Viêm Hang Vị Dạ Dày: Nhận Biết Và Điều Trị Đúng Cách
Nội dung bài viết
Viêm hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc ở vùng hang vị bị viêm cấp hoặc mãn tính. Bệnh thường gây đau thượng vị sau khi ăn, nôn mửa, buồn nôn, ợ hơi, đầy bụng và ăn uống kém. Hiện nay, điều trị bệnh lý này chủ yếu là sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.
Viêm hang vị dạ dày là gì?
Hang vị là một phần của dạ dày, nằm ở giữa thân vị và hang môn vị. Không giống với các vị trí khác, hang vị nằm ngang hoàn toàn nên thường lưu trữ lượng thức ăn lớn. Do đó nếu ăn uống không điều độ, niêm mạc hang vị có thể bị tổn thương và xuất hiện nhiều vấn đề bất thường.
Viêm hang vị dạ dày (viêm hang vị) là tình trạng niêm mạc hang vị bị sưng viêm cấp hoặc mãn tính. Bệnh thường gặp ở người từ 20 – 50 tuổi, đặc biệt là người có thói quen ăn uống không điều độ, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, căng thẳng kéo dài,…
Nếu được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách, viêm hang vị có thể được kiểm soát và chữa trị hoàn toàn. Ngược lại ở những trường hợp chủ quan, không tiến hành điều trị và tiếp tục duy trì các thói quen xấu, hiện tượng viêm ở hang vị có thể tiến triển theo chiều hướng tiêu cực, gây loét và vỡ mạch máu.
Nhận biết bệnh viêm hang vị dạ dày
Trên thực tế, triệu chứng của viêm hang vị không có sự khác biệt so với bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm hang vị, bao gồm:
- Đau tức vùng thượng vị (vùng bụng nằm trên rốn và ở giữa 2 mạn sườn), mức độ âm ỉ hoặc dữ dội
- Cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn, đau nhiều khi trời lạnh và vào ban đêm
- Đau thượng vị kéo dài khoảng vài phút đến vài giờ và có tính chất lặp lại theo chu kỳ
- Ngoài ra, triệu chứng đau thượng vị cũng có thể bùng phát khi ăn đồ chua, thức ăn cay nóng, dùng nước ngọt có gas và rượu bia
- Buồn nôn và nôn mửa
- Phân lỏng hoặc đặc bất thường
- Một số trường hợp có thể đi kèm với triệu chứng ợ nóng, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu
Triệu chứng của viêm hang vị dạ dày xảy ra trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng ăn uống kém, người mệt mỏi, thể trạng suy yếu, giảm hiệu suất học tập và làm việc.
Nguyên nhân gây bệnh viêm hang vị dạ dày
Thống kê cho thấy, viêm hang vị chủ yếu khởi phát do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori và một số loại vi khuẩn có trong thực phẩm bẩn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể là hệ quả do lạm dụng thuốc chống viêm, giảm đau, nghiện rượu bia và một số nguyên nhân khác.
Các nguyên nhân phổ biến gây viêm hang vị dạ dày, bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp): Nhiễm vi khuẩn Hp được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng viêm/ loét ở niêm mạc dạ dày. Loại vi khuẩn này xâm nhập vào dạ dày thông qua hoạt động ăn uống, sau đó trú ngụ và phát triển trong niêm mạc. Vi khuẩn Hp có thể kích thích thành dạ dày bài tiết axit, tăng hoạt động co bóp và gây ra bệnh viêm hang vị.
- Nhiễm vi khuẩn khác: Viêm hang vị cấp còn có thể khởi phát do sử dụng thức ăn chứa vi khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn,… Các loại vi khuẩn này gây viêm ở niêm mạc hang vị, tăng co bóp dạ dày và làm bùng phát các triệu chứng một cách đột ngột.
- Lạm dụng thuốc chống viêm, giảm đau: Lạm dụng các loại thuốc như thuốc giảm đau không steroid (Diclofenac, Aspirin, Ibuprofen, Naproxen,…) hoặc thuốc kháng viêm chứa steroid (Prednisolon) có thể làm suy giảm tầng bảo vệ dạ dày và kích thích axit ăn mòn niêm mạc. Trong trường hợp sử dụng liều cao, niêm mạc có thể bị loét, thủng và chảy máu.
- Nghiện rượu: Sử dụng rượu bia trong thời gian dài có thể kích thích hoạt động bài tiết axit và ăn mòn niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, thói quen này cũng có thể gây viêm loét thực quản, xơ gan, suy giảm chức năng gan, ung thư thực quản,…
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, viêm hang vị cũng có thể bắt nguồn từ căng thẳng thần kinh, hút thuốc lá trong thời gian dài, sinh hoạt và ăn uống không điều độ.
Hang vị là vị trí dễ bị nhiễm trùng và viêm loét. Nếu không chữa trị đúng cách, hiện tượng viêm có thể lan rộng đến hành tá tràng, bờ cong nhỏ, môn vị và tiểu môn vị.
Viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?
Viêm hang vị dạ dày thường không quá nguy hiểm. Bệnh có thể được điều trị hoàn toàn nếu kịp thời thăm khám và xử lý đúng cách. Tuy nhiên ở các trường hợp chủ quan hoặc điều trị không đúng cách, tình trạng viêm có thể lan rộng, tiến triển nặng nề và làm bùng phát các biến chứng như:
- Loét dạ dày: Nếu không điều chỉnh chế độ ăn, thói quen sinh hoạt và sử dụng thuốc đều đặn, dạ dày có xu hướng bài tiết axit liên tục khiến niêm mạc bị loét và phù nề. Ở giai đoạn loét, các triệu chứng có tần suất và mức độ nặng nề hơn so với giai đoạn viêm.
- Xuất huyết dạ dày: Xuất huyết dạ dày xảy ra khi niêm mạc hang vị bị loét nặng, dẫn đến hiện tượng vỡ tĩnh mạch và chảy máu. Biến chứng này có thể gây choáng, hạ huyết áp và tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Vì vậy nếu nhận thấy tình trạng nôn ra máu, bã nôn có màu cà phê hoặc đi ngoài ra máu, bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.
- Hẹp môn vị: Hang vị là bộ phận nằm liền kề với môn vị – vị trí nối liền giữa dạ dày và tá tràng. Tình trạng viêm kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạc môn vị và dẫn đến hiện tượng hình thành mô sẹo. Mô sẹo xuất hiện có thể thu hẹp không gian của môn vị, gây khó khăn trong việc vận chuyển thức ăn từ dạ dày xuống ruột non. Biến chứng này điển hình bởi triệu chứng nôn ói dữ dội, đau bụng, dịch nôn có mùi hôi thối,…
- Tăng nguy cơ ung thư: Ở những người bị viêm hang vị kéo dài và dương tính với vi khuẩn Hp, các mô dạ dày có nguy cơ loạn sản và ác tính hóa (ung thư).
- Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống: Ngoài ra, triệu chứng do viêm hang vị còn ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, hiệu suất học tập, làm việc, gây gián đoạn giấc ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi và suy nhược.
Chẩn đoán bệnh viêm hang vị dạ dày
Viêm hang vị dạ dày là bệnh lý có tổn thương thực thể kèm theo các triệu chứng cơ năng. Vì vậy, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác triệu chứng lâm sàng, lịch sử dùng thuốc, tiền sử sức khỏe và chỉ định một số kỹ thuật cận lâm sàng như:
- Nội soi: Nội soi là kỹ thuật chẩn đoán chính đối với các bệnh lý ở đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng. Kỹ thuật này sử dụng ống nội soi có camera đưa vào miệng hoặc mũi, sau đó di chuyển xuống thực quản và dạ dày. Nội soi giúp bác sĩ quan sát biểu hiện của niêm mạc dạ dày, xác định ổ viêm và phát hiện biến chứng.
- Sinh thiết mô: Khi nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết mô nhằm xác định sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori và phát hiện sớm nguy cơ ác tính hóa tế bào.
- Xét nghiệm vi khuẩn Hp: Bên cạnh sinh thiết mô, bác sĩ cũng có thể đề nghị test hơi thở, xét nghiệm phân và máu để tìm sự hiện diện của vi khuẩn Hp.
- Chụp X-Quang: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị chụp X-Quang nếu nghi ngờ xuất hiện vết loét ở niêm mạc.
Cách điều trị viêm hang vị dạ dày
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ triệu chứng và giai đoạn phát triển bệnh để chỉ định biện pháp điều trị phù hợp. Mục tiêu của điều trị viêm hang vị là cải thiện triệu chứng, giảm ổ viêm, tiêu diệt vi khuẩn Hp và dự phòng các biến chứng nguy hiểm.
1. Điều trị viêm hang vị dạ dày đơn thuần
Điều trị viêm hang vị dạ dày đơn thuần chủ yếu là sử dụng thuốc trung hòa axit, ức chế bài tiết dịch vị và thuốc bảo vệ niêm mạc. Các loại thuốc này có tác dụng cải thiện triệu chứng, phục hồi ổ viêm và ngăn ngừa bệnh chuyển sang giai đoạn loét.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm hang vị dạ dày:
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Sau khi được dung nạp, loại thuốc này tạo thành lớp màng bao phủ bề mặt niêm mạc và bảo vệ ổ viêm. Thuốc được sử dụng trước khi ăn 1 giờ đồng hồ nhằm hạn chế bùng phát các triệu chứng như đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, ợ hơi, đầy bụng,… Một số loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày được sử dụng phổ biến, bao gồm Bismuth, Ducas, Sucralfate,…
- Thuốc kháng axit: Thuốc kháng axit thường được dùng trong điều trị viêm hang vị dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc có tác dụng trung hòa dịch vị nhằm cải thiện cơn đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nóng rát,… Các loại thuốc kháng axit thường được sử dụng, gồm có Maalox, Phosphalugel,…
- Thuốc kháng thụ thể H2: Thuốc kháng thụ thể H2 (Cimetidine, Ranitidine,…) có tác dụng ức chế chọn lọc histamine H2 ở thành dạ dày nhằm làm giảm hoạt động bài tiết axit. Nhóm thuốc này được dung nạp khá tốt, ít phát sinh tác dụng phụ nhưng có thể không đem lại hiệu quả ở một số trường hợp.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): PPI có khả năng ức chế bài tiết axit hoàn toàn và hiệu quả kéo dài trong nhiều giờ. Ngoài khả năng giảm bài tiết dịch vị, nhóm thuốc này còn giúp phục hồi ổ viêm và ngăn ngừa biến chứng loét hang vị. Tuy nhiên các loại thuốc ức chế bơm proton (Omeprazole, Esomeprazole,…) có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim,…
2. Điều trị viêm hang vị dạ dày có vi khuẩn Hp
Đối với những trường hợp dương tính với vi khuẩn Hp, bác sĩ sẽ tiến hành nuôi cấy vi khuẩn và đưa ra phác đồ điều trị riêng biệt. Phác đồ này thường được sử dụng trong vòng 14 ngày.
– Liệu pháp 3 thuốc:
Liệu pháp 3 thuốc được chỉ định ưu tiên trong điều trị viêm hang vị dạ dày có vi khuẩn Hp. Phác đồ này được sử dụng với tần suất 2 lần/ ngày.
Phác đồ 3 thuốc cơ bản:
- Thuốc ức chế bơm proton + Clarithromycin 50mg + Amoxicillin 1g
Phác đồ 3 thuốc đối với người có lịch sử sử dụng Clarithromycin gần đây:
- Thuốc ức chế bơm proton + Amoxicillin 1g + Metronidazole 500mg
- Hoặc thuốc ức chế bơm proton + Amoxicillin 1g + Levofloxacin 250mg
– Liệu pháp 4 thuốc:
Liệu pháp 4 thuốc được chỉ định đối với các trường hợp dị ứng với kháng sinh nhóm penicillin (Amoxicillin) hoặc kháng với phác đồ 3 thuốc.
- Thuốc ức chế bơm proton (dùng 2 lần/ ngày) + (Tetracyclin 500mg + Pepto-bismol 524mg + Metronidazole 250mg) sử dụng 4 lần/ ngày
Vi khuẩn Hp có khả năng kháng thuốc cao. Vì vậy bạn nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để hạn chế nguy cơ kháng thuốc và các tình huống rủi ro.
Biện pháp cải thiện viêm hang vị dạ dày tại nhà
Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giúp cải thiện các triệu chứng do viêm hang vị ngay tại nhà như:
- Dùng trà gừng mật ong: Trà gừng mật ong ấm có tác dụng giảm cảm giác khó chịu ở cổ họng, cải thiện triệu chứng buồn nôn và nôn mửa. Bên cạnh đó, gừng và mật ong còn có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn mạnh.
- Sữa nghệ ấm: Nếu thường xuyên nôn ói sau khi ăn, bạn có thể giảm khối lượng thức ăn và sử dụng kèm theo 1 ly sữa nghệ ấm. Sữa nghệ không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn hỗ trợ giảm viêm và phục hồi các niêm mạc tổn thương.
- Trà bạc hà: Hoạt chất Menthol trong lá bạc hà được chứng minh có hiệu quả điều hòa hoạt động co bóp của dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn và cải thiện hiện tượng sưng viêm. Ngoài ra, dùng trà bạc hà còn giúp làm mát, giảm nóng rát và khó chịu ở cổ họng.
- Uống trà hoa cúc: Dùng 1 tách trà hoa cúc vào sáng sớm có thể giảm cảm giác đắng miệng và buồn nôn do viêm hang vị gây ra. Bên cạnh đó, hoạt chất chống oxy hóa từ hóa cúc còn giúp giảm bài tiết axit, chống viêm và ngăn ngừa hiện tượng loét dạ dày.
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa viêm hang vị tái phát
Bên cạnh sử dụng thuốc và áp dụng các biện pháp cải thiện tại nhà, bạn nên xây dựng chế độ chăm sóc khoa học để kiểm soát tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ lạm dụng thuốc và phòng ngừa bệnh tái phát.
Các biện pháp chăm sóc giúp phòng ngừa và kiểm soát tiến triển của bệnh viêm hang vị dạ dày:
- Tránh các tác nhân làm nghiêm trọng hiện tượng viêm hang vị như thuốc chống viêm, giảm đau, khói thuốc lá và rượu bia.
- Ngoài ra, bạn cần hạn chế thói quen tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Dùng kháng sinh tùy tiện có thể khiến vi khuẩn Hp biến đổi bất thường và tăng nguy cơ kháng thuốc.
- Uống nhiều nước, bổ sung rau xanh, củ, trái cây, thức ăn giàu tinh bột,… nhằm trung hòa dịch vị dạ dày, bảo vệ niêm mạc và ngăn chặn quá trình ăn mòn của axit.
- Nên dùng thức ăn mềm, lỏng, ít gia vị, dầu mỡ, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa trong thời gian bệnh bùng phát mạnh. Các món ăn này có thể làm giảm áp lực lên ổ viêm loét và hạn chế bùng phát các triệu chứng như đau vùng thượng vị, buồn nôn, ợ hơi, nôn ói, đầy bụng,…
- Hạn chế dùng món ăn chứa nhiều dầu, gia vị cay nóng, muối, axit hoặc có kết cấu khô, cứng và khó nuốt. Đồng thời tránh sử dụng thực phẩm và đồ uống gây khó tiêu và đầy bụng như nước ngọt có gas, đồ ăn chế biến sẵn như thức ăn nhanh, thịt xông khói, xúc xích,…
- Nên chia nhỏ bữa ăn để làm giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa, tránh ăn sát giờ ngủ và hạn chế vận động ngay sau khi ăn.
- Tập thể dục thường xuyên giúp điều hòa hoạt động bài tiết và co bóp của dạ dày. Hơn nữa, hoạt động thể chất còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, kiểm soát căng thẳng và nâng cao sức khỏe tổng thể. Vì vậy bạn nên tập thể dục từ 20 – 30 phút/ ngày.
- Căng thẳng có thể khiến viêm hang vị dạ dày tiến triển nặng nề. Vì vậy, bạn nên giảm khối lượng công việc, dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện với người thân,… để giải tỏa căng thẳng và tác động tích cực đến tiến triển của bệnh.
Viêm hang vị dạ dày là bệnh lý có mức độ nhẹ và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu thăm khám và điều trị sớm. Trong trường hợp chủ quan và tiếp tục duy trì các thói quen xấu, niêm mạc có thể bị loét nặng, gây xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị và tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Tham khảo thêm: Xuất huyết dạ dày là gì ? Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý nhanh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!