Các Thuốc Điều Trị Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Tốt Nhất Hiện Nay

Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), corticoid,… là các loại thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ phổ biến trên thị trường. Mục đích chính của việc sử dụng thuốc là cải thiện cơn đau, giảm tê bì, rối loạn cảm giác và hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa.

thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Tìm hiểu các thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ tốt nhất hiện nay

Các loại thuốc điều trị thoái hóa đốt cổ phổ biến

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh xương khớp mãn tính khá phổ biến, thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi. Cơ chế bệnh sinh có quan hệ mật thiết với quá trình thoái hóa và một số yếu tố cộng hưởng như thói quen vận động, thừa cân béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh, mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa,…

Thoái hóa cột sống không thể điều trị hoàn toàn. Hiện nay, mục tiêu chính của việc điều trị là cải thiện cơn đau, tê bì, cứng cổ, phục hồi chức năng vận động của cổ – vai – gáy và làm chậm tiến triển của bệnh.

Điều trị bệnh lý này bao gồm sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, thay đổi lối sống và can thiệp ngoại khoa.Trong đó sử dụng thuốc là phương pháp phổ biến nhất, được chỉ định cả trong giai đoạn ổn định và giai đoạn cơn đau bùng phát mạnh.

VTV2 Chất lượng cuộc sống đưa tin đã có bài thuốc đặc trị các bệnh xương khớp chuyên sâu và hoàn chỉnh từ nguồn thảo dược thiên nhiên và tinh hoa Y học dân tộc. [Đừng bỏ lỡ nếu bạn đang gặp các vấn đề về xương khớp]

Các loại thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ được sử dụng phổ biến, bao gồm:

1. Thuốc giảm đau Paracetamol

Paracetamol là thuốc giảm đau không kê toa có phạm vi chỉ định rộng. Loại thuốc này được sử dụng để cải thiện cơn đau do hầu hết các bệnh xương khớp gây ra như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm và thoái hóa đốt sống. Thuốc có tác dụng giảm cơn đau mức độ nhẹ đến trung bình và thời gian tác dụng ngắn.

Paracetamol là lựa chọn ưu tiên trong điều trị thoái hóa cột sống vì có hiệu quả tương đối và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên do tác dụng giảm đau kém nên loại thuốc này có thể không đem lại hiệu quả đối với một số trường hợp.

Thuốc hoạt động bằng cách tác động đến cyclooxygenase nhằm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin ở hệ thần kinh trung ương. Paracetamol không tác dụng đối với cyclooxygenase toàn thân và không ảnh hưởng đến khả năng tập kết của tiểu cầu như thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Thuốc Tây chữa thoái hóa đốt sống cổ
Paracetamol là loại thuốc được sử dụng ưu tiên trong điều trị các bệnh xương khớp cấp và mãn tính

Chống chỉ định:

  • Rối loạn chức năng gan
  • Suy thận nặng
  • Quá mẫn với thành phần trong thuốc
  • Thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase

Sử dụng biệt dược chứa Paracetamol với rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn có thể tăng độc tính lên gan. Vì vậy trong thời gian dùng thuốc, nên tránh sử dụng đồng thời với các thức uống này.

2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được cân nhắc sử dụng khi không có đáp ứng với thuốc giảm đau Paracetamol. NSAID ức chế cyclooxygenase toàn thân nên có hiệu quả kháng viêm và giảm đau mạnh hơn so với thuốc giảm đau thông thường.

Tuy nhiên ức chế prostaglandin toàn thân có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, gây viêm loét và xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu và làm chậm thời gian đông máu.

Thoái hóa đốt sống cổ uống thuốc gì
NSAID được sử dụng trong trường hợp tình trạng đau không thuyên giảm khi dùng Paracetamol

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được chia thành 2 nhóm nhỏ:

  • Thuốc ức chế COX 1 và 2: Nhóm thuốc này bao gồm Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac,… có khả năng ức chế COX 1 và 2 (enzyme cyclooxygenase 1 và 2) nên có thể gây ra tác dụng phụ ở đường tiêu hóa. Do đó, tránh sử dụng thuốc cho người bị trào ngược thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng và hội chứng Zollinger-Ellison.
  • Thuốc ức chế chọn lọc COX-2: Nhóm thuốc này (Arcoxia, Celecoxib) ức chế chọn lọc COX-2 nằm ở vị trí gây viêm nên ít gây tác hại lên cơ quan tiêu hóa. Tuy nhiên thuốc ức chế chọn lọc COX-2 có nguy cơ cao đối với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.

Chống chỉ định thuốc:

  • Tiền sử xuất huyết tiêu hóa
  • Viêm loét dạ dày tiến triển
  • Suy gan, suy thận nặng
  • Rối loạn đông máu
  • Phụ nữ mang thai
  • Có tiền sử khởi phát cơn hen, nổi mề đay và phù mạch sau khi sử dụng Aspirin và các NSAID khác

Trong thời gian sử dụng, NSAID có thể gây ra một số phản ứng bất lợi như tiêu chảy, đầy hơi, táo bón, khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu,… Do nguy cơ cao nên thuốc chống viêm không steroid chỉ được sử dụng trong điều trị ngắn hạn.

3. Thuốc giảm đau thần kinh

Các loại thuốc giảm đau thần kinh (Gabapentin, Pregabalin) được sử dụng khi thoái hóa đốt sống cổ có chèn ép rễ thần kinh (cơn đau lan rộng xuống cánh tay, bàn tay, có cảm giác tê buốt, châm chích như kiến bò,…). Nhóm thuốc này được sử dụng trong trường hợp đau nhiều và không có đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường.

Cơ chế của nhóm thuốc này có liên quan đến acid gamma aminobutyric trong não bộ (GABA). Thuốc thường được chỉ định trong điều trị động kinh và đau do thần kinh ở người trên 18 tuổi.

Chống chỉ định thuốc:

  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Người dưới 18 tuổi

Thuốc giảm đau thần kinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như phù mặt, suy nhược, chán ăn, viêm lợi, đầy hơi, ban da, chóng mặt, lo âu, dị cảm,…

4. Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid)

Thuốc giảm đau gây nghiện được sử dụng trong trường hợp đau nhiều, đau mãn tính và không có đáp ứng đối với thuốc giảm đau thông thường. Opioid tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương nhằm giảm hoạt động tái nhập serotonin và norepinephrine.

Thông thường để giảm tác dụng phụ của nhóm thuốc này, bác sĩ sẽ chỉ định biệt dược phối hợp giữa Paracetamol và Opioid có hoạt tính nhẹ để tăng tác dụng giảm đau. Trong trường hợp không có đáp ứng, có thể chỉ định Tramadol hoặc dùng các Opioid có hoạt tính mạnh như Morphin, Pethidin nếu cần thiết.

Thoái hóa đốt sống cổ uống thuốc gì
Thuốc giảm đau gây nghiện có tác dụng giảm cơn đau có mức độ trung bình đến nặng

Chống chỉ định:

  • Suy hô hấp
  • Phụ nữ đang cho con bú
  • Động kinh chưa được kiểm soát
  • Người dưới 15 tuổi
  • Đang sử dụng thuốc ức chế MAO trong vòng 15 ngày
  • Ngộ độc cấp thuốc ức chế thần kinh như thuốc giảm đau trung ương, thuốc điều trị tâm thần, thuốc ngủ
  • Quá mẫn với thành phần trong thuốc

Opioid có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó chịu, hạ áp, sảng khoái, rối loạn giấc ngủ, lú lẫn, lo lắng, đau bụng, táo bón, buồn nôn, nôn mửa và thay đổi thị lực. Khi sử dụng thuốc – đặc biệt là trong điều trị dài hạn, phải giảm liều dần trước khi ngưng thuốc hoàn toàn. Ngưng sử dụng đột ngột có thể gây ra hội chứng cai thuốc với những biểu hiện như tiêu chảy, mất ngủ, hốt hoảng, hoang tưởng, xuất hiện ảo giác và đồ nhiều mồ hôi.

5. Thuốc chống trầm cảm

Các loại thuốc chống trầm cảm (Amitriptylin, Domipromin và Imipramin) cũng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh xương khớp mãn tính. Nhóm thuốc này được chỉ định khi thoái hóa đốt sống cổ gây đau nhiều, đau dai dẳng và gây ra các vấn đề tâm lý như mất ngủ, lo âu quá mức, căng thẳng, trầm cảm.

Thuốc hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và norepinephrine nhằm kháng cholinergic ngoại vi. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng an thần nhờ vào cơ chế kháng histamine.

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với thành phần trong thuốc
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Suy tim sung huyết cấp
  • Giai đoạn hồi phục cấp sau khi bị nhồi máu cơ tim
  • Đang hoặc sử dụng thuốc ức chế MAO trong vòng 14 ngày

Thuốc chống trầm cảm có thể gây đau đầu, ù tai, mệt, kích động, suy nhược, hoa mắt, buồn ngủ và hưng cảm nhẹ trong thời gian sử dụng.

6. Thuốc ngừa thoái hóa tác dụng chậm

Các loại thuốc ngừa thoái hóa tác dụng chậm không có hiệu quả giảm đau và kháng viêm trực tiếp. Nhóm thuốc này giúp tái tạo, phục hồi mô sụn bị hư tổn, cải thiện mật độ xương, ổn định lượng dịch nhờn trong khớp và ức chế các enzyme gây hủy hoại mô sụn. Các tác động này giúp cải thiện cấu trúc ổ khớp, tăng khả năng vận động và hạn chế triệu chứng bùng phát trong tương lai.

Thoái hóa đốt sống cổ uống thuốc gì
Glucosamine có tác dụng tái tạo mô sụn, thúc đẩy quá trình tạo xương và làm chậm quá trình lão hóa

Các loại thuốc ngừa thoái hóa tác dụng chậm được sử dụng trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:

  • Glucosamine: Glucosamine là một amino-monisaccharide có trong các mô của cơ thể. Hoạt chất này có khả năng cải thiện độ đàn hồi của mô sụn, ức chế các enzyme gây thoái hóa, phòng ngừa loãng xương và làm chậm quá trình hư hại mô sụn. Glucosamine tương đối an toàn và có thể sử dụng trong thời gian dài.
  • Chondroitin: Chondroitin có tác dụng tương tự Glucosamine. Hiện nay, 2 hoạt chất này thường được sử dụng phối hợp để tăng tác dụng phục hồi mô sụn, cải thiện độ đàn hồi của đĩa đệm, tăng mật độ xương và ức chế quá trình thoái hóa.
  • Diacerein: Diacerein có tác dụng ức chế hoạt động sản xuất interleukin-1 (chất tiền viêm có trong mô sụn và màng hoạt dịch), đồng thời ức chế quá trình di chuyển của đại thực bào nhằm giảm tình trạng viêm và làm chậm quá trình thoái hóa. Tương tự 2 loại thuốc trên, Diacerein có tác dụng chậm nên cần phải sử dụng liên tục trong 3 – 6 tháng.

Các loại thuốc chống thoái hóa có tác dụng chậm nên thường được dùng phối hợp với thuốc giảm đau, chống viêm trong trường hợp đau bùng phát mạnh.

7. Tiêm corticoid cạnh cột sống

Tiêm corticoid cạnh cột sống được chỉ định đối với trường hợp đau nặng và không có đáp ứng với các loại thuốc uống. Corticoid có khả năng ức chế hoạt động miễn dịch nhằm giảm mạnh hiện tượng viêm đau ở đốt sống bị thoái hóa.

Mặc dù có hiệu quả nhanh và rõ rệt nhưng hầu hết các dẫn xuất của corticoid đều tiềm ẩn nhiều biến chứng nặng nề. Vì vậy loại thuốc này chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và chỉ được dùng với tần suất 2 – 3 lần/ năm.

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ ngắn hạn như nhạt máu tại vị trí tiêm, nhiễm trùng, kích ứng vết tiêm, đau nhức, chảy máu. Bên cạnh đó, tiêm corticoid cạnh cột sống cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ dài hạn như giảm chức năng đề kháng, tăng đường huyết, mất ngủ, nóng bừng mặt và tăng tiết mồ hôi.

8. Các loại thuốc hỗ trợ

Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với các loại thuốc hỗ trợ như:

Thoái hóa đốt sống cổ uống thuốc gì
Bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với vitamin nhóm B, thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau tại chỗ
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ là thuốc gây liệt cơ có hồi phục. Nhóm thuốc này có khả năng làm gián đoạn dẫn truyền thần kinh ở khớp nối thần kinh cơ nhằm giúp não bộ không cảm nhận được tín hiệu đau. Một số loại thuốc giãn cơ được sử dụng để điều trị thoái hóa đốt sống cổ, bao gồm Cyclobenzaprine, Carisoprodol, Orphenadrine,…
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: Để giảm tác hại lên cơ quan nội tạng, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với các loại thuốc giảm đau tại chỗ. Các loại thuốc này thường được bào chế ở dạng kem bôi, gel, dạng xịt hoặc miếng dán và chứa các hoạt chất như Menthol, Ibuprofen, Lidocaine hoặc Capsaicin.
  • Vitamin nhóm B: Bác sĩ cũng có thể yêu cầu sử dụng vitamin nhóm B nhằm cải thiện tình suy nhược thần kinh, hỗ trợ tạo hồng cầu, cải thiện chức năng miễn dịch và giảm nguy cơ trầm cảm do đau kéo dài.

Lưu ý khi sử dụng thuốc trị thoái hóa đốt sống cổ

Dùng thuốc là một trong những phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ phổ biến. Phương pháp này giúp kiểm soát cơn đau, giảm viêm, tê bì, cứng vai gáy và hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa. Tuy nhiên trên thực tế, sử dụng thuốc không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng nghiêm trọng.

Thoái hóa đốt sống cổ uống thuốc gì
Cần thăm khám trước khi sử dụng thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ

Vì vậy khi sử dụng thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ, cần lưu ý một số thông tin sau:

  • Không tự ý dùng thuốc, ngay cả các loại thuốc không kê toa. Để được chỉ định loại thuốc và hiệu chỉnh liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.
  • Thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng, tình trạng sức khỏe và lịch sử dùng thuốc trong vòng 30 ngày để được cân nhắc về loại thuốc phù hợp.
  • Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng và thời gian sử dụng. Không tự ý ngưng thuốc, tăng/ giảm liều hoặc phối hợp với các loại thuốc khác – kể cả TPCN, thuốc nam và thuốc Đông y.
  • Thông báo với bác sĩ khi phát sinh tác dụng phụ trong thời gian sử dụng để được kiểm tra và khắc phục kịp thời.
  • Hiện nay, không có biện pháp đặc hiệu đối với các bệnh xương khớp do thoái hóa. Các loại thuốc được sử dụng chỉ có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Vì vậy chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm trong trường hợp cần thiết.
  • Có thể hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc với một số biện pháp giảm đau an toàn như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, chườm ấm, sử dụng nẹp cổ, giảm cân,…
  • Cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, sinh hoạt điều độ và tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ thống xương khớp và làm chậm tiến triển của bệnh.
  • Thay đổi các thói quen tác động xấu đến cột sống như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, lao động nặng, thường xuyên mang vác vật cồng kềnh, sử dụng máy tính trong thời gian dài,…
  • Trong trường hợp thoái hóa đốt sống cổ có mức độ nghiêm trọng, có thể cân nhắc các biện pháp khác như phẫu thuật cắt bỏ gai xương, giải phóng áp lực đĩa đệm qua da, tạo hình đốt sống qua da,…

Trên đây là thông tin cơ bản về các loại thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ phổ biến nhất hiện nay. Để được tư vấn cụ thể hơn về liều lượng, cách dùng và thời gian sử dụng, nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.

Tham khảo thêm: 10 bài tập thể dục chữa thoái hóa đốt sống lưng hiệu quả

5/5 - (5 bình chọn)

GỢI Ý XEM THÊM

Nổi tiếng với đội ngũ bác sĩ Y học cổ truyền đầu ngành, sở hữu bài thuốc thảo dược đặc trị bệnh xương khớp hiệu quả, an toàn cùng dịch vụ y tế chất lượng cao, Trung tâm Thuốc dân tộc hiện là lựa chọn của đông đảo bệnh nhân xương khớp. [Xem ngay]

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *