Cách ngăn ngừa mụn ở tuổi dậy thì – Bạn nên biết
Nội dung bài viết
Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sự xuất hiện của các nốt mụn tác động không nhỏ đến tâm lý và ngoại hình. Vì vậy, bạn nên thực hiện một số biện pháp ngăn ngừa mụn ở tuổi dậy thì để duy trì làn da đẹp, mịn màng và hạn chế tối đa sự hình thành của các nốt mụn “xấu xí”.
5 Bí quyết ngăn ngừa mụn ở tuổi dậy thì
Dậy thì là giai đoạn cơ thể có sự thay đổi về tâm lý và thể chất. Ở giai đoạn này, các hormone trong cơ thể chuyển biến rõ rệt nhằm thúc đẩy cơ quan sinh sản phát triển hoàn chỉnh. Tuy nhiên, sự gia tăng đột ngột của hormone androgen có thể khiến da mặt bài tiết nhiều dầu, lỗ chân lông to và khiến da nổi mụn ồ ạt.
Ngoài ra ở độ tuổi dậy thì, cả nam giới lẫn nữ giới đều chưa biết cách chăm sóc da, thường xuyên thức khuya và phải chịu áp lực lớn từ việc học. Những yếu tố này chính là nguyên nhân khiến da bài tiết nhiều dầu dẫn đến lỗ chân lông bị bít tắc và hình thành mụn nang, mụn bọc,…
Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng mụn tác động không nhỏ đến ngoại hình, tâm lý và chất lượng cuộc sống – đặc biệt là giai đoạn dậy thì. Để ngăn ngừa mụn, bạn có thể áp dụng một số biện pháp phòng tránh đơn giản sau:
1. Làm sạch da đúng cách
Mụn là phản ứng viêm của da khi vi khuẩn P. acnes phát triển quá mức. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp khiến vi khuẩn phát triển mạnh là do nang lông bị bít tắc và ứ đọng bã nhờn. Thực tế, vi khuẩn P. acnes sinh sống trên da với số lượng hạn chế và hầu như không gây ra bất cứ vấn đề nào bất thường. Chỉ khi ở môi trường yếm khí (không có oxy), vi khuẩn mới phát triển mạnh, gây mụn và kích thích phản ứng viêm.
Chính vì vậy, làm sạch da là biện pháp phòng ngừa mụn hiệu quả nhất. Vệ sinh da mặt đúng cách giúp nang lông thông thoáng, hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông và ngăn chặn vi khuẩn phát triển, sinh sôi quá mức.
Cách vệ sinh da giúp ngăn ngừa mụn ở tuổi dậy thì:
- Sử dụng sữa rửa mặt 2 lần/ ngày (sáng và tối trước khi đi ngủ). Khi dùng sữa rửa mặt, cần massage kỹ ở những vùng da bài tiết nhiều dầu thừa để làm sạch nang lông và ngăn ngừa mụn.
- Đối với người có làn da bóng nhờn, da tiết nhiều dầu thừa, nên sử dụng các loại sữa rửa mặt chứa thành phần kiểm soát bã nhờn và kháng khuẩn như tinh dầu tràm trà (tea tree oil), BHA, AHA, PHA, trà xanh (green tea extract), chiết xuất vỏ cây liễu,…
- Vào các thời điểm khác trong ngày, có thể rửa mặt với nước ấm hoặc nước mát. Tuyệt đối không dùng sữa rửa mặt quá 2 lần/ ngày. Lạm dụng các sản phẩm làm sạch quá mức có thể khiến da mất lớp dầu tự nhiên dẫn đến tình trạng da suy yếu, khô ráp và bong tróc mạnh.
- Có thể dùng giấy thấm dầu nếu da bài tiết quá nhiều bã nhờn. Giấy thấm dầu có khả năng hút sạch bã nhờn, dầu thừa trong lỗ chân lông, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển mạnh và hạn chế hình thành mụn.
- Nếu sử dụng kem chống nắng hoặc có trang điểm, cần dùng nước tẩy trang vào buổi tối trước khi rửa mặt. Bởi một số thành phần trong các sản phẩm mỹ phẩm có thể tích tụ sâu trong nang lông và không thể làm sạch hoàn toàn chỉ với sữa rửa mặt (trừ những sản phẩm tích hợp công dụng tẩy trang + làm sạch).
- Nên xông mặt 1 – 2 lần/ tuần với các nguyên liệu tự nhiên như vỏ cam, chanh, quế, tinh dầu bạc hà,… Xông mặt giúp hơi nước đi sâu vào lỗ chân lông, cuốn sạch bã nhờn, dầu thừa, tế bào chết và hạn chế sự hình thành của các nốt mụn.
Đa phần người trong độ tuổi dậy thì đều có làn da bóng nhờn và nhiều dầu do sự tăng sinh quá mức của hormone androgen. Tuy nhiên nếu vệ sinh da đúng cách, bạn có thể phòng ngừa và hỗ trợ giảm số lượng mụn đáng kể.
2. Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp
Hầu hết người trong độ tuổi dậy thì chưa có ý thức về việc giữ gìn sức khỏe nói chung và sức khỏe làn da nói riêng. Thống kê cho thấy, hơn 80% nam giới và nữ giới ở lứa tuổi này đều có thói quen ăn uống bừa bãi và thiếu khoa học. Yếu tố này cùng với sự thay đổi nội tiết đột ngột chính là nguyên nhân gây mụn trứng cá, mụn nang và mụn bọc.
Chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa mụn ở tuổi dậy thì hiệu quả:
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột và dầu mỡ. Các loại thực phẩm này có khả năng kích thích phản ứng viêm và thúc đẩy hoạt động tăng tiết bã nhờn của lỗ chân lông. Chính vì vậy, dùng quá nhiều món ăn chứa dầu mỡ, đường và tinh bột có thể khiến da nổi mụn ồ ạt, da bóng nhờn và bài tiết nhiều dầu.
- Tránh dùng các loại thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn. Đa phần các loại thực phẩm này đều chứa chất bảo quản, gia vị và một số thành phần tổng hợp. Khi dung nạp vào cơ thể, các thành phần này kích thích da tiết nhiều bã nhờn và làm tăng nguy cơ hình thành mụn.
- Không nên dùng nước ngọt có gas, cà phê và rượu bia, Cồn và caffeine có thể khiến da đổ nhiều dầu, bề mặt da bóng nhờn và tạo điều kiện cho vi khuẩn P. acne phát triển mạnh. Đối với trường hợp đã bị mụn, nốt mụn có xu hướng sưng đỏ và để lại sẹo thâm đen do sử dụng rượu bia, cà phê và nước ngọt có gas trong thời gian điều trị.
- Uống nhiều nước, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây vào chế độ dinh dưỡng. Cung cấp đủ chất lỏng và vitamin, khoáng chất cho cơ thể giúp cải thiện sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch và kiểm soát hoạt động bài tiết dầu của da.
- Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm như lúa mì, hạt bí, nghêu, hàu, tôm, cua, bí đỏ,… Ngoài lợi ích đối với sức khỏe, kẽm còn có tác dụng điều tiết hoạt động sản sinh dầu, ức chế vi khuẩn P. acne, tăng sức đề kháng cho da và hạn chế hiện tượng viêm ở các nốt mụn.
- Có thể sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa và thực phẩm giàu probiotic (lợi khuẩn) để cải thiện sức khỏe da. Nghiên cứu cho thấy, các nhóm thực phẩm này giúp ổn định hệ vi sinh trên da, giảm dầu, kháng viêm và thúc đẩy da tái tạo, phục hồi.
Bên cạnh những lợi ích đối với làn da, chế độ dinh dưỡng khoa học còn giúp cơ thể phát triển chiều cao tối đa, tăng cường sức đề kháng và kích thích hoạt động của não bộ.
3. Tránh căng thẳng thần kinh
Áp lực từ việc học có thể khiến hệ thần kinh bị căng thẳng quá mức và kéo dài. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và hoạt động của não bộ, stress còn tác động tiêu cực đến làn da và là nguyên nhân gây mụn phổ biến.
Theo các chuyên gia, stress kéo dài khiến nội tiết tố bất ổn, đồng thời kích thích hoạt động bài tiết bã nhờn khiến da nhạy cảm và dễ nổi mụn hơn. Ngoài ra, căng thẳng thần kinh còn làm giảm hoạt động tuần hoàn máu dưới da khiến da chậm phục hồi, tái tạo, dẫn đến tình trạng thâm sạm, nổi nhiều mụn, nốt mụn chậm lành và có nguy cơ để lại sẹo.
Vì vậy bên cạnh việc giữ vệ sinh da mặt và ăn uống điều độ, bạn nên thực hiện một số biện pháp giảm căng thẳng thần kinh để phòng ngừa mụn:
- Nên xây dựng thời gian biểu khoa học và phù hợp. Tránh tình trạng thức khuya học bài hoặc học tập trong suốt một thời gian dài. Tình trạng này không chỉ gây căng thẳng thần kinh mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
- Bên cạnh thời gian học tập, nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để phục hồi cơ thể, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, ngủ đủ giấc còn giúp tái tạo làn da và hạn chế tình trạng bài tiết bã nhờn quá mức.
- Tập thể dục cũng là biện pháp giải tỏa căng thẳng và stress cực kỳ hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt chất thể chất thường xuyên còn giúp điều hòa nội tiết tố, thanh lọc làn da và hỗ trợ đào thải bụi bẩn, tế bào chết tích tụ trong nang lông.
4. Hạn chế trang điểm khi không cần thiết
Trang điểm có thể che đi các vết thâm mụn, lỗ chân lông lớn và vùng da xỉn màu. Tuy nhiên ở giai đoạn dậy thì, việc trang điểm thường không được khuyến khích. Theo các chuyên gia, làn da ở độ tuổi dậy thì có xu hướng đổ nhiều dầu, da khá nhạy cảm và chưa phát triển hoàn chỉnh. Việc tiếp xúc với mỹ phẩm sớm có thể khiến da bị kích ứng, dị ứng và tiết nhiều bã nhờn hơn bình thường.
Ngoài ra, lớp trang điểm còn khiến nang lông bị bít tắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn P. acnes phát triển và gây ra mụn bọc, mụn nang. Hơn nữa, đa phần người ở độ tuổi dậy thì đều chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về cách chăm sóc và làm sạch da sau khi trang điểm. Tình trạng này khiến cho hóa chất, thành phần tổng hợp trong kem nền, phấn mắt,… tích tụ bên trong lỗ chân lông khiến bề mặt da sạm đen và nổi mụn ồ ạt.
Vì vậy để phòng tránh mụn ở tuổi dậy thì, bạn nên hạn chế trang điểm khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải trang điểm, nên ưu tiên sử dụng các loại kem nền, phấn mắt, phấn phủ,… có kết cấu mỏng nhẹ và cần tẩy trang trước khi dùng sữa rửa mặt.
5. Thay đổi một số thói quen xấu
Ngoài ra để ngăn ngừa ở tuổi dậy thì, bạn nên thay đổi một số thói quen xấu sau:
- Tránh sờ tay vào mặt – đặc biệt là nốt mụn. Thói quen này có thể vô tình đưa vi khuẩn lên da và tăng nguy cơ hình thành mụn nang, mụn bọc.
- Nên đeo khẩu trang khi di chuyển dưới trời nắng. Tia UV cùng với các chất gây dị ứng trong không khí có thể khiến da bị kích ứng, sạm đen, tiết nhiều dầu và hình thành mụn.
- Ngoài những nguyên nhân thông thường, mụn cũng có thể xuất hiện do lạm dụng thuốc bôi hoặc các loại kem chứa corticoid. Nhiễm độc corticoid khiến da suy giảm khả năng miễn dịch dẫn đến nổi mụn ồ ạt và lan tỏa.
- Tránh để da tiếp xúc với các bề mặt chứa nhiều bụi bẩn và vi khuẩn như mặt bàn, tường,… Ngoài ra, nên giặt khẩu trang thường xuyên và phơi dưới ánh nắng để tránh vi khuẩn tích tụ và gây ra mụn.
- Không nên thức khuya và ngủ không đủ giấc. Thực tế, chất lượng giấc ngủ suy giảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến da giảm khả năng phục hồi, bài tiết nhiều dầu và có nguy cơ bị mụn cao.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Đối với người ở tuổi dậy thì, nên ưu tiên dùng sản phẩm của các thương hiệu dược mỹ phẩm như La roche – Posay, Bioderma, Cetaphil, Avene, A-derma,…
Hy vọng qua 5 cách ngăn ngừa mụn ở tuổi dậy thì được tổng hợp trong bài viết, bạn có thể xây dựng chế độ chăm sóc hợp lý nhằm nuôi dưỡng làn da và phòng tránh mụn hiệu quả. Trong trường hợp da có độ nhạy cảm cao, dễ kích ứng và nổi mụn, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách phòng ngừa hiệu quả.
Tham khảo thêm: 10+ cách trị mụn hiệu quả sau 1 đêm – Xẹp mụn cấp tốc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!