Bệnh trầm cảm: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
Nội dung bài viết
Bệnh trầm cảm là một tên sát thủ vô hình khiến tâm hồn mỗi người chết dần, họ không còn tìm thấy ánh sáng, không còn niềm vui và không còn muốn tìm lý do để tồn tại. Thế nhưng không dễ để phát hiện bệnh trầm cảm và càng khó hơn để có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn. Cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh nguy hiểm này tại đây.
Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm không còn là một căn bệnh quá xa lạ trong đời sống hiện đại ngày nay. Theo ThS.BS.Chuyên khoa ll Nguyễn Ngọc Quang đang làm việc tại phòng Tư vấn Tâm thần – Tâm lý trị liệu Bệnh viện Chợ rẫy cho biết, có đến 60- 70% người trên thế giới đã từng bị trầm cảm trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của mình. Tùy theo các giải quyết sau đó mà diễn biến bệnh có thể tăng hoặc giảm đi sau đó.
Mặc dù khái niệm về bệnh trầm cảm hiện đang rất phổ biến tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiểu hết về căn bệnh này. Về bản chất, trầm cảm hay rối loạn trầm cảm (Depression/ Major depressive disorder) là một dạng rối loạn khí sắc được đặc trưng bởi sự buồn bã, bi quan, nghi ngờ, sợ hãi kéo dài.
Buồn bã là trạng thái hết sức bình thường khi bạn gặp những chuyện không may, khi bạn thất vọng nhưng đến một thời điểm nào đó nỗi buồn cũng nhanh chóng qua đi. Tuy nhiên ở người mắc bệnh trầm cảm luôn luôn những suy nghĩ tiêu cực trong mọi vấn đề, không điều gì có thể khiến họ trở nên phấn khích, thay đổi tâm trạng và dường như không còn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Bất cứ ai cũng có thể bị trầm cảm từ học sinh, sinh viên, trẻ em, người già.. Trong đó tỷ lệ trầm cảm ở người trẻ hiện đang ngày càng tăng cao. Ngoài ra phụ nữ có thai và sau sinh cũng là đối tượng hàng đầu dễ mắc căn bệnh này. Về lâu về dài, bệnh nhân ngày càng có xu hướng cô lập chính mình, tách biệt bản thân với xung quanh và thậm chí là tự tử để giải thoát cho chính bản thân mình.
Một số dạng trầm cảm phổ biến bao gồm
- Trầm cảm theo mùa
- Trầm cảm sau sinh
- Trầm cảm khi mang thai
- Rối loạn lưỡng cực
- Trầm cảm tình huống
- Loạn thần
- Trầm cảm ẩn
Dấu hiệu của trầm cảm
Khí sắc u buồn là những triệu chứng cực kỳ dễ nhận biết, được biểu hiện thông qua chính những hành vi, suy nghĩ của mỗi người. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra bản thân đang bị trầm cảm. Những người xung quanh đối với bệnh nhân trầm cảm cũng thường chỉ cho rằng người đó có xu hướng tính cách trầm, nội tâm, không thích giao tiếp mà ít nghĩ rằng họ đang gặp vấn đề về tâm lý.
Các triệu chứng điển hình của những người mắc bệnh trầm cảm bao gồm
- Trạng thái trầm uất, buồn bã kéo dài suốt cả ngày
- Ánh mắt vô hồn, lỡ đãng với xung quanh, giảm hứng thú với hầu hết các hoạt động, kể cả những điều trước đó từng rất hứng thú
- Luôn cảm thấy bất hạnh, khốn khổ, có thể khóc bất cứ lúc nào
- Tăng/ giảm cân ngoài ý muốn. Thường là tăng quá mức hoặc giảm quá mức không thể kiểm soát
- Thèm ăn hoặc chán ăn
- Chán nản, thất vọng, bi quan, ngày càng mất niềm tin vào cuộc sống và những người xung quanh
- Cảm thấy trống rỗng, không có động lực sống hay làm việc
- Mất hoặc giảm ham muốn tình dục
- Chậm chạp, uể oải hoặc không muốn làm gì
- Dễ trở nên kích động hơn bình thường
- Không thể tập trung làm việc hay học tập khiến chất lượng công việc sụt giảm
- Có xu hướng tách biệt, khép mình, không muốn giao tiếp, chia sẻ với ai, kể cả bạn bè hay gia đình
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, thường trằn trọc thâu đêm
- Luôn mệt mỏi, ủ dột như không còn chút năng lượng nào
- Luôn nhìn nhận mọi vấn đề trong cuộc sống bằng con mắt tiêu cực
- Cảm thấy uất ức, buồn bã, tủi thân nhưng không thể thể hiện bằng lời
- Có thể ngồi in hay nằm im trong vài giờ liền, thờ thẫn, không để ý đến các hoạt động xung quanh
- Mất tự tin vào chính bản thân bag cũng nghi ngờ những người xung quanh
- Gặp vấn đề về tư duy, không logic, khả năng ghi nhớ kém
- Các biểu hiện thực thể thường gặp như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau lưng, khó thở nhưng không rõ nguyên nhân
- Lạm dụng rượu bia hay chất kích thích
- Nữ giới có thể mất khi nguyệt, âm đạo khô, không còn ham muốn tình dục
- Nam giới mất ham muốn hoặc rối loạn cương dương, xuất tinh sớm
- Có thể khóc hàng giờ liền mà không rõ nguyên nhân
- Có xu hướng tự làm đau bản thân để giải tỏa cảm xúc
- Có suy nghĩ tự tử và thực hiện
Bản thân chính người bệnh phải nhận thấy sự bất thường của mình thì mới có thể điều trị sớm. Ngoài ra ở bệnh nhân trầm cảm ẩn, trầm cảm cười thường rất khó phát hiện do họ có xu hướng dấu các vấn đề của bản thân, bên ngoài vẫn cười nói rất bình thường.
Hiện nay khi các thông tin truyền thông đã cảnh báo về căn bệnh này nhiều hơn nên cũng nhiều người có thể nhận ra tâm lý bản thân có vấn đề. Tuy nhiên do tâm lý, ngại ngùng xấu hổ họ thường dấu bệnh và cũng không đi khám. Hầu hết bệnh nhân chỉ nói ra vấn đề của bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ thực sự không thoát ra được “bóng đen” trong đầu cho dù đã cố gắng vùng vẫy thoát ra nhiều lần.
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm
Thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây trầm cảm. Những người vốn có tính cách nhạy cảm, yếu đuối nội tâm cũng rất dễ bị trầm cảm nếu họ luôn có những tâm sự giữ trong lòng mà không thể giãi bày. Người đang vui vẻ cũng có thể bị trầm cảm nếu đột ngột gặp một cú sốc tâm lý khiến họ mãi sống trong quá khứ và không thể thoát được ra ngoài. Cụ thể nguyên nhân ở mỗi người đều khác nhau, rất khó để chuẩn đoán chung.
Tuy nhiên các nghiên cứu đều chỉ ra rằng khi nghiên cứu não bộ của bệnh nhân trầm cảm đều cho thấy có sự sụt giảm về các chất dẫn truyền thần kinh. Nhưng hiện vẫn chưa có thể giải đáp chính xác đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một số tác động có thể liên quan đến nguyên nhân gây trầm cảm ở đại đa số bệnh nhân bao gồm
- Di truyền: các nghiên cứu đều chỉ ra rằng ở những gia đình có người bị trầm cảm hoặc các vấn đề tâm lý khác thì cũng có nguy cơ cao bị trầm cảm. Chẳng hạn nếu mẹ bị trầm cảm thì con có thể bị ảnh hưởng bởi xu hướng tính cách bất thường, tiêu cực từ mẹ nên cũng dễ mắc bệnh hơn. ngoài ra nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 20% bệnh nhân có di truyền trầm cảm từ cha mẹ thông qua các xét nghiệm về gen.
- Căng thẳng kéo dài: đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây trầm cảm ở rất nhiều người hiện nay. Stress có thể đến từ áp lực học tập công việc, các mối quan hệ khiến bản thân họ không trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, không có thời gian để thư giãn. Stress cứ kéo dài và không thể giải tỏa ra được sẽ dẫn đến trầm cảm.
- Sang chấn tâm lý: các tổn thương tâm ký xuất hiện ở quá khứ khiến họ không thể thoát ra được, luôn bị ám ảnh về nó cũng có thể là tác nhân gây bệnh trầm cảm. Chẳng hạn cú sốc về mất người thân, bị tai nạn giao thông gây ra các tổn thương thực thể, mất đi một cơ quan nào đó..
- Lạm dụng thuốc: thường gặp ở những người lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần kéo dài, đặc biệt ở những người bị stress nặng không ngủ được. Việc làm dụng các thuốc này có thể gây phụ thuộc vào thuốc, làm rối loạn các chất hóa học trong não bộ và tăng nguy cơ trầm cảm, hưng cảm cùng rất nhiều dạng rối loạn tâm thần khác.
- Lạm dụng rượu bia và các chất kích thích: các nghiên cứu cho thấy, có đến 90% những người bị nghiện ma túy, nghiện rượu đều gặp phải các rối loạn tâm thần như trầm cảm, hưng cảm đặc biệt có mức độ nặng cao hơn người bình thường rất nhiều lần. Ngoài ra những bệnh nhân trầm cảm có liên quan đến tác nhân này thường có xu hướng rất kích động, có thể làm tổn thương bản thân và cả những người xung quanh.
- Do bệnh lý: thường gặp ở những người mắc các bệnh mãn tính, bệnh nguy hiểm không thể điều trị được. Chẳng hạn bệnh nhân do tai nạn mà mất đi một chức năng nào đó trên cơ thể, bệnh nhân ung thư, Alzheimer hoặc HIV / AIDS…
Ngoài ra như đã nói, xu hướng tính cách liên quan rất nhiều đến bệnh trầm cảm. Chẳng hạn ở những người vốn đã có suy nghĩ tiêu cực khi gặp các tác động nhỏ thì họ càng tiêu cực hơn, bi quan hơn và không thể tìm cách để giải quyết. Trong khi đó người có xu hướng lạc quan sẽ có thể tìm cách giải quyết, hoặc vượt qua các vấn đề có phần nhẹ nhàng hơn hoặc nếu trầm cảm ở bệnh nhân này cũng thường có mức độ thấp hơn.
Phụ nữ thường là đối tượng dễ trầm cảm hơn do bản chất họ đã yếu đuối, nhạy cảm, dễ xúc động, dễ bị ám ảnh hơn là nam giới. Nam giới thường bị trầm cảm do các tác nhân nghiện ngập, căng thẳng nhiều hơn.
Hệ lụy do bệnh trầm cảm gây ra
Trầm cảm được gọi là “tên sát thủ vô hình” bởi không cần dùng đao, kiếm nó cũng có thể “giết” được người bệnh. Các tổn thương thực thể dù có nhưng đó chỉ là một yếu tố phụ. Sự vui vẻ khiến người ta nhìn về tương lai, muốn sống vì những dự định trước đó. Hy vọng chính là sợi dây ràng buộc con người với cuộc sống, tiếp thêm sức mạnh để họ có thể vượt qua bất cứ khó khăn nào.
Thế nhưng với bệnh nhân trầm cảm, cuộc sống của họ được bao quanh một bóng đen mù mịt. Không điều gì có thể làm họ mỉm cười, cả ngày chỉ sống trong u uất, trong đau khổ, trong sự nghi ngờ và sợ hãi. Họ không thể nhìn được phía trước là gì, không biết bản thân là ai, bản thân muốn gì, mình sống vì cái gì. Dần dần sợi dây kết nối họ với cuộc sống cũng dần đứt, họ càng cố vùng vẫy thì lại càng lún xuống vực thẳm mà không thể nào thoát ra được.
Mặt khác trầm cảm còn gây ra rất nhiều hệ lụy đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn
- Mất đi các mối quan hệ, khó hòa nhập với xã hội do những người bệnh trầm cảm thường có xu hướng tách rời bản thân
- Ảnh hưởng đến chất lượng học tập, công việc, trí não giảm sút
- Tăng nguy cơ mắc các vấn đề về huyết áp, tiêu hóa, tim mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư
- Giảm tuổi thọ
- Mẹ bị trầm cảm có thể dẫn đến rất nhiều các vấn đề cho thai nhi, đặc biệt nếu uống thuốc có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh
- Lạm dụng các chất kích thích
- Trở thanh một con người khác, ngày càng nóng nảy và dễ bị kích động hơn
Đặc biệt để giải tỏa cảm xúc của bản thân rất nhiều người đã lựa chọn các làm đau chính mình như đập đầu vào tường, rạch tay hay bứt tóc. Khi đã chạm đến ngưỡng giới hạn của bản thân, họ có thể đưa ra dấu hiệu cầu cứu và có thể tự tử để giải thoát cho chính mình.
Một thực tế đáng buồn là dù hiện nay các kênh truyền thông đã đưa ra rất nhiều cảnh báo về căn bệnh này nhưng tỷ lệ người tự tử do bị bệnh trầm cảm vẫn không ngừng tăng cao và ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa, thậm chí tỷ lệ này xuất hiện nhiều hơn ở lứa tuổi học sinh. Do đó tuyệt đối không nên chủ quan về căn bệnh này mà cần có hướng điều trị càng sớm càng tốt.
Hướng điều trị trầm cảm
Các triệu chứng thực thể chỉ là một phần trong dấu hiệu bệnh trầm cảm, do đó không thể lấy yếu tố này để xác nhận chính xác bệnh. Với trầm cảm bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm các trắc nghiệm tâm lý, khai thác tiền sử bệnh để chẩn đoán. Nếu các triệu chứng phù hợp với trầm cảm đã kéo dài trên 6 tháng và các bài test đạt điểm số cho phép thì mới có thể lên phác đồ điều trị.
Tuy nhiên điều này còn cần có sự hợp tác của bệnh nhân và gia đình. Một số người không chấp nhận bản thân vị bệnh, dấu diếm bác sĩ, không chia sẻ trung thực với bác sĩ thì cũng rất khó để điều trị. Do đó bác sĩ thường khuyến khích mỗi người nên đi khám tâm lý cùng gia đình, người thân để được hỗ trợ tốt hơn.
Điều trị bằng thuốc
Việc dùng thuốc cho bệnh nhân trầm cảm không có tác dụng loại bỏ bệnh hoàn toàn mà chỉ giúp cải thiện phần nào các triệu chứng, ổn định tinh thần để giảm nguy cơ các biến chứng khác xuất hiện. Bệnh nhân có thể phải uống thuốc từ 6 tháng đến 1 năm, có người phải uống liều duy trì lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh. Tuy nhiên khả năng đáp ứng thuốc cũng phụ thuộc vào từng người, không phải ai cũng cho kết quả như nhau.
Một số loại thuốc điển hình thường được chỉ định cho bệnh nhân trầm cảm như
- Thuốc chống trầm cảm: thường chỉ định các loại thuốc thuộc chống trầm cảm không điển hình, nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine; hoặc các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng
- Thuốc chống loạn thần: với một số loại thuốc phổ biến như Amisulpride, Olanzapine, Risperidone, Clozapine, Paliperidone, Aripiprazole,…
- Thuốc an thần: để cải thiện tình trạng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ cho bệnh nhân
- Thuốc điều hòa khí sắc: một số thuốc phổ biến như Carbamazepine, , Lithium, Lamotrigine, Oxcarbazepine..
- Các thực phẩm chức năng: các loại giúp bồi bổ khí huyết, tăng cường chức năng não bộ..
Các loại thuốc này thường kèm theo một số tác dụng phụ, do đó bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý tăng/ giảm liều mà cần có sự cho phép của bác sĩ. Trong từng đợt tái khám nếu thấy cảm xúc bệnh nhân đã ổn hơn, bác sĩ có thể giảm dần liều thuốc nhưng vẫn cần dùng duy trì đến khi xác nhận bệnh nhân ổn định hoàn toàn thông qua việc nói chuyện hay làm các bài test.
Trị liệu tâm lý
Hầu hết khi uống các loại thuốc điều trị trầm cảm thường mang đến cảm giác không cảm xúc tức không buồn cũng không vui. Điều này có thể làm bệnh nhân giảm các cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên nếu dùng trong thời gian quá dài hay lạm dụng quá mức có thể khiến chính bệnh nhân không thể hiểu được cảm xúc của chính mình. Do đó trị liệu tâm lý là biện pháp thường được hướng đến nhiều hơn với bệnh nhân trầm cảm thay vì dùng thuốc.
Thông qua việc trò chuyện, kết nối với bệnh nhân, các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bệnh nhân hiểu được vấn đề của bản thân nằm ở đâu, tháo gỡ các khúc mắc sâu thẳm trong tâm hồn để bệnh nhân tự tin tiến về hướng ánh sáng. Phương pháp này cũng giúp điều chỉnh các hành vi, suy nghĩ sai lệch của bệnh nhân theo hướng đúng đắn hơn thông qua các biện pháp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Một điều mà bệnh nhân trầm cảm thường gặp phải chính là họ không chia sẻ được vấn đề của mình với ai hoặc có nhưng người đó lại không hiểu. Chính các chuyên gia tâm lý sẽ đóng vai trò là người bạn đồng hành cùng lắng nghe, chia sẻ, đưa ra hướng giải quyết khiến người bệnh có thể chấp nhận được. Từ đó cảm xúc, tư duy, hành vi của bệnh nhân cũng dần cải thiện, những cảm xúc tiêu cực cũng dần biến mất và thay thế bằng những điều lạc quan hơn.
Một số liệu pháp thường được áp dụng cho bệnh nhân trầm cảm như
- Liệu pháp hành vi – nhận thức
- Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân
- Liệu pháp tâm động học
- Liệu pháp phân tâm học
- Liệu pháp giải quyết vấn đề
- Liệu pháp tập trung vào khách hàng
- Liệu pháp gia đình
Tuy vậy hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào việc chuyên gia tâm lý và bệnh nhân có thực sự kết nối được với nhau hau không. Nếu bệnh nhân vẫn khép mình, không trung thực, không sẻ chia với bác sĩ thì rất khó để giải quyết. Quá trình trị liệu thường cũng kéo dài trong vài tháng đến 1 năm, có những bệnh nhân trầm cảm nặng vẫn phải duy trì gặp gỡ bác sĩ tâm lý định kỳ để được hỗ trợ.
Các liệu pháp y tế
Một số biện pháp y tế thông qua việc kích thích não bộ để làm thay đổi hoạt động trong não bộ, kích thích tăng cường sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh cũng được thực hiện trong một số trường hợp. Các liệu pháp phổ biến như
- Liệu pháp sốc điện (ECT),
- Kích thích Transcranial (Kích thích từ xuyên sọ)
- Kích thích dây thần kinh phế vị
Chăm sóc tại nhà
Hầu hết nếu tình trạng trầm cảm không quá nặng sẽ không phải điều trị nội trú mà sẽ được điều trị tại nhà và chỉ cần tái khám định kỳ thường xuyên hơn. Các biện pháp chăm sóc tại nhà cũng đóng vai trò rất lớn trong việc cải thiện bệnh và sớm quay trở lại với nhịp sống bình thường. Các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân trầm cảm không nên sống một mình mà nên ở cùng gia đình, bạn bè để cải thiện bệnh bệnh hiệu quả nhất.
Một số lưu ý trong quá trình chăm sóc người bệnh trầm cảm tại nhà mà bạn có thể tham khảo như
- Người bệnh nên tâm sự, chia sẻ, nói chuyện nhiều hơn cùng gia đình, bạn bè. Gia đình cũng nên tạo không khí thoải mái, tránh gây ra các áp lực hay nói quá nhiều về vấn đề bệnh tật với bệnh nhân
- Nên làm bạn với những người tích cực. Sự lạc quan, vui vẻ hay chỉ đơn giản là nói nhiều cũng giúp ích rất nhiều cho tâm lý những bệnh nhân trầm cảm
- Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày cũng giúp gia tăng các hormone hạnh phúc cho cơ thể và trí não
- Thiền và yoga cũng là những liệu pháp rất tốt giúp bệnh nhân trầm cảm sớm lấy lại sự cân bằng và giảm sự tiêu cực
- Ngủ nhiều hơn, nên tạo thói quen ngủ sớm mỗi ngày
- Ăn uống lành mạnh, khoa học, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, bia rượu
- Tránh xa những điều tiêu cực, những cuộc tranh cãi ngoài đời hay trên mạng
- Đọc sách nhiều hơn, nhất là những cuốn sách mang đến sự tích cực
- Thư giãn cơ thể bằng các xông hơi, tắm nước ấm, massage toàn thân, hít tinh dầu …
- Viết nhật ký cũng là một cách giải tỏa cảm xúc
- Giữ bản thân bận rộn để không suy nghĩ đến những điều tiêu cực
- Tìm kiếm niềm vui ở những hoạt động, sở thích mới
- Tiếp xúc với ánh sáng mỗi ngày, nên mở cửa, kéo rèm cho nhà thông thoáng và tươi mới hơn
- Cố gắng thay đổi những suy nghĩ lạc quan hơn, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
Điều trị bệnh trầm cảm là một chặng đường dài, đòi hỏi sự giúp đỡ phù hợp của bác sĩ, sự kiên trì của bệnh nhân và cả gia đình. Mỗi người nên học cách suy nghĩ, hành động lạc quan tích cực lớn, luôn hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, biết cách giải tỏa căng thẳng mỗi ngày để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc căn bệnh tâm lý nguy hiểm này.
Có thể bạn quan tâm
TIN BÀI NÊN ĐỌC
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!