Bị cứng cổ, đau cổ khó cựa quậy – Cảnh giác bệnh nguy hiểm
Nội dung bài viết
Tình trạng cứng cổ, đau cổ khó cựa quậy có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng và cần điều trị y tế. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu các nguyên nhân để có cách xử lý phù hợp, kịp lúc.
Nguyên nhân phổ biến gây cứng cổ
Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân phổ biến nhất gây cứng cổ thường là căng cơ, áp lực hoặc các chấn thương ảnh hưởng đến khu vực cổ. Các nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến tình trạng cứng cổ thường bao gồm:
1. Căng cơ
Theo các chuyên gia, nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây cứng cổ, đau cổ khó cựa quậy thường do căng cơ hoặc chấn thương các mô mềm. Các cơ ở phía sau cổ, bên cạnh cổ và các cơ nối cột sống cổ với vai là những cơ dễ bị tổn thương và các nguy cơ gây cứng cổ cao nhất.
Các cơ ở cổ có thể bị căng thẳng, áp lực trong các hoạt động hàng ngày, phổ biến bao gồm:
- Ngủ với tư thế gây áp lực lên cổ
- Ngã hoặc va chạm bất ngờ khiến đầu bị đẩy bất ngờ sang một bên (chấn thương này thường phổ biến ở các hoạt động thể thao)
- Xoay đầu sang một bên liên tục, chẳng hạn như một số tư thế bơi lội
- Ngồi với tư thế xấu trước màn hình máy tính hoặc cúi đầu liên tục khi sử dụng điện thoại di động trong thời gian dài
- Giữ cổ ở một vị trí cố định trong thời gian dài
2. Chấn thương cổ do thay đổi vị trí đột ngột
Đôi khi cứng cổ có thể liên quan đến các tổn thương do thay đổi vị trí cổ đột ngột. Tình trạng này thường phổ biến trong các tai nạn giao thông khiến phần đầu đột nhiên giật về phía trước và ngẩng ra phía sau đột ngột.
Chấn thương này có thể ảnh hưởng đến cơ, xương, dây chằng, dây thần kinh ở cổ và dẫn đến đau và cứng ở cổ. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Đau vai và lưng
- Có cảm giác châm chích hoặc nóng rát ở khu vực cổ
- Trí nhớ kém, hay quên hoặc mất khả năng tập trung
3. Bệnh lý cột sống
Trong một số trường hợp, cứng cổ có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của các bệnh lý về cột sống, tủy sống. Một số rối loạn cột sống có thể gây co thắt cơ cổ và cứng cổ thường bao gồm:
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Tình trạng này xảy ra khi phần bên ngoài bảo vệ đĩa đệm cột sống cổ bị vỡ gây rò rỉ phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm. Điều này dẫn đến tình trạng chèn ép các dây thần kinh, viêm các mô xung quanh, đau đớn và cứng cổ.
- Thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ: Tình trạng này xảy ra khi đĩa đệm mất hydrat hóa và thoái hóa theo thời gian. Điều này tăng áp lực lên các khớp, dây thần kinh và các mô mềm xung quanh (như dây chằng và cơ bắp). Quá trình này có thể dẫn đến đau vai gáy, đau cổ và cứng cổ.
- Thoái hóa đốt sống cổ: Tình trạng này xảy ra khi các khớp mặt ở các đốt sống cổ bị thoái hóa theo thời gian. Điều này có thể gây hẹp cổ sống, thay đổi cấu trúc tự nhiên ở đốt sống cổ, tăng nguy cơ hình thành gai xương và gây đau cứng cổ.
4. Viêm khớp cổ
Tương tự như các bệnh lý cột sống ở cổ, viêm khớp cổ có thể dẫn đến đau cổ và cứng khớp cổ. Các dấu hiệu viêm khớp cổ thường trở nên nghiêm trọng khi người bệnh giữ cổ ở một vị trí trong thời gian dài, ví dụ như lái xe hoặc ngồi trước máy vi tính.
Các dấu hiệu viêm khớp cổ khác thường bao gồm:
- Đau đầu
- Tê cánh tay hoặc bàn tay
- Khó đi lại hoặc khả năng mất thăng bằng
- Đau vai gáy lan tỏa đến cánh tay
- Mất sức mạnh ở cánh tay hoặc chân
5. Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm mạn tính ở cột sống và các khớp nối cột sống. Viêm mãn tính ở những khu vực này gây đau, cứng ở xung quanh cột sống, bao gồm cổ, lưng, lưng dưới và khu vực mông. Theo thời gian, tình trạng viêm mãn tính dẫn đến sự hợp nhất các đốt sống, dẫn đến bệnh viêm cột sống dính khớp và gây mất khả năng vận động ở cột sống.
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý toàn thân có thể ảnh hưởng đến các mô trên toàn cơ thể, không chỉ ở cột sống. Các tổn thương khác có thể bao gồm ảnh hưởng đến mắt, tim, phổi và thận. Do đó người bệnh nên đến bệnh viện tiến hành chẩn đoán và điều trị phù hợp.
6. Viêm đa khớp dạng thấp
Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh lý về cơ và khớp có thể gây đau cơ và cứng khớp, ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể. Tình trạng này thường liên quan đến vùng vai, cánh tay, cổ và khu vực mông.
Các dấu hiệu thường nghiêm trọng vào buổi sáng, gây ảnh hưởng chủ yếu đến cánh tay trên, cổ, vai, cánh tay trên và hông. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng và gây yếu hoặc mất chức năng ở khu vực bị ảnh hưởng. Đôi khi người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi mãn tính, thiếu năng lượng và trầm cảm nhẹ.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính và cần điều trị y tế để ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn. Biện pháp điều trị phổ biến thường nhằm mục đích giảm viêm bằng Aspirin, Ibuprofen hoặc dùng thuốc Cortisone liều thấp.
7. Viêm màng não
Mặc dù không phổ biến nhưng cứng cổ có thể là triệu chứng của bệnh viêm màng não. Màng não là lớp phủ trên não và tủy sống. Viêm ở màng não có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Viêm màng não có thể liên quan đến vi khuẩn, virus hoặc nấm. Viêm màng não do virus có thể tự khỏi, trong khi đó viêm màng não do vi khuẩn và nấm có thể gây tử vong.
Một số dấu hiệu viêm màng não phổ biến bao gồm:
- Sốt đột ngột, đau đầu, cứng cổ
- Buồn nôn hoặc nôn
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Khó chịu, mệt mỏi
- Nhầm lẫn, trí nhớ kém
- Không thể thức dậy sau khi ngủ
Viêm màng não là tình trạng nghiêm trọng và cần điều trị y tế. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức.
Cách xử lý tình trạng cứng cổ
Trong hầu hết các trường hợp, cổ cứng là do căng cơ hoặc bong gân. Tình trạng này có thể tự cải thiện trong vài ngày. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp xử lý để cải thiện các triệu chứng và tăng cường khả năng phục hồi ở cổ.
Phụ thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của các triệu chứng, các biện pháp xử lý, điều trị thường bao gồm:
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Người bệnh có thể tự cải thiện các triệu chứng cứng cổ tại nhà với một số lời khuyên như:
- Nghỉ ngơi: Dành 1 – 2 ngày để nghỉ ngơi có thể chữa lành các mô bị tổn thương và giảm cứng cổ hoặc cơ thắt các cơ bắp. Tuy nhiên, việc nghỉ ngơi không nên kéo dài hơn hai ngày để tránh gây suy yếu các cơ bắp.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh nên được áp dụng trong vòng 24 – 48 giờ khi xuất hiện các cơn đau đầu tiên. Liệu pháp này có thể hỗ trợ chống viêm cục bộ và cải thiện tình trạng cứng cổ.
- Chườm nóng: Nhiệt độ vừa phải có thể thúc đẩy lưu lượng máu lưu thông và hỗ trợ cải thiện tình trạng cứng khớp ở cổ.
- Kéo giãn cổ: Thực hiện kéo giãn cổ có thể giảm độ cứng và phục hồi phạm vi chuyển động tự nhiên của cổ. Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn các động tác và bài tập phù hợp.
- Thực hiện các bài tập aerobic phù hợp: Ngoài kéo giãn cổ, người bệnh có thể tham khảo các động tác thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng như đi bộ, để tăng cường lượng oxy lưu thông đến các mô ở cột sống. Điều này có thể cải thiện tình trạng cứng cổ và thúc đẩy quá trình chữa lành tự nhiên ở cổ.
- Kiểm tra môi trường ngủ: Đôi khi nệm, gối không phù hợp có thể gây cứng cổ, đau vai gáy và đau lưng. Do đó, người bệnh cần lực chọn một chiếc gối phù hợp, chắc chắn và lớn hơn để hỗ trợ đầu cổ.
- Xoa bóp, massage: Các tác động lực nhẹ nhàng, vừa phải có thể cải thiện tình trạng cổ cứng và hỗ trợ giảm đau ở những người thoái hóa khớp hoặc viêm khớp.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh có thể kết hợp nhiều biện pháp hoặc đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị phù hợp.
2. Sử dụng thuốc
Trong các trường hợp cứng cổ gây đau nghiêm trọng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc cải thiện các triệu chứng như:
- Acetaminophen
- Aspirin
- Celecoxib
- Ibuprofen
- Naproxen
- Thuốc chống viêm không chứa steroid
Hầu hết các loại thuốc này không cần kê đơn và có thể cải thiện các triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên, người bệnh cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro và tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa hoặc đau dạ dày. Bên cạnh đó, người bệnh có tiền sử dị ứng thuốc và các bệnh lý mãn tính khác, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Biện pháp phòng ngừa ngừa cứng cổ
Một số biện pháp phòng ngừa tình trạng cứng cổ thường bao gồm:
- Thực hiện các tư thế hoạt động tốt, đặc biệt là khi cần thực hiện trong thời gian dài. Giữ các thiết bị như màn hình máy tính hoặc điện thoại di động ngang tầm mắt để ngăn ngừa các áp lực lên cổ.
- Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, tránh gây áp lực liên tục lên cổ. Người bệnh nên đứng dậy đi bộ và cử động cổ sau mỗi 60 phút để tăng tính linh hoạt và ngăn ngừa cứng cổ.
- Mang túi xách, balo với trọng lượng vừa phải để tránh gây áp lực lên vai và các cơ cổ.
- Tập thể dục, vận động cơ thể đều đặn để tăng cường sức mạnh các cơ và giảm nguy cơ cứng cổ. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập động tác thấp như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, yoga hoặc thiền định để cải thiện các triệu chứng.
Các biện pháp phòng ngừa cứng cổ có thể duy trì sức khỏe ở cổ, tăng tính linh hoạt và ngăn ngừa thoái hóa đốt sống cổ.
Cứng cổ khi nào cần đến bệnh viện?
Cứng cổ có thể gây khó chịu nhưng thường không nghiêm trọng và có thể tự cải thiện sau một thời gian. Tuy nhiên, người bệnh có thể cần đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm và đánh giá y tế kịp thời.
Người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi tình trạng cứng cổ xuất hiện kèm theo các dấu hiệu y tế tiềm ẩn như:
- Sốt, điều này có thể là dấu hiệu nhiễm trùng trong cơ thể
- Đau đầu, đặc biệt là khi cơn đau đầu kéo dài trong một thời gian trước khi tình trạng cứng cổ xảy ra
- Buồn nôn hoặc nôn
- Mệt mỏi hoặc thường xuyên buồn ngủ mà không giải thích được lý do
- Thay đổi trạng thái tinh thần, có thể bao gồm nhầm lẫn hoặc thay đổi tâm trạng đột ngột
- Mất sự phối hợp, gây khó khăn khi di chuyển, đi bộ, viết chữ hoặc chóng mặt
- Giảm cân không rõ lý do
Cứng cổ là một vấn đề phổ biến và thường liên quan đến chấn thương, tư thế xấu hoặc do áp lực tác động đến cổ. Mặc dù, cứng cổ thường không phải là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng, tuy nhiên người bệnh nên đến bệnh viện nếu cảm thấy lo lắng hoặc khi tình trạng này xảy ra đột ngột và đi kèm các triệu chứng khác. Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.
Tin xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!