Biến Chứng Bệnh Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Có Nguy Hiểm Không?
Nội dung bài viết
Nếu không tiến hành thăm khám và điều trị sớm, bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra các biến chứng nặng nề. Bệnh lý này không chỉ gây tổn thương ở vùng cột sống mà còn ảnh hưởng đến chức năng của dây thần kinh thực vật và hoạt động của cơ quan tiền đình.
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?
Thoái hóa đốt sống cổ là thuật ngữ y tế đề cập đến sự thay đổi hình thái của các cơ quan cấu thành cột sống cổ do hệ quả của quá trình lão hóa. Bệnh có tính chất mãn tính, thường gặp ở người cao tuổi – đặc biệt là người trên 75 tuổi.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên cơ chế bệnh sinh có mối tương quan với quá trình thoái hóa và một số yếu tố cộng hưởng như lao động nặng, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, tư thế xấu, thừa cân – béo phì, chấn thương,…
Ở giai đoạn mới phát, bệnh chỉ gây đau, mỏi và tê bì vùng cổ, vai gáy và đầu. Tuy nhiên theo thời gian, mức độ thoái hóa có xu hướng nghiêm trọng dần và gây ra các triệu chứng nặng nề hơn như cổ phát ra âm thanh “lục cục”, thường xuyên bị vẹo cổ, khó khăn khi hoạt động, cơn đau lan rộng ra toàn bộ vùng vai, chi trên và đầu.
Do căn nguyên bắt nguồn từ quá trình thoái hóa nên bệnh có tiến triển khá chậm và chủ yếu gây các triệu chứng tại chỗ. Vì vậy theo chuyên gia Cơ xương khớp, bệnh lý này không quá nghiêm trọng, có tính chất tương đối lành tính và hoàn toàn có thể kiểm soát thông qua thay đổi lối sống và điều trị.
So với các bệnh xương khớp có tính chất hệ thống như bệnh gút và viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống nói chung và thoái hóa cột sống cổ có phạm vi ảnh hưởng thấp và diễn tiến ít phức tạp hơn. Tuy nhiên đốt sống ở vùng cổ chứa nhiều dây thần kinh quan trọng nên nếu không điều trị và xử lý, gai xương có thể hình thành gây thoát vị đĩa đệm, chèn ép rễ thần kinh và tổn thương lỗ tiếp hợp.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ được đánh giá là bệnh xương khớp lành tính và không có mức độ quá nghiêm trọng. Nếu xây dựng lối sống lành mạnh và tích cực điều trị, bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn và hầu như không để lại di chứng nặng nề.
Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan, hiện tượng thoái hóa có thể tiến triển theo chiều hướng tiêu cực và dẫn đến các biến chứng sau:
1. Giảm khả năng vận động
Giảm khả năng vận động là biến chứng sớm nhất của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Đốt sống là cơ quan gồm nhiều bộ phận cấu thành. Các bộ phận này liên kết chặt chẽ nhằm giúp đốt sống vận động nhịp nhàng và trơn tru. Tuy nhiên khi xuất hiện tổn thương, khả năng vận động của đốt sống có xu hướng suy giảm rõ rệt – đặc biệt là thương tổn do quá trình thoái hóa.
Ở giai đoạn mới phát, bệnh chỉ gây đau và cứng cổ nhẹ. Theo thời gian mức độ thoái hóa ở cột sống có xu hướng nặng nề hơn và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như cơn đau lan tỏa từ vùng gáy lên vùng đầu, vai trên, toàn bộ bả vai và cánh tay. Mức độ đau tăng mạnh khi vận động – nhất là khi cúi, ngửa đầu hoặc xoay cổ.
Cơn đau khởi phát liên tục khiến bệnh nhân có thói quen giữ vùng cổ ở 1 hoặc vài tư thế cố định. Tình trạng này khiến đốt sống cổ giảm phạm vi chuyển động, tăng nguy cơ sai lệch cấu trúc và kích thích các mô cột sống hình thành gai xương.
2. Rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là biến chứng điển hình của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là do thoái hóa cột sống cổ gây tổn thương lỗ tiếp hợp, làm gián đoạn quá trình tuần hoán và gây ra chứng thiếu máu não.
Thiếu máu não khiến dây thần kinh số 8 bị tổn thương, dẫn đến chứng rối loạn tiền đình. Biến chứng này thường gặp ở người cao tuổi – đặc biệt là nữ giới.
Rối loạn tiền đình điển hình bởi các triệu chứng như chóng mặt, ù tai, buồn nôn, hoa mắt, mất khả kiểm soát thăng bằng, choáng váng, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, lo lắng quá mức, giảm khả năng tập trung,…
3. Thoát vị đĩa đệm cổ
Thoát vị đĩa đệm cổ là biến chứng nặng nề nhất của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Biến chứng này thường khởi phát ở các trường hợp bệnh đã tiến triển trong nhiều năm.
Đĩa đệm là cơ quan chịu trách nhiệm giảm ma sát và chịu áp lực khi cột sống vận động. Vì vậy nếu cấu trúc cột sống không ổn định, cơ quan này có thể bị xơ hóa, tổn thương, nứt rách và chảy nhân nhầy ra bên ngoài.
Không chỉ phát sinh cơn đau, thoát vị đĩa đệm còn gây chèn ép dây thần kinh và mạch máu. Trong trường hợp không can thiệp kịp thời, biến chứng này có thể dẫn đến hàng loạt di chứng nặng nề.
4. Chèn ép dây thần kinh
Chèn ép dây thần kinh là hệ quả do thoát vị đĩa đệm cổ hoặc do cột sống hình thành gai xương. Gai xương hoặc nhân nhầy có thể gây hẹp các lỗ liên đốt, chèn ép rễ thần kinh, động mạch đốt sống và các hạch giao cảm.
Chèn ép dây thần kinh có triệu chứng đa dạng phụ thuộc vào mức độ và vị trí dây thần kinh bị chèn ép. Triệu chứng thường gặp là tình trạng đau đầu, đau ở vùng đỉnh, sau đó lan sang một bên và di chuyển xuống thái dương. Đau đầu hay xuất hiện vào buổi sáng, mức độ đau tăng lên khi cử động, tiến triển âm ỉ, dai dẳng kèm buồn nôn.
Ngoài ra, chèn ép dây thần kinh do thoái hóa đốt sống cổ còn gây rối loạn nghe, nuốt, chóng mặt, rối loạn thăng bằng hoặc thậm chí có thể xuất hiện rung giật nhãn cầu ngang.
5. Liệt tay hoặc liệt nửa người
Ở giai đoạn rễ thần kinh mới bị chèn ép, cánh tay và bàn tay thường xuất hiện hiện tượng tê bì, châm chích, dị cảm, suy yếu và không có sức. Tuy nhiên khi mức độ chèn ép tăng lên, chi trên có thể bị teo cơ và rối loạn cảm giác hoặc thậm chí là rối loạn thực vật (mất kiểm soát khi đại tiện, tiểu tiện).
Nếu không kịp thời điều trị, dây thần kinh có thể bị tê liệt hoàn toàn và gây ra biến chứng liệt chi trên hoặc liệt nửa người.
6. Tác động tiêu cực đến tâm lý
Thống kê cho thấy, phần lớn người bị thoái hóa đốt sống cổ đều có tâm lý căng thẳng, lo lắng quá mức, mệt mỏi và trầm cảm. Biến chứng này xảy ra do các triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh, gây khó khăn khi sinh hoạt, ảnh hưởng đến giấc ngủ và hiệu suất làm việc.
Các tác động này vô tình hình thành tâm lý căng thẳng, uể oải, mệt mỏi và bứt rứt. Hơn nữa, tác động tâm lý cũng có thể là hệ quả do dây thần kinh số 8 bị tổn thương.
7. Làm giảm chất lượng cuộc sống
Thoái hóa đốt sống cổ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Trong giai đoạn mới phát, bệnh chỉ gây ra cơn đau nhẹ và hạn chế một số hoạt động ở vùng cổ. Tuy nhiên khi mức độ thoái hóa tăng, đốt sống cổ có xu hướng đau nhiều, cơn đau lan tỏa sang các cơ quan lân cận đi kèm với triệu chứng tê bì, châm chích, dị cảm, rối loạn cảm giác và yếu cơ.
Ngoài các triệu chứng tại chỗ, cột sống bị thoái hóa còn làm gián đoạn quá trình tuần hoàn máu, chèn ép lên dây thần kinh não và gây ra một số triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, đau đầu, buồn nôn,… Các triệu chứng này có thể làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy nhược, lo lắng, buồn phiền và giảm hiệu suất lao động.
Phòng ngừa biến chứng thoái hóa đốt sống cổ bằng cách nào?
Thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra các ảnh hưởng và biến chứng nặng nề. Tuy nhiên nếu kịp thời chăm sóc và điều trị, bạn có thể kiểm soát tiến triển của bệnh, phục hồi chức năng của đốt sống và dự phòng biến chứng.
Các biện pháp giúp phòng ngừa biến chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ:
- Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng cổ, vai và gáy, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
- Tuân thủ và tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Thay đổi các thói quen tác động tiêu cực đến hệ thống xương khớp như mang vác nặng, lao động quá mức, ngồi nhiều và cần chủ động thay đổi các tư thế sai lệch.
- Nên giảm cân nếu thừa cân – béo phì. Trọng lượng quá cao có thể làm tăng áp lực lên đốt sống, gây chèn ép dây thần kinh và thúc đẩy tốc độ của quá trình lão hóa.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học nhằm kiểm soát cân nặng, duy trì thể trạng và hệ xương khớp khỏe mạnh.
- Chất kích thích, rượu bia và thuốc lá có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ. Vì vậy trong thời gian điều trị, nên loại trừ các thói quen này ra khỏi chế độ sinh hoạt.
- Tập các bộ môn có cường độ nhẹ (yoga, thái cực quyền, bơi lội) hoặc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để giảm đau nhức và cải thiện chức năng vận động của vùng cổ. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn hạn chế tình trạng chèn ép dây thần kinh và làm chậm quá trình thoái hóa.
Trên đây là những nội dung giải đáp “Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?” và đề cập đến một số biến chứng của bệnh lý này. Hy vọng qua thông tin trên, bạn đọc có thể hiểu hơn về tính chất, mức độ bệnh và chủ động hơn trong việc chữa trị, phòng ngừa.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn cách phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ
GỢI Ý XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!