Viêm Họng Mãn Tính Trong Hội Chứng Trào Ngược Điều Trị Thế Nào?
Nội dung bài viết
Khi không được điều trị đúng cách, viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược có thể gây ra các biến chứng vô cùng nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân gây ra căn bệnh này là gì, cách điều trị như thế nào? Đón đọc ngay ở bài viết dưới để tìm hiểu chi tiết về vấn đề này.
Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính trào ngược dạ dày?
Trào ngược dạ dày hay trào ngược axit là triệu chứng đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD). Tình trạng này xảy ra khi cơ ở cuối thực quản (cơ thắt thực quản dưới/LES) quá lỏng hoặc đóng không đúng cách, tạo điều kiện cho axit và các hạt thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản.
Trào ngược cũng có thể là do gia tăng khí qua thực quản và đến đường thở. Loại trào ngược này được gọi là trào ngược đường thở. Nó còn được gọi là trào ngược thầm lặng vì gây ra các triệu chứng không điển hình, chẳng hạn như đau họng hoặc khàn giọng. Nhiều người không phát hiện ra bản thân bị trào ngược thầm lặng và phải mất khá nhiều thời gian mới có thể được chẩn đoán chính xác.
Cùng với các khí axit, pepsin cũng bị trào ngược vào cổ họng và đường thở. Đây là một loại enzyme rất cần thiết cho tiêu hóa. Pepsin thường cư trú trong dạ dày, hoạt động trong môi trường pH thấp (có tính axit), bởi vậy, enzyme này không thích hợp với môi trường có độ pH điển hình của cổ họng và đường thở.
Trào ngược axit và các thực phẩm có tính axit có thể làm giảm độ pH trong cổ họng, từ đó kích hoạt pepsin. Như đã biết, các tế bào của niêm mạc chủ yếu là protein. Pepsin phá vỡ các protein này và do đó gây kích ứng niêm mạc, gây viêm, sưng ở họng và đường thở. Để đáp ứng với tình trạng viêm, cơ thể cũng tiết ra nhiều dịch nhầy hơn.
Theo cơ chế này, trào ngược axit khiến bạn bị đau họng, khàn giọng, ho và nuốt khó khăn. Viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược cũng xuất phát từ đây.
Bằng cách kích thích niêm mạc, trào ngược axit cũng làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng (như cúm), và từ đó làm tăng khả năng viêm họng do nhiễm trùng.
Viêm họng mãn tính không chỉ gây ra sự khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, nó còn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời:
- Viêm thực quản: Viêm niêm mạc lót lòng thực quản, gây nuốt khó, nuốt đau, đau ngực…
- Chứng khó nuốt: Những người bị chứng khó nuốt nặng có thể cần ống nuôi dưỡng.
- Barrett thực quản: Kích thích niêm mạc trong lòng thực quản thời gian dài làm tổn thương các tế bào lót phần dưới của thực quản, dẫn tới ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Phân biệt viêm họng và viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược
Không dễ phân biệt được viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược với viêm họng thông thường do các nguyên nhân khác.
Yếu tố quan trọng để phân biệt là thời gian: Nếu bạn bị đau họng, viêm họng kéo dài mà không phải do nhiễm virus hay vi khuẩn, thì nguy cơ viêm họng trào ngược axit rất cao.
Người bệnh cũng có thể dựa vào các triệu chứng thực thể để nhận biết bản thân có nguy cơ gặp phải tình trạng nào, tuy nhiên, dự đoán này theo cách này không hoàn toàn chính xác. Người bệnh vẫn nên đi khám chuyên khoa để được chẩn bệnh chính xác.
Viêm họng thông thường bao gồm các triệu chứng:
- Khô họng
- Đau, rát họng
- Cảm thấy vướng họng
- Sốt
- Mệt mỏi
Trong khi đó, viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược axit có thể gây ra các triệu chứng nêu trên và một số triệu chứng khác.
Các triệu chứng có thể gặp phải như:
- Khàn tiếng
- Ho lâu
- Ợ nóng, nóng rát ở ngực
- Cồn cào ruột gan
- Miệng có vị chua
- Cảm giác có gì đó vướng trong cổ họng
- Ăn khó tiêu
- Buồn nôn, nôn
Nếu bạn gặp những triệu chứng trên và chúng không thuyên giảm sau khi áp dụng các phương pháp điều trị viêm họng thông thường, đặc biệt khi chúng kéo dài 10 – 14 ngày, hãy đi khám ngay.
Viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược có chữa được không?
Căn bệnh viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược vẫn có thể điều trị. Tuy nhiên, không thể điều trị khỏi viêm họng trong hội chứng trào ngược hoàn toàn chỉ bằng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay các thuốc cảm lạnh, cảm cúm tiêu chuẩn.
Điều trị từ căn nguyên kết hợp với những thay đổi trong lối sống mới có thể giúp bệnh nhân thoát được căn bệnh phiền toái này.
Thuốc trị viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược
Nếu được chẩn đoán nguyên nhân gây viêm họng mãn tính là do trào ngược axit, bệnh nhân thường được điều trị bằng thuốc.
Điều trị trào ngược
Các loại thuốc chống trào ngược giúp làm giảm hoặc trung hòa axit dạ dày bao gồm thuốc kháng axit, thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton (PPI) .
- Thuốc kháng axit
Thuốc kháng axit có tác dụng trung hòa axit dạ dày bằng cách tăng độ pH và làm giảm các triệu chứng của trào ngược axit.
Ưu điểm:
- Không cần kê đơn.
- Giảm đau và khó chịu ở hệ tiêu hóa.
- Cải thiện tình trạng ợ nóng, nóng rát ở ngực.
Nhược điểm:
- Sử dụng lâu dài có thể cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng.
- Dùng liên tục có thể kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit hơn.
Lưu ý: Các loại thuốc kháng axit chứa thành phần khác nhau có thể tồn tại một số nhược điểm nhất định.
- Aluminum hydroxide: Can thiệp vào sự hấp thu phosphates, có thể gây táo bón, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, gây tổn hại xương.
- Calcium carbonate: Sử dụng không đúng cách có thể gây táo bón, các bệnh về đường tiểu, nhức đầu, thay đổi tâm trạng, yếu cơ, nôn ói…
- Sodium bicarbonate: Có thể gây nhuận tràng, làm thay đổi huyết áp, phù chân…
- Magnesium hydroxide: Thận trọng khi sử dụng đối với bệnh nhân suy thận, bệnh nhân tim mạch và những bệnh nhân bị biến chứng thần kinh.
XEM THÊM: Viêm họng mãn tính quá phát là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
- Thuốc chẹn H2
Thuốc chẹn H2 hoạt động bằng cách ngăn chặn các tế bào trong dạ dày sản xuất quá nhiều axit. Phổ biến nhất là thuốc Ranitidine, Cimetidine, Famotidine, nizatidine…
Ưu điểm:
- Có cả thuốc kê đơn và không kê đơn.
- Giảm tiết dịch vị, có thể được sử dụng trong điều trị loét dạ dày – tá tràng.
- Hấp thu khá tốt (ngoại trừ thuốc Cimetidin).
Nhược điểm:
- Có thể gây một số tác dụng phụ hiếm gặp như hạ huyết áp, chứng vú to ở nam giới, giảm ham muốn tình dục và bất lực.
- Dùng quá mức có thể gây viêm loét dạ dày.
Lưu ý: Các tác dụng phụ nêu trên đều hồi phục khi ngưng thuốc.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là loại thuốc giảm sản xuất axit dạ dày mạnh mẽ nhất. Thường gặp nhất là thuốc Omeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole, Pantoprazole và Esomeprazole.
Ưu điểm:
- Hầu hết thuốc cần phải kê toa. Điều này sẽ hạn chế được việc người bệnh lạm dụng thuốc.
- Tác dụng nhanh, mạnh.
Nhược điểm:
- Làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn gây viêm kết tràng màng giả và nhiễm nấm Candida.
- Có thể gây một số tác dụng phụ tạm thời trên gan, thần kinh, tiêu hóa và máu.
Lưu ý:
- Các tác dụng phụ nêu trên đều hồi phục khi ngưng thuốc.
- Thuốc PPI có thể tương tác yếu với các thuốc trị bệnh khác, như thuốc ngủ, thuốc chống động kinh, thuốc chống đông máu, thuốc hạ huyết áp… Bởi vậy, nên tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng thuốc PPI.
Điều trị triệu chứng
Bên cạnh điều trị nguyên nhân là chủ yếu, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân sử dụng thêm một số loại thuốc giúp giảm bớt các khó chịu do viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược gây ra.
Một số thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng bao gồm:
- Thuốc làm lỏng chất nhầy: Bromhexin, Acetylcystein…
- Thuốc kháng viêm: Alphachymotrypsin, Lysozyme…
- Thuốc kháng histamine: Cetirizine, Chlorpheniramine…
- Thuốc giảm ho: Các chiết xuất từ thảo dược
Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược có thể được kiểm soát đáng kể thông qua những thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
Thực đơn cho người trào ngược dạ dày cần tuân theo quy tắc ít axit và giàu dưỡng chất.
- Viêm họng mãn tính nên ăn gì
Thực phẩm mềm hoặc đồ ăn rắn nhưng được cắt thành miếng nhỏ; Thực phẩm hữu cơ, không biến đổi gene; Thực phẩm giàu chất xơ như rau lá xanh đậm và măng tây; Thực phẩm giàu probiotic như sữa chua; Thực phẩm giàu protein chất lượng cao như thịt bò và thịt gà; Chất béo lành mạnh như dầu dừa hoặc dầu olive…
- Viêm họng mãn tính kiêng ăn gì
Chất tạo ngọt nhân tạo; Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ; Thực phẩm cay, nóng; Thực phẩn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh; Đồ uống chứa cồn; Nước ngọt, có gas, nước tăng lực…
Bên cạnh đó, những thay đổi trong lối sống có thể giúp cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa, từ đó ngăn ngừa viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược:
- Gối cao đầu khi ngủ.
- Tập thể dục và quản lý căng thẳng bằng yoga, thiền, châm cứu…
- Không ăn quá nhiều cùng một lúc. Nên ăn các bữa nhỏ và nhiều lần trong ngày.
- Bỏ hút thuốc lá và rượu bia.
- Không nên ăn uống gần giờ đi ngủ. Nên kết thúc các bữa ăn trước khi đi ngủ ít nhất 2 tiếng.
- Ăn chậm, nhai kỹ để thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn.
Bạn không hề đơn độc trong trận chiến với trào ngược axit. Bởi lẽ, có rất nhiều người đang phải đối mặt với tình trạng này. Kiểm soát viêm họng mãn tính trong hội chứng trào ngược bằng thuốc cùng với các chiến lược thay đổi lối sống có thể giúp giảm triệu chứng, ngăn ngừa bất cứ biến chứng nào có thể gặp phải trong tương lai.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!