Bị đau thượng vị nên ăn gì, kiêng gì nhanh khỏi?
Nội dung bài viết
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ và tần suất khởi phát cơn đau thượng vị. Vì vậy để kiểm soát được triệu chứng này, cần nắm bắt vấn đề đau thượng vị nên ăn gì và kiêng gì. Ngoài khả năng cải thiện triệu chứng, thói quen ăn uống khoa học còn ổn định hoạt động tiêu hóa, hỗ trợ phục hồi và tái tạo ổ viêm loét.
Đau thượng vị là thuật ngữ y tế đề cập đến cơn đau xảy ra ở vùng bụng nằm trên rốn và giữa 2 mép sườn. Triệu chứng này là dấu hiệu của các vấn đề tiêu hóa như ăn quá no, rối loạn tiêu hóa, chứng khó tiêu chức năng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison,…
Khu vực thượng vị tập hợp các cơ quan tiêu hóa quan trọng như thực quản, dạ dày, gan, tá tràng và tuyến tụy. Do đó để cải thiện và phòng ngừa triệu chứng này, cần ổn định hoạt động tiêu hóa với chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh.
Bị đau thượng vị nên ăn gì?
Khi bị đau thượng vị, nên sử dụng các nhóm thực phẩm lành mạnh, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng. Sử dụng các loại thực phẩm này giúp làm giảm áp lực lên dạ dày, đường ruột, hạn chế tình trạng bài tiết axit quá mức và điều hòa nhu động ruột.
Dưới đây là một số nhóm thực phẩm bạn nên bổ sung khi bị đau thượng vị, bao gồm:
1. Tăng cường bổ sung rau xanh khi bị đau thượng vị
Thống kê cho thấy, khoảng 75 – 90% trường hợp đau thượng vị khởi phát do các vấn đề ở dạ dày và thực quản như trào ngược thực quản, viêm loét dạ dày, viêm thực quản và hội chứng Zollinger-Ellison. Khi mắc các vấn đề này, dạ dày có xu hướng bài tiết axit nhiều bất thường, dẫn đến tình trạng đau, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu và ăn uống kém.
Vì vậy khi bị đau thượng vị, nên tăng cường bổ sung rau xanh. Chất xơ, khoáng chất và nước trong nhóm thực phẩm này có khả năng giảm nồng độ axit trong dịch vị, điều hòa hoạt động co thắt của dạ dày, hạn chế tình trạng trào ngược và thúc đẩy nhu động đường ruột.
Ngoài khả năng giảm đau thượng vị, bổ sung rau xanh thường xuyên còn thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, đầy hơi và khó tiêu. Đối với bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, nhóm thực phẩm này còn ngăn chặn quá trình ăn mòn của axit, bảo vệ và phục hồi ổ viêm loét. Các loại rau nên bổ sung khi bị đau thượng vị bao gồm rau mồng tơi, rau đay, rau dền, bắp cải, cải xoăn, rau bina, rau lang, súp lơ,…
2. Sữa chua – Thực phẩm tốt cho người bị đau thượng vị
Sữa chua chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào giúp cung cấp vitamin, axit amin, khoáng chất và năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, thực phẩm này còn bổ sung một lượng lớn lợi khuẩn (ptobiotic) giúp cân bằng hệ vi sinh trong đường tiêu hóa, hỗ trợ giảm nóng rát thượng vị và trung hòa axit dạ dày.
Bổ sung sữa chua thường xuyên có thể hạn chế táo bón, tiêu chảy, khó tiêu và chướng bụng. Ngoài khả năng cải thiện các vấn đề ở dạ dày – thực quản, loại thực phẩm còn được sử dụng để kiểm soát triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt).
Mặc dù chứa nhiều thành phần tốt cho hệ tiêu hóa nhưng hầu hết các lợi khuẩn trong sữa chua đều bị tiêu diệt bởi axit dạ dày. Vì vậy bạn nên bổ sung loại thực phẩm này sau khi ăn khoảng 30 – 60 phút (độ pH của dịch vị có xu hướng tăng lên) nhằm giúp cơ thể hấp thu tối đa hàm lượng dinh dưỡng và lợi khuẩn.
Ngoài ra, có thể dùng sữa chua với yến mạch, trái cây và một số loại hạt để gia tăng hàm lượng dinh dưỡng và cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào.
3. Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh
Omega 3 và Omega 6 là các loại axit béo lành mạnh cần thiết đối với cơ thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng. Khi được dung nạp vào cơ thể, các axit béo này có khả năng bảo vệ ổ viêm loét, ngăn chặn quá trình xâm lấn mô của dịch vị và hạn chế tình trạng bài tiết axit quá mức. Ngoài ra, Omega 3 còn có tác dụng chống viêm, tăng tốc độ tái tạo và phục hồi niêm mạc bị viêm loét.
Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh có thể làm giảm cảm giác khó nuốt, đau rát do viêm thực quản và trào ngược dạ dày. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm này còn giúp điều hòa nhu động ruột, giảm đầy bụng và táo bón.
Ngoài những lợi ích đối với hệ tiêu hóa, thực phẩm chứa chất béo lành mạnh còn tốt cho não bộ, tim mạch và hoạt động tuần hoàn máu. Các loại thực phẩm chứa nhiều Omega 3 và Omega 6 bao gồm cá hồi, cá thu, hạt óc chó, hạnh nhân, dầu ô liu, quả bơ,…
4. Ngũ cốc chưa qua tinh chế
Hầu hết các loại ngũ cốc nguyên hạt (chưa qua tinh chế) đều chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm này cũng chứa lượng chất xơ cao có khả năng điều hòa nhu động ruột, thấm hút dịch vị dư thừa và giảm cơn đau thượng vị.
Một số chất chống oxy hóa trong ngũ cốc nguyên hạt có khả năng phục hồi ổ viêm loét, làm dịu vùng niêm mạc thực quản bị xây xước và ức chế hiện tượng trào ngược dạ dày. Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn giúp duy trì vóc dáng cân đối, kiểm soát đường huyết, huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
5. Bị đau thượng vị nên uống nhiều nước
Bổ sung đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày giúp giảm nồng độ axit trong dịch vị, làm sạch axit và thức ăn tồn đọng trong niêm mạc thực quản. Ngoài ra, thói quen này còn giúp ổn định hoạt động đường ruột, làm mềm thức ăn, hỗ trợ chức năng tiêu hóa của dạ dày và phòng ngừa táo bón.
Bên cạnh nước lọc, bạn cũng có thể sử dụng các loại nước ép từ trái cây, rau củ tươi hoặc một số loại trà không chứa caffeine như trà táo, trà mật ong, bạc hà,… để bù nước, cân bằng điện giải và cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
Thực phẩm và đồ uống nên kiêng khi bị đau thượng vị
Ngoài các nhóm thực phẩm lành mạnh, bạn cũng cần kiêng cử một số loại thức ăn và đồ uống nhằm hạn chế mức độ và tần suất khởi phát cơn đau thượng vị. Bên cạnh đó, chủ động kiêng cử một số loại thực phẩm và đồ uống còn giúp kiểm soát tiến triển của bệnh, hạn chế các triệu chứng bùng phát và làm giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
Trong thời gian bị đau thượng vị, cần kiêng cử một số đồ uống và thực phẩm sau:
1. Thức ăn sống (gỏi, tiết canh, sashimi)
Thức ăn sống (sashimi, tiết canh, gỏi, nem,…) chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên thức ăn chưa được nấu chín hoàn toàn có thể chứa giun sán, ký sinh trùng, nấm và vi khuẩn.
Đối với người có ổ viêm loét ở dạ dày, tá tràng và thực quản, các tác nhân này có thể xâm nhập vào niêm mạc gây loét nặng, đau thượng vị dữ dội và dẫn đến tình trạng xuất huyết. Ngoài ra sử dụng các thức ăn sống còn gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu, nôn mửa hoặc thậm chí là ngộ độc thực phẩm.
2. Thực phẩm chứa nhiều axit, dầu mỡ và gia vị
Dung nạp thực phẩm chứa nhiều axit, gia vị và dầu mỡ có thể khiến cơn đau thượng vị gia tăng về mức độ và tần suất do dạ dày tăng tiết axit và co bóp quá mức.
Ngoài ra, sử dụng các loại thực phẩm này còn khiến ổ viêm loét ở thực quản, dạ dày và tá tràng tiến triển nặng. Vì vậy khi bị đau thượng vị, bạn cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều axit, gia vị cay nóng, muối đường và dầu mỡ.
3. Hạn chế thức ăn khô cứng và khó tiêu hóa
Khi gặp phải vấn đề ở dạ dày – thực quản, bạn cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm khô cứng và khó tiêu hóa như đồ sấy, thực phẩm chiên xào, bánh kẹo, socola và thức ăn chế biến sẵn. Dung nạp các loại thực phẩm này có thể gia tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa, kích thích đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, buồn nôn,… bùng phát mạnh.
Ngoài ra trong quá trình tiêu hóa, các mảnh thức ăn khô cứng có thể ma sát với niêm mạc gây xây xước, viêm và trợt loét. Hơn nữa để tiêu hóa hoàn toàn các thực phẩm này, dạ dày buộc phải tăng tiết axit và co bóp quá mức.
4. Các loại thực phẩm có tiền sử dị ứng
Khi bị dị ứng thực phẩm, hệ miễn dịch có xu hướng đối kháng với thành phần có trong thực phẩm bằng cách tăng kháng nguyên trong máu và phóng thích histamine ra khỏi phức hợp với protein. Ngoài các triệu chứng da liễu (mề đay, phát ban, ngứa), histamine còn gây viêm, phù nề cổ họng, thực quản, kích thích dạ dày và đường ruột co bóp bất thường.
Sử dụng các loại thực phẩm gây dị ứng có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison, viêm đại tràng co thắt,… Do đó, bạn cần tránh sử dụng các loại thực phẩm có tiền sử dị ứng và thận trọng khi dung nạp các nhóm thực phẩm có khả năng dị ứng cao như mè, đậu phộng, hải sản,…
5. Tránh đồ uống chứa cồn và caffeine
Ethanol (cồn) trong rượu bia là một trong những tác nhân kích thích dạ dày tăng tiết axit, thúc đẩy quá trình ăn mòn và viêm loét niêm mạc. Ngoài ra, dung nạp rượu bia thường xuyên còn gây viêm loét thực quản, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày và mắc bệnh trĩ.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế sử dụng các loại đồ uống chứa caffeine (cà phê, trà đặc) khi bị đau thượng vị. Caffeine có khả năng hút nước trong ống tiêu hóa khiến nồng độ axit trong dịch vị tăng lên, đồng thời khiến đại tràng giảm lượng chất lỏng tích trữ, dẫn đến tình trạng chậm nhu động ruột và gây táo bón.
Bị đau thượng vị nên lưu ý gì khi ăn uống?
Đau thượng vị là dấu hiệu cảnh báo thực quản, dạ dày, ruột non và một số cơ quan tiêu hóa bị tổn thương. Vì vậy khi ăn uống, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Cung cấp đủ 2000 – 2500kcal/ ngày nhằm đảm bảo đủ năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể. Ăn uống thiếu chất và chế độ ăn nghèo nàn có thể khiến thể trạng suy nhược, sụt cân nhanh chóng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
- Đau thượng vị có thể nghiêm trọng hơn khi bụng quá no hoặc quá đói. Vì vậy bạn nên chia nhỏ khẩu phần ăn, nên ăn từ 4 – 5 bữa nhỏ/ ngày và cần ăn tối trước 7 giờ.
- Tránh các thói quen uống thiếu khoa học như ăn quá nhanh, vận động/ nằm ngay sau khi ăn, thường xuyên bỏ bữa, ăn quá no hoặc để bụng quá đói,…
- Trong trường hợp đau thượng vị có dương tính với vi khuẩn Hp, nên ăn uống và sử dụng dụng cụ cá nhân riêng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
- Tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh và hạn chế dùng đồ uống, thức ăn ảnh hưởng xấu đến cơ quan tiêu hóa.
- Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, cần xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, điều chỉnh giờ giấc làm việc và tập thể dục thường xuyên nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường hoạt động của dạ dày và đường ruột.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị đau thượng vị nên ăn gì, kiêng gì?” và một số điều cần lưu ý khi xây dựng chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên ngoài thói quen ăn uống, bạn nên tuân thủ phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định và xây dựng lối sống lành mạnh để tăng tốc độ phục hồi và giúp bệnh chóng khỏi.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!