Các loại mụn ở trẻ sơ sinh – Khi nào bất thường?
Nội dung bài viết
Mụn trứng cá không chỉ xuất hiện ở người trưởng thành mà còn ở cả trẻ sơ sinh. Có thể nhiều người thấy lạ lẫm khi nghe đến tình trạng này, tuy nhiên nó lại khá phổ biến. Các loại mụn ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện ngay khi em bé chào đời hoặc sau đó vài tuần. Phụ huynh cần lưu ý khi thấy hiện tượng này ở con và nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra những trường hợp không mong muốn.
Một vài vấn đề về mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh
Trong tháng đầu đời của trẻ nhỏ, cơ thể trẻ mềm yếu nên dễ bị tác động bởi cả những yếu tố bên trong và bên ngoài. Tình trạng nổi mụn trứng cá ở trẻ cũng là một trong số các biểu hiện khác thường. Chúng có thể xuất hiện ngay khi em bé vừa chào đời hoặc sau đó vài tuần, phổ biến là ở giai đoạn bé được khoảng 2 tuần tuổi cho đến 4 tuần tuổi.
Mụn ở trẻ sơ sinh cũng tương tự như với người lớn, chúng có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, má, mũi, trán là các vị trí thường gặp phải tình trạng này. Một số bé còn bị nổi mụn ở cằm, cổ, lưng hoặc ngực.
Hiện tượng này khá phổ biến. Theo một vài thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nổi mụn trứng cá lên đến 20%. Cụ thể, cứ 10 bé sẽ có 2 bé trong số đó rơi vào trường hợp này. Đến nay, nguyên nhân khiến mụn trứng cá xuất hiện ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được công bố rõ ràng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này xuất hiện bởi trẻ tiếp nhận hormon từ người mẹ trong giai đoạn cuối thai kỳ gây nên. Hầu hết mụn sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và tự khỏi sau sinh từ vài tuần cho đến vài tháng.
Cách để nhận biết tình trạng mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh là dựa vào những nốt mụn hình thành trên người trẻ. Chúng có hình dạng giống như mụn trứng cá xuất hiện ở tuổi thiếu niên. Thông thường, trên da trẻ sẽ nổi những nốt mụn có đầu màu trắng, đỏ, vùng da xung quanh cũng có dấu hiệu đỏ hồng.
Đặc biệt, các nốt mụn sẽ hiện rõ hơn mỗi khi em bé quấy khóc, nóng sốt hoặc da bị dính nước bọt, sữa mẹ,…Thế nhưng, rất khó để bạn có thể nhận biết đâu là mụn lành tính hay do những bệnh lý khác ảnh hưởng đến trẻ. Do đó, phụ huynh nên tìm hiểu, cũng như đưa bé đi thăm khám y tế để sớm phát hiện và điều trị bất ổn cho trẻ.
Các loại mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh
Dưới đây là các loại mụn phổ biến ở trẻ sơ sinh cũng như các bệnh lý liên quan khiến trẻ nổi nhiều nốt mẩn đỏ trên da:
Mụn sữa (Milla)
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh được gọi là mụn sữa bởi vì chúng trông như những chấm sữa trắng ở trên da trẻ. Loại mụn này không gây ngứa hay đau đớn, phổ biến ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê, có khoảng 50% em bé sinh ra đều thấy xuất hiện loại mụn này.
Các vị trí như mũi, má, trán, vùng quanh mắt hoặc ngực là nơi dễ quan sát thấy mụn sữa. Một số trường hợp, trẻ sơ sinh còn bị nổi mụn sữa ở tay chân, cơ thể hoặc trong niêm mạc miệng. Tuy nhiên, phụ huynh không phải quá lo lắng, trong vòng 1 – 3 tháng chúng sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị.
Đây là loại mụn lành tính, không cần bôi thuốc cho trẻ sơ sinh. Bố mẹ nên chú ý không để da bé tiếp xúc với những bề mặt xơ nhám hoặc tự ý nặn các nốt mụn của con. Điều này cực kỳ nguy hại cho trẻ, có thể khiến vùng da đó bị nhiễm khuẩn nguy hiểm.
Phát ban nhiệt (Millaria)
Phát ban nhiệt thường gặp nhất là tình trạng bệnh kê hay còn gọi là mụn hạt kê và rôm sảy (ban nhiệt). Trong đó, bệnh kê là giai đoạn đầu của ban nhiệt. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do cơ thể trẻ tiết ra nhiều mô hôi, tuy nhiên do cơ thể chưa phát triển toàn diện nên ống dẫn mồ hôi ở trẻ sơ sinh không hoạt động hết chức năng khiến cho mồ hôi bị tắc nghẽn.
Bên cạnh đó, do đặc điểm thời tiết của nước ta thường nóng ẩm quanh năm khiến cho trẻ đổ nhiều mồ hôi hơn, hình thành ban nhiệt. Hiện tượng phát ban nhiệt khá phổ biến ở trẻ sơ sinh giai đoạn 3 tuần tuổi trở lên. Vị trí thường gặp nhất là ở mặt, lưng, ngực, cổ, mông, ngoài ra khu vực nếp gấp ở khuỷu tay, chân, bẹn cũng là nơi dễ xuất hiện các nốt ban.
Khi mới xuất hiện, phụ huynh sẽ quan sát thấy trên người trẻ nổi những hột có màu trắng, kích thước khá nhỏ nhưng hơi cộm lên da, không có bất kỳ phản ứng viêm nào, da trẻ nhìn giống như da gà, đây được gọi là mụn hạt kê (bệnh kê). Tuy nhiên, nếu không được khắc phục sớm, tình trạng này sẽ chuyển dần thành ban nhiệt khiến mụn viêm đỏ, làm trẻ ngứa ngáy nhiều hơn.
Viêm da tiết bã
Tình trạng viêm da tiết bã khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Ban đầu, viêm da tiết bã sẽ hình thành những nốt mụn đỏ, có khi tập trung thành từng mảng khô nhám trên người trẻ. Một số trường hợp còn thấy dịch vàng trên bề mặt những vùng bị viêm da tiết bã.
Tuy nhiên, chúng sẽ dần biến mất khi trẻ được vài tuần hoặc vài tháng tuổi mà không cần phải điều trị. Vị trí thường xuất hiện tình trạng nổi mụn do viêm da tiết bã thường là ở da đầu trẻ. Một số khác lại nổi ở mặt, cổ, tai hoặc ở hai bên cánh mũi của trẻ sơ sinh.
Chàm sữa (lác sữa)
Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa là một dạng thức của bệnh viêm da thể tạng, phổ biến ở giai đoạn trẻ từ 3 cho đến 6 tháng tuổi. Loại này tương đối hiếm ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc phải chứng bệnh này. Vị trí xuất hiện của dạng mụn do chàm sữa gây ra thường ở hai bên má, trường hợp nặng còn lan ra toàn bộ cơ thể trẻ.
Ban đầu, khi khởi phát, chàm sữa sẽ hình thành những nốt mẩn đỏ nhìn như mụn trứng cá. Sau đó, những nốt chàm này phát triển thành mụn nước li ti, khi bị vỡ thì đóng mài cứng rồi tự tróc vảy để lộ những mảng da đỏ và khô nhám trên cơ thể trẻ. Lúc này, trẻ sẽ có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu nên dùng tay cào gãi hoặc dụi má thường xuyên.
Khi trẻ lớn thì chàm sữa cũng sẽ tự khỏi mà không phải can thiệp quá nhiều. Tuy nhiên, giai đoạn mắc phải chứng bệnh này, cơ thể trẻ gặp nhiều khó khăn do nốt chàm ngứa, đỏ. Khi thấy con có những biểu hiện mắc phải chàm, phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị.
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh khi nào là bất thường?
Bên trên đã đề cập đến các loại mụn thường gặp ở sơ sinh, trong đó có các loại ban mụn lành tính. Tình trạng này sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh nếu em bé không có các biểu hiện bất thường kèm theo như sốt, không chịu bú, da bị vàng đậm, cơ thể lừ đừ,…
Mặt khác, nếu mụn xuất hiện trên người trẻ kèm theo những biểu hiện này, bạn nên nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để kịp thời điều trị, tránh những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra. Cụ thể, nên đưa trẻ sơ sinh đến bệnh viện khi:
- Phụ huynh không nhận biết được những nốt mẩn đỏ trên người bé là mụn trứng cá lành tính hay dấu hiệu của các bệnh lý khác. Đến gặp bác sĩ là phương án tối ưu nhất để phụ huynh nhận được những chỉ dẫn phù hợp lúc này.
- Tình trạng nổi mụn ở trẻ sơ sinh không cải thiện, kéo dài hơn 3 tháng. Lúc này, bố mẹ phải đưa con đến gặp bác sĩ để được chỉ định thuốc điều trị chuyên sâu hơn.
- Trẻ sơ sinh bị nổi mụn khắp cơ thể, quấy khóc thường xuyên dẫn đến tình trạng mất sức, bỏ bú,…
Đây là những trường hợp phụ huynh phải tiến hành can thiệp y tế đối với trẻ sơ sinh, phòng tránh rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ.
Một vài lưu ý khi trẻ sơ sinh bị mụn
Để tình trạng mụn trứng cá hay các ban mụn lành tính ở trẻ sơ sinh nhanh chóng cải thiện, phụ huynh nên lưu ý một vài vấn đề sau đây trong quá trình chăm sóc trẻ:
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ một loại thuốc bôi da, trị mụn nào cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Không sử dụng khăn cứng lau chùi mạnh lên các nốt mụn khiến chúng vỡ, gây viêm da nguy hiểm hơn cho trẻ sơ sinh.
- Không tự ý sử dụng dầu dưỡng, kem thoa da khi chưa có sự hướng dẫn của người có chuyên môn.
- Không lấy nước bọt, nước muối sinh lý để lau rửa các nốt mụn cho trẻ. Việc thực hành sai cách điều trị có thể khiến vùng da đang bị mụn nghiêm trọng hơn, gây kích ứng cho trẻ.
- Sử dụng nước sạch, sản phẩm tắm chuyên dụng cho trẻ sơ sinh để làm sạch nhẹ nhàng bề mặt da cho trẻ.
- Đưa trẻ đến bệnh viện nếu thấy những biểu hiện bất thường đi kèm với tình trạng xuất hiện mụn trứng cá. Thực hiện theo đúng chỉ dẫn điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả nhanh và an toàn cho trẻ sơ sinh.
Trên đây là các loại mụn ở trẻ sơ sinh thường gặp cũng như một vài lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ. Hy vọng bạn đọc đã có thêm những thông tin bổ ích trong hành trình nuôi dưỡng con cái. Chú ý quan sát tình trạng sức khỏe của con hàng ngày để có những biện pháp can thiệp kịp thời, bảo vệ sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!