Nhiễm Khuẩn Tiết Niệu Là Gì? Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Nội dung bài viết
Nhiễm khuẩn tiết niệu là một bệnh phổ biến trong cộng đồng dân cư, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh. Do đó, hiểu về bệnh sẽ giúp bạn bảo vệ được sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.
Nhiễm khuẩn tiết niệu là gì? Phân loại bệnh
Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào một hoặc nhiều phần hệ tiết niệu, gây nên các hiện tượng viêm nhiễm.
Đây là một bệnh phổ biến trong cộng đồng dân cư. Nữ giới có tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu cao hơn nam giới.
Trong y học hiện đại, bệnh lý này thường được phân loại như sau:
Phân loại theo vị trí giải phẫu
Dựa vào vị trí vi khuẩn xâm nhập và gây tác động trong hệ tiết niệu mà người ta chia thành 2 nhóm bệnh.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu trên: Viêm bể thận cấp, viêm bể thận mắn, áp xe thận, thận hư mủ, viêm thận ngược chiều.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới: Viêm bàng quang hoặc viêm niệu đạo. Riêng với nam giới có thêm bệnh viêm tiền liệt tuyến và viêm tinh hoàn.
Vi khuẩn có thể xâm nhập và tác động tới nhiều vị trí nên 2 nhóm bệnh này có thể xảy ra đồng thời. Và có thể không xuất hiện triệu chứng cụ thể.
Phân loại theo dịch tễ học
Độ tuổi có ảnh hưởng tới khả năng và tình trạng mắc bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Độ tuổi sơ sinh
Trẻ sơ sinh có tỷ lệ mắc từ 0,1 – 1%. Trẻ sơ sinh nhẹ cân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ có cân nặng bình thường. Ở giai đoạn trước 1 tuổi, bé trai có khả năng mắc bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu cao hơn bé gái.
- Trẻ dưới 5 tuổi
Giai đoạn này bé gái có khả năng mắc bệnh cao hơn bé trai. Nguyên nhân gây bệnh thường liên quan tới dị tật ở đường tiết niệu làm cho nước tiểu ứ đọng. Nhờ đó mà vi khuẩn có môi trường thuận lợi để sinh sôi và gây bệnh.
- Độ tuổi trên 5 tuổi – dưới 18 tuổi
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em giai đoạn này khá cao. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường vệ sinh trường lớp.
- Độ tuổi từ 18 – 65
Trong độ tuổi này, tỷ lệ nhiễm trùng tiết niệu ở nữ giới cao hơn nam giới. Có khoảng 10% nữ giới trong độ tuổi này từng bị nhiễm khuẩn tiết niệu ít nhất một lần trong đời.
Do cấu trúc niệu đạo của nam giới dài hơn nữ giới nên dễ nhận biết triệu chứng bệnh hơn nữ. Niệu đạo của phụ nữ ngắn nên vi trùng dễ xâm nhập và khó nhận biết triệu chứng.
- Độ tuổi trên 65
Tỷ lệ mắc bệnh viêm đường tiết niệu ở cả 2 giới là như nhau.
Phân loại bệnh theo diễn biến
- Nhiễm khuẩn tiết niệu không biến chứng hay nhiễm khuẩn tiết niệu cấp
Vi khuẩn chỉ tác động tới 1 vị trí trong hệ tiết niệu. Nếu phát hiện và điều trị đúng cách, thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn và không bị tái phát thêm.
Bệnh thường xảy ra ở những người trẻ tuổi có hệ tiết niệu bình thường, đã quan hệ tình dục.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu biến chứng hay nhiễm khuẩn tiết niệu mãn tính
Bệnh xảy ra khi người mắc bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu cấp không điều trị hoặc không được điều trị đúng cách, dẫn tới tình trạng tái phát nhiều lần.
Bệnh thường xảy ra ở những người có cấu trúc hệ tiết niệu bất thường, rối loạn hệ thần kinh bài tiết, đặt catheter.
Phân loại theo mức độ tái phát
- Nhiễm khuẩn tiết niệu riêng lẻ
Nhiễm khuẩn niệu riêng lẻ xảy ra đối với người mắc bệnh lần đầu tiên. Hoặc với trường hợp có thời gian tái nhiễm sau khi mắc bệnh lần đầu ít nhất 6 tháng
- Nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát (tái đi tái lại)
Dạng này được chia thành 2 loại nhỏ là nhiễm khuẩn niệu tái phát và nhiễm khuẩn niệu tái nhiễm.
Nhiễm khuẩn niệu tái phát: Trong vòng 2 tuần sau khi ngừng sử dụng kháng sinh điều trị, bệnh lại tái phát do chủng vi khuẩn gây bệnh lần đầu.
Nhiễm khuẩn niệu tái nhiễm: Lần tái phát cách lần đầu một khoảng thời gian khá dài. Vi khuẩn gây bệnh khác với chủng vi khuẩn gây bệnh lần đầu.
Nguyên nhân nhiễm khuẩn tiết niệu
Thủ phạm gây nên bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu là vi khuẩn. Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu mà bạn nên biết để chủ động phòng tránh.
Cơ chế gây bệnh
Một số loại vi khuẩn trên cơ thể người xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo, rồi đi tới bàng quang. Nước tiểu là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn này sinh sôi tới một lượng nhất định thì gây nên bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu.
Escherichia coli (E. coli) là chủng vi khuẩn chính gây ra bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu. Hơn 80% trường hợp bệnh nhân mắc bệnh là do vi khuẩn này. Vi khuẩn E Coli là loại vi khuẩn điển hình trong ruột người.
Chúng hay xuất hiện ở vùng da xung quanh hậu môn. Vì vậy chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo. Phụ nữ có khả năng mắc cao hơn nam giới vì vùng niệu đạo của phụ nữ ngắn và nằm gần hậu môn. Do vậy, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào hơn.
Ngoài E. coli còn có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, như: Staphylococcus saprophyticus, Klebsiella, Proteus, S.aureus, Streptococcus…
Yếu tố nguy cơ
Một số con đường dễ bị nhiễm khuẩn là:
- Quan hệ tình dục
Trong quá trình giao hợp, vi khuẩn có thể truyền từ người bị bệnh sang cho bạn tình của mình.
- Vệ sinh cá nhân không đúng cách
Vệ sinh vùng kín không đúng cách sẽ khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo. Có nhiều chị em phụ nữ có thói quen vệ sinh từ phía sau ra trước, vô tình đã đưa vi khuẩn ở hậu môn lên niệu đạo.
Ở hậu môn là nơi trú ẩn của vi khuẩn E. Coli gây bệnh. Việc tắm bồn không đúng cách cũng là một nguyên nhân dẫn tới viêm nhiễm tiết niệu. Chị em nên vệ sinh sạch sẽ trước khi vào tắm trong bồn.
Thời kỳ kinh nguyệt tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh cao ở chị em nếu không vệ sinh đúng cách. Hành kinh là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và di chuyển vào niệu đạo.
Do vậy bạn nên thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần và chú ý vệ sinh sạch vùng kín để tránh nguy cơ mắc bệnh.
- Biến chứng từ bệnh khác
Những người bị bệnh sỏi thận, viêm tuyến tiền liệt sẽ dễ mắc bệnh hơn. Do nước tiểu lưu thông qua bị cản trở và ứ đọng lại trong bàng quang, vi khuẩn trong nước tiểu có thể gây viêm.
Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu như bệnh nhân tiểu đường cũng có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Mãn kinh
Phụ nữ đã mãn kinh bị thiếu hụt estrogen, khiến vùng kín bị nhạy cảm và dễ bị mắc bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu.
- Mang thai
Phụ nữ có thai cũng dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi mang thai từ tháng thứ 4 trở đi. Nguyên nhân là do cấu trúc vùng xương chậu của thai phụ thay đổi.
Bàng quang của thai phụ bị thai nhi chèn, khiến cho việc đi tiểu khó khăn hơn. Nước tiểu bị ứ đọng lại tạo điều kiện cực thịnh cho vi khuẩn xâm nhập.
- Cấu trúc đường tiết niệu bất thường
Nước tiểu bị ứ đọng do dị tật đường tiết niệu, hay những người không tự đi tiểu được phải dùng ống thông tiểu cũng dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Thói quen nhịn tiểu
Nhịn tiểu quá lâu sẽ khiến cho các loại vi khuẩn trong nước tiểu có điều kiện sinh sôi phát triển. Lâu dần thì các vi khuẩn này sẽ tấn công bàng quang và gây ra viêm nhiễm.
Triệu chứng bệnh thường gặp
Đặc điểm của bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu mà bạn cần lưu ý là bệnh có thể có triệu chứng hoặc có thể không.
Một số triệu chứng thường gặp:
- Gặp khó khăn khi đi tiểu: Khi đi tiểu, người bệnh có thể thấy đau buốt, nóng rát, đau vùng hông (đối với nam giới), đau vùng xương mu (đối với nữ giới)…
- Tiểu són/ tiểu rắt: Người bệnh thường có cảm giác buồn tiểu liên tục, lúc nào cũng muốn đi tiểu. Lượng nước tiểu mỗi lần đi không nhiều, nhưng luôn có cảm giác đi chưa hết.
- Tiểu gấp: Khi bị tiểu rắt, người bệnh còn gặp thêm triệu chứng muốn đi tiểu gấp. Khả năng kiểm soát bàng quang lúc này bị kém đi.
- Nước tiểu bất thường: Nước tiểu có màu đục, màu hồng, mùi khai nồng. Thậm chí có thể đi tiểu ra máu, dịch tiết ra từ niệu đạo…
- Đau bụng vùng dưới: Khi bàng quang bị viêm thì nó có cảm giác đau nhức. Do vậy người bệnh thường có cảm giác bị đau vùng dưới, co thắt.
- Đau nhức toàn thân: Bệnh nhân có thể bị sốt, đau lưng sườn, buồn nôn, nôn, run rẩy. Trường hợp này xảy ra khi thận bị nhiễm trùng, gây ra viêm bể thận.
Phụ nữ có thai từ tháng thứ 4 trở đi có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu. Ngoài các biểu hiện thường gặp trên, nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ mang thai có các triệu chứng sau:
- Cảm giác đau vùng thắt lưng bên phải xuống bộ phận sinh dục và hố chậu phải. Cơn đau có lúc âm ỉ, nhưng cũng có lúc trở nên dữ dội.
- Bị sốt cao, mạch đập nhanh, run rẩy, nặng hơn thì có thể bị choáng.
Đối với trẻ nhỏ, các triệu chứng thường gặp như:
- Trẻ gặp khó khăn trong việc đi tiểu như tiểu rắt, tiểu buốt.
- Nước tiểu của trẻ có màu trắng đục, mùi khai hơn bình thường.
- Trẻ đi tiểu nhiều lần trong đêm, đái dầm liên tục.
- Trẻ bị đau bụng phần dưới rốn – đây là vị trí của bàng quang.
- Nhiều trẻ la hét khi đi tiểu do khó tiểu, tiểu đau.
- Có thể bị sốt, nôn mửa, tiêu chảy, biếng ăn và hay quấy khóc.
Khác với đa số các bệnh, nhiễm khuẩn tiết niệu có thể có hoặc không có triệu chứng nhận biết. Điểm này khiến nhiều người khó biết được mình đang bị bệnh đường tiết niệu. Bởi vậy, kiểm tra nước tiểu là cần thiết.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có nguy hiểm không?
Nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh lành tính nếu được chữa trị kịp thời và đúng cách, nhất là đối với người có cấu trúc hệ tiết niệu bình thường.
Tuy nhiên, với người có cấu trúc giải phẫu bất thường, người bị tái phát nhiều lần, hay không được chữa trị thì sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
- Suy thận
Nếu không điều trị, vi khuẩn sẽ phá hủy mô thận, làm hoại tử nhú thận. Dần dần, chức năng thận sẽ bị suy giảm, bị tắc nghẽn. Hậu quả xấu nhất là người bệnh bị suy thận và có thể phải cắt bỏ quả thận.
- Vô sinh
Các biến chứng của bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu đối với nam giới là: Bệnh viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, tắc ống dẫn tinh, viêm tuyến tiền liệt… Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới hiếm muộn, hoặc vô sinh.
Đối với nữ giới, nguy cơ này càng cao hơn. Do cơ quan sinh dục, niệu đạo và hậu môn gần nhau. Vi khuẩn rất dễ xâm nhập và tác động lên vòi trứng, viêm đường sinh dục.
Đối với phụ nữ có thai, nguy cơ bị sảy thai, vỡ ối sớm, sinh non… là rất lớn.
- Tử vong
Khi vi khuẩn đi vào máu sẽ gây ra nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng gây tử vong.
Các cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Bệnh nhân có thể điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu bằng Tây y hoặc Đông y. Dưới đây là các thông tin mang tính tham khảo.
Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc mà phải đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có liệu trình điều trị phù hợp.
Thuốc Tây chữa nhiễm trùng tiết niệu
Để điều trị nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại kháng sinh như Negram, Nitrofurantoin… Hoặc có thể thêm các thuốc giảm đau như Phenazopyridine, Acetaminophen, Ibuprofen… Thời gian sử dụng kháng sinh điều trị thường từ 10 – 14 ngày.
Đối với các trường hợp bị nhiễm khuẩn do biến chứng từ các bệnh khác và nhiễm trùng tiết niệu có biến chứng, cần nhập viện để bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài thuốc kháng sinh, phương pháp vật lý trị liệu cũng được ứng dụng để chữa bệnh viêm đường tiết niệu. Phương pháp này sẽ diệt vi khuẩn bằng nhiệt từ máy sóng ngắn, tái tạo các tế bào mới, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Chữa nhiễm khuẩn tiết niệu bằng Đông y
Một số bài thuốc chữa bệnh viêm đường tiết niệu bằng Đông y phổ biến như:
- Bài thuốc trị sỏi đường tiết niệu: Đun nước có kim tiền thảo, râu ngô, chè tươi, uống hàng ngày.
- Bài thuốc trị tiểu són, tiểu buốt, tiểu ra máu: Đun nước với hạt ích mẫu, chè tươi, uống 2 lần/ngày vào lúc đói.
- Bài thuốc giúp tiêu viêm, thải độc: Đun nước với dây mướp đắng, cỏ seo gà, hạt kim sa, chè tươi, uống 1 lần/ngày.
- Bài thuốc giúp lợi tiểu: Đun nước với rau má, mã đề, cỏ tranh, hạt ý dĩ, râu ngô, sài đất, uống hàng ngày liên tục trong 1 tuần.
- Bài thuốc giảm cơn đau do viêm nhiễm, bí tiểu: Đun nước rau má, mã đề, cây bồ công anh, râu ngô, cam thảo, chi tử, rau trai tía, uống 1 lần/ ngày.
Lưu ý: Bạn nên tham khảo thầy thuốc, lương y trước khi áp dụng Đông y để chữa nhiễm khuẩn tiết niệu.
Biện pháp điều trị tại nhà
Đây là các biện pháp hỗ trợ điều trị, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách.
Điều này sẽ giúp bạn tránh những biến chứng không mong muốn.
- Sử dụng tỏi: Tỏi có các thành phần như allicin, glycogen, fitonxit… có tác dụng chống viêm, diệt vi khuẩn. Ăn 3 – 4 tép tỏi mỗi ngày sẽ giúp hỗ trợ cho điều trị bệnh.
- Sử dụng gel nha đam: Trong gel nha đam chứa axit salixylic và enzyme bradykinin có tác dụng chống viêm, sát khuẩn hiệu quả. Bạn sử dụng nha đam để nấu nước uống 2 lần/ngày. Bài thuốc này không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi. Người đang sử dụng thuốc nhuận tràng thì không nên uống để tránh tổn thương tới gan.
- Sử dụng cây mã đề: Mã đề là cây thuốc Nam tốt cho hệ tiết niệu. Trong y học cổ truyền, cây mã đề có tính hàn, lành tính, có khả năng thải độc, khử nhiệt, trị viêm nhiễm. Người ta thường dùng cây mã đề để điều trị cho người bị tắc tiểu, tiểu rắt. Bạn lấy cây mã đề, rau má, rễ tranh, kim tiền thảo đun sôi lấy nước uống. Uống liên tục trong 1 tuần, bệnh sẽ thuyên giảm.
- Sử dụng râu ngô: Râu ngô có nhiều vitamin B1, vitamin A, vitamin K… Theo y học cổ truyền, râu ngô có tác dụng lợi tiểu, thải độc, lọc thận, hỗ trợ làm tan sỏi thận, giảm viêm nhiễm tiết niệu… Bạn chỉ cần đun nước râu ngô và uống đều đặn 1 tuần thì bệnh sẽ có dấu hiệu tích cực.
Phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu bằng cách nào?
Để phòng tránh nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp sau:
- Uống đủ 2 lít nước (6 – 8 cốc) mỗi ngày
Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp thận tăng bài tiết, đẩy vi khuẩn ra ngoài, thanh lọc hệ tiết niệu. Ngoài nước lọc, bạn có thể sử dụng thêm nước trái cây, nước canh, trà thảo dược… miễn là đảm bảo đủ 2 lít nước cho cơ thể.
- Vệ sinh thân thể
Vệ sinh cá nhân thường xuyên và đúng cách giúp làm giảm sự sinh sôi của vi khuẩn. Nên lau rửa vùng kín từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn đi vào niệu đạo. Tránh thụt rửa sâu vào âm đạo.
Tắm vòi hoa sen sẽ tốt hơn tắm bồn. Nếu bạn thích tắm bồn, hãy vệ sinh vùng dưới sạch sẽ trước khi ngâm mình vào bồn. Trong kỳ kinh nguyệt, nên thay băng vệ sinh thường xuyên, lâu nhất là 4 tiếng/lần để tránh vi khuẩn sinh sôi.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và ngay sau khi làm “chuyện ấy”. Vì bệnh có thể lây qua con đường này.
- Không nhịn tiểu
Tránh việc nhịn tiểu thường xuyên để giảm thời gian sinh sôi cho vi khuẩn.
- Khám định kỳ
Bạn nên thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh. Với những người bị các bệnh như sỏi thận, viêm tuyến tiền liệt… nên điều trị và có biện pháp phòng bệnh. Vì các bệnh này dễ gây ứ đọng nước tiểu.
Hy vọng các thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về nhiễm khuẩn tiết niệu. Bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi, ngăn tái phát nếu như được phát hiện và điều trị kịp thời. Thực hiện các biện pháp phòng tránh đúng cách cũng có thể giúp bảo vệ sức khỏe bản thân.
Thông tin bổ ích:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!