Bị viêm đại tràng có nên ăn trứng không? [Hỏi Đáp]
Nội dung bài viết
Người bị viêm đại tràng có thể bổ sung trứng vào chế độ ăn nhằm cung cấp dinh dưỡng và nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Tuy nhiên, cần bổ sung đúng cách để đảm bảo giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và hạn chế một số tình huống rủi ro.
Người bị viêm đại tràng có nên ăn trứng không?
Viêm đại tràng là một trong những vấn đề đường ruột thường gặp. Bệnh xảy ra khi niêm mạc ruột già bị kích ứng, viêm hoặc loét do rối loạn thần kinh, nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại nặng, stress hoặc do ảnh hưởng của một số loại thuốc điều trị.
Bệnh lý này thường gây đau vùng hạ vị, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, ăn uống kém, đại tiện nhiều lần trong ngày, đi ngoài ra máu, cơ thể xanh xao, sụt cân và suy nhược.
Viêm đại tràng không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Vì vậy ngoài các phương pháp y tế, bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nhằm làm giảm áp lực lên đường ruột và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh. Vậy người bị viêm đại tràng có nên ăn trứng không?
Trứng là loại thực phẩm quen thuộc chứa hàm lượng calo và dinh dưỡng cao. Trung bình 100g trứng cung cấp khoảng 130 calo cho cơ thể cùng với các axit amin, protein, vitamin B, selen, lecithin và axit béo Omega 3.
Mặc dù chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng trứng dễ tiêu hóa hơn so với thịt đỏ và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Do đó, người bị viêm đại tràng hoàn toàn có thể bổ sung loại thực phẩm này vào thực đơn ăn uống.
Nghiên cứu cho thấy, bổ sung 2 – 3 bữa trứng/ tuần giúp cung cấp năng lượng, vi chất dinh dưỡng cho cơ thể và hỗ trợ làm giảm chứng suy nhược ở người bị viêm đại tràng mãn tính. Bên cạnh đó, axit béo Omega 3 trong trứng còn giúp ngừa táo bón, chống viêm và làm dịu các mô niêm mạc bị tổn thương.
Tuy nhiên, cần tránh ăn trứng nên thuộc những trường hợp sau:
- Dị ứng trứng
- Người bị tiểu đường (sử dụng hạn chế)
- Người bị cao huyết áp chỉ dùng tối đa 3 quả trứng/ tuần
- Gan nhiễm mỡ
- Sỏi mật
- Người có cơ địa dị ứng
Trứng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và đa dạng. Tuy nhiên, ăn trứng quá nhiều có thể làm tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa, dẫn đến thừa cân – béo phì, tăng cholesterol trong máu và tác động xấu đến sức khỏe.
Các lưu ý khi bổ sung trứng cho người bị viêm đại tràng
Khác với người có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, người bị viêm đại tràng có chức năng tiêu hóa kém, dễ bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng,… nếu bổ sung thực phẩm không đúng cách – đặc biệt là các loại thực phẩm chứa hàm lượng đạm cao.
Vì vậy khi bổ sung trứng vào chế độ ăn, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
1. Không nên ăn quá nhiều trứng
Ăn quá nhiều trứng có thể làm tăng cholesterol trong máu gây đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu. Vì vậy, chỉ nên bổ sung trứng vừa đủ để cơ thể hấp thu tối đa dinh dưỡng và hạn chế các tác dụng không mong muốn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người trưởng thành chỉ nên dùng 3 – 4 quả trứng gà/ tuần. Nếu có vấn đề về huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu cao, chỉ nên sử dụng 1 – 2 quả trứng/ tuần.
2. Chú ý cách chế biến
Khi bổ sung trứng vào chế độ ăn, nên tránh các cách chế biến nhiều dầu mỡ như chiên, xào. Thay vào đó nên luộc trứng hoặc sử dụng trứng để nấu cháo, súp, canh nhằm giúp cơ thể hấp thu tối đa dinh dưỡng từ thực phẩm và hạn chế hiện tượng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu,…
Ngoài ra, dùng các món ăn ở dạng hấp, luộc, súp, canh,… còn có thể làm giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa và hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng do viêm đại tràng gây ra. Bên cạnh đó, cần nấu chín trứng hoàn toàn để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn dạ dày và đường ruột. Trứng sống chứa nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn, virus và thường khó hấp thu hơn so với trứng được nấu chín hoàn toàn.
3. Nên sử dụng trứng ngay sau khi nấu
Nhiều người có thói quen bảo quản trứng đã được nấu chín trong tủ lạnh và hâm lại khi có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên thói quen này “vô tình” tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm giảm giá trị dinh dưỡng của trứng và dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Chính vì vậy, cần sử dụng trứng ngay sau khi chế biến để đảm bảo cơ thể hấp thu tối đa hàm lượng dinh dưỡng và hạn chế các rủi ro không đáng có.
4. Không dùng trứng với sữa đậu nành
Trứng gà và sữa đậu nành là các loại thực phẩm lành mạnh có hàm lượng dinh dưỡng cao và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, sử dụng trứng gà cùng với sữa đậu nành có thể cản trở quá trình phân hủy thức ăn và làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.
Thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm mà còn làm tăng áp lực lên hệ thống tiêu hóa và làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng. Vì vậy, cần tránh sử dụng trứng gà đồng thời với sữa đậu nành.
5. Một số lưu ý khác
Ngoài ra trước khi bổ sung trứng vào chế độ dinh dưỡng, người bị viêm đại tràng cần chú ý một số vấn đề sau:
- Trứng vịt có hàm lượng calo và dinh dưỡng cao hơn so với trứng gà. Do đó, nên xem xét nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể để lựa chọn loại trứng phù hợp.
- Nên sử dụng trứng kèm theo các loại rau xanh, củ và trái cây để tránh gây tích tụ cholesterol ở mạch máu và chất béo ở các mô gan. Ngoài ra, chất xơ trong các loại thực phẩm này còn giúp cơ thể dễ dàng hấp thu protein từ trứng và giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
- Không nên uống nước chè ngay sau khi ăn trứng. Nghiên cứu cho thấy, axit tannic trong lá chè có thể kết hợp protein trong trứng tạo thành protein axit tannic. Hợp chất này làm chậm nhu động ruột gây táo bón, chướng bụng, đầy hơi và khó tiêu.
- Nhiều người có thói quen ngâm trứng với nước lạnh sau khi luộc để dễ bóc vỏ. Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, thói quen này có thể khiến nhiệt độ hạ xuống đột ngột, tạo điều khiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây biến đổi chất dinh dưỡng có trong trứng.
- Không bổ sung đồng thời trứng và quả hồng. Chất tannin trong loại quả này có thể kết hợp với protein trong trứng gây kết tủa ở dạ dày, dẫn đến tình trạng buồn nôn, chướng bụng và tiêu chảy.
- Có thể sử dụng trứng gà ta để tăng giá trị dinh dưỡng và giảm hàm lượng calo. Tuy nhiên cần lựa chọn trứng gà ta đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc “Bị viêm đại tràng có nên ăn trứng không?” và một số lưu ý khi bổ sung trứng vào bữa ăn hằng ngày. Đối với người bị viêm đại tràng cấp hoặc đi kèm với các bệnh lý đường ruột khác như bệnh Celiac, không dung nạp lactose,… nên chủ động trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp.
Tham khảo thêm:
GỢI Ý XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!