Cách trị viêm xung huyết hang vị mức độ nhẹ – vừa – nặng

Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày được phân chia thành nhiều mức độ khác nhau (nhẹ – vừa – nặng). Mức độ tổn thương ở niêm mạc hang vị không chỉ chi phối triệu chứng của bệnh mà còn là yếu tố quyết định phương pháp điều trị.

viêm xung huyết hang vị mức độ vừa
Cách nhận biết bệnh viêm xung huyết hang vị mức độ nhẹ, vừa và nặng

Viêm xung huyết hang vị là gì?

Viêm xung huyết hang vị là một trong những giai đoạn của viêm hang vị dạ dày. Bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc ở vùng hang vị bị viêm, tổn thương đi kèm với hiện tượng xung huyết mạch máu. Viêm xung huyết hang vị được phân chia theo nhiều mức độ, bao gồm mức độ nhẹ – vừa – nặng dựa trên triệu chứng thực thể.

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra viêm xung huyết hang vị dạ dày. Trong đó phổ biến nhất là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), lạm dụng thuốc chống viêm – giảm đau, hút thuốc lá, căng thẳng thần kinh kéo dài, nghiện rượu bia và ăn uống không điều độ.

Viêm xung huyết hang vị dạ dày có thể điều trị hoàn toàn nếu tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên đối với những trường hợp chủ quan, hiện tượng viêm ở niêm mạc hang vị có thể tiến triển nặng, dẫn đến loét và xuất huyết dạ dày.

Nhận biết viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ nhẹ – vừa – nặng

Như đã đề cập, viêm xung huyết hang vị dạ dày được chia thành 3 mức độ khác nhau, bao gồm:

1. Viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ nhẹ

Viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ nhẹ đề cập đến tình trạng viêm ở lớp bề mặt niêm mạc. Khi nội soi, niêm mạc chỉ xuất hiện vết hồng ban có kích thước nhỏ. Ở giai đoạn này, triệu chứng của bệnh khá mờ nhạt và khó nhận biết.

Một số triệu chứng thường gặp của viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ nhẹ:

  • Đau thượng vị âm ỉ, nhẹ và thường thuyên giảm nhanh
  • Có cảm giác buồn nôn sau khi ăn
  • Ợ hơi, ợ chua

2. Viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ vừa

Đối với viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ vừa, các vết hồng ban ở niêm mạc bắt đầu ăn sâu hơn và lan rộng ra. Ở giai đoạn này, các mạch máu tại ổ viêm có hiện tượng giãn nở và xung huyết.

viêm xung huyết hang vị mức độ nhẹ
Viêm xung huyết hang vị mức độ vừa bắt đầu có các biểu hiện rõ rệt như ợ hơi, buồn nôn, nôn mửa

Các triệu chứng nhận biết viêm xung huyết hang vị dạ dày có mức độ vừa:

  • Đau thượng vị có mức độ nặng và khởi phát với tần suất thường xuyên hơn
  • Buồn nôn và nôn mửa sau khi ăn
  • Ợ hơi, ợ chua
  • Đầy bụng, khó tiêu

3. Viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ nặng

Nếu không tiến hành điều trị, viêm xung huyết hang vị có thể chuyển sang giai đoạn nặng. Lúc này, các ổ viêm có xu hướng ăn sâu vào niêm mạc và mạch máu có thể bị xung huyết nặng. Ở một số trường hợp, ổ viêm có thể lan rộng ra phần thân vị, môn vị và biểu hiện qua các triệu chứng điển hình, dễ nhận biết.

Nhận biết viêm xung huyết hang vị dạ dày có mức độ nặng:

  • Đau thượng vị sau khi ăn, mức độ đau dữ dội và đau quặn từng cơn
  • Có cảm giác nóng rát và cồn cào ở thượng vị
  • Buồn nôn, nôn mửa sau khi ăn
  • Bụng đầy trướng, khó tiêu, ăn uống kém
  • Đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như cơ thể mệt mỏi, gầy sút và suy nhược

Nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị dạ dày

Viêm xung huyết hang vị dạ dày xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý này:

viêm xung huyết hang môn vị mức độ nhẹ
Nhiễm vi khuẩn Hp là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm xung huyết hang vị và môn vị
  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp): Nhiễm vi khuẩn Hp là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm loét dạ dày nói chung và viêm xung huyết hang vị dạ dày nói riêng. Loại xoắn khuẩn này có thể lây nhiễm qua thực phẩm, nước uống hoặc lây qua một số hoạt động như hôn môi, ăn uống chung, sử dụng chung vật dụng cá nhân,… Vi khuẩn Hp có khả năng sinh sống trong niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và hình thành ổ viêm loét ở cơ quan này.
  • Lạm dụng thuốc: Ngoài ra, lạm dụng thuốc chống viêm và giảm đau (corticoid, NSAID) cũng có thể là nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị dạ dày. Các loại thuốc này hoạt động dựa trên cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin – hoạt chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa. Vì vậy, lạm dụng thuốc quá mức có thể làm suy giảm hàng rào bảo vệ niêm mạc, dẫn đến tình trạng dịch vị xâm lấn và gây xung huyết dạ dày.
  • Nghiện rượu: Alcohol (cồn) trong rượu không chỉ ăn mòn niêm mạc thực quản mà còn phá vỡ màng nhầy bảo vệ dạ dày, dẫn đến viêm xung huyết và loét niêm mạc. Trong trường hợp dùng quá nhiều rượu, mạch máu tại ổ viêm có thể bị vỡ và gây xuất huyết dạ dày.
  • Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, viêm xung huyết hang vị dạ dày có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như stress kéo dài, thói quen ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, thức khuya,… Trong một số trường hợp, bệnh lý này cũng có thể khởi phát sau khi bị viêm dạ dày ruột (nhiễm trùng cấp do vi khuẩn thương hàn, lỵ, amip,…).

Viêm xung huyết hang vị dạ dày có nguy hiểm không?

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là giai đoạn chuyển giao giữa hiện tượng viêm và loét. Vì vậy nếu điều trị kịp thời, niêm mạc dạ dày có thể phục hồi hoàn toàn và không để lại biến chứng. Tuy nhiên trong trường hợp chủ quan, ổ viêm có thể tiến triển nặng dần theo thời gian, dẫn đến loét và tăng nguy cơ xuất huyết, thủng dạ dày,…

Một số biến chứng của viêm xung huyết hang vị dạ dày:

  • Làm giảm chất lượng cuộc sống, giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn, ăn uống kém, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, giảm hiệu suất lao động – học tập,…
  • Loét dạ dày tá tràng
  • Xuất huyết dạ dày
  • Hẹp môn vị
  • Tăng nguy cơ ung thư dạ dày

Cách trị viêm xung huyết hang vị theo từng mức độ

Điều trị viêm xung huyết hang vị bao gồm sử dụng thuốc và điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt. Nếu tuân thủ chỉ định của bác sĩ, ổ viêm ở niêm mạc có thể phục hồi sau một thời gian nhất định và các triệu chứng của bệnh có xu hướng thuyên giảm rõ rệt.

Cách điều trị viêm xung huyết hang vị theo từng mức độ:

1. Trị viêm xung huyết hang vị mức độ nhẹ – vừa

Ở giai đoạn nhẹ và vừa, triệu chứng của bệnh khá mờ nhạt và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra ở giai đoạn này, niêm mạc chỉ bị viêm nhẹ, mức độ xâm lấn thấp và có thể phục hồi chỉ sau một thời gian ngắn.

viêm xung huyết hang vị mức độ nặng
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong điều trị viêm xung huyết hang vị

Các biện pháp điều trị viêm xung huyết nhẹ và vừa:

  • Sử dụng thuốc: Trước khi dùng thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để loại trừ nguy cơ bị ung thư dạ dày và xác định sự hiện diện của vi khuẩn (Hp). Đối với trường hợp dương tính với vi khuẩn, bác sĩ sẽ làm phác đồ dựa theo lịch sử dùng thuốc của bệnh nhân và mức độ nhạy cảm của vi khuẩn. Nếu âm tính với vi khuẩn Hp, bạn có thể được yêu cầu sử dụng thuốc kháng axit, thuốc bảo vệ niêm mạc và thuốc ức chế axit dạ dày.
  • Điều chỉnh thói quen ăn uống: Thay đổi các thói quen ảnh hưởng xấu đến cơ quan tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng như uống rượu bia, thức ăn nhiều axit, gia vị cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ và chất bảo quản.
  • Thiết lập lối sống khoa học: Bên cạnh đó, cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên. Đồng thời nên thay đổi một số thói quen xấu như hút thuốc lá, suy nghĩ quá nhiều, làm việc hơn 8 giờ/ ngày, thức khuya và không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.

Nếu viêm xung huyết hang vị có mức độ nhẹ và vừa, bạn cũng có thể kết hợp sử dụng thuốc, xây dựng chế độ ăn uống và lối sống khoa học cùng với một số mẹo chữa từ thiên nhiên như dùng nghệ vàng, mật ong, nha đam,… Các nguyên liệu tự nhiên này có khả năng trung hòa axit, phục hồi, tái tạo ổ viêm và cải thiện hoạt động tiêu hóa đáng kể.

2. Điều trị viêm xung huyết hang vị có mức độ nặng

Đối với viêm xung huyết hang vị có mức độ nặng, bắt buộc phải sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần phối hợp với chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt khoa học để phục hồi ổ viêm và ngăn ngừa bệnh chuyển sang giai đoạn loét.

viêm xung huyết niêm mạc hang vị mức độ nặng
Người bị viêm xung huyết hang vị mức độ nặng bắt buộc phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ

Thực tế, phác đồ điều trị viêm xung huyết hang vị có mức độ nặng và nhẹ – vừa không có sự khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên ở giai đoạn nặng, bác sĩ thường ưu tiên dùng các loại thuốc có hoạt tính mạnh để ngăn chặn ổ viêm tiến triển, đồng thời thúc đẩy tốc độ phục hồi niêm mạc và kiểm soát triệu chứng.

Hơn nữa, thời gian sử dụng thuốc đối với viêm xung huyết hang vị có mức độ nặng thường lâu hơn so với viêm xung huyết hang vị có mức độ nhẹ và vừa. Trong thời gian điều trị, bạn cũng có thể phối hợp với một số mẹo chữa từ thiên nhiên. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng lạm dụng và phụ thuộc hoàn toàn vào những mẹo chữa này.

Lưu ý:

Tất cả các trường hợp bị viêm xung huyết hang vị có mức độ nhẹ – vừa – nặng dương tính với vi khuẩn Hp đều phải điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Phác đồ điều trị vi khuẩn Hp có thể được chỉ định trong 2 – 4 tuần hoặc hơn.

Sau thời gian này, bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả điều trị. Điều trị vi khuẩn Hp có thể thất bại nếu sử dụng thuốc không đều hoặc ngưng thuốc quá sớm. Vì vậy, bạn nên tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ để loại trừ hoàn toàn vi khuẩn Hp và ngăn ngừa tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

Bài viết đã tổng hợp một số cách điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày có mức độ nhẹ – vừa – nặng. Tuy nhiên, nội dung trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Vì vậy, bạn đọc nên tìm gặp bác sĩ để được đánh giá tình trạng bệnh lý và tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Tham khảo thêm:

5/5 - (5 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *