Đốt Viêm Họng Hạt: Những Vấn Đề Cần Nắm Rõ Trước Khi Thực Hiện
Nội dung bài viết
Nhiều người cho rằng đốt hạt là biện pháp giúp điều trị viêm họng hạt triệt để nhất. Quan điểm này liệu có đúng và liệu bạn đã thực sự hiểu về đốt viêm họng hạt? Ở bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chính xác cho bạn về vấn đề này.
Đốt viêm họng hạt là gì? Khi nào nên đốt?
Viêm họng kéo dài có thể liên tục gây viêm ở niêm mạc họng. Về lâu về dài, điều này khiến các mô lympho ở thành sau họng nở to thành các hạt có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Tình trạng này được giới y khoa gọi là viêm họng hạt. Nói cách khác, nó chính là một dạng viêm họng mãn tính quá phát.
Viêm họng hạt gây ra những khó chịu ở vùng cổ họng, như đau rát họng, cơn đau tăng lên khi ăn uống, cảm giác có dị vật vướng trong cổ họng… Khi soi họng, có thể thấy cổ họng bị sưng đỏ, có các hạt màu hồng, đỏ hoặc trắng kích thước khác nhau ở thành sau họng.
Vậy “Có nên đốt viêm họng hạt không?” là thắc mắc của nhiều người. Không ít bệnh nhân cho rằng chỉ đốt hạt mới có thể khỏi viêm họng hạt hoàn toàn. Tồn tại một thực trạng là đốt họng hạt được chỉ định khá bừa bãi ở một số phòng khám, dẫn tới sự hiểu lầm tai hại và khiến bệnh nhân bỏ lỡ những phương pháp điều trị đúng đắn khác.
Đốt viêm họng hạt là phương án sau cùng mà bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân nên áp dụng. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân bị viêm họng hạt mãn tính nặng, họng xuất hiện nhiều hạt to, liên tục tái phát.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra viêm họng hạt. Trước khi tiến hành điều trị, cần phải xác định nguyên nhân gây ra bệnh. Đây là điều tiên quyết giúp điều trị viêm họng hạt thành công.
Giả sử, nếu viêm họng hạt là do các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, như viêm mũi và viêm amidan, hoặc viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược, hãy chữa trị những bệnh này trước. Nếu những nguyên nhân này không được xử lý, đốt viêm họng hạt chẳng khác gì “bỏ muối vào biển”, vừa tốn tiền mà không chữa được bệnh, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các bác sĩ có tâm và có tầm thường khuyến nghị bệnh nhân chỉ nên đốt viêm họng khi việc sử dụng thuốc không có hiệu quả và các hạt trên thành họng phát triển có to.
Có 2 phương pháp đốt viêm họng hạt thường được áp dụng, bao gồm đốt laser và đốt nhiệt điện.
Đốt viêm họng hạt bằng laser
Phương pháp này sử dụng nhiệt từ laser nhằm phá vỡ các hạt to ở thành họng.
Ưu điểm:
- Thủ thuật đơn giản.
- Độ xâm lấn thấp.
- Thực hiện nhanh.
Nhược điểm:
- Chỉ có hiệu quả với những hạt lớn.
- Không loại bỏ hoàn toàn các mô lympho quá phát ở thành họng. Có thể vô tình kích thích những hạt nhỏ trên thành họng phát triển nhanh hơn.
- Tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc họng, tạo nên sẹo không thể đảo ngược.
- Viêm họng hạt vẫn có khả năng tái phát.
Đốt viêm họng hạt bằng nhiệt điện
Đây là phương pháp loại bỏ hạt bằng núm điện ở nấc 6 – 8 vôn. Trước khi đốt, niêm mạc họng bệnh nhân sẽ được gây tê. Sau khi đốt xong cần chấm họng bằng Betadin 5% hoặc dung dịch súc miệng SMC.
Ưu điểm:
- Loại bỏ các hạt lớn và các triệu chứng viêm họng hạt tức thì.
- Thực hiện nhanh.
- Ít đau.
Nhược điểm:
- Các nốt hạt sau khi bị đốt sẽ hơi đỏ.
- Sau khi đốt, bệnh nhân có thể cần phải sử dụng thêm thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc chống phù nề…
- Tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như sẹo họng.
- Chỉ đốt được các hạt lớn.
- Không trị được bệnh viêm họng hạt hoàn toàn.
- Cần thực hiện nhiều lần, chi phí khá cao.
Ngoài 2 phương pháp phổ biến trên, áp lạnh viêm họng hạt bằng kỹ thuật plasma cũng đang được nhiều bệnh nhân quan tâm. So với đốt hạt bằng laser và điện, áp lạnh ít gây đau, hạn chế chảy máu, biến chứng thấp và ít hình thành sẹo hơn. Thời gian thực hiện và phục hồi khi áp dụng phương pháp này cũng nhanh hơn.
Tuy nhiên, bệnh nhân luôn cần cảnh giác trước những lời quảng cáo “đốt hạt chữa viêm họng hạt triệt để” hay “chữa khỏi viêm họng hạt hoàn toàn”. Bởi lẽ, đốt viêm họng hạt chỉ là giải pháp tạm thời giúp giải quyết các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Nó không loại bỏ được tận gốc căn nguyên gây ra bệnh viêm họng hạt.
Đốt viêm họng hạt có đau không? Có nguy hiểm không?
Dưới đây là một số câu hỏi xoay quanh vấn đề đốt viêm họng hạt:
Đốt viêm họng hạt có đau không?
Hầu hết các trường hợp đốt viêm họng hạt đều không gây quá đau nhức, khó chịu trong và sau khi đốt. Thời gian thực hiện thủ thuật thường nhanh chóng, không quá bất tiện với bệnh nhân. Bệnh nhân được ngồi thoải mái trên ghế và không cần nằm viện sau khi đốt hạt.
Đối với đốt hạt bằng nhiệt điện, bệnh nhân sẽ được gây tê vùng miệng. Cảm giác đau đớn trong và sau khi đốt là không đáng kể.
Tuy nhiên, sẽ hơi rắc rối khi thực hiện đốt viêm họng hạt cho trẻ em. Trẻ có thể bất hợp tác, sợ hãi hoặc quấy khóc khi bác sĩ thực hiện đốt hạt. Lúc này, cha mẹ cần dỗ dành và trấn an trẻ để bác sĩ thao tác thuận lợi. Đốt viêm họng hạt cũng không thường được khuyến nghị để điều trị cho trẻ nhỏ.
Đốt viêm họng hạt tiềm ẩn nguy hiểm gì?
Có thể khẳng định đốt viêm họng hạt không gây nguy hiểm tính mạng, nhưng lại không thể trị dứt điểm bệnh. Bệnh nhân vẫn có thể bị viêm họng tái diễn, hình thành hạt mới sau khi đốt.
Bên cạnh đó, đốt viêm họng có thể tiềm ẩn một số nguy cơ sau cho sức khỏe:
- Bỏng vùng trong miệng
Rủi ro này có thể do tay nghề bác sĩ kém, ít kinh nghiệm và không tập trung. Các thiết bị đã cũ hoặc không đảm bảo có thể khiến bệnh nhân bị bỏng vùng họng, lưỡi trong quá trình đốt hạt. Đó là lý do vì sao bạn nên lựa chọn các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để hạn chế sự cố này khi đốt hạt.
- Sẹo họng
Đốt hạt không thể trị khỏi viêm họng hạt, bệnh vẫn có thể tái phát và xuất hiện hạt mới. Do đó, một khi đã đốt hạt, bệnh nhân vẫn có tâm lý muốn thực hiện thủ thuật này nhiều lần với hy vọng điều trị bệnh dứt điểm. Đốt hạt nhiều lần sẽ để lại sẹo ở họng. Sẹo có thể lớn đến nỗi chỉ cần há miệng đã nhìn thấy rõ ràng. Không chỉ gây mất thẩm mỹ, sẹo này còn khiến bệnh nhân thường xuyên bị nghẹn, cảm thấy vướng víu, khó nuốt. Tình trạng này có thể khiến việc điều trị các bệnh về họng sau này cũng sẽ khó hơn.
- Nhiễm trùng tại chỗ đốt
Đốt hạt quá sâu có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng họng, đặc biệt ở những người có nguy cơ bị nhiễm trùng cao, như trẻ nhỏ, người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu ớt… Sau khi đốt họng, nếu bệnh nhân không có những biện pháp bảo vệ vùng họng, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn tấn công, gây ra nhiều rắc rối cho cơ thể.
Lưu ý khi thực hiện đốt họng hạt
Nếu đã quyết định đốt viêm họng hạt, bạn nên nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ và thực hiện những biện pháp tự chăm sóc bản thân.
Trước và trong khi đốt viêm họng hạt
Trước khi quyết định đốt viêm họng hạt, bạn nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Chỉ áp dụng đốt hạt khi được bác sĩ chỉ định. Không nên tùy tiện đi đốt họng, vừa không khỏi dứt điểm vừa có thể để lại các biến chứng cho sức khỏe.
Ngoài ra, người bệnh nên thực hiện những điều sau:
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thực phẩm lành mạnh và phong phú để tăng cường hệ miễn dịch.
- Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng để tăng cường sức đề kháng.
- Trước khi đốt hạt ít nhất 2 tuần, không nên sử dụng bất cứ loại thuốc nào nếu không được bác sĩ chỉ định.
- 30 phút trước khi đốt hạt, nên uống một cốc nước ấm để giúp làm ẩm niêm mạc họng.
Sau khi đốt viêm họng hạt
Bạn không cần nằm viện sau khi đốt viêm họng hạt, tuy nhiên, bạn vẫn cần thực hiện các hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa nhiễm trùng và các biến chứng khác.
Một số lưu ý sau có thể giúp ích cho bệnh nhân sau khi đốt hạt:
- Nghỉ ngơi hợp lý.
- Không làm việc quá sức.
- Ăn uống khoa học, bổ dưỡng. Ăn đồ ấm, mềm, loãng để dễ nuốt hơn. Ăn bữa nhỏ, chia thành 4 – 5 bữa ăn nhỏ mỗi ngày.
- Không ăn các thực phẩm cay nóng hoặc quá lạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
- Không hút thuốc lá.
- Hạn chế nói to, nói nhiều. nói to vì sẽ làm ảnh hưởng tới niêm mạc họng.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ đốt hạt cho bạn.
- Rửa mũi, súc miệng và họng bằng nước muối.
- Tái khám theo lịch hẹn hoặc đi khám ngay nếu thấy các biểu hiện bất thường như chảy máu kéo dài, có mủ ở họng, thành họng sưng, đỏ, đau họng…
Đốt họng hạt ở đâu tốt? Chi phí bao nhiêu?
Bệnh nhân nên lựa chọn những địa chỉ đốt họng hạt đáng tin cậy để được tư vấn, điều trị tốt và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.
Địa chỉ đốt viêm họng hạt tốt ở TP. Hà Nội
Ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc khác, bệnh nhân có thể tới các cơ sở sau để khám tai mũi họng và thực hiện đốt viêm họng hạt:
- Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương
Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024 3868 6050
Bệnh viện công lập chuyên sâu, đầu ngành về Tai Mũi Họng của cả nước. Bệnh nhân nên sắp xếp thời gian trước, vì bệnh viện thường đông đúc, phải chờ đợi lâu.
- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 069 572 400 – 069 555 283
Bệnh viện có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ cấp cao hoạt động trong quân đội, cán bộ cấp cao của Chính phủ và các đối tượng khác…
- Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec
Địa chỉ: 458 Minh Khai, Hà Nội
Điện thoại: 024 3974 3556
Là 1 trong 7 bệnh viện nằm trong Hệ thống Y tế phi lợi nhuận do Vingroup đầu tư phát triển. Chất lượng dịch vụ tốt, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao. Bởi vậy, chi phí khám chữa bệnh Vinmec khá cao.
Địa chỉ đốt viêm họng hạt tốt ở TP. HCM
Ở TP. HCM và các tỉnh miền Nam, bệnh nhân có thể tới các cơ sở sau để thực hiện đốt viêm họng hạt:
- Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM
Địa chỉ: 155B Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP. HCM
Điện thoại: 028 3931 7381
Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa dày dặn kinh nghiệm cùng trang thiết bị được chuẩn hóa hiện đại.
- Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy
Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP. HCM
Điện thoại: 028 3855 4137
Đây là một trong những trung tâm đào tạo chuyên khoa tai mũi họng ở các trình độ cao. Hầu hết các bác sĩ tại khoa đều được đào tạo, thực tập tại nước ngoài như Mỹ, Anh, Singapore, Pháp.
- Khoa Tai Mũi Họng, Phòng khám Y Dược TP. HCM
Địa chỉ: Số 20 – 22 Dương Quang Trung, Phường 12, Quận 10, TP.HCM
Điện thoại: 1800 6023
Đây là phòng khám đa khoa, được thành lập theo mô hình hợp tác công – tư giữa Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. HCM và Công Ty Cổ Phần Y Việt (Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1). Người bệnh nên chú ý địa chỉ phòng khám, vì nhiều người nhầm với địa chỉ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cơ sở 1. Phòng khám có cơ sở hạ tầng hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi.
Được biết, chi phí cho mỗi lần đốt họng hạt tùy theo từng bệnh viện hoặc phòng khám. Thông thường, nếu đốt tại bệnh viện tư nhân chi phí dao động vào khoảng 2 triệu đến 4 triệu đồng. Chi phí này đã bao gồm chụp chiếu xét nghiệm. Mức chi phí chênh lệch tùy theo từng đơn vị, phương pháp đốt, mức độ nặng nhẹ của bệnh viêm họng hạt. Đối với những trường hợp có BHYT, bảo hiểm sẽ chi trả từ 40 – 80% tổng chi phí.
Trên đây là những thông tin không thể bỏ lỡ trước khi thực hiện đốt viêm họng hạt. Đừng quên rằng còn nhiều phương pháp khác giúp điều trị viêm họng hạt an toàn và hiệu quả hơn. Không nên tự ý đi đốt họng hạt mà không được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Đừng bỏ lỡ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!