Bị viêm đường tiết niệu nên ăn gì, kiêng gì nhanh khỏi?

Viêm đường tiết niệu hay nhiễm trùng tiết niệu có thể kiểm soát và phòng tránh bằng một chế độ ăn uống cân bằng. Vậy, viêm đường tiết niệu nên ăn gì, kiêng gì? Viêm đường tiết niệu nên uống gì? Viêm đường tiết niệu nên ăn quả gì? Đừng bỏ lỡ cơ hội tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

Chế độ ăn uống của bạn có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, từ cân nặng đến sự phát triển của da, tóc, từ hệ miễn dịch đến sức khỏe bàng quang…

Trên thực tế, chế độ ăn uống thường là điều đầu tiên bạn nên tìm cách cải thiện nếu muốn tăng sức khỏe tổng thể và điều trị bệnh.

Viêm đường tiết niệu có thể kiểm soát và phòng tránh bằng một chế độ ăn uống cân bằng
Viêm đường tiết niệu có thể kiểm soát và phòng tránh bằng một chế độ ăn uống cân bằng

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi viêm đường tiết niệu có thể bị ảnh hưởng bởi các loại thực phẩm mà bạn đang ăn mỗi ngày. Không chỉ đồ ăn, mà cả thức uống cũng có ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe đường tiết niệu.

Viêm đường tiết niệu nên ăn gì?

Theo hầu hết các nghiên cứu, độ pH của nước tiểu là một yếu tố quan trọng đối với đường tiết niệu. Nó có thể biến đường tiết niệu sẽ trở thành môi trường phát triển cực thịnh của vi khuẩn gây ra viêm nhiễm.

Vì chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến độ pH của nước tiểu, nên chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh sự cân bằng này theo hướng có lợi cho cơ thể thông qua các thực phẩm phù hợp.

Thực phẩm cung cấp chất chống oxy hóa

Thực phẩm, đồ uống có nhiều chất chống oxy hóa và tính axit nhẹ có thể giúp giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát.

  • Thực phẩm lành mạnh: Quả nam việt quất, quả việt quất, sữa chua không đường, bông cải xanh và rau chân vịt.
  • Đồ uống lành mạnh: Cà phê decaf (khử cafein), nước ép các loại quả mọng (nam việt quất, việt quất), nước ép lựu, trà đen và trà xanh.

Nước ép nam việt quất có chứa hợp chất proanthocyanidin ngăn E.coli bám vào mô trong đường tiết niệu. Uống nước ép nam việt quất không đường cũng có thể giúp giảm tần suất viêm đường tiết niệu, ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn xấu.

Pha trộn nước ép nam việt quất và nước ép quả mọng lingonberry (theo tỷ lệ 7,5gr nam việt quất và 1,5gr lingonberry trong 50ml nước lọc) sẽ làm gia tăng hiệu quả này.

Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch – điều rất cần thiết trong quá trình điều trị viêm đường tiết niệu.

Vitamin C phản ứng với nitrat trong nước tiểu để tạo thành nitơ oxit có thể tiêu diệt vi khuẩn. Điều này giúp giảm độ pH của nước tiểu, từ đó khiến vi khuẩn ít có khả năng sống sót hơn.

Không khó để tìm kiếm các thực phẩm giàu vitamin C. Bạn nên ăn nhiều bông cải xanh, quả mọng, đu đủ, cải xoăn, ổi, bông cải trắng…

Bổ sung vitamin C từ thực phẩm chức năng cũng có thể hỗ trợ điều trị viêm nhiễm hiệu quả.

Trong một nghiên cứu được thực hiện năm 2016, 38 phụ nữ bị viêm đường tiết niệu tái phát đã được bổ sung vitamin C, probiotic và nam việt quất 3 lần/ngày trong 20 ngày. Sau đó họ dừng lại trong 10 ngày và lặp lại chu kỳ này trong 3 tháng.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng đây có thể là một phương pháp hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu an toàn và hiệu quả.

Bổ sung bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?

  • Nữ giới trưởng thành: Bổ sung ít nhất 75mg mỗi ngày
  • Nam giới trưởng thành: Bổ sung khoảng 90mg mỗi ngày
  • Người hút thuốc: Nên bổ sung thêm 35mg mỗi ngày

Tỏi

Tỏi thường được sử dụng trong y học để điều trị một loạt các bệnh về thể chất, bao gồm nhiễm nấm, virus và vi khuẩn. Khả năng chữa bệnh của tỏi đến từ hợp chất allicin. Allicin có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả E. coli – vi khuẩn chủ yếu gây viêm đường tiết niệu.

Tỏi có thể được tiêu thụ ở dạng thô, nhưng nó cũng thường được bán dưới dạng chiết xuất và viên nang
Tỏi có thể được tiêu thụ ở dạng thô, nhưng nó cũng thường được bán dưới dạng chiết xuất và viên nang

Nước lọc

Những người bị viêm đường tiết niệu, đặc biệt là viêm bàng quang, nên uống nhiều nước (nhưng không quá nhiều). Cố gắng đạt mục tiêu uống đủ 6 – 8 cốc nước (tương đương 1,5 – 2,5 lít nước) mỗi ngày. Điều này giúp lợi tiểu và đào thải vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu.

Uống quá ít nước có thể khiến cơ thể bị mất nước, nước tiểu trở nên cô đặc hơn, gây kích ứng thêm cho niêm mạc bàng quang. Nếu nước tiểu của bạn có màu vàng sẫm, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bị mất nước.

Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không nên uống quá nhiều nước. Nó sẽ gây thêm gánh nặng cho bàng quang và tăng nguy cơ bị ngộ độc nước. Tốt nhất, không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc, nên uống từng ngụm nhỏ và nhâm nhi trong suốt cả ngày.

Ngoài nước lọc, bạn có thể uống thêm các loại nước ép trái cây không đường, nước canh, trà thảo mộc hoặc nước hầm xương bổ dưỡng.

Trà xanh và trà thảo mộc

Trà xanh cung cấp nhiều polyphenol giúp chống viêm và kháng khuẩn mạnh. Hợp chất Epigallocatechin (EGC) trong trà xanh đã được chứng minh có thể kháng các chủng E. coli gây ra viêm đường tiết niệu trong nghiên cứu ống nghiệm.

Một số nghiên cứu trên động vật cũng phát hiện ra rằng chiết xuất trà xanh có chứa EGC có thể cải thiện hiệu quả của một số loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị viêm đường tiết niệu. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn trà xanh đã khử cafein.

Một số loại trà thảo dược khác cũng thường được bác sĩ khuyến nghị nên uống trong quá trình điều trị viêm đường tiết niệu.

Bao gồm:

  • Trà mùi tây: Giúp lợi tiểu nhẹ. Kết hợp trà mùi tây, tỏi và chiết xuất nam việt quất có thể ngăn ngừa viêm đường tiết niệu tái phát ở phụ nữ.
  • Trà hoa cúc: Giúp lợi tiểu nhẹ, kháng khuẩn, chống viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu.
  • Trà bạc hà: Một số nghiên cứu trong ống nghiệm đã phát hiện ra rằng lá bạc hà có tác dụng kháng khuẩn, chống lại các loại vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu khác nhau, như E. coli. Một số hợp chất được tìm thấy trong lá bạc hà cũng có thể giúp giảm khả năng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.

Thực phẩm giàu probiotic

Probiotic không chỉ tốt cho đường ruột, chúng còn đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu.

Ở phụ nữ, trong thời gian nhiễm trùng, các vi khuẩn có hại như E. Coli cư trú trong âm đạo và có thể chiếm chỗ của các vi khuẩn khỏe mạnh. Việc sử dụng kháng sinh có thể tiếp tục làm sụt giảm số lượng các lợi khuẩn này. Bởi vậy, việc bổ sung probiotic là điều hoàn toàn có lợi giúp khôi phục hệ lợi khuẩn trong cơ thể.

Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy rằng một số chủng vi khuẩn Lactobacilli đã giúp giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu ở phụ nữ.

Probiotic có nhiều trong các thực phẩm lên men như sữa chua, nấm sữa kefir, dưa muối, trà kombucha… Hoặc, bạn có thể bổ sung probiotic dạng thực phẩm chức năng.

Đường D-mannose

D-mannose là một loại đường tự nhiên có trong nhiều loại rau củ quả, bao gồm xoài, rong biển, nam việt quất, gel nha đam…

Ngoài ăn các thực phẩm giàu D-mannose, chúng ta cũng có thể bổ sung D-mannose qua thực phẩm chức năng
Ngoài ăn các thực phẩm giàu D-mannose, chúng ta cũng có thể bổ sung D-mannose qua thực phẩm chức năng

Từ lâu, D-mannose đã được sử dụng để điều trị viêm đường tiết niệu ở động vật. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã được tiến hành để tìm hiểu tác dụng điều trị và ngăn ngừa viêm đường tiết niệu trên người.

Một nghiên cứu năm 2014 được đăng tải trên Tạp chí Tiết niệu thế giới đã ghi nhận D-mannose có thể hiệu quả trong ngăn ngừa viêm đường tiết niệu tái phát. Thậm chí, nó còn được cho là hiệu quả hơn thuốc kháng sinh Nitrofurantoin.

Tuy nhiên, những người tham gia nghiên cứu đều biết rằng bản thân được dùng D-mannose. Điều này có thể ảnh hưởng tới nhận thức của bệnh nhân về hiệu quả của D-mannose.

Nghiên cứu khác của các nhà khoa học Italy năm 2016 đã đưa ra bằng chứng của D-mannose đối với viêm đường tiết niệu. Tuy nhiên, các tác giả cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứ để khẳng định điều này.

Lưu ý: D-mannose có thể gây tiêu chảy nhẹ. Không nên bổ sung D-mannose cho phụ nữ mang thai hoặc bệnh nhân đái tháo đường.

Trẻ bị viêm đường tiết niệu nên ăn gì còn phụ thuộc nhiều vào độ tuổi. Đối với trẻ sơ sinh, hãy cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn, nên cho trẻ bú trong ít nhất 6 tháng đầu đời.

Với trẻ đã biết ăn dặm và trẻ lớn, cha mẹ có thể áp dụng chế độ dinh dưỡng cầu vồng. Đây là chế độ ăn uống khoa học có sự kết hợp của nhiều loại thức ăn với nhiều màu sắc khác nhau, phần lớn là từ rau củ quả.

Viêm đường tiết niệu nên kiêng gì?

Bên cạnh các thực phẩm lành mạnh nêu trên, một số thực phẩm và đồ uống phổ biến có thể gây kích thích bàng quang, làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm đường tiết niệu.

Nên tránh những thực phẩm:

Cafein

Một nghiên cứu về viêm bàng quang mãn tính cho thấy những người có thói quen uống cà phê thường phải hứng chịu các triệu chứng bệnh nặng và xấu hơn.

Bởi vậy, hãy tránh uống cà phê trong quá trình điều trị viêm đường tiết niệu. Nếu là “tín đồ” cà phê, hãy lựa chọn cà phê decaf. Cà phê decaf là cà phê đã khử cafein. Nó có lượng cafein ít hơn 97% so với cà phê thông thường. Uống 5 – 10 cốc cà phê decaf mới có lượng cafein tương đương với 1 – 2 tách cà phê đầy đủ.

Bạn cũng nên tránh các thực phẩm, đồ uống chứa cafein khác, bao gồm: Chocolate, soda, nước tăng lực…

Đồ uống có cồn

Các loại bia rượu có thể gây kích ứng dạ dày, đặc biệt khi bạn bị trào ngược axit hoặc viêm loét dạ dày. Chúng cũng có thể gây kích thích bàng quang trong khi điều trị viêm nhiễm.

Bởi vậy, hãy ngưng uống rượu bia, kể cả các loại cocktail nhẹ trong khi cố gắng loại bỏ vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu.

Trái cây có tính axit mạnh

Mặc dù trái cây là một phần thiết yếu của chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng trái cây chứa nhiều axit có thể gây kích thích bàng quan, làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm đường tiết niệu.

Vì vậy, hãy cố gắng tránh ăn quá nhiều chanh, bưởi và cà chua khi bạn đang điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Bạn cũng nên tránh các loại trái cây khác, như táo, đào, nho, mận, dâu tây và dứa.

Sau khi điều trị viêm đường tiết niệu thành công, hãy tích cực ăn các loại trái cây này trở lại để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Thực phẩm cay nóng

Nên bỏ qua các món cay nóng, chứa nhiều ớt, gia vị hỗn hợp, hạt tiêu, cà ri… khi đang chữa viêm đường tiết niệu. Chúng có thể gây nhiều khó chịu và làm các triệu chứng trở nặng hơn.

Viêm đường tiết niệu nên ăn gì là thắc mắc của nhiều người
Viêm đường tiết niệu nên ăn gì là thắc mắc của nhiều người

Nếu vẫn ưa thích vị cay, bạn có thể thay thế các gia vị cay truyền thống (ớt, tiêu) bằng các thảo mộc trung tính, như hương thảo và xô thơm.

Chất tạo ngọt nhân tạo

Nhiều người cho rằng chất tạo ngọt nhân tạo lành mạnh và tốt hơn đường thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn bị viêm đường tiết niệu, ăn nhiều chất tạo ngọt nhân tạo có thể làm các triệu chứng nặng hơn và lâu phục hồi hơn.

Bởi vậy, nên tránh ăn các chất tạo ngọt nhân tạo như Sucralose hay Aspartame. Chúng có nhiều trong bánh kẹo, soda ăn kiêng, nước ép trái cây đóng hộp…

Cách phòng ngừa bệnh viêm đường tiết niệu?

Bên cạnh việc nắm được viêm đường tiết niệu nên ăn uống gì, mỗi người nên trang bị kiến thức giúp phòng ngừa viêm đường tiết niệu hiệu quả.

Dưới đây là những chỉ dẫn đã được khoa học chứng minh nhằm giúp ngăn ngừa căn bệnh nhiễm trùng phổ biến này:

Ăn chay

Một nghiên cứu tại Đài Loan đã tiết lộ mối liên hệ giữa ăn chay và nguy cơ viêm đường tiết niệu thấp hơn. Theo Tiến sĩ Chin-Lon Lin – tác giả của nghiên cứu, vi khuẩn E. coli gây viêm nhiễm ở đường tiết niệu khác với các chủng E. coli có trong đường ruột. Chủng này có khả năng trú ngụ trong các loại thịt.

Bởi vậy, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những người không ăn thịt sẽ ít tiếp xúc với các chủng E.coli gây ra nhiễm trùng tiết niệu. Do đó, ăn chay được cho là giúp ngăn ngừa viêm đường tiết niệu tốt hơn.

Tác giả suy đoán rằng quá trình chuyển hóa chất xơ cũng có thể liên quan tới tác dụng này. Theo đó, người ăn chay thường ăn nhiều chất xơ hơn. Vi sinh vật kỵ khí chuyển hóa chất xơ trong ruột giúp tạo ra axit béo chuỗi ngắn, làm giảm độ pH của ruột.

Bên cạnh đó, thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa các dưỡng chất thực vật. Đây là những hợp chất đã được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn, chống ung thư, chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ.

Ăn chín uống sôi

Các nhà dịch tế học tại Đại học McGill (Canada) đã phát hiện rằng các chủng E. coli có nguồn gốc từ thịt, đặc biệt là thịt gà, có thể là nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu hàng đầu ở nữ giới. Mặc dù chủng vi khuẩn này không kích hoạt bệnh đường ruột.

Nhóm nghiên cứu vẫn đang khám phá cách E. coli được chuyển từ thực phẩm sang người. Trên lý thuyết, vi khuẩn có thể đi theo con đường gián tiếp, đi từ đường ruột đến hậu môn và được đưa vào niệu đạo trong khi quan hệ tình dục hoặc lau rửa vùng kín không đúng cách.

Nắm được viêm đường tiết niệu nên ăn gì sẽ giúp bệnh nhân xây dựng chế độ ăn uống khoa học hơn
Nắm được viêm đường tiết niệu nên ăn gì sẽ giúp bệnh nhân xây dựng chế độ ăn uống khoa học hơn

Cách phòng ngừa tốt nhất chính là tuân thủ tốt các thực hành vệ sinh trong nhà bếp, ngăn ngừa ô nhiễm chéo giữa thịt sống và các thực phẩm khác. Đồng thời luôn nấu thịt chín kỹ, tránh ăn sống hoặc tái.

Vệ sinh cơ thể đúng cách

Vệ sinh cơ thể đúng cách rất quan trọng đối với nữ giới. Bởi vì niệu đạo ở phụ nữ ngắn hơn nhiều so với nam giới, vi khuẩn E. coli dễ dàng di chuyển từ hậu môn sang niệu đạo. Để tránh nguy cơ này, bạn lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh hoặc tắm rửa.

Nữ giới cũng nên thực hành vệ sinh tốt trong kỳ kinh để tránh nhiễm trùng. Cả nam và nữ giới đều nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.

Một số cách phòng ngừa khác

Những việc làm nhỏ dưới đây cũng có thể giúp bạn phòng tránh viêm đường tiết niệu hiệu quả:

  • Không nhịn đi tiểu, tiểu ngay khi có nhu cầu
  • Uống nhiều nước
  • Ăn uống lành mạnh
  • Tránh dùng chất diệt tinh trùng hoặc màng ngăn âm đạo
  • Không dùng các sản phẩm có mùi thơm ở vùng kín
  • Mặc đồ lót bằng vải cotton thấm hút tốt
  • Mặc quần áo rộng
  • Đi tiểu ngay sau khi quan hệ

Với những thông tin về viêm đường tiết niệu không nên ăn gì và viêm đường tiết niệu nên ăn gì, người bệnh có thể tự thiết lập cho riêng mình một chế độ ăn phù hợp. Mặc dù một chế độ ăn uống lành mạnh là điều vô cùng cần thiết và có thể giúp giảm viêm nhiễm đường tiết niệu, nhưng nếu các triệu chứng của bạn kéo dài hơn 1 – 2 tuần, nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Viêm đường tiết niệu không được điều trị có thể biến chứng lên thận hoặc trở thành mãn tính, khó điều trị.

Thông tin bổ ích:

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *