, vi nấm gây bệnh cho da đầu.

7. Thường xuyên tạo kiểu tóc

Sử dụng hóa chất tạo kiểu tóc thường xuyên, chẳng hạn như thuốc nhuộm tóc, thuốc uốn, duỗi hay thậm chí là gel tạo kiểu tóc đều khiến cho lớp hàng rào bảo vệ da đầu bị tổn thương. Từ đó, vi nấm có thể dễ dàng tấn công vào da đầu và sinh sôi nảy mở mạnh khiến khu vực này bị nhiễm trùng nấm.

8. Nấm da đầu do ảnh hưởng của các bệnh lý

Tình trạng nhiễm trùng nấm trên da đầu còn có thể phát sinh sau khi bạn mắc các bệnh lý khác ở da đầu, chẳng hạn như viêm chân tóc, á sừng da đầu hay vảy nến da đầu. Chúng khiến cho da đầu bị tổn thương, suy yếu nên mới tạo điều kiện cho nấm tấn công.

Triệu chứng bệnh nấm da đầu

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng nấm trên da đầu mà bệnh nhân có thể bắt gặp các triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, hầu hết các trường hợp bị nấm da đầu đều có những dấu hiệu sau:

– Da đầu đổ nhiều dầu:

Khi bị nhiễm nấm, tuyến bã nhờn dưới da đầu bị kích thích nên hoạt động mạnh và tiết ra nhiều dầu nhờn. Điều này khiến cho da đầu thường xuyên trong tình trạng bóng dầu, nhờn rít. Tóc cũng vì thế mà bị bết dính gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, mất tự tin.

– Xuất hiện gàu:

Sự kết hợp giữa dầu nhờn với các tế bào chết trên da đầu sẽ tạo thành các vảy gàu màu trắng. Chúng bám dính nhiều trên da đầu cũng như sợi tóc và có thể rơi rụng xuống cả áo.

dấu hiệu nấm da đầu
Bệnh nấm da đầu gây nổi nhiều gàu

– Ngứa da đầu:

Cảm giác ngứa ngáy khó chịu là không thể tránh khỏi khi một cá nhân bị nấm da đầu. Khi tấn công vào da, nấm tiết ra nhiều chất độc cùng chất thải khiến cho da đầu bị kích ứng, ngứa ngáy dữ dội. Điều này khiến cho người bệnh bứt rứt không yên, mất tập trung khi làm việc và luôn muốn đưa tay lên gãi đầu.

– Nổi mụn trên nền da đỏ

Sự xuất hiện của các nốt mụn nhỏ màu đỏ trên da có thể là dấu hiệu cho thấy da đầu bạn đang bị nhiễm trùng nấm nặng. Khu vực da bị tổn thương xuất hiện các nốt mụn mọc rải rác hoặc tập trung thành cụm.

Khi dùng tay cào gãi mạnh, mụn có thể bị vỡ ra và tiết dịch, đóng vảy. Một số trường hợp bị bội nhiễm gây lở loét, làm mủ trên da đầu.

– Tóc rụng, yếu, dễ gãy

Nấm da đầu thường gây tổn thương cho chân tóc, nang tóc, từ đó khiến cho tóc dễ bị rụng. Số lượng tóc rụng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức độ và diện tích da đầu bị tổn thương, có thể lên đến cả trăm sợi mỗi ngày.

Ngoài ra, bệnh nấm da đầu cũng ảnh hưởng đến quá trình cung cấp chất dinh dưỡng cho tóc phát triển. Chính điều này khiến cho mái tóc càng trở nên khô xơ và dễ bị gãy rụng.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng hiện tượng rụng tóc còn bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác. Bạn cần căn cứ vào các dấu hiệu liên quan để xác định bệnh. Tốt nhất là đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán phân biệt chính xác bệnh.

– Các triệu chứng nấm da đầu khác:

Một số trường hợp có thể gặp các dấu hiệu khác khi bị nấm da đầu, chẳng hạn như:

  • Có cảm giác châm chích trong da đầu
  • Đầu đau nhẹ, thoáng qua do nấm tấn công sâu vào trong làm tổn thương đến các dây thần kinh dưới da.
  • Sốt nhẹ
  • Sưng hạch…

Tác hại của bệnh nấm da đầu

Ở mức độ nhẹ, bệnh nấm da đầu thường không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống cũng như sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy mà nhiều người mang tâm lý chủ quan, không tích cực trong điều trị hoặc chữa trị bệnh chậm trễ khiến cho nấm ngày càng lan rộng và để lại nhiều di chứng nặng nề.

Các tác hại của bệnh nấm da đầu bao gồm:

  • Hói đầu: Khi bị nhiễm nấm nặng, tóc rụng nhiều thành từng mảng và các nang tóc có thể bị tổn thương vĩnh viễn khiến cho tóc không mọc lại được, từ đó gây nguy cơ bị hói đầu rất cao. Cùng với đó, sự xuất hiện của các nốt mụn cùng tình trạng bóng dầu, bết dính của tóc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ cũng như bề ngoài của bạn.
  • Ảnh hưởng tới tâm lý: Vảy gàu cùng những mảng tổn thương trên da đầu rất dễ bị nhìn thấy nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như sự tự tin của người bệnh. Tình trạng nấm da đầu kéo dài thậm chí còn khiến cho bệnh nhân trở nên hoang mang, buồn phiền, ngại giao tiếp, sống khép kín và có thể bị mất ngủ do các cơn ngứa ngáy thường xuyên xuất hiện vào ban đêm.
  • Bội nhiễm: Một số người bị ngứa da đầu tới mức không nhịn được, phải dùng tay cào gãi liên tục để thỏa mãn cơn ngứa. Hành động này không chỉ gây tổn thương, chảy máu trên da đầu mà còn tiếp tay cho vi khuẩn tấn công gây bội nhiễm, lở loét và làm mủ trên da.
  • Nhiễm trùng máu: Khi bị tổn thương sâu, nấm có thể tấn công vào trong máu dẫn đến nhiễm trùng máu, làm suy giảm hệ miễn dịch.

Chẩn đoán bệnh nấm da đầu

Bệnh nấm da đầu được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng biển hiện trên da đầu. Ngoài ra, bác sĩ có thể áp dụng một số kỹ thuật khác để xác định bệnh. Chẳng hạn như:

  • Sinh thiết: Một mẫu tế bào da ở khu vực tổn thương sẽ được đem vào phòng thí nghiệm làm sinh thiết, soi dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy. Phương pháp này cho phép xác định được chủng nấm gây bệnh.
  • Soi đèn Wood: Dưới ánh sáng cực tím được phát ra từ đèn, vùng da bị nhiễm nấm có thể phát quang, thay đổi màu sắc.

Sau khi có kết quả khẳng định chính xác da đầu bị nhiễm nấm, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh

Cách điều trị bệnh nấm da đầu

Bệnh nấm da đầu thường không thể khỏi dứt điểm áp chỉ áp dụng các biện pháp chăm sóc thông thường. Người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc hoặc áp dụng một số phương pháp khác nhằm đảm bảo tiêu diệt sạch nấm và sửa chữa những tổn thương trên da đầu. Dưới đây là các phương pháp chữa nấm da đầu đang được áp dụng:

1. Cách trị nấm da đầu bằng thuốc tây

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị nấm da đầu bao gồm thuốc có tác dụng tại chỗ hoặc thuốc uống có tác dụng toàn thân. Việc lựa chọn loại thuốc nào sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên mức độ nhiễm nấm.

thuốc trị nấm da đầu
Một số loại thuốc bôi kháng nấm được chỉ định để điều trị nấm da đầu

– Thuốc chống nấm tại chỗ

Hầu hết các trường hợp bị nhiễm nấm da đầu đều đáp ứng tốt với các thuốc điều trị tại chỗ không kê đơn. Chúng có thể được bào chế dưới dạng dầu gội đầu, thuốc mỡ hay kem bôi.

Nhiều bằng chứng cho thấy, các thuốc chống nấm thuộc nhóm azoles, chẳng hạn như Fluconazole (Diflucan) cho hiệu quả tốt trong việc khống chế nấm da đầu phát triển. Các thuốc kháng nấm tại chỗ có thể được kết hợp chung với một số loại thuốc điều trị tại chỗ cho tỷ lệ thành công từ 80 – 100% trong việc tiêu diệt nấm gây bệnh, đặc biệt là nấm Candida.

Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi mua dầu gội hay các loại thuốc bôi kháng nấm về sử dụng. Những loại thuốc được lựa chọn thường chứa các thành phần hoạt chất như:

  • Terbinafine
  • Miconazole
  • Ketoconazole
  • Oxiconazole
  • Clotrimazole
  • Naftifine
  • Econazole

Trong trường hợp nhiễm trùng kéo dài không khỏi sau khi đã điều trị bằng các thuốc kháng nấm không kê đơn, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định các loại thuốc mạnh hơn có chứa cortisone hay amphotericin B.

Khi dùng thuốc điều trị tại chỗ, bệnh nhân bị nấm da đầu cần lưu ý:

  • Làm sạch vùng da đầu cần điều trị trước khi thoa thuốc để các hoạt chất chống nấm được hấp thụ tối đa.
  • Bôi thuốc theo đúng hướng dẫn về liều dùng, số lần sử dụng trong ngày
  • Khi thoa thuốc, chỉ lấy lượng vừa đủ thoa một lớp mỏng lên vùng da đầu bị nhiễm nấm. Bôi nhẹ nhàng trong vài phút cho thuốc thẩm thấu vào bên trong. Tránh gội đầu hay đội nón sau khi dùng thuốc.
  • Trường hợp được chỉ định dầu gội chữa nấm da đầu, người bệnh chỉ cần dùng theo đúng hướng dẫn in trên bao bì.

– Thuốc kháng nấm toàn thân

Các loại thuốc kháng nấm đường uống cho tác dụng toàn thân có thể được chỉ định trong trường hợp bị nấm da đầu nặng, tổn thương lan rộng ra toàn thân. Thuốc uống có tác dụng mạnh những cũng tiềm ẩn không ít tác dụng phụ. Vì vậy tuân thủ dùng đúng theo hướng dẫn trong đơn của bác sĩ.

Các thuốc chữa nấm da đầu đường uống có thể được chỉ định bao gồm:

  • Terbinafine:

Thuốc Terbinafine chứa hoạt tính chống nấm phổ rộng, có thể giúp ức chế hoạt động của nhiều chủng vi nấm gây bệnh. Thuốc được sử dụng trong điều trị nấm da đầu với thời gian từ 4 – 6 tuần. Phụ nữ có thai và cho con bú không nên dùng thuốc.

Trong quá trình điều trị với Terbinafine người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như đau đầu, viêm mũi họng, ngứa, nổi ban đỏ, sốt, tiêu chảy, buồn nôn, rối loạn vị giác…

  • Griseofulvin: 

Thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp bị nấm da đầu mãn tính, bao gồm cả trẻ em và người trưởng thành. Thời gian điều trị bằng loại thuốc này có thể kéo dài trong 8 – 10 tuần. Chống chỉ định cho bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, người bị dị ứng với thành phần của thuốc hoặc trường hợp đang bị suy gan.

Griseofulvin điều trị nấm da đầu
Thuốc Griseofulvin được chỉ định để điều trị cho các trường hợp bị nấm da đầu nặng

Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Griseofulvin trị nấm da đầu bao gồm: Tăng tính nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, nôn ói, mệt mỏi, chóng mặt, nổi mẩn ngứa, đau đầu…

– Các loại điều trị nấm da đầu khác:

Bên cạnh thuốc chống nấm, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác để điều trị triệu chứng nấm da đầu như:

  • Thuốc kháng sinh điều trị bội nhiễm
  • Thuốc chống viêm
  • Thuốc giảm ngứa da…

2. Trị nấm da đầu bằng công nghệ cao

Để đẩy nhanh hiệu quả điều trị nấm và giúp nhanh chóng tái tạo vùng da bị tổn thương, bệnh nhân có thể cân nhắc điều trị nấm da đầu bằng công nghệ cao. Hiện nay, phương pháp chiếu laser vi điểm đang được áp dụng phổ biến để khắc phục bệnh cho nhiều trường hợp bị nấm da đầu.

Phương pháp này giúp định vị chính xác vùng da bị tổn thương và sử dụng tia laser kết hợp với thuốc nhằm tiêu diệt sạch nấm, đẩy nhanh tốc độ tái tại các tế bào da mới mà không gây hại cho vùng da khỏe mạnh xung quanh.

Việc áp dụng công nghệ Laser vi điểm trong điều trị bệnh nấm da đầu có nhiều ưu điểm như:

  • Thời gian thực hiện nhanh chóng, chỉ mất khoảng 20 – 30 phút trị liệu
  • Sau điều trị, bệnh nhân có thể trở về ngay mà không cần nằm viện
  • Công nghệ tia laser có thể khoanh vùng chính xác phạm vi da bị nấm tổn thương và tiêu diệt tác nhân gây bệnh, giúp tăng tốc độ chữa lành tổn thương trên da
  • Điều trị thành công tới hơn 90% và giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát bệnh.

Nếu có ý định điều trị nấm da đầu bằng công nghệ cao, bệnh nhân nên tìm đến bệnh viện hay các phòng khám tư nhân có bác sĩ giỏi và được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị để thực hiện.

3. Các phương pháp hỗ trợ điều trị nấm da đầu tại nhà

Một số mẹo tự nhiên có thể giúp hỗ trợ tiêu diệt nấm, giảm nhẹ triệu chứng bệnh nấm da đầu và nâng cao hiệu quả của phương pháp điều trị chính. Dưới đây là những cách trị nấm da đầu tại nhà đang được áp dụng rộng rãi:

– Dùng giấm táo:

Giàu axit hữu cơ, giấm táo có khả năng kháng khuẩn, ức chế nấm, giảm ngứa. Ngoài ra, các loại vitamin và khoáng chất được tìm thấy trong loại giấm này còn thúc đẩy tái tạo tế bào da mới, làm bong tróc vảy gàu và tế bào chết trên da, loại bỏ sạch dầu nhờn, giúp tổn thương do nấm gây ra nhanh hồi phục.

cách chữa nấm da đầu bằng giấm táo
Giấm táo có tác dụng diệt nấm, giảm ngứa, loại bỏ gàu cho người bị nấm da đầu

Cách sử dụng: Lấy giấm táo pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1. Sau khi làm ướt da đầu, bạn lấy bông gòn thấm giấm táo bôi lên khu vực bị ảnh hưởng. Để khoảng 10 phút sau hãy lấy dầu gội đầu gội lại cho sạch. Thực hiện cách này mỗi tuần 3 lần để cải thiện các triệu chứng khó chịu.

– Bôi dầu dừa: 

Sở hữu đặc tính kháng nấm, diệt khuẩn tự nhiên, dầu dừa được tin dùng trong điều trị bệnh nấm da đầu. Cùng với đó, các thành phần vitamin và axit béo được tìm thấy trong dầu dừa còn giúp làm dịu kích ứng, giảm ngứa và nuôi dưỡng mái tóc chắc khỏe, mượt mà hơn.

Cách sử dụng:

  • Thoa trực tiếp dầu dừa lên vùng da đầu bị nhiễm nấm mỗi ngày 1 lần
  • Hoặc dùng dầu dừa ủ tóc và da đầu khoảng 20 phút trước mỗi lần gội đầu

Ngoài dầu dừa, bạn có thể thay thế bằng các loại dầu khác có tác dụng tương tự, chẳng hạn như dầu oải hương, tinh dầu tràm trà hay dầu xả.

– Điều trị nấm da đầu với lá trà xanh

Trà xanh không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có nhiều ứng dụng trong làm đẹp, trị bệnh. Trong lá trà chứa nhiều hoạt chất EGCG. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, EGCG có khả năng chống oxy hóa, kháng viêm mạnh mẽ. Nó giúp giảm hiện tượng viêm đỏ trên da đầu, đồng thời tiêu diệt nấm gây bệnh, ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn.

Ngoài ra, sử dụng lá trà xanh chữa nấm da đầu đúng cách còn có tác dụng làm mát, thải độc cho da đầu, giúp cảm giác ngứa ngáy, nóng rát và ngăn ngừa tạo gàu trên đầu.

Cách sử dụng:

Với mẹo trị bệnh này, bạn chỉ cần lấy 1 nắm lá trà xanh tươi đem rửa sạch, nấu với 2 lít nước. Đun sôi khoảng 5 phút rồi pha loãng với một ít nước sạch cho nguội bớt. Sau khi gội đầu với dầu gội, hãy lấy nước trà xanh xả lại, trùm khăn ủ tóc lại khoảng 10 phút rồi gội lại với nước sạch. Áp dụng mỗi tuần 3 lần các triệu chứng nấm da đầu sẽ thuyên giảm đáng kể.

– Nước cốt chanh chữa nấm da đầu:

Nước cốt chanh chứa một lượng lớn vitamin C và axit lactic. Những chất này có khả năng tiêu diệt nấm men và vi khuẩn, giảm viêm nhiễm và tăng sức đề kháng cho da đầu. Hơn nữa, chanh còn có tác dụng tích cực trong việc loại bỏ tế bào chết, giảm ngứa, làm sạch gàu, giúp vùng da bị nhiễm nấm nhanh được tái tạo.

chanh chữa nấm da đầu
Chanh được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để trị nấm da đầu

Cách sử dụng:

Dùng 2 quả chanh tươi cắt làm đôi, vắt lấy nước cốt, vớt bỏ hột. Sau đó đem pha loãng với một ít nước sạch. Để trị nấm da đầu, bạn cần gội đầu với dầu gội, sau đó với lấy nước chanh bôi lên khu vực bị nấm, kết hợp mát xa và ủ tóc khoảng 15 phút hãy lấy nước xả lại cho sạch. Thực hiện theo cách này mỗi tuần 2 – 3 lần tùy theo tình trạng nhiễm trùng nấm.

Cách phòng nấm da đầu

Bệnh nấm da đầu tuy dễ mắc nhưng có thể phòng ngừa được. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm bệnh bằng những cách sau:

  • Tránh đụng vào vùng da đầu của người đang bị nhiễm nấm hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân với họ.
  • Lựa chọn loại dầu gội đầu phù hợp với da. Hạn chế gội đầu vào buổi tối. Sau khi gội xong nên lau và sấy khô tóc trước khi đi ngủ hoặc ra ngoài đường. Mỗi tuần bạn cũng chỉ nên gội đầu khoảng 3 lần, tránh gội hàng ngày. Trường hợp đang bị nhiễm nấm da đầu nên dùng dầu gội chứa hoạt chất kháng nấm hoặc dùng nước nấu từ các nguyên liệu thiên nhiên ( bồ kết, vỏ bưởi, xả,..) để gội nhằm tránh gây kích ứng cho da đầu
  • Đội nón, mũ bảo vệ tóc khi ra ngoài nắng để giảm thiểu tác hại của tia UV đối với tóc và da đầu
  • Thường xuyên giặt giũ chăn màn, rèn cửa, vỏ gối và phơi ngoài nắng to để nấm không có cơ hội phát triển.
  • Uống nhiều nước để thải độc cho cơ thể, ổn định lưu thông máu dưới da và ổn định hoạt động của tuyến bã nhờn trên da đầu
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm rau xanh, trái cây để tăng cường vitamin và khoáng chất cho da, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
  • Tránh xa các chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá, bia rượu bởi chúng có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh và tiết ra nhiều dầu gây ẩm ướt, nhiễm nấm da đầu.

Bạn nên tham khảo thêm

Đánh giá bài viết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *