Phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối – Thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối là một cách điều trị thực tiễn phụ thuộc vào nỗ lực luyện tập và kiên trì của người bệnh. Các phương pháp thường bao gồm vật lý trị liệu, luyện tập các bài tập tăng cường, học cách ngăn ngừa các tổn thương và giảm thiểu các áp lực lên khớp.
Phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối là gì?
Phục hồi chức năng là quá trình giúp một các nhân đạt được mức độ bình thường hoặc cao về các chức năng, tính độc lập và chất lượng cuộc sống. Phục hồi chức năng không thể đảo ngược hoặc chữa khỏi các tổn thương do thoái hóa khớp gối nhưng có thể hỗ trợ phục hồi sức khỏe, chức năng và cải thiện phạm vi hoạt động của khớp gối.
Chương trình phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối thường được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng người bệnh, do đó mỗi chương trình thường khác nhau. Thông thường một chương trình phục hồi chức năng thường bao gồm:
- Điều trị thoái hóa khớp gối cơ bản và ngăn ngừa các biến chứng
- Điều trị các khuyết tật và cải thiện chức năng
- Cung cấp các công cụ hỗ trợ thích ứng và thay đổi môi trường điều trị của người bệnh
- Hướng dẫn người bệnh và gia đình cách thích nghi với phong cách sống mới và hạn chế các tổn thương trong tương lai
- Chương trình phục hồi thoái hóa khớp gối thường nhằm mục đích:
- Giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, ngăn ngừa các rối loạn và chấn thương
- Loại bỏ hoặc hạn chế bất cứ suy yếu, khuyết tật và nguy cơ mất chức năng khớp
- Cải thiện sức khỏe tổng thể
Thông tin chung về thoái hóa khớp gối
1. Thoái hóa khớp gối là bệnh gì?
Thoái hóa khớp gối là bệnh thoái hóa loạn dưỡng của khớp. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là tổn thương ở sụn khớp, hình thành các gai xương, khe ở giữa khớp hẹp và dẫn đến biến dạng khớp nếu không được điều trị phù hợp.
Trong giai đoạn đầu, khớp tổn thương nhẹ và có thể dẫn đến một số dấu hiệu như:
- Đau khớp gối hoặc đau xung quanh khớp gối. Cơn đau có thể nhẹ và xuất hiện khi người bệnh đi bộ, di chuyển nhiều, lên xuống cầu thang. Đôi khi bệnh có thể xuất hiện vào ban đêm dẫn đến rối loạn giấc ngủ, mất ngủ và ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người bệnh.
- Khi thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng, khớp gối có thể bị sưng do tràn dịch khớp, dẫn đến đau đớn nghiêm trọng. Trong các trường hợp nghiêm trọng người bệnh có thể bị cứng khớp gối, đặc biệt là vào sáng sớm.
2. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng ở khớp và thói quen hoạt động của người bệnh. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính chính xác trong công tác chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm kiểm tra như:
- Xét nghiệm máu khi không có hội chứng viêm
- Kiểm tra dịch khớp, độ trong suốt, độ nhớt, protein và các tế bào dịch khớp
- Xét nghiệm hình ảnh bao gồm chụp X – quang hoặc MRI ở khe hẹp khớp, xương dưới sụn, chồi xương, gai xương
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm phân biệt thoái hóa khớp với một số bệnh lý khác như:
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm cột sống dính khớp
- Bệnh gout
Chương trình phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng
Thoái hóa khớp gối là bệnh gây đau đớn, viêm khớp, có thể gây biến đổi cấu trúc khớp và có thể dẫn đến tàn phế nếu không được điều trị. Do đó, chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng, duy trì khả năng vận động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên tắc khi phục hồi thoái hóa khớp gối bao gồm điều trị các triệu chứng và phục hồi chức năng khớp. Cụ thể bao gồm:
- Làm giảm các cơn đau
- Duy trì chức năng khớp
- Hạn chế hoặc làm chậm quá trình tổn thương và mất khớp
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh
2. Phác đồ phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối
– Điều trị cơ bản cho thoái hóa khớp gối:
Mục tiêu chính khi điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau và tăng khả năng vận động. Kế hoạch điều trị thường bao gồm:
- Giảm cân, thậm chí giảm một lượng cân nhỏ cũng có thể cải thiện các triệu chứng đau đầu gối
- Tập thể dục nhằm mục đích tăng cường cơ bắp quanh đầu gối, giúp khớp ổn định và hạn chế các cơn đau
- Sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen natri. Tuy nhiên không dùng thuốc quá 10 ngày mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Tiêm corticosteroid hoặc axit hyaluronic vào đầu gối để chống viêm và hỗ trợ bôi trơn các khớp.
- Phẫu thuật khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả điều trị.
– Vật lý trị liệu:
Vật lý trị liệu cải thiện chức năng, tăng cường cơ bắp và tính linh hoạt của khớp. Cụ thể các phương pháp vật lý trị liệu bao gồm:
- Sử dụng các bước sóng ngắn để tạo nhiệt nóng ở sâu bên trong khớp. Điều này có thể tăng cường chuyển hóa, chống viêm khớp và hạn chế tình trạng sưng khớp.
- Xung điện có tác dụng kích thích thần kinh cơ, hỗ trợ giảm đau, tăng cường chuyển hóa các chất và tăng cường dẫn truyền thần kinh.
- Siêu âm làm mềm các tổn thương hoặc mô xơ, sẹo ở sâu bên trong khớp nhằm mục tiêu điều trị viêm khớp, giảm đau, tăng cường chuyển hóa và tăng tái tạo tổ chức.
– Vận động trị liệu:
Đây là phương pháp vận động chủ động nhằm mục tiêu hỗ trợ cho khớp gối để duy trì hoạt động của khớp, cải thiện sức mạnh cơ và chống co rút các cơ quanh khớp. Nguyên tắc khi thực hiện vận động trị liệu bao gồm không gây áp lực lên khớp gối và tránh các tổn thương lên khớp đã bị tổn thương. Các phương pháp vận động trị liệu phổ biến bao gồm:
- Đi xe đạp: Đây là hình thức luyện tập hiệu quả có thể kích thích các nhóm cơ lớn ở chân với mức độ trọng tải thấp. Các bài tập xe đạp với cường độ nhẹ hoặc vừa phải có thể duy trì vận động ở người thoái hóa khớp gối, tăng sự liên kết giữa khớp gối, hông, đùi. Tuy nhiên khi đạp xe, yên xe nên được điều chỉnh sao cho khớp gối có thể duỗi thẳng hết mức, khi gập góc khớp gối đạt từ 0 – 15 độ.
- Đi bộ: Đây là bài tập vận động đơn giản, an toàn và phù hợp cho hầu hết bệnh nhân. Đi bộ với cường độ phù hợp có thể cải thiện sức khỏe, giảm đau và hỗ trợ chống trầm cảm. Tuy nhiên những người thoái hóa khớp gối nghiêm trọng hoặc có các vấn đề ở hông và mắt cá chân không nên đi bộ hoặc trao đổi với bác sĩ trước khi đi bộ.
- Bơi lội: Đây là một môn thể thao phù hợp cho người thoái hóa khớp gối hoặc có bệnh về cột sống. Bơi lội hoặc các bài tập thể dục dưới nước ít tác động lên các khớp, có thể duy trì sự dẻo dai của các cơ quanh khớp, hỗ trợ giảm sưng và đau khớp.
– Các phương pháp điều trị khác:
- Điều trị ngoại khoa thường bao gồm rửa khớp để loại bỏ các mảnh sụn bị hỏng, cắt các sụn bị tổn thương và điều trị các bề mặt sụn, xương không đều. Ngoài ra, nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị sửa chữa trục khớp hoặc thay khớp gối.
- Chế độ dinh dưỡng, thường áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân đối chất đạm, chất béo, khoáng chất và các loại vitamin phù hợp. Các thực phẩm phù hợp cho người thoái hóa khớp gối thường bao gồm trứng, sữa, mật ong, thức ăn giàu canxi, đậu nành, đậu đũa, nấm và các loại rau củ. Hạn chế tinh bột, đường, đặc biệt là các loại đường hấp thụ trực tiếp như mía, bánh kẹo, nước ngọt,…
3. Phục hồi chức năng sau khi thay thế khớp gối
Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thoái hóa khớp gối để ngăn ngừa các tổn thương. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp gối bằng khớp nhân tạo.
Phẫu thuật cần đảm bảo được 4 mục tiêu bao gồm:
- Điều trị cơn đau khớp gối
- Cải thiện biến dạng khớp
- Cải thiện khả năng vận động bình thường
- Tạo được sự vững chắc và ổn định để nâng đỡ người bệnh
Chống chỉ định phẫu thuật:
- Người bệnh đái tháo đường
- Bệnh nhân suy tim
- Viêm khớp nhiễm khuẩn
- Phần mềm ở xung quanh khớp bị xơ cứng
Phác đồ phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật thoái hóa khớp gối thường bao gồm:
– Giai đoạn I, từ 0 – 1 tuần sau phẫu thuật:
- Chườm lạnh nhằm mục tiêu giảm đau, chống sưng
- Nâng cao đầu gối hơn cơ thể trong 3 – 5 ngày sau phẫu thuật
- Làm quen với hoạt động của khớp mới, tăng sự kết hợp giữa khớp và xương bánh chè
- Thực hiện các bài tập thụ động và chủ động để vận động khớp gối, cố gắng mở rộng hết khả năng vận động
- Vận động các cơ tứ đầu đùi, tập trung làm rộng các cơ bên trong
- Thực hiện các bài tập mở rộng chuyển động chân
- Tập đi lại bằng nạng hoặc gậy hỗ trợ
– Giai đoạn II, từ 1 – 6 tuần sau phẫu thuật:
- Tiếp tục áp dụng các biện pháp giảm đau, chống viêm, sưng
- Luyện tập di chuyển bằng gậy chống
- Đeo nẹp hỗ trợ khớp gối khi di chuyển
- Thực hiện các bài tập kéo giãn chi dưới
- Bắt đầu thực hiện các bài tập như đi xe đạp, bơi lội hoặc các bài tập thể dục dưới nước
- Thực hiện các bài tập để hỗ trợ cải thiện các dây thần kinh ở chi dưới
- Tập luyện các bài tập kiểm soát các chức năng thần kinh – cơ
- Tập vận động các khớp cổ chân
– Giai đoạn III, tuần 6 – 10 sau phẫu thuật:
- Thực hiện giảm đau và chống viêm nếu cần thiết
- Thực hiện các chỉ định luyện tập ở giai đoạn II
- Luyện tập di chuyển bằng nạng có tì, khoảng 25% trọng lượng cơ thể và tăng lên khoảng 25% sau mỗi 3 ngày, có thể tiến hành luyện tập bằng nạng trong 2 tuần nếu chịu được trọng lượng và từ từ bở năng từ tuần 8 – 9
- Sau tuần thứ 8, người bệnh vẫn tập đi bình thường
- Tăng cường các bài tập trên cao như nâng xe đạp, bắt đầu đi bộ không có nạng
– Giai đoạn IV, tuần 10 – 20 sau phẫu thuật:
Tuần 10 – 16:
- Thực hành các bài tập thể dục tăng cường sức mạnh, bắt đầu với cả hai chân rồi đến 1 chân
Tuần 16 – 20:
- Thực hiện các bài tập nâng cao sức mạnh ở chân
- Bắt đầu thực hiện luyện tập cải thiện chức năng khớp gối với các dụng cụ phòng thể dục dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn
- Bắt đầu chạy bộ nhẹ, nếu có thể
– Giai đoạn V, tuần 20 – 24 sau phẫu thuật:
- Khám, kiểm tra lại các tổn thương
- Tiến hành thực hiện các bài tập thể dục thể thao đặc thù
- Tiếp tục thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh chi dưới như giai đoạn IV và các bài tập về độ dẻo dai của khớp
- Kiểm tra kết quả phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối để đánh giá kết quả điều trị
Phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối nhằm mục tiêu cải thiện khả năng vận động và tăng tính linh hoạt của khớp gối. Trao đổi với chuyên gia phục hồi chức năng hoặc bác sĩ trị liệu để được hướng dẫn chi tiết và cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!