Cách phòng bệnh trĩ hiệu quả, đơn giản ngay tại nhà

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi thói quen xấu, tập thể dục thường xuyên,… là một số cách phòng bệnh trĩ tại nhà đơn giản và hiệu quả. Các biện pháp này có tác dụng điều hòa nhu động ruột, tăng cường chức năng tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ đáng kể. 

Cách phòng bệnh trĩ
Phòng ngừa bệnh trĩ bằng cách nào hiệu quả?

Cách phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả tại nhà

Bệnh trĩ là một trong những bệnh lý thường gặp ở vùng trực tràng – hậu môn. Bệnh xảy ra khi tĩnh mạch ở trực tràng, hậu môn bị giãn phình, ứ huyết và tạo thành cấu trúc dạng búi.

Thực tế, trĩ là bệnh lành tính và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Tuy nhiên, sự xuất hiện của búi trĩ có thể gây ra cảm giác vướng víu, khó chịu, đi ngoài ra máu,… Nếu không kịp thời điều trị, búi trĩ có thể lớn dần theo thời gian và gây ra hàng loạt các biến chứng nặng nề như trĩ tắc mạch, hoại tử,…

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh trĩ có xu hướng tăng lên đáng kể – đặc biệt là với những người làm công việc có tính chất ngồi nhiều, ít vận động. Chính vì vậy, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa là vô cùng cần thiết.

Để phòng ngừa bệnh trĩ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản sau:

1. Điều chỉnh chế độ, thói quen ăn uống

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Tuy nhiên trong đó, chế độ dinh dưỡng là yếu tố tác động trực tiếp đến cơ chế gây bệnh. Cụ thể, tình trạng táo bón kéo dài làm tăng áp lực lên trực tràng – hậu môn khi đại tiện. Áp lực từ hoạt động này có thể khiến tĩnh mạch của trực tràng phình giãn, ứ máu và tạo thành cấu trúc dạng búi.

Thống kê cũng cho thấy, đa phần những người bị bệnh trĩ đều có chế độ ăn ít chất xơ, thường xuyên dùng các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và gia vị, đồ uống chứa cồn,… Ngoài táo bón, tiêu chảy mãn tính cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Do đó, xây dựng chế độ ăn khoa học có thể phòng ngừa bệnh trĩ và một số bệnh lý có liên quan.

Cách phòng bệnh trĩ
Chế độ ăn uống là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tĩnh mạch trực tràng – hậu môn

Chế độ ăn uống giúp phòng ngừa bệnh trĩ:

  • Tăng cường bổ sung rau xanh, củ, trái cây,… vào chế độ dinh dưỡng. Chất xơ trong các loại thực phẩm này có tác dụng làm mềm phân, điều hòa nhu động ruột và phòng ngừa táo bón hiệu quả.
  • Uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày. Thói quen uống ít nước có thể khiến lượng chất lỏng trong ruột già giảm đi đáng kể. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến độ rắn của phân. Vì vậy, bạn nên uống nhiều nước để phòng ngừa táo bón và làm giảm áp lực lên hậu môn khi đi đại tiện.
  • Với những người thường xuyên bị táo bón và khó khăn khi đại tiện, nên dùng các loại thực phẩm chứa chất nhầy như mồng tơi, rau đay, rau lang, đậu bắp. Chất nhầy cùng với chất xơ trong các loại thực phẩm này giúp đường ruột dễ dàng đào thải phân và hạn chế ma sát lên tĩnh mạch trực tràng.
  • Nếu bị tiêu chảy mãn tính do viêm đại tràng co thắt, bạn nên tránh dùng quá nhiều rau xanh. Thay vào đó, nên sử dụng các loại củ như khoai lang, khoai tây hoặc các loại ngũ cốc để giảm tiêu chảy và giúp quá trình đại tiện diễn ra thuận lợi.
  • Để quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra thuận lợi, bạn nên bổ sung sữa chua hằng ngày. Probiotic trong thực phẩm này giúp đường ruột tiêu hóa tốt và hạn chế táo bón rõ rệt. Bên cạnh đó, sữa chua còn giúp làm tăng số lợi khuẩn và hạn chế sự phát triển quá mức của hại khuẩn trong đại tràng.
  • Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, nội tạng,… Các loại thực phẩm này có thể gây thừa cân, từ đó làm tăng áp lực lên trực tràng – hậu môn và gây giãn phình tĩnh mạch.
  • Món ăn chứa nhiều gia vị như muối, đường, tiêu, ớt, bột ngọt,… đều có thể gây táo bón. Hơn nữa, ăn quá nhiều gia vị còn có thể khiến niêm mạc hậu môn bị nóng rát khi đại tiện và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
  • Ăn uống quá mức cũng là thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ mà nhiều người bỏ qua. Việc dung nạp một lượng thức ăn lớn gây áp lực lên dạ dày, đường ruột và cả quá trình đại tiện. Hơn nữa, thói quen này còn tăng nguy cơ béo phì – một trong những yếu tố gây ra bệnh trĩ và các vấn đề tiêu hóa khác.

Thực tế, điều chỉnh chế độ ăn uống không chỉ giúp phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả mà còn hạn chế được các vấn đề về đường tiêu hóa và giúp cơ thể khỏe mạnh, duy trì được vóc dáng cân đối.

2. Thay đổi thói quen khi đại tiện

Ngoài chế độ dinh dưỡng, một số thói quen khi đại tiện cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Để phòng ngừa bệnh lý này, cần thay đổi một số thói quen xấu như:

cách phòng bệnh trĩ tại nhà
Tập đi đại tiện vào thời gian cố định giúp phòng ngừa táo bón và bệnh trĩ hiệu quả
  • Tuyệt đối không nhịn đại tiện khi có nhu cầu trừ những trường hợp cần thiết. Nhịn đi cầu khiến phân nằm trong ruột già lâu hơn và trở nên cứng, khô (do ruột già có đặc tính hút nước từ phân) dẫn đến tình trạng táo bón. Hơn nữa khi nhịn đại tiện, bắt buộc phải thóp cơ vòng hậu môn. Điều này vô tình làm tăng áp lực lên tĩnh mạch của trực tràng – hậu môn và gây ra bệnh trĩ.
  • Tránh tình trạng rặn khi đại tiện. Áp lực từ hoạt động này có thể khiến ống trực tràng – hậu môn bị tổn thương, xây xước và dễ phình giãn.
  • Khi đại tiện, cần thả lỏng cơ thể để quá trình đào thải phân của trực tràng – hậu môn diễn ra thuận lợi. Tuyệt đối không thực hiện đồng thời cùng với các hoạt động khác như bấm điện thoại, đọc báo,… Các hoạt động này khiến cho quá trình đại tiện diễn ra khó khăn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
  • Tập đi đại tiện vào một thời điểm cụ thể trong ngày. Thói quen này giúp ổn định chức năng của cơ quan tiêu hóa, từ đó hỗ trợ phòng ngừa táo bón và tiêu chảy.

3. Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu

Ngồi và đứng quá lâu đều làm tăng áp lực lên vùng xương chậu. Nếu duy trì thói quen này quá lâu, tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn có thể bị giãn phình, ứ đọng máu và gây ra bệnh trĩ. Ngoài ra, đứng nhiều và ngồi nhiều còn làm gián đoạn quá trình lưu thông máu khiến máu tích tụ ở một số tĩnh mạch và gây ra hiện tượng phình giãn.

cách phòng bệnh trĩ tại nhà
Ngồi hoặc đứng quá lâu đều làm tăng áp lực lên trực tràng – hậu môn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ

Bên cạnh đó, thói quen ngồi nhiều còn gây tăng cân – béo phì. Trong khi đó, đứng quá lâu làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch và đẩy nhanh tốc độ lão hóa. Thông thường, việc đứng hoặc ngồi nhiều đều có liên quan đến tính chất công việc. Để giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ, bạn nên đi lại nhẹ nhàng sau 1 – 2 giờ làm việc. Với những người phải đứng quá lâu, nên tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi để ngồi và cử động khớp gối nhẹ nhàng.

4. Tập thể dục – Cách phòng bệnh trĩ hiệu quả

Tập thể dục thường xuyên là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả. Hoạt động thể dục giúp tăng tuần hoàn máu, hạn chế tình trạng máu ứ ở khu vực trực tràng và hậu môn. Nhờ vậy có thể giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ và một số vấn đề tiêu hóa thường gặp khác.

Ngoài ra, tập thể dục đều đặn còn có tác dụng điều hòa nhu động ruột và cải thiện tình trạng táo bón rõ rệt. Các nghiên cứu khoa học đều cho thấy, luyện tập thể thao 3 – 4 buổi/ tuần giúp đường ruột hoạt động tốt và quá trình đại tiện diễn ra thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, bạn nên tránh các bộ môn tập luyện cường độ cao và làm tăng áp lực lên vùng xương chậu như nâng tạ. Thay vào đó, nên luyện tập các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, yoga, đi bộ, đạp xe,… Nếu có thời gian, nên dành 30 phút/ ngày để tập thể dục hoặc tập từ 3 – 4 buổi/ tuần.

5. Kiểm soát cân nặng

Thừa cân – béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Bởi cân nặng vượt mức khiến áp lực lên tĩnh mạch trực tràng – hậu môn tăng lên đáng kể. Theo thời gian, tĩnh mạch có xu hướng bị giãn phình và hình thành búi trĩ.

Hơn nữa, béo phì còn làm chậm nhu động ruột dẫn đến tình trạng táo bón, đầy hơi, chướng bụng và ăn uống kém. Do đó để phòng ngừa bệnh trĩ, bạn nên kiểm soát cân nặng bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Ngoài ra, giảm cân còn giúp giảm áp lực lên hệ thống xương khớp và bảo vệ lá gan.

cách phòng bệnh trĩ tại nhà
Kiểm soát cân nặng là cách phòng bệnh trĩ tại nhà đơn giản và mang lại hiệu quả cao

Tuy nhiên, bạn không nên giảm cân bằng cách nhịn ăn. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và có thể gây suy giảm miễn dịch. Thay vào đó, cần tăng cường tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống. Cắt giảm lượng tinh bột, chất béo, gia vị ra khỏi thực đơn và bổ sung thêm rau xanh, khoai lang, ngũ cốc,…

6. Hạn chế giao hợp qua đường hậu môn

Giao hợp qua đường hậu môn có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch trực tràng – hậu môn. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ bị bệnh trĩ tăng lên trong những năm gần đây và có xu hướng trẻ hóa.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trĩ, bạn nên hạn chế tần suất quan hệ qua đường hậu môn. Bên cạnh đó, cần dùng các sản phẩm hỗ trợ để làm giảm ma sát lên thành hậu môn và trực tràng khi giao hợp.

7. Điều trị các bệnh lý có thể gây trĩ

Thực tế, bệnh trĩ không chỉ là hệ quả do thói quen sinh hoạt và ăn uống mà còn có thể khởi phát do ảnh hưởng của một số bệnh lý như rối loạn nội tiết, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh gout, sa tử cung, nhiễm khuẩn hậu môn,… Các bệnh lý này làm tăng nguy cơ giãn phình tĩnh mạch hậu môn – trực tràng và dẫn đến hình thành búi trĩ.

cách phòng bệnh trĩ tại nhà
Tích cực điều trị các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ bệnh trĩ như nhiễm khuẩn hậu môn, tiểu đường,…

Do đó để phòng ngừa bệnh trĩ, bạn nên tích cực điều trị các bệnh lý nguyên nhân kể trên. Việc kiểm soát sớm các vấn đề sức khỏe này có thể hạn chế nguy cơ hình thành búi trĩ, đồng thời bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các biến chứng nặng nề khác.

8. Thay đổi một số thói quen xấu

Nguy cơ mắc bệnh trĩ có thể tăng lên nếu thường xuyên duy trì các thói quen xấu. Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lý này, bạn nên thay đổi các thói quen sau:

  • Tránh ngồi xổm quá lâu vì hoạt động này có thể làm tăng áp lực lên trực tràng – hậu môn, dẫn đến giãn phình tĩnh mạch và hình thành búi trĩ. Đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ mà nhiều người bỏ qua.
  • Nên cai thuốc lá trong thời gian sớm nhất. Khói thuốc là nguyên nhân làm gián đoạn quá trình tuần hoàn máu và gây ra hiện tượng ứ đọng máu ở trực tràng. Bên cạnh đó, độc tố trong khói thuốc còn gây tổn thương mạch máu và khiến tĩnh mạch dễ bị phình giãn khi có tác động.
  • Lao động nặng nhọc trong thời gian dài cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Vì vậy, bạn nên hạn chế mang vác vật nặng thay vào đó, nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ để làm giảm áp lực lên tĩnh mạch trực tràng – hậu môn.
  • Căng thẳng thần kinh có thể làm chậm nhu động ruột và gây táo bón. Hơn nữa, stress còn làm gián đoạn quá trình tuần hoàn máu và khiến máu tập trung vào một số cơ quan nhất định. Chính vì vậy, bạn nên kiểm soát căng thẳng để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trĩ.

Bài viết đã hướng dẫn một số cách phòng bệnh trĩ tại nhà đơn giản, hiệu quả. Hy vọng qua những gợi ý trên, bạn có thể dễ dàng thiết lập lối sống khoa học và chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân. Với những người có nguy cơ bị trĩ cao (di truyền, mang thai,…), nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn các biện pháp phòng ngừa chuyên sâu hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Bài thuốc tại Trung tâm Thuốc dân tộc đã giúp hàng ngàn người thoát khỏi ám ảnh bệnh trĩ một cách AN TOÀN, KHÔNG ĐAU ĐỚN. Người bệnh không cần phẫu thuật mà vẫn loại bỏ được búi trĩ, không lo nguy cơ tái phát về sau.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *