Viêm Hang Vị Dạ Dày Có Nguy Hiểm Không, Ảnh Hưởng Gì?
Nội dung bài viết
Bị viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không là vấn đề được khá nhiều bạn đọc quan tâm. Được biết, bệnh lý này không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên ổ viêm ở hang vị có thể tiến triển và gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không can thiệp điều trị và chăm sóc đúng cách.
Bệnh viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?
Viêm hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc ở phần hang vị bị viêm và tổn thương. Hang vị là vùng nằm ngang hoàn toàn nên có diện tích tiếp xúc với thức ăn lớn. Chính vì vậy, niêm mạc ở hang vị có nguy cơ bị viêm loét cao hơn so với những vị trí khác. Vậy viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?.
Theo các bác sĩ Tiêu hóa, viêm hang vị dạ dày không quá nguy hiểm và có thể điều trị hoàn toàn nếu xử lý kịp thời. Ở giai đoạn cấp, bệnh thường khởi phát triệu chứng đột ngột, tốc độ tiến triển nhanh nhưng hầu hết đều thuyên giảm sau khi điều trị và hiếm khi để lại di chứng.
Tuy nhiên khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, bệnh thường khởi phát triệu chứng âm thầm nhưng có đặc tính dai dẳng và cần phải tích cực điều trị trong thời gian dài. Nếu không kiểm soát đúng cách, tổn thương ở niêm mạc có thể chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực và gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
Hơn nữa do chịu áp lực lớn từ quá trình tiêu hóa nên hiện tượng viêm ở hang vị thường có diễn tiến phức tạp và có nguy cơ loét, chảy máu và thủng dạ dày cao. Trong trường hợp chủ quan, không tiến hành điều trị và chăm sóc đúng cách, viêm hang vị dạ dày có thể gây ra các biến chứng và ảnh hưởng nặng nề như:
1. Làm giảm chất lượng cuộc sống
Viêm hang vị dạ dày thường gây đau vùng thượng vị khi bụng đói hoặc sau khi ăn. Cơn đau có thể khởi phát đột ngột với mức độ dữ dội hoặc đau âm ỉ và tiến triển dai dẳng. Ngoài ra, bệnh lý này còn gây ra cảm giác buồn nôn, khó chịu, nôn mửa, đầy hơi và chướng bụng.
Ban đầu các triệu chứng này chỉ khởi phát với mức độ nhẹ và tần suất thấp. Tuy nhiên theo thời gian, triệu chứng có xu hướng gia tăng về mức độ, tần suất gây mất ngủ, khó ngủ, ăn uống kém, giảm hiệu suất lao động – học tập và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống,
2. Gây suy nhược cơ thể
Tổn thương ở niêm mạc hang vị có thể kích thích dạ dày co bóp bất thường, bài tiết nhiều axit và giảm chức năng tiêu hóa. Thực tế, người bị các vấn đề về dạ dày đều có khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, sụt cân nhanh chóng, thể trạng mệt mỏi và suy nhược.
Ngoài ra, chức năng của dạ dày suy giảm còn ảnh hưởng đến hoạt động của tá tràng và đại tràng. Ở một số trường hợp, viêm hang vị có thể khiến nhu động ruột bất thường, dẫn đến tình trạng tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu.
3. Viêm hang vị gây loét niêm mạc dạ dày
Hiện tượng viêm ở niêm mạc hang vị có xu hướng tiến triển nặng nếu không có biện pháp điều trị và chăm sóc khoa học. Ổ viêm ở niêm mạc có thể bị ăn mòn, xâm lấn và chuyển sang giai đoạn loét.
So với giai đoạn viêm, loét hang vị thường gây ra các triệu chứng có mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể. Hơn nữa, ổ viêm loét có thể tiến triển theo chiều hướng xấu và để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không chủ động điều trị.
Loét dạ dày xảy ra khi dịch vị đã ăn mòn sâu vào niêm mạc nên để phục hồi ổ loét hoàn toàn, cần kết hợp giữa các biện pháp y tế với chế độ dinh dưỡng và chăm sóc khoa học.
4. Xuất huyết dạ dày
Hang vị là phần niêm mạc nằm ngang hoàn toàn nên chịu áp lực lớn từ hoạt động co bóp và tiêu hóa thức ăn của dạ dày. Trong trường hợp ổ loét tiến triển nặng, dịch vị có thể xâm lấn vào thành dạ dày gây vỡ mạch máu và dẫn đến tình trạng xuất huyết.
Xuất huyết dạ dày đặc trưng bởi triệu chứng đau quặn bụng, nôn ra máu hoặc dịch nôn có màu cà phê, cơ thể mất sức, chân tay lạnh, chóng mặt, xây xẩm,… Đây là biến chứng nặng nề có thể gây mất máu nhiều, hạ huyết áp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
5. Hẹp môn vị dạ dày
Môn vị là vị trí cuối cùng của dạ dày, nằm tiếp nối với hành tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Môn vị có chức năng đóng – mở nhằm giữ thức ăn trong dạ dày và chuyển xuống tá tràng khi đã được tiêu hóa hoàn toàn. Tình trạng viêm loét hang vị kéo dài có thể khiến môn vị bị tổn thương, xơ hóa và làm gián đoạn quá trình vận chuyển thức ăn.
Hẹp môn vị thường gây đau dữ dội khi ăn no, người gầy sút, mệt mỏi và xanh xao. Trong trường hợp môn vị bị hẹp nghiêm trọng, thức ăn có thể bị ứ đọng trong nhiều ngày, sau đó được nôn ra với mùi hôi thối khó chịu.
Đối với biến chứng này, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật nhằm đảm bảo hoạt động lưu thông thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng. Trong trường hợp phát hiện ung thư, bác sĩ có thể cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày để phòng ngừa khối u di căn sang các cơ quan khác.
6. Thủng dạ dày
Thủng dạ dày xảy ra khi viêm hang vị tiến triển nặng, gây loét và xuất huyết tiêu hóa nhiều lần. Thủng dạ dày là tình trạng thành dạ dày bị ăn mòn hoàn toàn và tạo thành lổ thủng bất thường. Biến chứng này gây đau quặn ở vùng thượng vị, cơn đau thường khởi phát đột ngột và dữ dội, bụng cứng, người mệt mỏi, toát mồ hôi, chân tay lạnh, yếu sức và tụt huyết áp.
Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, cần chủ động đến bệnh viện để được xử lý và khắc phục trong thời gian sớm nhất. Nếu không phẫu thuật kịp thời, nguy cơ tử vong có thể lên đến 15%.
Thông thường, thủng dạ dày được điều trị bằng cách phẫu thuật khâu vết thủng, làm sạch dạ dày và thức ăn tràn vào ổ bụng. Tuy nhiên đối với lỗ thủng lớn hoặc có nguy cơ ung thư cao, bác sĩ có thể cắt bỏ dạ dày để dự phòng biến chứng.
7. Viêm hang vị dạ dày làm tăng nguy cơ ung thư
Viêm hang vị dạ dày, đặc biệt là trường hợp dương tính với vi khuẩn Hp có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn Hp có xu hướng xâm nhập vào ổ viêm loét gây teo niêm mạc, sau đó kích thích tế bào thay đổi cấu trúc giống tế bào đường ruột (giai đoạn chuyển sản ruột). Sau một thời gian, tế bào bắt đầu biến đổi bất thường và trở thành tế bào ác tính.
Thực tế, các trường hợp bị ung thư dạ dày chỉ phát triển từ ổ viêm loét tiến triển trên 10 năm. Vì vậy nếu điều trị sớm, bạn có thể phục hồi hoàn toàn vùng niêm mạc bị tổn thương và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa biến chứng của viêm hang vị dạ dày
Viêm hang vị dạ dày là một trong những loại viêm loét dạ dày tá tràng phổ biến. Thực tế, bệnh lý này không có mức độ quá nghiêm trọng và có thể chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị và chăm sóc đúng cách, tổn thương ở niêm hang vị có thể tiến triển theo chiều hướng xấu và gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
Vì vậy để phòng ngừa biến chứng của viêm hang vị dạ dày, bạn cần:
- Chủ động thăm khám ngay khi phát sinh các triệu chứng bất thường như đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, ăn uống kém,…
- Sau khi có kết quả chẩn đoán, nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ – đặc biệt là trường hợp dương tính với vi khuẩn Hp.
- Nên hạn chế các loại thực phẩm và thức uống gây ảnh hưởng đến ổ viêm loét như rượu bia, nước ngọt có gas, cà phê, thức ăn chứa gia vị cay nóng, dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn,…
- Tránh ăn uống quá mức, bỏ bữa và vận động mạnh ngay sau khi ăn. Thay vào đó, nên duy trì các thói quen ăn uống khoa học như ăn uống điều độ, chia nhỏ khẩu phần ăn, ăn chín uống sôi và ăn chậm nhai kỹ nhằm giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa và tránh kích thích lên ổ viêm loét.
- Tăng cường bổ sung nước, rau xanh, ngũ cốc, cá, trái cây,… nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, trung hòa dịch vị dạ dày và hạn chế tình trạng suy nhược do viêm hang vị kéo dài.
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm đau và chống viêm khi chưa tham vấn y khoa. Các loại thuốc này có thể phá vỡ màng nhầy bảo vệ niêm mạc và làm tăng nguy cơ loét, xuất huyết dạ dày.
- Loại trừ một số yếu tố khiến bệnh trở nặng hơn như căng thẳng quá mức, hút thuốc lá, thừa cân – béo phì, lười vận động,…
- Thăm khám sức khỏe theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra tiến triển của bệnh và kịp thời điều trị khi phát sinh các vấn đề bất thường.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?”, đồng thời đề cập đến một số biện pháp giúp phục hồi ổ viêm loét và phòng ngừa các biến chứng nặng nề. Tuy nhiên để được tư vấn rõ hơn về hướng điều trị và cách chăm sóc, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm: Viêm hang vị dạ dày nên ăn gì, kiêng gì cho nhanh khỏi?
Tin xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!